Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần khôi phục sau thời gian khó khăn của Đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngoài tiến hành các hoạt động kinh doanh cũng đang chú trọng quá trình thu hồi công nợ để đảm bảo nguồn tài chính của mình. Tuy nhiên trong quá trình thu hồi công nợ, các doanh nghiệp có thể gặp những trường hợp không còn khả năng thanh toán khoản nợ. Khi gặp phải trường hợp như vậy cần phải làm gì để bảo đảm tốt nhất chi phí và hiệu quả thu hồi nợ? Trong bài viết này, TNTP sẽ đưa ra ý kiến của mình để giải đáp câu hỏi trên.

1. Phân loại

Việc một doanh nghiệp được xác định không còn khả năng thanh toán khoản nợ là khi doanh nghiệp này không còn khả năng duy trì hoạt động của mình, không phát sinh doanh thu nên không thể có nguồn tiền để thực hiện việc thanh toán công nợ. Doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán có thể được chia làm 02 nhóm sau:

• Nhóm doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động
• Nhóm doanh nghiệp vẫn đang hoạt động nhưng thực tế không còn phát sinh doanh thu

Việc xác minh trạng thái doanh nghiệp thuộc trường hợp tạm ngừng hoạt động hay vẫn đang hoạt động được thể hiện tại nội dung Cổng tra cứu thông tin người nộp Thuế; hoặc Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Việc biết được bên nợ thuộc nhóm nào sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn và tiến hành phương án cần thiết, do đó doanh nghiệp cần xác minh tình trạng hoạt động của bên nợ trước khi tiến hành các biện pháp pháp lý tiếp theo để thu hồi công nợ.

2. Trường hợp trạng thái bên nợ đang tạm dừng hoạt động

Một doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là trạng thái doanh nghiệp đó đã thông báo đến cơ quan quản lý có thẩm quyền về việc tạm dừng mọi hoạt động của mình trong một khoảng thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian này doanh nghiệp sẽ không tiến hành bất cứ hoạt động kinh doanh nào, không phát sinh doanh thu và không phải nộp hồ sơ khai thuế. Tuy nhiên sau một thời gian thì doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động có thể thực hiện các thủ tục để hoạt động trở lại.

Theo đó, trường hợp bên nợ của doanh nghiệp đang ở trạng thái tạm dừng hoạt động nhưng có khả năng hoạt động trong tương lai thì doanh nghiệp có thể cân nhắc việc khởi kiện tại Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là Trọng tài Thương Mại hoặc Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bên nợ thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Sau khi Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đã ban hành Phán quyết/Bản án/Quyết định có hiệu lực pháp luật thì doanh nghiệp có thể nộp đơn đề nghị thi hành án đối với Phán quyết/Bản án/Quyết định này. Việc thi hành án sẽ được Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền sử dụng quyền lực nhà nước để buộc bên nợ phải thực hiện thanh toán. Kể cả khi bên nợ đang ở trạng thái tạm ngừng hoạt động nhưng cơ quan thi hành án cũng sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để liên hệ, yêu cầu bên nợ phải thực hiện thanh toán hoặc đưa ra lộ trình thanh toán cụ thể. Trường hợp bên nợ không có khả năng thanh toán thì cơ quan thi hành án sẽ tiến hành xác minh, cưỡng chế, phong tỏa tài sản, tài khoản ngân hàng và có thể tiến hành các biện pháp tác động đến người đại diện theo pháp luật như ra Quyết định tạm hoãn xuất cảnh để đảm bảo quá trình thi hành án.

3. Trường hợp bên nợ vẫn ở trạng thái đang hoạt động nhưng thực tế đã mất khả năng thanh toán

Trong trường hợp doanh nghiệp tra cứu tại Cổng tra cứu thông tin người nộp Thuế; hoặc Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và thấy rằng trạng thái của bên nợ vẫn đang hoạt động. Tuy nhiên trên thực tế, doanh nghiệp xác định được rằng bên nợ đã không còn hoạt động và mất khả năng thanh toán công nợ. Khi đó doanh nghiệp có thể thực hiện việc nộp Đơn đề nghị đề nghị tuyên bố phá sản theo quy định tại Luật phá sản.

Theo quy định của Luật phá sản, trường hợp bên nợ không thực hiện thanh toán khi đến hạn quá 03 tháng thì chủ nợ có quyền nộp Đơn đề nghị đề nghị tuyên bố phá sản với bên nợ kèm theo các tài liệu, chứng cứ liên quan. Khi đó, Tòa án có thẩm quyền sẽ xem xét nội dung vụ việc để ban hành hoặc không ban hành Quyết định tuyên bố phá sản.

Sau khi ban hành Quyết định tuyên bố phá sản, những người tiến hành thủ tục phá sản như: Cơ quan thi hành án, quản tài viên, chánh án, thẩm phán tòa án, viện kiểm sát sẽ tiến hành lên danh sách xác minh và định giá toàn bộ tài sản còn lại của bên nợ để tiến hành thanh lý tài sản. Theo đó, bên nợ buộc phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán các nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ tài chính với nhà nước và các khoản công nợ bằng tài sản thuộc sở hữu của bên nợ. Hơn nữa, sau khi Tòa án đã ban hành Quyết định tuyên bố phá sản thì mọi giao dịch nhằm mục chuyển nhượng tài sản của bên nợ cho bên thứ ba khác sẽ bị coi là vô hiệu để đảm bảo quá trình thực hiện nghĩa vụ về tài sản của bên nợ khi thực tiến hành thủ tục phá sản. Như vậy, sau khi bên nợ bị tiến hành thủ tục phá sản thì doanh nghiệp sẽ được nhận lại khoản tiền cho vay trong trường hợp tài sản của bên nợ đủ để thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ.

Trên đây là bài viết về chủ đề “Phải làm gì khi bên nợ không còn khả năng thanh toán?”. Mong rằng bài viết này sẽ có ích trong quá trình thu hồi nợ của các doanh nghiệp.

Trân trọng,