Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền ảo
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa công nhận tiền ảo là một loại tài sản hay phương tiện thanh toán hợp pháp. Theo quy định tại Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, tiền ảo không thuộc danh mục phương tiện thanh toán hợp pháp. Tuy nhiên, hoạt động mua bán, trao đổi và đầu tư tiền ảo vẫn diễn ra phổ biến và có thể tạo ra một nguồn thu rất lớn đối với các cá nhân. Do đó, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng đang từng bước nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý phù hợp để quản lý loại hình giao dịch này, đồng thời đưa ra các quy định liên quan đến nghĩa vụ thuế. Trong bài viết dưới đây, luật sư của TNTP sẽ cung cấp những thông tin quan trọng về thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền ảo, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về các quy định hiện hành và những vấn đề cần lưu ý sau này.
1.Lợi nhuận từ đầu tư tiền ảo có chịu thuế thu nhập cá nhân không?
Hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, đồng thời tiền ảo chưa được xem là tài sản. Do đó, lợi nhuận đầu tư từ tiền ảo chưa phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, các cơ quan chuyên ngành đã bắt đầu xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh về vấn đề này, bao gồm hoạt động xây dựng dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số hay Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế. Theo đó, tiền ảo có thể được xem là tài sản số và Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ bổ sung các quy định về thu nhập chịu thuế liên quan đến tiền ảo.
2.Cách xác định mức thuế suất có thể được áp dụng để tính thuế thu nhập cá nhân từ tiền ảo.
Nếu tiền ảo được pháp luật Việt Nam thừa nhận, cơ quan thuế có thể áp dụng các quy định chung để đánh thuế thu nhập từ đầu tư tiền ảo theo các cách sau:
- Thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn: Căn cứ quy định tại Điều 23 Văn bản hợp nhất Luật Thuế thu nhập cá nhân số 03/VBHN-VPQH năm 2024, thuế suất áp dụng đối với thu nhập từ đầu tư vốn là 5%. Do đó, nếu xem đầu tư tiền ảo là một hình thức đầu tư, lợi nhuận từ việc mua bán có thể bị đánh thuế theo mức 5% trên tổng thu nhập.
- Thuế thu nhập cá nhân từ kinh doanh: Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 10 Văn bản hợp nhất Luật Thuế thu nhập cá nhân số 03/VBHN-VPQH năm 2024, thì thuế suất đối với hoạt động kinh doanh là 0,5% – 5% tuỳ theo doanh thu đối với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Do đó, nếu cá nhân thường xuyên giao dịch tiền ảo để kiếm lời, cơ quan thuế có thể coi đây là hoạt động kinh doanh và áp dụng mức thuế suất 0,5% – 5% tùy theo doanh thu.
- Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng tài sản: Căn cứ quy định tại Điều 23 Văn bản hợp nhất Luật Thuế thu nhập cá nhân số 03/VBHN-VPQH năm 2024 thì thuế suất áp dụng là 0,1% – 20% tuỳ theo loại tài sản chuyển nhượng. Theo đó, trong trường hợp tiền ảo được xem là tài sản số, thuế suất có thể là 0,1% – 20% trên doanh thu chuyển nhượng.
Như vậy, thuế suất áp dụng đối với thu nhập từ việc phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo có thể là 0,1 – 20% tuỳ theo cách xác định loại thu nhập chịu thuế trong trường hợp tiền ảo được pháp luật Việt Nam công nhận.
3.Cách kê khai và nộp thuế
Do chưa có hướng dẫn cụ thể về kê khai thuế đối với thu nhập từ tiền ảo, tuy nhiên nếu thu nhập từ tiền ảo là đối tượng chịu thuế thì cá nhân có thể tham khảo cách kê khai thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn hoặc kinh doanh theo quy định tại Điểm a và b Khoản 1 Điều 7 của Nghị định 126/2020/NĐ-CP như sau:
- Bước 1: Xác định tổng thu nhập từ đầu tư, mua bán, trao đổi tiền ảo trong kỳ tính thuế.
- Bước 2: Áp dụng mức thuế suất phù hợp theo quy định.
- Bước 3: Kê khai thuế tại cơ quan thuế hoặc qua hệ thống kê khai thuế điện tử.
- Bước 4: Nộp thuế theo thông báo của cơ quan thuế.
Theo đó, những cá nhân thực hiện đầu tư tiền ảo có thể tham khảo quy trình kê khai thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
4.Rủi ro pháp lý khi không nộp thuế
Mặc dù thu nhập từ tiền ảo chưa phải là đối tượng chịu thuế, tuy nhiên trong thời gian sắp tới, nếu tiền ảo được công nhận là tài sản số và thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo là đối tượng chịu thuế theo quy định pháp luật thì cá nhân không thực hiện kê khai và nộp thuế đối với lợi nhuận từ tiền ảo, có thể đối mặt với các chế tài xử phạt theo Luật Quản lý thuế, bao gồm:
- Phạt chậm nộp thuế: Căn cứ theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế năm 2019, mức tính tiền chậm nộp là 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp.
- Phạt vi phạm hành chính: Phạt tiền tùy mức độ vi phạm theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
- Truy thu thuế và xử lý hình sự: Nếu số tiền trốn thuế lớn, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Theo đó, trong trường hợp thu nhập tiền ảo là đối tượng chịu thuế thì cá nhân khi chậm nộp thuế đối với lợi nhuận từ tiền ảo có thể phải chịu các trách nhiệm pháp lý tuỳ theo hành vi và mức độ.
Như vậy, mặc dù chưa có quy định cụ thể về thuế đối với lợi nhuận từ tiền ảo, tuy nhiên các cá nhân, nhà đầu tư cần cân nhắc và theo dõi các chính sách mới từ cơ quan thuế và một số lĩnh vực liên quan để tránh rủi ro pháp lý. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về nghĩa vụ thuế đối với tiền ảo, cá nhân có thể tham khảo ý kiến từ cơ quan thuế hoặc chuyên gia tư vấn thuế để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Trên đây là bài viết “Thuế thu nhập cá nhân đối với lợi nhuận từ đầu tư tiền ảo” mà luật sư TNTP gửi đến Quý Độc giả. TNTP hi vọng bài viết này giúp ích cho Quý Độc giả.
Trân trọng,