Trong hoạt động thu hồi nợ, doanh nghiệp có thể gặp tình trạng các bên nợ không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Khi đó, doanh nghiệp sẽ khó khăn trong quá trình thu hồi nợ, thậm chí nhiều doanh nghiệp có thể sẽ ngừng việc thu hồi nợ vì cho rằng không thể tiếp tục thu hồi công nợ. TNTP sẽ phân tích và đưa ra các phương pháp, cách thức thu hồi nợ doanh nghiệp cần làm khi bên nợ không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký?

1. Khó khăn để thu hồi nợ khi bên nợ không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký?

Địa chỉ trụ sở là một thông tin quan trọng để xác định nơi làm việc, hoạt động của bên nợ, đồng thời là căn cứ để xác minh tình trạng hoạt động của bên nợ. Trong trường hợp bên nợ không hoạt động tại địa chỉ trụ sở đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền có thể do một trong các nguyên nhân sau:

– Bên nợ đã thay đổi địa chỉ trụ sở mà không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền để cập nhật lên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
– Doanh nghiệp không còn hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động nhưng không thông báo về việc tạm ngừng hoạt động đến các cơ quan có thẩm quyền để cập nhật thông tin;
– Bên nợ chỉ kê khai địa chỉ trụ sở “ảo” để hoàn tất thủ tục đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, thực tế thì bên nợ hoạt động tại một địa chỉ khác.

Trên thực tế, rất nhiều bên nợ không công khai địa chỉ hoạt động oặc thay đổi địa chỉ mà không thông báo nhằm trốn tránh các khoản nợ của mình khỏi các chủ nợ. Do đó, các doanh nghiệp khi không xác định được địa chỉ thực tế của bên nợ sẽ khó có thể tiến hành các biện pháp thu hồi nợ như liên lạc để trao đổi, đôn đốc và yêu cầu bên nợ thực hiện thanh toán qua đường công văn hoặc trực tiếp trao đổi để yêu cầu bên nợ thanh toán.

2. Doanh nghiệp thu hồi nợ như thế nào với bên nợ không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký?

Có thể thấy rõ rằng việc không xác định được địa chỉ chính xác của bên nợ sẽ gây khó khăn trong việc tiến hành các biện pháp thu hồi nợ. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn có thể tiến hành các công việc cần thiết để phục vụ việc thu hồi nợ như sau:

a) Khiếu nại lên cơ quan thuế quản lý bên nợ

Theo quy định của pháp luật, mỗi doanh nghiệp khi hoạt động sẽ phải có nghĩa vụ đóng thuế theo quy định, và việc thu các loại thuế sẽ do các cơ quan thuế có thẩm quyền sẽ trực tiếp quản lý các doanh nghiệp theo địa giới hành chính tương ứng. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp xác định được bên nợ không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký có quyền khiếu nại đến các cơ quan thuế có thẩm quyền về việc bên nợ không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Các cơ quan thuế có thẩm quyền sau khi tiếp nhận thông tin sẽ tiến hành các công việc xác minh ban đầu về việc bên nợ còn hoạt động tại địa chỉ trụ sở đã đăng ký. Trường hợp cơ quan thuế có đủ căn cứ xác minh bên nợ không còn hoạt động địa chỉ đã đăng ký mà không thông báo để cập nhật thông tin về việc thay đổi địa chỉ trụ sở có thể bị xử lý hành chính, hoặc thậm chí bị đóng mã số thuế. Việc đóng mã số thuế sẽ khiến bên nợ không thể thực hiện các công việc như nộp thuế hay xuất hóa đơn, nói cách khác là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hoạt động của bên nợ. Nếu bên nợ muốn khôi phục lại mã số thuế thì sẽ phải tiến hành liên hệ với cơ quan thuế có thẩm quyền để khôi phục mã số thuế và đóng các chi phí có liên quan, cũng như cung cấp địa chỉ trụ sở chính xác để chứng minh việc hoạt động của mình. Do đó, đây là biện pháp hiệu quả để xử lý các bên nợ không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

b) Khởi kiện bên nợ đến Tòa án có thẩm quyền

Khi không thể liên lạc và xác minh địa chỉ của bên nợ thì doanh nghiệp vẫn có thể tiến hành khởi kiện tại Tòa án, theo đó doanh nghiệp có thể đề nghị Tòa án hỗ trợ xác minh địa chỉ của bên nợ thông qua các cơ quan có thẩm quyền. Do Tòa án là cơ quan tư pháp nên việc yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xác trong việc xác minh địa chỉ trụ sở của bên nợ sẽ đảm bảo hơn về mặt thời gian so với việc doanh nghiệp tự yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh thông tin địa chỉ của bên nợ.

Việc khởi kiện tại tòa án sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, theo đó doanh nghiệp cần cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu để chứng minh yêu cầu thu hồi công nợ của mình, cũng như các căn cứ chứng minh việc doanh nghiệp đã thực hiện mọi biện pháp để xác minh địa chỉ bên nợ nhưng không có kết quả để làm căn cứ đề nghị Tòa án hỗ trợ xác minh địa chỉ bên nợ.

Sau khi tòa án đã thực hiện các công việc để hỗ trợ doanh nghiệp xác minh địa chỉ bên nợ nhưng không có kết quả. Tòa án vẫn sẽ tiến hành quá trình tố tụng theo đúng quy định của pháp luật để ban hành Quyết định/ Bản án có hiệu lực pháp luật. Khi đó, kể cả khi bên nợ không tham gia vào quá trình tố tụng vẫn sẽ phải có trách nhiệm thanh toán khoản nợ cho doanh nghiệp.

Sau khi Quyết định/Bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật, doanh nghiệp có thể tiến hành việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành giai đoạn thi hành án. Khi đó, cơ quan thi hành án có thẩm quyền sẽ nhân danh quyền lực nhà nước để tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh, phong tỏa tài khoản, tài sản và thông tin tài khoản, tài sản của bên nợ để buộc bên nợ phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án theo Quyết định/Bản án có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là bài viết về chủ đề:” Phải làm gì khi bên nợ không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký?” của TNTP. Mong rằng bài viết này có ích trong quá trình thu hồi nợ của các doanh nghiệp.

Trân trọng,