Nối tiếp nội dung của phần đầu tiên, trong bài viết này TNTP sẽ phân tích cụ thể quá trình thu hồi công nợ của doanh nghiệp trong giai đoạn khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Đây là một quá trình phức tạp và cần kinh nghiệm xử lý để đảm bảo hiệu quả công việc. Do đó, TNTP bằng kinh nghiệm của mình sẽ đưa ra những bước cụ thể giải thích để doanh nghiệp có thể hiểu rõ quá trình thực hiện nhằm phục vụ việc thu hồi nợ của mình.

Bước 2: Tiến hành khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Trong trường hợp doanh nghiệp đã sử dụng mọi biện pháp để liên hệ với bên nợ nhưng không đạt kết quả do bên nợ không hợp tác tự nguyện thanh toán khoản nợ. Khi đó doanh nghiệp có thể cân nhắc việc nộp đơn khởi kiện bên nợ và yêu cầu bên nợ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán tại các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bao gồm: Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án có thẩm quyền, tùy thuộc vào cơ quan giải quyết tranh chấp mà các bên đã lựa chọn trong hợp đồng, thỏa thuận giữa các bên.

1. Khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài thương mại

Để khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài thương mại thì trong nội dung hợp đồng, các bên phải thỏa thuận về việc lựa chọn Trung tâm Trọng tài thương mại để giải quyết nếu có tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện Hợp đồng (“được gọi là Thỏa thuận trọng tài”). Nếu các bên không có Thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng thì không thể khởi kiện tại Trung tâm Trọng tài thương mại.

Khi khởi kiện tại trung tâm trọng tài, doanh nghiệp cần nộp bộ hồ sơ khởi kiện bao gồm:

– Đơn khởi kiện
– Bản giải trình về vụ việc
– Các văn bản chứng minh yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp: Hợp đồng giữa các bên, Hóa đơn; Biên bản giao nhận hàng hóa; Phiếu xuất kho; Đề nghị thanh toán;…
– Tài liệu chứng minh tư cách pháp nhân của doanh nghiệp
– Tài liệu chứng minh tư cách pháp nhân của bên nợ
– Thông tin liên hệ của bên nợ

Sau khi tiếp nhận bộ hồ sơ khởi kiện của doanh nghiệp, Trung tâm Trọng tài sẽ thông báo việc lựa chọn Trọng tài viên giải quyết vụ việc cho doanh nghiệp. Sau khi doanh nghiệp hoàn tất thủ tục lựa chọn Trọng tài hoặc không bầu được trọng tài viên, trung tâm trọng tài sẽ tiến hành bầu Trọng tài viên và lập Hội đồng trọng tài để giải quyết tranh chấp.
Hội đồng trọng tài sẽ thay mặt Trung tâm Trọng tài để tiến hành giải quyết tranh chấp. Trường hợp doanh nghiệp chứng minh được yêu cầu khởi kiện của mình là hợp pháp. Hội đồng Trọng tài sẽ ban hành Phán Quyết trọng tài có giá trị thi hành án. Khi đó doanh nghiệp có thể tiến hành nộp Phán Quyết trọng tài đến cơ quan thi hành án có thẩm quyền để yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành các biện pháp cần thiết để thu hồi công nợ.

2. Khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền

Trường hợp trong hợp đồng của các bên không có thỏa thuận trọng tài thì cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ là tòa án có thẩm quyền. Việc khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền được thực hiện theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự, theo đó doanh nghiệp cần xác định chính xác tòa án có thẩm quyền thụ lý, nếu không Đơn khởi kiện của doanh nghiệp có thể bị tòa án trả lại.

Sau khi xác định được tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc, doanh nghiệp cần nộp Hồ sơ khởi kiện bao gồm:

– Đơn khởi kiện
– Bản giải trình về vụ việc
– Các văn bản chứng minh yêu cầu khởi kiện của doanh nghiệp: Hợp đồng giữa các bên; Hóa đơn; Biên bản giao nhận hàng hóa; Phiếu xuất kho; Đề nghị thanh toán;…
– Tài liệu chứng minh tư cách pháp nhân của doanh nghiệp
– Tài liệu chứng minh tư cách pháp nhân của bên nợ
– Thông tin liên hệ của bên nợ

Sau khi tiếp nhận Hồ sơ khởi kiện của doanh nghiệp, Tòa án sẽ xem xét thành phần hồ sơ và phân công thẩm phán phụ trách. Nếu hồ sơ của doanh nghiệp đã đẩy đủ thì Tòa án sẽ ban hành Thông báo thụ lý vụ án.

Sau khi ban hành Thông báo thụ lý vụ án, Tòa án có thể triệu tập các đương sự đến làm việc tại các Phiên hòa giải và công khai chứng cứ. Tại đây, doanh nghiệp và bên nợ có thể tiến hành hòa giải hoặc cung cấp bổ sung các tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong trường hợp các bên thống nhất được phương án hòa giải thì Tòa án sẽ ban hành Quyết định công nhận sự hòa giải của các đương sự có giá trị để thi hành án tương đương với Bản án.

Trường hợp các bên không thể hòa giải được, tòa án sẽ tiến hành quá trình xét xử, khi đó Tòa án sẽ xét xử vụ việc bằng một phiên tòa, căn cứ vào nội dung các tài liệu, chứng cứ các bên cung cấp hoặc do Tòa án thu thập để ban hành Bản án sơ thẩm. Bản án này sẽ có hiệu lực pháp luật và có giá trị thi hành án trong vòng 15 ngày kể từ khi tuyên án mà các bên không có yêu cầu Kháng cáo, Kháng nghị.

Trường hợp một trong các bên kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ khi tuyên án thì vụ việc sẽ được Tòa án cấp Phúc thẩm giải quyết theo trình tự quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.

Sau khi quá trình xét xử hoàn tất và bản án có hiệu lực pháp luật, doanh nghiệp có thể tiến hành nộp Đơn đề nghị thi hành án đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu cơ quan thi hành án tiến hành các biện pháp pháp lý cần thiết để thu hồi công nợ.

Trên đây là nội dung bài viết của TNTP về: “Các bước thu hồi công nợ hiệu quả cho doanh nghiệp”, mong rằng bài viết này có ích trong quá trình thu hồi nợ của các doanh nghiệp.

Trân trọng,