Thu hồi công nợ là hoạt động cần thiết để doanh nghiệp duy trì dòng tiền của mình trong hoạt động kinh doanh, tuy nhiên hoạt động này chỉ áp dụng khi đã phát sinh công nợ. Một trong những cách hiệu quả để có thể chủ động bảo vệ dòng tiền của doanh nghiệp là giảm thiểu tối đa tỷ lệ phát sinh nợ xấu trước khi chúng xảy ra. Trong bài viết sau, luật sư của TNTP sẽ đưa ra những quan điểm và cách để giảm thiểu tỷ lệ phát sinh nợ xấu của đối tác trong hoạt động của doanh nghiệp.

1. Phân tích năng lực tài chính của đối tác trước khi giao kết hợp đồng

Một trong những cách để biết một doanh nghiệp có hoạt động ổn định và có giá trị khi giao kết hợp đồng hay không là phải xác định năng lực tài chính của doanh nghiệp đó. Thông thường các đối tác tìm đến các doanh nghiệp luôn đưa ra những hứa hẹn và cam kết lợi nhuận rất hấp dẫn, tuy nhiên để đảm bảo những thông tin này là đúng thì doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm các thông tin để phân tích năng lực tài chính của đối tác. Các thông tin này có thể được tham khảo bằng các Báo cáo tài chính hằng năm của họ, các dự án trước đây doanh nghiệp đó đã thực hiện, hoặc các đánh giá của những đối tác khác về doanh nghiệp đó,…

Việc một doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt sẽ giúp quá trình hợp tác giữa hai bên trở nên thuận lợi và cũng đảm bảo doanh nghiệp đó có khả năng để thanh toán nợ nếu quá trình hợp tác xảy ra những bất lợi không thể lường trước.

2. Thường xuyên tiến hành đối chiếu công nợ với đối tác

Khi đối tác phát sinh công nợ, điều đầu tiên các doanh nghiệp cần thực hiện là tiến hành đối chiếu công nợ định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý để luôn nắm được chính xác khoản nợ và sự xác nhận của đối tác với khoản nợ đó. Ngoài ra, chính việc đối chiếu công nợ là một biện pháp “nhắc nhở” nhẹ nhàng với đối tác về nghĩa vụ thanh toán khoản nợ.

Đối chiếu công nợ là tài liệu rất cần thiết để phục vụ quá trình thu hồi công nợ về sau, do đó ngay từ những ngày đầu phát sinh khoản nợ doanh nghiệp phải nhanh chóng tiến hành gửi các đối chiếu công nợ và yêu cầu bên nợ xác nhận. Đôi khi trong trường hợp phía đối tác từ chối việc xác minh công nợ cũng sẽ là dấu hiệu ban đầu để doanh nghiệp có cơ sở nghi ngờ khả năng hoạt động của đối tác đang có vấn đề và có thể sẽ phát sinh nợ xấu trong tương lai và chuẩn bị các biện pháp thu hồi nợ cần thiết.

3. Quy định cụ thể về thời hạn thanh toán và giải quyết tranh chấp trong hợp đồng, thỏa thuận

a) Luôn yêu cầu đối tác phải đặt cọc, thanh toán trước phần lớn giá trị hợp đồng

Trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, các khoản nợ giữa các đối tác thông thường là bên sử dụng dịch vụ hoặc bên mua hàng, khi đó doanh nghiệp cần thỏa thuận rõ trong hợp đồng về việc yêu cầu đối tác thanh toán phần lớn giá trị của hợp đồng, đơn hàng trước khi doanh nghiệp giao hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Đây là một điều khoản quan trọng để hạn chế rủi ro và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trước khi giao hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhưng không nhận được tiền. Tuy nhiên đây là một điều khoản khá bất lợi với các đối tác nên doanh nghiệp cần cân nhắc đưa điều khoản này vào hợp đồng tùy thuộc vào mức độ quan trọng của phía đối tác để tránh khiến họ e ngại ký hợp đồng và ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.

b) Quy định cụ thể về điều khoản phạt nếu chậm thanh toán

Một trong những nguyên nhân dễ dàng khiến đối tác sẵn sàng chậm thanh toán vì không có chế tài xử lý với hành vi chậm thanh toán này của họ. Các doanh nghiệp thường không đưa các điều khoản về phạt thanh toàn vào hợp đồng, thỏa thuận vì lo lắng rằng có thể khiến các đối tác cảm thấy bị bất lợi và không ký hợp đồng. Tuy nhiên, trong hoạt động kinh doanh cần phải rõ ràng và những quy định ràng buộc này hơn hết sẽ bảo đảm tốt nhất quyền lợi của các bên nếu có tranh chấp xảy ra. Đồng thời quy định này cũng sẽ khiến đối tác phải cân nhắc khi có ý định thanh toán chậm vì khi đó sẽ phải thanh toán một số tiền lớn cho doanh nghiệp, gây hao hụt một lượng tiền trong ngân sách của đối tác đó.

c) Quy định cụ thể về cơ quan giải quyết tranh chấp

Thông thường, các bên khi giao kết hợp đồng thường lựa chọn tòa án có thẩm quyền hoặc Trung tâm trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp các doanh nghiệp không có kinh nghiệm pháp lý đã xác định sai cơ quan giải quyết tranh chấp dẫn đến việc quá trình giải quyết tranh chấp nếu có phát sinh sau này bị bất lợi. Theo quy định của pháp luật, các bên trong giao dịch có quyền lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp miễn là không trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên đôi khi có những trường hợp cùng một vụ việc nhưng có nhiều cơ quan có thẩm quyền giải quyết dẫn đến các doanh nghiệp không biết phải lựa chọn cơ quan nào để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình. Thậm chí một số trường hợp như Trung tâm Trọng tài thương mại chỉ giải quyết vụ việc nếu các bên liên quan có điều khoản lựa chọn đúng trung tâm trọng tài đó giải quyết tranh chấp.

Việc quyết định cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ ảnh hưởng đến thời gian, công sức và chi phí của doanh nghiệp nếu tiến hành việc khởi kiện giải quyết tranh chấp. Do đó doanh nghiệp cần tìm hiểu quy định pháp lý thật chính xác nhằm có thể xác định cơ quan giải quyết tranh chấp mong muốn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Trên đây là bài viết về chủ đề: “Cách giảm thiểu tỷ lệ phát sinh nợ xấu của đối tác trong hoạt động của doanh nghiệp” của luật sư TNTP. Mong rằng bài viết này có trong với hoạt động của các doanh nghiệp.