Skip to main content

Author: TNTP LAW

Có nên sử dụng ChatGPT trong hoạt động nghề luật không?

ChatGPT đang là một trong những phần mềm chatbot nổi tiếng nhất thế giới tính đến thời điểm hiện tại vì sở hữu khả giao tiếp thông minh và có thể câu trả những câu hỏi phức tạp chỉ trong vài phút. Nhiều ngành nghề trong xã hội đã bắt đầu sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ con người giải quyết các vấn đề. Vậy việc sử dụng ChatGPT trong hoạt động nghề luật có phù hợp với xu hướng hiện nay hay không? Hãy cùng tìm hiểu cùng TNTP trong bài viết này.

1. Tiềm năng của ChatGPT

Như đã đề cập ở trên, ChatGPT là một chatbot có khả năng trả lời mọi câu hỏi người dùng đưa ra bằng cách tìm kiếm và tổng hợp thông tin trong một kho dữ liệu khổng lồ với thời gian nhanh chóng. Khác với các công cụ tìm kiếm truyền thống như Google sẽ đưa ra một danh sách câu trả lời dựa trên câu hỏi của người dùng, ChatGPT chủ động lựa chọn câu trả lời mà nó thấy phù hợp nhất với câu hỏi của người dùng và tổng hợp thành một văn bản. Thậm chí khi người dùng tiếp tục đối đáp với ChatGPT, nó sẽ tiếp tục trả lời người dùng với cách hành văn không kém phần thông minh và hợp lý, một cách hành văn rất “con người” so với những công cụ tìm kiếm hay AI đã được tạo ra trước đây, chính điều này càng khiến cơn sốt ChatGPT càng bùng nổ mạnh mẽ trên Internet.

Rất nhiều người đã thử sử dụng ChatGPT để sử dụng trong công việc nhằm giảm bớt khối lượng phải thực hiện, thực tế đã chứng minh rất nhiều công việc đã được cải thiện với sự trợ giúp của “phụ tá” ChatGPT, ví dụ như nhiều lập trình viên đã sử dụng công cụ này như một máy sửa lỗi với các đoạn Code của mình và đưa ra đánh giá rất tích cực rằng ChatGPT phát hiện và sửa được số lỗi lập trình với tỷ lên khoảng 80%, nhưng với thời gian nhanh hơn người thường gấp nhiều lần.

2. Mặt tối của ChatGPT

Nhiều sinh viên tại Mỹ đã áp dụng công cụ ChatGPT vào việc giải các đề thi đại học và đưa ra một kết quả đáng lo ngại, theo một số nguồn tin thì ChatGPT có thể vượt qua kỳ thi cuối kỳ của Trường Kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania, bốn kỳ thi của Trường Luật của Đại học Minnesota và một phần của kỳ thi Cấp phép Y tế Hoa Kỳ, điều này khiến lãnh đạo nhiều trường đại học tại Mỹ đã áp dụng nhiều phương pháp nhằm loại bỏ hoặc cấm sinh viên sử dụng chatbot này vì sức mạnh của ChatGPT nếu được áp dụng nhằm mục đích gian lận trong các bài kiểm tra thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục tại nước này.

Ngoài ra, nhiều người đã bắt đầu sử dụng công cụ này để viết bài hay tham gia các cuộc thi về thơ hay văn học, việc phân biệt tác phẩm của con người và ChatGPT là rất khó. Theo chuyên gia nghiên cứu AI Alan Mackworth tại Đại học British Columbia – Canada đánh giá thì chỉ có 52% tỷ lệ xác định được bài viết là của AI hay con người, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa nếu bài viết của AI đã được chỉnh sửa bởi con người. Từ đây có thể thấy rằng việc sử dụng ChatGPT ngoài những lợi ích có thể thấy được cũng đang đem đến những thách thức không nhỏ cho xã hội. Chúng ta trước đây nghĩ rằng máy móc chỉ có khả năng thay thế các công việc chân tay của con người, nhưng ChatGPT có lẽ đã khiến chúng ta phải xem xét nghiêm túc vì các công việc lao động trí óc cũng sẽ có khả năng bị máy móc thay thế trong tương lai không xa.

3. ChatGPT ảnh hưởng thế nào đến hoạt động nghề luật

Với khả năng tổng hợp thông tin mạnh mẽ kèm theo một kho dữ liệu đồ sộ, nhiều công ty luật đã bắt đầu sử dụng ChatGPT trong hoạt động nghề luật của mình. Điều này rất dễ hiểu vì sức mạnh của ChatGPT có thể được vận dụng rất hiệu quả trong hoạt động hành nghề luật vốn cần xử lý thông tin nhanh, liên tục với phạm vi rộng lớn. Trên lý thuyết, với các công việc mà luật sư phải tìm kiếm và tổng hợp các quy định pháp lý trong hàng chục văn bản quy phạm pháp luật và mất nhiều ngày để nghiên cứu có thể được ChatGPT giải quyết chỉ trong một vài giờ nếu được cung cấp những câu hỏi phù hợp. Tuy nhiên trên thực tế, ChatGPT đang có một vấn đề nghiêm trọng là tính chính xác của các thông tin này đưa ra không hoàn toàn chính xác, thậm chí một số điều luật đã bị thay đổi hoặc sai hoàn toàn. Nếu hoạt động nghề luật sử dụng các nội dung này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc, thậm chí có thể cung cấp thông tin sai và ảnh hưởng xấu đến lợi ích của khách hàng.

Tai hại hơn nữa, nếu người dùng mặc nhiên coi các đáp án của ChatGPT là đáp số cuối cùng, tư duy pháp lý của người dùng sẽ bị lệ thuộc vào chương trình này, vì việc sử dụng ChatGPT để đưa ra phương án giải quyết mọi vấn đề thay vì tự mình suy luận và đánh giá vấn đề sẽ khiến não bộ không có cơ hội để tư duy và phá triển. Việc này đặc biệt nguy hiểm trong hoạt động hành nghề luật vốn luôn cần tư duy liên tục để giải quyết công việc và phát triển các kỹ năng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận sức mạnh của ChatGPT nếu biết sử dụng đúng cách, có thể nó đưa ra thông tin không đáng tin cậy và cần kiểm chứng nhưng việc tra cứu một thông tin nhanh chóng sẽ xây dựng đủ một khung sườn cơ bản để giải quyết vấn đề. Với các vấn đề pháp lý nếu được đặt đúng câu hỏi, ChatGPT có thể đưa ra những gợi ý hữu ích để giải quyết vấn đề và tiết kiệm rất nhiều thời gian cho các luật sư. Đây là lợi ích không thể phủ nhận về tác dụng của ChatGPT có thể được áp dụng trong lĩnh vực pháp lý nếu ta biết cách sử dụng nó.

Tương tự như cuộc cách mạng công nghiệp trước đây trong lịch sử, sự ra đời và phát triển của một công nghệ mới tạo ra các thách thức nhưng đồng thời cũng tạo ra các cơ hội mới cho sự phát triển của xã hội. ChatGPT cũng là một công nghệ sẽ sớm tác động không nhỏ đến hoạt động hành nghề luật hiện nay của Việt Nam và cả thế giới. Tuy nhiên cũng như lịch sử đã chứng minh, việc bắt kịp và sử dụng công nghệ để tạo ra lợi thế luôn tốt hơn thay vì phủ nhận giá trị của công nghệ và bị đào thải, chúng tôi tin rằng ChatGPT và các nền tảng AI khác nếu được sử dụng đúng cách cũng sẽ có ích và mang lại giá trị cao cho nghề luật nói riêng và cho xã hội nói chung.

Trân trọng,

Những tranh chấp thường gặp trong lĩnh vực xây dựng

Trong lĩnh vực xây dựng giữa các bên thường có thể phát sinh tranh chấp bởi nhiều nguyên nhân và diễn ra tại nhiều giai đoạn của quá trình thực hiện hợp đồng. Đây là điều thường xuyên diễn ra trong ngành xây dựng và ảnh hưởng đến lợi ích của các bên. Trong bài viết này, TNTP sẽ đưa ra những tranh chấp thường phát sinh trong lĩnh vực xây dựng để các doanh nghiệp có thể có phương án đề phòng và chuẩn bị trong hoạt động của mình.

1. Tranh chấp liên quan đến chất lượng công trình

Đây có lẽ là một vấn đề thường xuyên xảy ra tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng. Một trong những tiêu chí quan trọng nhất khi các bên ký kết hợp đồng xây dựng là đảm bảo chất lượng của dự án đúng tiêu chuẩn theo hợp đồng. Thông thường nhà thầu sẽ phải cam kết chất lượng công trình thực hiện đảm bảo đúng cam kết theo hợp đồng với chủ đầu tư, và chủ đầu tư trước khi lựa chọn nhà thầu để xây dựng sẽ phải đánh giá năng lực của nhà thầu có khả năng đáp ứng chất lượng, tiến độ của dự án hay không.

Trong một công trình xây dựng thường sẽ bao gồm nhiều nhà thầu khác nhau như: Nhà thầu thi công xây dựng; nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng; và Nhà thầu tư vấn. Khi xảy ra lỗi liên quan đến chất lượng công trình xây dựng sẽ cần xác định rõ lỗi của bên nào để từ đó có thể đưa ra kế hoạch giải quyết vụ việc.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng là việc đánh giá chưa đúng năng lực của nhà thầu trước khi tiến hành dự án của chủ đầu tư. Theo đó, chủ đầu tư chỉ có thể đánh giá năng lực của nhà thầu dựa trên hồ sơ năng lực của họ và những thông tin về dự án mà nhà thầu phụ đã từng tham gia thực hiện, thực tế cho thấy nhiều nhà thầu phụ đã tự đánh bóng năng lực của mình với các “hồ sơ đẹp” vốn không phản ánh đúng năng lực của họ. Chính việc chủ đầu tư không có đủ khả năng lựa chọn nhà thầu phụ phù hợp cũng khiến quá trình xây dựng gặp nhiểu rủi ro liên quan đến chất lượng công trình.

2. Tranh chấp liên quan đến tiến độ công trình

Tiến độ công trình bị chậm trễ có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau kể cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, cụ thể:

2.1 Nguyên nhân khách quan

Điều kiện thời tiết, thiên tai, dịch hoạ hoặc các trường hợp bất khả kháng tác động. Hoặc các lỗi kỹ thuật phát sinh nằm ngoài khả năng dự liệu của các bên, do sự thay đổi của pháp luật dẫn đến dự án phải điều chỉnh lại thiết kế, điều chỉnh quy hoạch, do quá trình xin giấy phép xây dựng mất nhiều thời gian hơn dự kiến dẫn đến tiến độ dự án bị chậm, nguyên vật liệu xây dựng khan hiếm dẫn đến việc không đảm bảo nguồn cung đầu vào,…

Các nguyên nhân này không xuất phát từ yếu tố lỗi của các bên thực hiện hợp đồng mà từ một bên thứ ba tác động, các nguyên nhân khách quan nằm ngoài khả năng dự liệu của các bên thực hiện hợp đồng và gây ảnh hưởng trực tiếp đến các bên cũng như tiến độ thực hiện dự án.

2.2 Nguyên nhân chủ quan

Thông thường, các nguyên nhân chủ quan là nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm tiến độ xây dựng, thông thường bao gồm:

– Lỗi do Chủ đầu tư như: giám sát dự án không hiệu quả dẫn đến quá trình thực hiện dự án của các nhà thầu gặp sự cố về chất lượng, tiến độ gây ảnh hưởng chung đến tiến độ toàn bộ dự án

– Lỗi do Nhà thầu như: không đảm bảo được chất lượng xây dựng dẫn đến dự án bị trì hoãn vì phải thực hiện việc thay đổi, sửa chữa.

Các nguyên nhân chủ quan này xuất phát từ lỗi của chủ đầu tư hoặc nhà thầu trong dự án, việc các bên không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình đã dẫn đến hậu quả là dự án bị chậm tiến độ. Do đó, để giải quyết vấn đề phát sinh nếu nguyên nhân xuất phát từ lỗi của các bên thì các bên cần nhận thức được lỗi phát sinh của mình để có thể đưa ra phương án giải quyết. Nếu các bên không thể tự thương lượng để giải quyết tranh chấp thì có thể đưa vụ việc giải quyết tại các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bao gồm Trọng tài thương mại hoặc Toà án nhân dân có thẩm quyền.

Trên đây là bài viết của TNTP liên quan đến Những tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực xây dựng, mong rằng bài viết trên có ích với hoạt động của các doanh nghiệp.

Trân trọng,

Các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thu hồi nợ bằng phương tiện công nghệ tại Việt Nam

Hoạt động thu hồi nợ là một dịch vụ rất phổ biến hiện nay với hình thức khác nhau, một trong số đó là hoạt động thu hồi nợ qua việc áp dụng các phương tiện công nghệ như sử dụng điện thoại, tin nhắn, email và Internet. Tuy nhiên, việc áp dụng các phương tiện công nghệ trong hoạt động thu hồi nợ không tuân thủ pháp luật có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Trong bài viết này TNTP sẽ đưa ra ý kiến về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thu hồi nợ bằng phương tiện công nghệ tại Việt Nam.

1. Thực trạng sử dụng phương tiện công nghệ để thu hồi nợ

Việc sử dụng các phương tiện công nghệ phục vụ việc thu hồi nợ là điều rất phổ biến hiện nay. Việc liên hệ với bên nợ qua email hay điện thoại thường là biện pháp đầu tiên mà các bên cung cấp dịch vụ thu hồi nợ áp dụng vì tiết kiệm thời gian với chi phí rẻ. Chỉ với một cuộc trao đổi điện thoại kéo dài từ vài phút đến vài chục phút cũng sẽ đem lại kết quả nhất định cho quá trình thu hồi nợ, thậm chí có khả năng thu hồi ngay một khoản nợ nếu bên nợ thực sự hợp tác thanh toán. Hơn nữa, việc liên hệ này cũng nhằm mục đích thăm dò thiện chí thanh toán của các bên nợ, không ít những trường hợp bên nợ sau khi biết số của bên thu hồi nợ đã tiến hành chặn số hoặc có thái độ không hợp tác, hoặc không còn sử dụng số thuê bao cũ,… Sau khi xác định được bước đầu bên nợ có thái độ hợp tác thanh toán hay không mà các bên thu hồi nợ có thể áp dụng biện pháp phù hợp.

Nhiều tổ chức tín dụng hiện nay cũng đã xây dựng những kho dữ liệu thu thập thông tin của bên nợ để phục vụ quá trình thu hồi nợ. Các kho dữ liệu này được lấy từ thông tin của chính bên nợ khi đăng ký các tài khoản vay tại ngân hàng, hoặc từ các nguồn khác mà ngân hàng có mối quan hệ. Khi đó, các dữ liệu của bên nợ sẽ được cung cấp cho các đội ngũ thu hồi nợ của chính ngân hàng, hoặc các công ty luật mà doanh nghiệp sử dụng dịch vụ thu hồi nợ.

Như vậy có thể thấy, việc sử dụng phương tiện công nghệ để thu hồi nợ tại Việt Nam đang được sử dụng phổ biến và đem lại nhiều giá trị, tuy nhiên nếu sử dụng công nghệ để tiến hành việc thu hồi nợ trái pháp luật sẽ để lại nhiều hậu quả xấu cho xã hội.

2. Lợi dụng công nghệ để tiến hành thu hồi nợ trái pháp luật

Tuy nhiều hoạt động thu hồi nợ sử dụng công nghệ trong phạm vi pháp luật cho phép, rất nhiều bên thu hồi nợ đã áp dụng trái phép các phương tiện công nghệ để thu hồi nợ. Tiêu biểu như việc sử dụng Internet để đăng tải hình ảnh, thông tin bên nợ với mục đích đe doạ, khủng bố tinh thần của bên nợ (thậm chí là người thân của bên nợ), những hành vi này có thể cấu thành các tội phạm được quy định tại Bộ luật hình sự.

Hiện nay, nhiều công ty thu hồi nợ đã bị cơ quan cảnh sát điều tra và khởi tố với các tội như: “Cưỡng đoạt tài sản”, “Bôi nhọ danh dự, nhân phẩm”, và “Tội Vu khống”. có thể lấy ví dụ trong tháng 2/2023, Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” tại công ty Pháp Việt với nhiều hành vi vi sử dụng công nghề thu hồi nợ trái phép như gọi điện thoại đe doạ, khủng bố bên nợ. Đăng tải thông tin, hình ảnh đã cắt ghép của bên nợ lên các Cáo phó nhằm mục đích đe doạ, ép buộc bên nợ phải thanh toán. Công an tỉnh Kiên Giang xác định được các đối tượng vi phạm đã tiến hành đe doạ, khủng bố cưỡng đoạt tài sản của hàng nghìn nạn nhân và thu được số tiền bất chính gần 1.000 tỷ đồng.

Có thể thấy các hành vi sử dụng công nghệ trên đều đã xâm phạm các quyền về thông tin cá nhân cũng như ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của bên nợ, đồng thời những hành vi này cũng đã cấu thành các tội phạm theo quy định tại Bộ luật hình sự, việc lợi dùng công nghệ để tiến hành thu hồi nợ trái pháp luật là một hành vi rất nghiêm trọng và cần phải được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật

Trên đây là bài viết về chủ đề “Các vấn đề pháp lý liên quan đến việc thu hồi nợ bằng phương tiện công nghệ tại Việt Nam” của TNTP, mong rằng bài viết này sẽ có ích với các độc giả.

Trân trọng,

Kỹ năng thu hồi nợ cần thiết cho nhân viên thu hồi nợ tại Việt Nam

Hoạt động thu hồi nợ tại Việt Nam đang là một trong những dịch vụ cần thiết và có nhu cầu lớn đối với xã hội, nhất là ở thời điểm sau đại dịch Covid-19 khi nền kinh tế đi xuống dẫn đến việc phát sinh công nợ là điều không thể tránh khỏi của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để dịch vụ thu hồi nợ tại Việt Nam đạt hiệu quả cao và thực sự đem lại lợi ích cho khách hàng thì những nhân viên thu hồi nợ cũng phải được trang bị những kỹ năng thu hồi nợ cần thiết. Hãy cùng tìm hiểu về chủ đề này cùng TNTP trong bài viết sau.

1. Được trang bị kiến thức pháp luật

Dịch vụ thu hồi nợ hiện nay đòi hỏi các nhân viên thu hồi nợ phải nắm được các quy định của pháp luật liên quan, vì cũng như các ngành nghề khác trong xã hội, quá trình tác nghiệp của nghề thu hồi nợ cần đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật. Rất nhiều công ty thu hồi nợ thực hiện những hoạt động thu hồi nợ trái phép đã bị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng chế tài xử lý mạnh tay vì xâm phạm đến quyền và lợi ích của những cá nhân, tổ chức được pháp luật bảo vệ.

Do đó, đây là kỹ năng thu hồi nợ cần thiết nhất đối với các nhân viên thu hồi nợ để giúp họ tránh được những rủi ro trong quá trình hành nghề, hơn nữa còn giúp họ đưa ra các phương án giải quyết phù hợp với từng hoàn cảnh của vụ việc. Đây là kỹ năng mà mỗi nhân viên thu hồi nợ phải được trau dồi và ưu tiên tiếp thu đầu tiên khi hành nghề.

2. Kỹ năng giao tiếp

Là một hoạt động cung cấp dịch vụ nên kỹ năng giao tiếp cũng rất quan trọng trong hoạt động thu hồi nợ. Trong mọi vụ việc thu hồi nợ, nhân viên đều phải giao tiếp với những người khác nhau, từ khách hàng, cơ quan có thẩm quyền và bên nợ. Do đó, để đảm bảo truyền đạt được rõ ràng nội dung, ý chí và thể hiện quan điểm của mình thì nhân viên thu hồi nợ cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt. Thậm chí sự thành công của việc thu hồi nợ phụ thuộc rất lớn vào kỹ năng giao tiếp, vì khi nhân viên không chuyên nghiệp và thể hiện sự do dự, yếu thế khi đàm phán thu hồi nợ thì sẽ không có tác động lớn đến bên nợ và không thể yêu cầu bên nợ thực hiện thanh toán.

3. Linh hoạt giải quyết vấn đề

Cũng như mọi ngành nghề khác trong xã hội, dịch vụ thu hồi nợ cũng có những khó khăn và thử thách. Khi phải đối mặt với những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công việc, nhân viên thu hồi nợ cần phải có kỹ năng giải quyết vấn đề một cách linh hoạt. Ví du như khi trao đổi với một bên nợ có thái độ không hợp tác thì nhân viên phải có cách cư xử kiên quyết, đưa ra căn cứ cụ thể, rõ ràng và nhấn mạnh yêu cầu trả nợ hoặc sẽ tiến hành các biện pháp pháp lý phù hợp để buộc bên nợ phải thanh toán. Tuy nhiên, nếu nhân viên xác định được bên nợ có ý chí thanh toán, tuy nhiên cần thời gian để chuẩn bị khả năng tài chính thì có thể tiếp cận một cách mềm dẻo và trên tinh thần thiện chí hơn. Ngoài ra, không ít những trường hợp bên nợ thay đổi thái độ từ hợp tác sang bất hợp tác thì nhân viên thu hồi nợ cũng sẽ phải có phương pháp và cách giải quyết đối ứng để đảm bảo phù hợp với vụ việc.

4. Kiên nhẫn

Khi khách hàng đã sử dụng dịch vụ thu hồi nợ thì thông thường đó phải là khoản nợ khách hàng không thể tự thu hồi được, khi đó, việc thu hồi nợ sẽ không đơn giản là trao đổi thông thường và bên nợ sẽ thanh toán. Có nhiều khoản nợ khách hàng đã “bỏ quên” nhiều năm dẫn đến quá trình xử lý mất rất nhiều thời gian. Hơn nữa quá trình thu hồi nợ phụ thuộc rất lớn vào khả năng tài chính của bên nợ, do đó có thời gian thu hồi nợ có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Khi đó sự kiên nhẫn là kỹ năng thu hồi nợ cần thiết của mỗi nhân viên thu hồi nợ để có thể theo đuổi vụ việc đến cùng nhằm đem lại lợi ích cho khách hàng.

5. Trung thực

Cốt lõi của dịch vụ thu hồi nợ là đem lại cho khách hàng khoản tiền mà bên nợ không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng hạn. Do đó nếu nhân viên thu hồi nợ trong quá trình trao đổi với bên nợ không trung thực, không cung cấp chính xác thông tin khoản nợ bên nợ thanh toán, hoặc “cấu kết” với bên nợ để gian dối trong việc đưa ra nhận định về vấn đề , hoặc để trục lợi đối với các khoản thanh toán của bên nợ sẽ dấn đến quá trình thu hồi nợ không đạt kết quả hoặc kéo dài. Nghiêm trọng nhất là việc nếu hành vi gian dối bị phát hiện sẽ khiến khách hàng mất niềm tin vào công ty và không còn muốn hợp tác, thậm chí ảnh hưởng đến uy tín của cả công ty thu hồi nợ. Như mọi kỹ năng thu hồi nợ cần thiết khác, sự trung thực là đức tính cần được bảo đảm để đạt kết quả tốt nhất trong công việc cũng như đảm bảo uy tín của chính nhân viên thu hồi nợ với công ty.

Trên đây là bài viết về:” Kỹ năng cần thiết cho nhân viên thu hồi nợ tại Việt Nam”, mong rằng bài viết này có ích với các doanh nghiệp.

Trân trọng.

 

Nên lựa chọn tòa án hay trọng tài để giải quyết tranh chấp thương mại?

Trọng tài và Tòa án là hai hình thức giải quyết tranh chấp thương mại thường được các bên lựa chọn khi không thể thương lượng thành công. Mỗi hình thức đều có những đặc điểm, ưu điểm và hạn chế riêng. Vì vậy, trong bài viết này, TNTP sẽ làm rõ sự khác biệt, ưu điểm và hạn chế của hai hình thức giải quyết tranh chấp này để độc giả có thêm cơ sở để lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phù hợp và tối ưu nhất.

1. Ưu điểm và hạn chế của Tòa án và Trọng tài khi giải quyết tranh chấp thương mại

1.1 Ưu điểm và hạn chế của Tòa án

  • Ưu điểm:

– Bản án/quyết định thường có tính cưỡng chế thực hiện cao hơn phán quyết của Trọng tài.

– Mức án phí/tạm ứng án phí thấp hơn so với Trọng tài.

– Tạm ứng án phí có thể được hoàn trả một phần hoặc toàn bộ theo Bản án/Quyết định của Tòa án.

– Xét xử công khai, mang tính răn đe.

  • Hạn chế:

– Trình tự thủ tục xét xử không linh hoạt, phải tuân theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự.

– Việc lựa chọn Tòa án để giải quyết tranh chấp phải tuân theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự.

– Thời gian giải quyết tranh chấp thường kéo dài lâu hơn so với giải quyết tại Trọng tài.

– Xét xử công khai nên sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các bên tranh chấp, hình ảnh, uy tín trên thị trường hay bí mật kinh doanh của các bên tranh chấp.

1. 2 Ưu điểm và hạn chế Trọng tài

  • Ưu điểm:

– Là phương thức giải quyết tranh chấp dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Các bên có thể lựa chọn trọng tài vụ việc hoặc trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp, trọng tài viên giải quyết tranh chấp,…

– Trình tự thủ tục linh hoạt, thời gian giải quyết vụ án nhanh chóng.

– Phán quyết của Trọng tài mang tính chung thẩm (tức là hiệu lực cuối cùng và không bị kháng cáo như Bản án/Quyết định của Tòa án) và có giá trị như Bản án/Quyết định của Tòa án.

– Bảo mật thông tin vì giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

  • Hạn chế:

– Phí Trọng tài cao hơn nhiều so với Tòa án.

– Việc điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tốn nhiều thời gian và hạn chế hơn so với Tòa án.

– Phán quyết Trọng tài có thể bị xem xét hủy bởi Tòa án khi có đơn yêu cầu của một bên.

– Thi hành Phán quyết Trọng tài thường phức tạp hơn so với thi hành Bản án/quyết định của Tòa án.

2. Những điểm khác biệt về giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án và Trọng tài

Giải quyết tranh chấp thương mại tại Tòa án:

  • Thẩm quyền:

– Có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về dân sự nói chung, tranh chấp về kinh doanh thương mại nói riêng.

– Không có thẩm quyền giải quyết và phải từ chối thụ lý vụ việc khi các bên có thỏa thuận trọng tài (trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được).

  • Thủ tục:

Một số bước cơ bản nhất khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án:

– Nguyên đơn khởi kiện Bị đơn tại Tòa án có thẩm quyền.

– Hòa giải tiền tố tụng.

– Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

– Xét xử.

Việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án có thể thực hiện qua hai cấp xét xử: sơ thẩm và phúc thẩm, Bản án/Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật còn có thể được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

  • Hiệu lực của Bản án/Quyết định của Tòa án:

Bản án/Quyết định của Tòa án có thể phải trải qua hai cấp xét xử là sơ thẩm, phúc thẩm và có thể được xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái nên Bản án/Quyết định có thể thay đổi.

  • Thi hành Bản án/Quyết định của Tòa án:

Bản án/Quyết định của Tòa án có tính chất ràng buộc và được đảm bảo thi hành bởi các cơ quan thi hành án.

Giải quyết tranh chấp thương mại tại Trọng tài:

  • Thẩm quyền:

– Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài khi các bên có thỏa thuận trọng tài được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

– Những tranh chấp thuộc thẩm quyền của Trọng tài:

– Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.

– Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

– Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

  • Thủ tục:

Một số bước cơ bản nhất khi giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài:

– Nguyên đơn gửi Đơn khởi kiện tới Trung tâm Trọng tài.

– Nguyên đơn và Bị đơn chọn Trọng tài viên.

– Điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ.

– Hội đồng Trọng tài thông báo ngày của Phiên họp giải quyết tranh chấp.

– Các bên tranh chấp tham gia Phiên họp giải quyết tranh chấp.

– Phán quyết Trọng tài được ban hành.

Hiệu lực của Phán quyết Trọng tài:

– Phán quyết Trọng tài có tính chung thẩm, tức là phán quyết cuối cùng, buộc các bên phải thi hành.

– Tuy nhiên, Phán quyết Trọng tài có thể bị Tòa án tuyên hủy theo Điều 68, Điều 69 Luật Trọng tài thương mại 2010.

  • Thi hành Bản án/Quyết định của Tòa án:

– Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành Phán quyết Trọng tài.

– Hết thời hạn thi hành Phán quyết Trọng tài mà bên phải thi hành không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ Phán quyết Trọng tài theo Điều 69 của Luật Trọng tài thương mại 2010, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành Phán quyết Trọng tài.

– Đối với Phán quyết của Trọng tài vụ việc, bên được thi hành có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành Phán quyết Trọng tài sau khi Phán quyết được đăng ký theo quy định tại Điều 62 của Luật Trọng tài thương mại 2010.

– Việc thi hành Phán quyết Trọng tài được thực hiện theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự.

Như vậy, tùy vào vụ việc cụ thể và nhu cầu của mình mà các cá nhân và doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp thương mại nêu trên. Mỗi hình thức đều có đặc điểm và ưu điểm, hạn chế riêng, do vậy việc hiểu rõ tính chất của mỗi hình thức sẽ giúp các cá nhân và doanh nghiệp đưa ra lựa chọn phù hợp và tối ưu nhất.

Trên đây là chia sẻ kiến thức pháp lý của TNTP về “Nên lựa chọn Tòa án hay Trọng tài để giải quyết tranh chấp thương mại?”. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.

Trân trọng.

Mối quan hệ giữa giải quyết tranh chấp và thu hồi nợ

Trong hoạt động kinh doanh, một trong số những vấn đề các doanh nghiệp thường gặp là giải quyết tranh chấp và thu hồi công nợ. Đây đều là các vấn đề liên quan đến quá trình giải quyết các vấn đề tài chính, duy trì dòng tiền của doanh nghiệp nhưng lại có bản chất khác nhau. Trong bài viết này, TNTP sẽ giải thích sự khác biệt giữa giải quyết tranh chấp và thu hồi nợ đối với các doanh nghiệp.

1. Giải quyết tranh chấp trong hoạt động của doanh nghiệp

Tranh chấp trong hoạt động của doanh nghiệp có thể phát sinh trong mọi khía cạnh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Đó có thể là tranh chấp về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng như tranh chấp về việc không giao hàng, không thanh toán tiền,… Tranh chấp liên quan đến mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người sử dụng lao động như việc giảm lương, bồi thường, thay đổi chức vụ, sa thải người lao động.

Nếu quá trình hoạt động của doanh nghiệp giống như việc lái một con thuyền giữa biển, việc giải quyết tranh chấp tương tự như cách để vận hành con thuyền đi đúng hướng và không bị chìm. Nếu các tranh chấp phát sinh nhưng không được giải quyết kịp thời có thể ảnh hường nghiêm trọng đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp, hoặc thậm chí có thể khiến doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh mất khả năng thanh toán và không còn đủ khả năng hoạt động. Đó là chưa kể đến những phát sinh pháp lý có thể khiến doanh nghiệp bị xử phạt hoặc bị áp dụng các biện pháp pháp lý khác.

Do đó, việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động của doanh nghiệp có tầm quan trọng tương đương với việc vận hành doanh nghiệp.

2. Thu hồi nợ doanh nghiệp

Là quá trình doanh nghiệp tiến hành các biện pháp để buộc bên nợ hoặc các đối tác thanh toán khoản tiền mà họ có nghĩa vụ thanh toán nhưng không thanh toán đúng hạn. Mục đích của việc thu hồi nợ nhằm đảm bảo thanh khoản của doanh nghiệp và giảm thiểu các khoản nợ quá hạn nhằm hạn chế tối đa rủi ro tín dụng của doanh nghiệp.

Các phương pháp thu hồi nợ có thể bao gồm: Thương lượng, đàm phán, khởi kiện hoặc sử dụng dịch vụ thu hồi nợ của các công ty luật. Tuỳ thuộc vào số tiền cần thu hồi nợ, mức độ quan trọng của khoản nợ mà doanh nghiệp sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp.

Nếu doanh nghiệp không có biện pháp thu hồi nợ hiệu quả và khéo léo có thể dẫn đến nhiều rủi ro trong quá trình hoạt động như mất nguồn khách hàng hoặc đối tác, mất khả năng kiểm soát dòng tiền dẫn đến quá trình hoạt động gặp khó khăn.

Ngoài ra, việc thu hồi nợ sẽ yêu cầu các kỹ năng và khả năng dự phòng, chuẩn bị vì trong quá trình thu hồi nợ, doanh nghiệp cũng sẽ phải bỏ ra chi phí và nhân lực, cũng như thời gian để tiến hành việc thu hồi nợ. Đó là chưa kể đến việc các giai đoạn thu hồi nợ kéo dài hoặc thậm chí không đem lại kết quả. Do đó, các doanh nghiệp cần đầu tư cho bộ phận pháp chế, hoặc sử dụng dịch vụ thu hồi nợ để đảm bảo hiệu quả thu hồi nợ, cũng như tiết kiệm tối đa chi phí và thời gian trong quá trình thu hồi nợ.

3. Mối quan hệ giữa giải quyết tranh chấp và thu hồi nợ

Tuy tranh chấp và nợ là hai vấn đề khác nhau trong hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên, chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi doanh nghiệp có các khoản nợ không được thanh toán đúng hạn, thì có thể dẫn đến các tranh chấp phát sinh. Ngược lại, khi các tranh chấp phát sinh hoàn toàn có thể dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi nợ. Do đó, việc giải quyết tranh chấp và thu hồi nợ là hai vấn đề không thể tách rời trong hoạt động của doanh nghiệp. Việc kết hợp giữa giải quyết tranh chấp và thu hồi nợ sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hoá hoạt động kinh doanh của mình, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp.

Trân trọng,

Hậu quả của việc thu hồi nợ không đúng pháp luật tại Việt Nam

Thu hồi nợ tại Việt Nam là dịch vụ được nhiều doanh nghiệp sử dụng và là một trong những dịch vụ cần thiết đối với xã hội. Tuy nhiên, hoạt động thu hồi nợ không đúng pháp luật lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho bên sử dụng và cả bên thực hiện thu hồi nợ, Trong bài viết sau, TNTP sẽ phân tích những hậu quả của việc thu hồi nợ không đúng pháp luật tại Việt Nam.

1. Khái niệm

Hoạt động thu hồi nợ không đúng luật bao gồm tất cả những hành vi thu hồi nợ xâm phạm đến quyền và lợi ích của cá nhân, pháp nhân theo quy định của pháp luật. Có thể lấy ví dụ như các hành vi sau:

  • Công khai hình ảnh, thông tin cá nhân, địa chỉ của bên nợ lên các phương tiện truyền thông mà không được sự đồng ý của bên nợ nhằm gây hoang mang, uy hiếp tinh thần bên nợ.

Khi bên nợ không trả nợ đúng hạn, chủ nợ thường lập tức công khai các hình ảnh, thông tin cá nhân như địa chỉ nơi ở, nơi làm việc, tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, căn cước công dân của bên nợ. Thậm chí, cả những hình ảnh, thông tin của gia đình, người thân bên nợ cũng bị chủ nợ công khai trên mạng xã hội hoặc ở nơi công cộng. Có thể coi hành động này là một trong những hành động phổ biến nhất của chủ nợ khi bên nợ không trả nợ đúng hạn.

  • Xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của bên nợ.

Đây là hành vi rất phổ biến khi chủ nợ xúc phạm, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của bên nợ khi bên nợ không trả đúng hạn. Trên thực tế, rất nhiều vụ án hình sự xuất phát từ việc chủ nợ chửi bới, dùng từ ngữ thô tục đối với bên nợ. Kết quả khiến chủ nợ bị bên nợ tố cáo vì hành vi vi phạm pháp luật.

  • Gọi điện, liên hệ với những người quen của bên nợ để yêu cầu trả nợ thay cho bên nợ.

Hành động gọi điện, liên hệ với những người quen, bạn bè, gia đình của bên nợ để yêu cầu họ trả nợ thay cho bên nợ là một hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp rất phổ biến của các công ty tài chính. Tuy nhiên đây cũng là một hành vi thu hồi nợ bất hợp pháp.

  • Đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, phá hoại tài sản của bên nợ

Hành vi sử dụng vũ lực nhằm đe doạ bên nợ rất phổ biến và thường xuất hiện trên các phương tiện thông tin truyền thông bởi tính chất nghiêm trọng của các hoạt động này. Những hành vi không những xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của bên nợ mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội.

2. Hậu quả của việc thu hồi nợ trái pháp luật

  • Trước tiên, hoạt động thu hồi nợ trái pháp luật khiến xã hội nhìn nhận và đánh giá tất cả các hoạt động thu hồi nợ đều là những dịch vụ trái phép.

Trên thực tế, hoạt động thu hồi nợ là cần thiết đối với quá trình vận hành của xã hội và có rất nhiều hoạt động thu hồi nợ hợp pháp được xã hội cho phép hoạt động, tuy nhiên chính hoạt động thu hồi nợ trái phép tràn lan đã dẫn đến sự hiểu nhầm của xã hội đối với dịch vụ này. Do đó, chính những hoạt động thu hồi nợ gây xôn xao dư luận lại hạn chế chính nhu cầu sử dụng dịch vụ thu hồi nợ của xã hội, vì những cá nhân, tổ chức muốn thu hồi nợ một cách hợp pháp lại thường dễ bị ảnh hưởng nhầm lẫn rằng hoạt động thu hồi nợ thường là trái pháp luật, mang tính chất “xã hội đen”.

  • Thứ hai, việc các bên tiến hành hoạt động thu hồi nợ trái pháp luật sẽ phải đối mặt với các biện pháp lý, thậm chí có thể bị khởi tố hình sự

Những biện pháp thường thấy của những bên thu hồi nợ trái pháp luật như gọi điện xúc phạm đe doạ, sử dụng vũ lực hoặc phá hoại tài sản của bên nợ đều là những hành vi vi phạm luật và có chế tài xử lý được quy định rất rõ ràng tại Bộ luật Hình sự. Các hành vi trên đều xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân được pháp luật bảo vệ, đồng thời gây mất trật tự an toàn xã hội. Do đó những người thực hiện hành vi thu hồi nợ trái pháp luật có khả năng cao sẽ bị các cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố và áp dụng các chế tài xử lý như phạt tiền hoặc phạt tù.

Hành vi thu hồi nợ trái pháp luật tiềm ẩn rủi ro với cả những người thu hồi nợ và cả những người sử dụng dịch vụ này. Pháp luật đã quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm để răn đe với những hành vi coi thường pháp luật. Do đó, với những cá nhân, tổ chức mong muốn sử dụng dịch vụ thu hồi nợ một cách hợp pháp và chuyên nghiệp vui lòng liên hệ đến những công ty luật có chuyên môn cao trong lĩnh vực này để đảm bảo quyền và lợi ích của chính mình. Chúng tôi sẽ giúp khách hàng tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí và đảm bảo việc thu hồi nợ được tiến hành một cách hiệu quả và đúng pháp luật.

Trân trọng,

Các rủi ro pháp lý đối với hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai

Các giao dịch liên quan đến hoạt động mua bán tài sản hình thành trong tương lai diễn ra ngày càng phức tạp, chứa đựng nhiều rủi ro pháp lý, trong khi quy định của pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này còn nhiều “khoảng trống” hoặc chồng chéo lên nhau. Trong phạm vi bài viết này, TNTP sẽ đánh giá, phân tích một số rủi ro pháp lý đối với hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai nhằm dự liệu cho khách hàng những rủi ro khi giao kết hợp đồng này.

I. Thứ nhất, quy định pháp luật chưa chi tiết và cụ thể

Bộ luật Dân sự năm 2015 (“BLDS”) chỉ định nghĩa khái niệm tài sản hình thành trong tương lai mà chưa đưa ra các quy định điều chỉnh đối với hoạt động giao kết hợp đồng mua bán nhóm tài sản này. Tương tự trong các quy định của pháp luật chuyên ngành, khung pháp lý chưa theo kịp sự ra đời và phát triển của các loại tài sản hình thành trong tương lai mới xuất hiện gần đây, điển hình là một số loại hình bất động sản như: căn hộ văn phòng có nhân viên lưu trú (officetel), căn hộ khách sạn (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng (resort villa), nhà ở kết hợp cửa hàng kinh doanh (shophouse), nhà ở kết hợp khách sạn (hometel), …

II. Thứ hai, quy định pháp luật còn bất cập, hạn chế, chưa thống nhất

Khi Bộ luật Dân sự 2015 chưa có những quy định hướng dẫn cụ thể thì quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai sẽ được điểu chỉnh chủ yếu bởi pháp luật chuyên ngành. Tuy nhiên, ngay chính trong quy định của pháp luật chuyên ngành về hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai vẫn còn một số quy định xung đột lẫn nhau, ảnh hưởng đến hiệu quả áp dụng pháp luật trên thực tế và gây ra những rủi ro đáng kể đối với quyền lợi của các bên trong hợp đồng.

Ví dụ, Luật Đất đai năm 2013, chưa có quy định thống nhất giữa Luật nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 về quyền sử dụng đất của cá nhân nước ngoài tại Việt Nam đã dẫn đến không thể thực hiện được việc cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà cho người nước ngoài khi thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, mặc dù họ đã nhận bàn giao nhà và sử dụng.

Hay như pháp luật quy định chưa thống nhất về việc có bắt buộc công chứng hay công chứng theo yêu cầu đối với các loại hợp đồng chuyển nhượng bất động sản nói chung và bất động sản hình thành trong tương lai nói riêng giữa tổ chức kinh doanh bất động sản và cá nhân, tổ chức khác. Việc thực hiện công chứng hay không phụ thuộc vào nhu cầu của các bên. Ngoài ra, việc pháp luật nhà ở cho phép các doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản khi giao dịch, mua bán nhà ở thương mại hình thành trong tương lai không cần công chứng, chứng thực dẫn đến tình trạng bên nhận chuyển nhượng không thể tra cứu, xác minh được nhà ở đã được giao dịch trước đó hay chưa và khả năng lớn phát sinh tranh chấp với bên thứ ba. Đồng thời, do bất cập trong quy định về việc công chứng hợp đồng mua bán bất động sản hình thành trong tương lai chưa có cơ chế giám sát chủ đàu tư thực thi các trách nhiệm trong giao dịch bất động sản nên dẫn đến các trường hợp chủ đầu tư cố ý không thực hiện đúng trách nhiệm của mình theo quy định pháp luật.

III. Thứ ba, nguy cơ bị vi phạm hợp đồng lớn

Mặc dù, pháp luật chuyên ngành có quy định một số điều kiện đối với hoạt động ký kết hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai nhưng các quy định điều chỉnh còn nằm rải rác ở các văn bản khác nhau nên người mua sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo luật định. Một số vi phạm xuất phát từ phía bên bán gây rủi ro lớn cho bên mua có thể kể đến như: vi phạm nghĩa vụ bàn giao và chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua; tự ý ép giá, tăng giá bán tài sản; bàn giao tài sản không đúng chất lượng, mô tả trong hợp đồng; không thực hiện thủ tục đăng ký chứng nhận quyền sở hữu/ quyền sử dụng cho bên mua, vv…

Quy định pháp luật còn bất cập, mâu thuẫn cũng dẫn đến tình trạng mua bán trá hình. Đặc biệt là đối với nhóm tài sản bất động sản hình thành trong tương lai. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cố tình lách luật để huy động vốn trái phép bán nhà ở thương mại hình thành trong tương lai khi chưa đủ điều kiện mở bán. Những giao dịch giả tạo trên giữa chủ đầu tư và khách hàng gây rủi ro lớn cho các bên, đặc biệt là khách hàng.

Nhằm hạn chế những rủi ro phát sinh trong quá trình mua bán tài sản hình thành trong tương lai, khách hàng cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về tình trạng pháp lý, hình thành của tài sản; cũng như cần có sự trang bị, am hiểu, tư vấn pháp luật khi giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán; tạo môi trường giao dịch an toàn và minh bạch.

Trên đây là bài viết “Các rủi ro pháp lý đối với hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai”. Chúng tôi hy vọng bài viết này hữu ích với bạn.

Trân trọng.

Doanh nghiệp cố ý cho người lao động “ngồi không – ăn lương” có vi phạm pháp luật không?

Thời gian gần đây các trang mạng xuất hiện nhiều về câu truyện của một người lao động nữ, tên là Q đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang được dư luận rất quan tâm và nhiều Cơ quan Báo chí, truyền thông đưa tin vì người lao động ngồi không vẫn hưởng nguyên lương.

Được biết, chị Q đã giao kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Công ty A từ năm 2014, chị Q được phân công làm nhân viên phát triển mẫu, đến thời điểm hiện tại mức lương của bà Q là hơn 40 triệu đồng/tháng.

Công việc của chị vẫn diễn ra bình thường cho đến năm 2021, chị Q có mua và sử dụng 1 sản phẩm của Công ty A mà chị đang làm việc, theo chị Q cho biết thì chất lượng sản phẩm này không tốt và công việc bảo hành sản phẩm không được ưng ý dẫn đên chị Q và cửa hàng của Công ty đã có một số việc không được “vui vẻ”.

Mặc dù sau đó sự việc đã được giải quyết êm xuôi, nhưng theo chị Q chia sẻ trường hợp của chị đã được cửa hàng thông tin tới Công ty với cáo buộc rằng chị Q quấy rối cửa hàng.

Sự việc sau đó theo lời kể của chị Q thì Công ty đã mở cuộc họp để làm rõ, kết quả là đại diện cửa hàng khẳng định các yêu cầu của chị đối vừa cửa hàng là đúng nhưng là một nhân viên của công ty thì việc làm này của chị là không thể chấp nhận được. Hơn thế nữa, từ tháng 11/2021 Công ty đã yêu cầu chị ngừng tất cả công việc đang làm, không phân công công việc cho chị nhưng vẫn yêu cầu chị phải đến Công ty ngồi một chỗ.

Cũng theo chị Q, trong thời gian này, chị Q đã nhiều lần được Công ty gợi ý “nghỉ việc”.

Mặc dù sự việc trên vẫn đang được xác minh và làm rõ thêm, chưa có kết luận để khẳng định Công ty Decathlon đang cố cô lập, ép buộc chị Q nghỉ việc nhưng rõ ràng những sự việc tương tự đang xảy ra không hề ít trong quan hệ lao động hiện nay.

Trong bài viết ngày hôm nay, TNTP sẽ gửi tới các bạn phân tích và đánh giá nhanh việc “Công ty trả lương nhưng để người lao động ngồi không là đúng hay sai?”

1.Người sử dụng lao động có đang vi phạm pháp luật không?

Chúng ta cần làm rõ việc người sử dụng lao động vẫn trả lương cho người lao động ngồi không, nhưng cố ý không phân công công việc cho người lao động. Rõ ràng ở đây người lao động vẫn đang làm việc theo công việc đã thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng “không có việc” để làm mà thôi và thực tế người sử dụng lao động vẫn trả lương đầy đủ cho người lao động đối với công việc người lao động đã được phân công.

Vậy nên trong trường hợp này rất khó để có thể chứng minh được việc người lao động không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động.

2. Hệ quả mà người lao động có thể phải đối mặt

Nếu dưới góc nhìn hài hước thì rõ ràng người lao động ở đây đang “ngồi mát – bát vàng”, nhưng thực tế ai trong số chúng ta đều hiểu “có làm thì mới có ăn” và không một người lao động nào cảm thấy vui vẻ, thỏa mái lĩnh lương mỗi tháng của công ty khi rơi vào tình trạng này cả. Vậy người lao động có thể làm gì?

  • Người lao động chủ động xin nghỉ việc: trong trường hợp này, việc xin nghỉ việc và nhận lại một số quyền lợi chắc chắn sẽ là lựa chọn của nhiều người. Một số trường hợp, người lao động đã tự ý nghỉ việc vì quá bất mãn với công ty do đó đã mất nhiều quyền lợi chính đáng của mình khi bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lê được quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 36 Bộ luật lao động về Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động.
  • Người lao động vẫn tiếp tục đến công ty: việc hai bên cùng thi gan chắc chắn không ai thỏa mái cả, trong trường hợp này người lao động sẽ phải chịu rất nhiều áp lực, công ty cô lập, đồng nghiệp kỳ thị.

Những câu chuyện như của chị Q nêu trên xảy ra không phải ít, mặc dù chưa biết ai đúng ai sai nhưng rõ ràng đây cũng là một lỗ hổng trong pháp luật lao động của nước ta cần phải hoàn thiện, bổ sung. Việc có những chế tài pháp luật chi tiết, cụ thể hơn đối với những trường hợp này không chỉ đảm bảo quyền lợi của mỗi bên khi giao kết quan hệ lao động mà góp phần xây dựng một môi trường lao động lành mạnh và phát triển hơn.

Trên đây là bài viết của TNTP về việc doanh nghiệp cố ý cho người lao động ngồi không – ăn lương có vi phạm pháp luật không? Hi vọng bài viết này có ích cho các doanh nghiệp và các bạn đọc.

Trân trọng,

Đăng ký nhượng quyền thương mại – những vấn đề cần lưu ý

Hiện nay, các doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam đặc biệt ưa chuộng hình thức đầu tư, kinh doanh Nhượng quyền thương mại để có thể nhanh chóng tăng độ phủ sóng, chiếm lĩnh thị phần cũng như tạo giá trị cho thương hiệu doanh nghiệp. Theo đó, trong bài viết “Nhượng quyền thương mại – Những vấn đề cần lưu ý” dưới đây, TNTP sẽ giúp quý độc giả hiểu thêm những khía cạnh pháp lý cần lưu ý trước khi nhượng quyền hoặc đăng ký nhượng quyền thương mại.

I. Nhượng quyền thương mại là gì?

Căn cứ Điều 284 Luật thương mại 2005, Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

“Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”

II. Điều kiện, đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại

1. Điều kiện hoạt động nhượng quyền thương mại

Căn cứ Điều 8 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 sửa đổi Điều 5 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại: “Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã hoạt động ít nhất 01 năm”.

Hiện tại, tại Việt Nam, chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, giải thích về “hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã hoạt động ít nhất 01 năm”.

Tham khảo quan điểm của Bộ Công Thương về việc giải đáp vướng mắc của Công ty TNHH Feddy được đăng tải trên Báo điện tử Chính phủ ngày 05/03/2019 đối với nội dung hỏi “mốc thời gian bắt đầu tính hoạt động của hệ thống dự định nhượng quyền là kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề bán buôn, bán lẻ phù hợp, hay là ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam?”, Bộ Công Thương đã trả lời:

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018, điều kiện đối với nhượng quyền như sau: “Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm”. Điều kiện “đã được hoạt động ít nhất 01 năm” áp dụng đối với hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền, không áp dụng cho thương nhân. Do đó, 01 năm là thời gian được tính từ ngày cấp giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh của cửa hàng đầu tiên thuộc hệ thống kinh doanh của thương nhân, đồng thời cửa hàng và hệ thống kinh doanh đó phải triển khai hoạt động kinh doanh thực sự trong thực tế.

2. Đăng ký nhượng quyền thương mại

Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 120/2011/NĐ-CP có hiệu từ ngày 01/02/2012, đã bổ sung quy định về nhượng quyền thương mại, các trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền bao gồm: nhượng quyền trong nước và nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài; đối với các trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền thì chỉ cần thực hiện chế độ báo cáo đối với Sở Công Thương.

Ngoài những trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền nêu trên, trước khi tiến hành nhượng quyền thương mại, thương nhân dự kiến nhượng quyền (bao gồm cả thương nhân nước ngoài dự kiến nhượng quyền) phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (“NĐ 35/2006/NĐ-CP”).

III. Trách nhiệm cung cấp thông tin của các bên trong nhượng quyền thương mại

1. Trách nhiệm cung cấp thông tin của Bên nhượng quyền

Căn cứ Điều 8 NĐ 35/2006/NĐ-CP quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của Bên nhượng quyền thì Bên nhượng quyền có trách nhiệm cung cấp bản sao hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu và bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại của mình cho bên dự kiến nhận quyền ít nhất là 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại nếu các bên không có thỏa thuận khác. Các nội dung bắt buộc của bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại do Bộ Công thương quy định và công bố.

Bên cạnh đó, Bên nhượng quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho tất cả các Bên nhận quyền về mọi thay đổi quan trọng trong hệ thống nhượng quyền thương mại làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại của Bên nhận quyền.

Nếu quyền thương mại là quyền thương mại chung thì ngoài việc cung cấp thông tin theo nội dung trên thì Bên nhượng quyền thứ cấp còn phải cung cấp cho bên dự kiến nhận quyền bằng văn bản các nội dung sau đây: thông tin về Bên nhượng quyền đã cấp quyền thương mại cho mình; nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại chung và cách xử lý các hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp trong trường hợp chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại chung.

2. Trách nhiệm cung cấp thông tin của bên dự kiến nhận quyền

Đối với Bên dự kiến nhận quyền thì pháp luật không quy định cụ thể các nội dung mà Bên dự kiến nhận nhượng quyền phải cung cấp cho Bên nhượng quyền. Tuy nhiên, Bên dự kiến nhận quyền phải cung cấp cho Bên nhượng quyền các thông tin mà Bên nhượng quyền yêu cầu một cách hợp lý để quyết định việc trao quyền thương mại cho Bên dự kiến nhận quyền.

Trên đây là một số nội dung pháp lý liên quan đến hoạt động đăng ký nhượng quyền thương mại, TNTP mong rằng bài viết trên sẽ mang đến cho độc giả những thông tin hữu ích.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự

  • Văn phòng tại Hồ Chí Minh:
    Phòng 1901, Tầng 19 Tòa nhà Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Văn phòng tại Hà Nội:
    Số 2, Ngõ 308 Tây Sơn, Phường Thịnh Quang, Quận Đống Đa, Hà Nội
  • Email: ha.nguyen@tntplaw.com


    Bản quyền thuộc về: Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự