Khi tiến hành hoạt động thu hồi nợ, trong một số trường hợp mà giải pháp thương lượng không có kết quả hoặc khi bên nợ không hợp tác thanh toán thì chủ nợ có thể xem xét áp dụng các biện pháp pháp lý để thu hồi công nợ. Trong bài viết sau, luật sư của TNTP sẽ đưa ra các biện pháp lý thường được áp dụng khi thu hồi công nợ để các doanh nghiệp có thể tham khảo trong quá trình thu hồi nợ của mình.

1. Khiếu nại đến cơ quan thuế có thẩm quyền

Trong một số trường hợp bên nợ không còn hoạt động đại địa điểm đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp có thể khiếu nại đến cơ quan thuế có thẩm quyền quản lý của bên nợ. Theo quy định của pháp luật, việc doanh nghiệp thay đổi địa chỉ trụ sở mà không thông báo đến Cơ quan thuế có thẩm quyền có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí một số trường hợp Cơ quan thuế có quyền áp dụng việc đóng mã số thuế của bên nợ. Đây là biện pháp gây áp lực rất hiệu quả nếu bên nợ cố tình trốn tránh bằng cách chuyển địa chỉ trụ sở hoạt động mà không thông báo với doanh nghiệp.

Khi nhận được Khiếu nại của doanh nghiệp, cơ quan thuế sẽ thành lập tổ công tác để tiến hành kiểm tra xác minh bước đầu địa chỉ trụ sở của bên nợ, tổ công tác sẽ bao gồm: cán bộ thuế tại cơ quan thuế có thẩm quyền kết hợp với UBND cấp huyện và Cơ quan công an khu vực có thẩm quyền tại nơi bên nợ đăng ký địa chỉ trụ sở. Sau khi kiểm tra và xác minh về việc bên nợ không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tổ xác minh sẽ lập Biên bản xác minh nêu rõ người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Sau khi đã có Biên bản xác minh về việc bên nợ không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, Cơ quan thuế sẽ ban hành Thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Theo đó tại nội dung trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, bên nợ sẽ bị ghi nhận ở trạng thái: “Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”.

Khi bên nợ đang ở trạng thái “Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký” sẽ dẫn đến các hậu quả sau cho bên nợ:

– Các hóa đơn của bên nợ sẽ hết giá trị sử dụng và bên mua không còn được dùng để kê khai, khấu trừ thuế GTGT;
– Không tiếp nhận hồ sơ thông báo phát hành hóa đơn của đã bị cơ người nộp thuế quan thuế thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;
– thông báo cho tổ chức cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử trong trường hợp người nộp thuế thông qua hệ thống trung gian của tổ chức cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử để tổ chức này dừng không lập hoá đơn và truyền cho người mua.
– Bị Cưỡng chế nợ thuế theo quy định của pháp luật.

2. Tiến hành khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Đây là biện pháp được tiến hành khi doanh nghiệp đã tiến hành các biện pháp thương lượng nhưng không có kết quả hoặc bên nợ không thiện chí thanh toán khoản nợ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ bắt đầu quá trình khởi kiện như sau:

a) Nộp đơn khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Theo quy định của pháp luật, hiện có hai cơ quan giải quyết tranh chấp là Trung tâm Trọng tài thương mại và Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Điều kiện để doanh nghiệp có thể khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài thương mại là tranh chấp phải phát sinh từ hoạt động thương mại; và các bên phải thỏa thuận trọng tài trong Hợp đồng đã giao kết về việc lựa chọn Trung tâm Trọng tài thương mại để giải quyết nếu có tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện Hợp đồng.

Đối với việc lựa chọn Tòa án, doanh nghiệp phải căn cứ theo nội dung tại Bộ luật tố tụng dân sự để nộp Đơn khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

b) Tiến hành giai đoạn tố tụng

Sau khi nộp Đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo đến cơ quan giải quyết tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ hướng dẫn để doanh nghiệp tiến hành các thủ tục tiếp theo bao gồm: Hòa giải, đối thoại và Tham gia phiên xét xử. Trường hợp vụ việc được xét xử thì Trung tâm Trọng tài thương mại sẽ ban hành Phán quyết Trọng tài, với Tòa án thì sẽ ban hành Quyết định hoặc Bản án có hiệu lực pháp luật (Nếu không bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự).

c) Giai đoạn thi hành án

Đến khi cơ quan giải quyết tranh chấp đã ban hành Phán quyết, Quyết định hoặc Bản án có hiệu lực pháp luật thì doanh nghiệp có thể tiến hành nộp Đơn đề nghị thi hành án đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành các biện pháp pháp lý cần thiết, bao gồm cưỡng chế tài sản, tài khoản ngân hàng của bên nợ cho đến khi bên nợ hoàn tất nghĩa vụ trả nợ.

Trên đây là nội dung bài viết của luật sư TNTP về: “Biện pháp pháp lý thường được áp dụng khi thu hồi công nợ”, mong rằng bài viết này có ích trong quá trình thu hồi nợ của các doanh nghiệp.

Trân trọng,