Skip to main content

Author: TNTP LAW

Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Trong một số trường hợp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, các bên không thể thực hiện hợp đồng đúng theo thỏa thuận của các bên, trong đó có thể kể đến nguyên nhân là hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Sau đây, chúng tôi sẽ phân tích về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

1. Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật

Theo quy định tại Điều 420 Bộ luật Dân sự năm 2015 (“BLDS”), hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện:

  • Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng. Nguyên nhân khách quan được xác định là nguyên nhân xuất phát không phụ vào ý thức chủ quan của các bên.

Trường hợp một trong các bên thực hiện hành vi để hợp đồng không được thực hiện hoặc được thực hiện nhưng không đúng và đầy đủ thì không được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Bên có lỗi sẽ phải thực hiện hợp đồng và phải bồi thường nếu gây ra thiệt hại hoặc chịu phạt vi phạm nếu các bên có thỏa thuận.

  • Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh. Việc xác định là có hay không việc các bên không lường trước được hoàn cảnh thay đổi phụ thuộc vào mức độ trung thực, thiện chí của các bên.
  • Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác. Trong trường hợp này, các bên đã không lường trước được là sau khi giao kết hợp đồng thì sẽ xảy ra hoàn cảnh được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
  • Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên. Như vậy có thể hiểu rằng, khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì các bên vẫn có thể tiếp tục thực hiện được hợp đồng, tuy nhiên việc thực hiện hợp đồng sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho một trong các bên.

Việc tiếp tục hay chấm dứt thực hiện hợp đồng phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Một bên trong hợp đồng sẽ không có quyền đơn phương thay đổi nội dung hợp đồng, trường hợp tự ý thay đổi nội dung hợp đồng mà không có sự đồng ý của bên còn lại thì sự thay đổi này sẽ không phát sinh hiệu lực và nếu gây ra thiệt hại thì bên có lỗi sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

  • Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích. Trường hợp bên có lợi ích bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của hoàn cảnh không áp dụng biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép của mình để ngăn chặn thì sẽ không được coi là sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản. Theo đó bên có lợi ích bị ảnh hưởng sẽ phải chịu rủi ro khi xảy ra thiệt hại.

2. Hướng giải quyết khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản

  • Các bên thỏa thuận với nhau: Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên còn lại đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Đây được coi là một trong những phương hướng giải quyết nên được áp dụng trước tiên vì có tính hữu hiệu nhất. Các bên thiện chí thỏa thuận thì có thể giải quyết được vấn đề nhanh chóng và kịp thời.
  • Các bên không thỏa thuận được với nhau: Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết. Tòa án có thể giải quyết theo hai hướng sau:
  • Chấm dứt hợp đồng mà trước đó các bên đã giao kết tại một thời điểm xác định, thời điểm này có thể do các bên đề xuất, yêu cầu hoặc do Tòa án xác định trong một khoảng thời gian hợp lý sau khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản;
  • Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

3. Sự khác nhau giữa hoàn cảnh thay đổi cơ bản với sự kiện bất khả kháng

Hoàn cảnh thay đổi cơ bản và sự kiện bất khả kháng đều là những sự thay đổi hoàn cảnh do sự tác động từ yếu tố khách quan, làm ảnh hưởng đến quá trình thực hiện hợp đồng mà các bên không thể lường trước được. Ngoài những điểm giống nhau thì hoàn cảnh thay đổi cơ bản với sự kiện bất khả kháng còn có những điểm khác nhau nhất định, việc xác định trường hợp nào được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản và trường hợp nào được coi là sự kiện bất khả kháng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như hậu quả pháp lý của việc thực hiện hợp đồng.

Sự khác nhau giữa hoàn cảnh thay đổi cơ bản với sự kiện bất khả kháng được thể hiện qua các tiêu chí như sau:

  • Về việc thực hiện hợp đồng: khi xuất hiện sự kiện bất khả kháng, các bên sẽ không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng, còn đối với hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì các bên vẫn có thể tiếp tục thực hiện được hợp đồng. Ví dụ, do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nên giá thành của sản phẩm cũng tăng theo, nếu bên bán vẫn bán sản phẩm cho bên mua theo giá đã thỏa thuận thì bên bán sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, tuy nhiên bên bán vẫn có thể thực hiện việc bán hàng cho bên mua. Đây được coi là hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Trường hợp khác, do dịch bệnh Covid-19 mà Trung Quốc buộc phải cấm xuất nhập cảnh khiến hàng hóa của Việt Nam không thể vận chuyển cho bên mua tại Trung Quốc, trường hợp này được coi là sự kiện bất khả kháng.
  • Về nghĩa vụ của các bên: khi phát sinh sự kiện bất khả kháng nếu như các bên không có thỏa thuận khác thì bên có nghĩa vụ sẽ không bắt buộc phải thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ mà trước đó các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Còn khi phát sinh hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng hoặc khi Tòa án đang giải quyết vụ việc thì các bên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp một bên không thực hiện hợp đồng hoặc thực hiện không đúng và đầy đủ mà gây ra thiệt hại thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại hoặc chịu phạt vi phạm nếu các bên có thỏa thuận.

4. Những lưu ý của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản

  • Các bên cần dự liệu trước về cách giải quyết khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản để từ đó quy định, thỏa thuận những hướng giải quyết phù hợp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
  • Trong trường hợp các bên yêu cầu Tòa án giải quyết thì cần lưu ý là Tòa án sẽ chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
  • Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc sẽ không phải thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản cho đến khi được vụ việc giải quyết. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì các bên vẫn phải tiếp thực hiện nghĩa các nghĩa vụ của mình.

Trên đây là bài viết “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.

Cố tình không trả nợ liệu có thể bị xử lý hình sự?

Có vay ắt phải trả, đây là một nguyên tắc cơ bản trong mọi hoạt động của xã hội và trong hoạt động kinh doanh. Nhưng vì nhiều lý do dẫn đến việc bên nợ có thể không trả nợ hoặc trả nợ không đúng hạn, khi đó chủ nợ có thể xem xét về việc khởi kiện bên nợ tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, một số trường hợp bên nợ có đủ điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả nợ cho chủ nợ có thể bị xử lý hình sự. Hãy tìm hiểu cùng TNTP về vấn đề này.

1. Thế nào là hành vi cố tình không trả nợ

Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015, bên vay có nghĩa vụ phải trả nợ đủ tiền khi đến hạn, nếu tài sản vay là vật thì phải trả vật đúng số lượng, chất lượng. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng giá tri tiền tương đương đã vay nếu được bên vay đồng ý. Như vậy, nghĩa vụ trả nợ là bắt buộc đối với bên vay.

Trường hợp cố tình không trả nợ là khi bên vay có đủ giá trị tiền hoặc tài sản để trả cho chủ nợ nhưng vẫn không tiến hành thanh toán nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm thanh toán khoản nợ.

Như vậy, bên vay đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán với bên nợ, và hành vi của bên vay tùy trường hợp có thể dẫn đến cấu thành các tội hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự

2. Hành vi cố tình không trả nợ có thể bị xử lý hình sự

Nhiều người lầm tưởng về hành vi không trả nợ đúng hạn sẽ chỉ bị điều chỉnh bởi quan hệ dân sự. Tuy nhiên, việc bên vay có đủ điều kiện để trả nợ nhưng cố tình không trả nợ có thể bị xử lý hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Tố tụng hình sự, trường hợp người vay đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả sẽ đủ cấu thành tội phạm về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài việc đủ điều kiện trả nợ nhưng không trả nợ, nếu bên nợ còn có hành vi bỏ trốn, hoặc cố tình tiêu hủy các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay tiền/tài sản nhằm mục đích không phải thanh toán khoản nợ thì có thể bị coi là sử dụng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản.

3. Hình thức xử phạt

Tùy vào từng mức độ phạm tội, số tiền vay không trả mà bên nợ có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp xử phạt như phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm, hoặc thậm chí có thể lên đến 5 năm đến 12 năm hoặc thậm chí 20 năm với khung hình phạt cao nhất.

Ngoài hình phạt chính, bên nợ có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trong thời kỳ kinh tế nhiều khó khăn hiện nay, việc bên nợ không trả nợ đúng hạn là điều thường gặp, tuy nhiên nếu chủ nợ xác định được bên nợ có đủ điều kiện trả nợ nhưng cố tình không trả đủ điều kiện để cấu thành hành vi vi phạm pháp luật thì khi đó các chủ nợ hoàn toàn có thể xem xét về việc tố giác tội phạm đối với các đối tượng này.

Trên đây là bài viết của TNTP về việc bên nợ cố tình không trả nợ cho chủ nợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mong bài viết này có ích với các bạn.

Trân trọng,

Các trường hợp chấm dứt hợp đồng dân sự theo luật định

Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Trong đó chấm dứt hợp đồng được xác định là một trong những thỏa thuận của các bên về chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Vấn đề đặt ra là các trường hợp nào thì các bên sẽ chấm dứt hợp đồng theo luật định ? Hãy cùng TNTP tìm hiểu bài viết dưới đây.

1. Chấm dứt hợp đồng dân sự là gì ?

Chấm dứt hợp đồng là việc một trong các bên không phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ như đã thỏa thuận trước đó trong hợp đồng bởi vì các nguyên nhân cụ thể. Thời điểm chấm dứt hợp đồng có hiệu lực thì cũng là thời điểm chấm dứt quyền và nghĩa vụ giữa các bên

2. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng

Theo Điều 422 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 quy định về các trường hợp làm chấm dứt hợp đồng như sau:

  • Hợp đồng đã được hoàn thành: Khi bên đã thực hiện hết các quyền và nghĩa vụ với nhau và đạt được mục đích của việc giao kết và thực hiện hợp đồng, trong trường hợp này hợp đồng sẽ đương nhiên được chấm dứt kể từ thời điểm bên có nghĩa vụ thực hiện các nghĩa vụ cuối cùng của mình đối với bên có quyền. Hợp đồng hoàn thành sớm hay muộn tùy thuộc vào đối tượng thực hiện hợp đồng, tính chất, mức độ phức tạp của hợp đồng…;
  • Theo thỏa thuận của các bên: Trong trường hợp này hợp đồng được chấm dứt theo sự thỏa thuận của các chủ thể của hợp đồng với nhau. Pháp luật hiện hành tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong việc xác lập, thay đổi và chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự, trong đó bao gồm quyền thỏa thuận về vấn đề chấm dứt hợp đồng. Sự thỏa thuận này có thể được thực hiện bằng lời nói, văn bản hoặc hình thức trên các dữ liệu điện tử. Theo quan điểm của TNTP, khi Các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thì nên lập biên bản thanh lý hợp đồng hoặc giấy xác nhận chấm dứt hợp đồng.

Trong trường hợp một trong các bên thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng để nhằm trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ ba hay nhằm xâm phạm tới các chủ thể khác thì việc chấm dứt hợp đồng sẽ không phát sinh hiệu lực, khi đó các bên bắt buộc phải tiếp tục thực hiện hợp đồng;

  • Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện.

Chủ thể thực hiện hợp đồng được xác định là các cá nhân, pháp nhân, vì vậy trong trường hợp các chủ thể này chết/chấm dứt tồn tại thì hợp đồng sẽ chấm dứt. Sự kiện chết của cá nhân được hiểu là cái chết thực tế về mặt sinh học, tức cá nhân đó đã chấm dứt mọi hoạt động sống như hô hấp, trao đổi chất hay sự phân chia các tế bào.

Pháp nhân chấm dứt tồn tại là trường hợp pháp nhân đó bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập theo quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận sự chấm dứt đó.

Không phải mọi trường hợp cá nhân chết, pháp nhân chấm dứt tồn tại thì hợp đồng sẽ chấm dứt, mà phải trong trường hợp hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện.

Trong nhiều trường hợp thì hợp đồng vẫn chấm dứt nếu việc thực hiện hợp đồng không thể chuyển giao cho chủ thể khác. Ví dụ, cá nhân giao kết hợp đồng chết nhưng không có người thừa kế tiếp tục thực hiện hợp đồng;

  • Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện: Hủy bỏ, đơn phương chấm dứt hợp đồng là một trong những chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm của các bên trong quá trình hợp hiện hợp đồng. Theo đó hủy bỏ và đơn phương chấm dứt hợp hợp đồng được áp dụng khi các bên có thỏa thuận; có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng của một bên. Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Trong trường hợp này thì bên hủy bỏ, đơn phương chấm dứt hợp đồng sẽ không phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;

Tuy nhiên, Bên hủy bỏ đơn phương chấm dứt Hợp đồng cần lưu ý phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

  • Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn: Đối tượng của hợp đồng không còn được xác định là trường hợp đối tượng đó đã bị mất, tiêu hủy hoặc vì lý do khác dẫn tới đối tượng đó không còn tồn tại trên thực tế. Việc đối tượng không còn sẽ là nguyên nhân chính dẫn tới các bên không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng. Khi đối tượng của hợp đồng không còn, các bên có thể thỏa thuận lại với nhau về việc thay đổi đối tượng hợp đồng.

Ví dụ: A và B thỏa thuận, giao kết hợp đồng mua bán, cụ thể bên A sẽ mua 10 tạ gạo, tuy nhiên do sự ảnh hưởng của bão, lũ lụt khiến 10 tạ gạo bị hỏng toan bộ. Trong trường hợp này đối tượng của hợp đồng được xác định là 10 tạ gạo, vì vậy khi 10 tạ gạo bị hỏng- tức đối tượng của hợp đồng không còn thì sẽ là căn cứ để chấm dứt hợp đồng.

  • Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản: Hoàn cảnh thay đổi cơ bản được xác định là một trong những căn cứ để chấm dứt hợp đồng. Điều kiện một sự thay đổi là thay đổi cơ bản thì cần dựa vào các tiêu chí sau:
  • Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
  • Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
  • Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
  • Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
  • Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.

Trên đây là bài viết của TNTP về “Các trường hợp chấm dứt hợp đồng dân sự theo luật định”. Hy vọng bài viết trên cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích cho bạn.

Trân trọng,

Bình luận Án lệ số 09/2016/AL

Trong thực tiễn giải quyết các tranh chấp hợp đồng thương mại, chúng ta thường xuyên gặp trường hợp bên mua đã thanh toán tiền hoặc đặt cọc tiền hàng nhưng bên bán vi phạm nghĩa vụ giao nhận hàng hóa và phải hoàn trả khoản tiền đã nhận. Việc bên bán có nghĩa vụ phải hoàn trả số tiền đã nhận là điều hiển nhiên. Nhưng bên cạnh yêu cầu hoàn trả số tiền đã nhận, bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải thanh toán tiền lãi phát sinh từ số tiền này không? Và cách xác định mức lãi suất tính trên số tiền này được tính như thế nào? Các khoản tiền phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và bồi thường thiệt hại có được tính lãi suất chậm trả tương tự như số tiền cần hoàn trả hay không? Những vấn đề này đã được Tòa án thể hiện quan điểm thông qua Án lệ số 09/2016/AL được xem như là ví dụ điển hình và thống nhất cho cách tính lãi suất và giải đáp vấn đề về việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại.

A. TÓM TẮT ÁN LỆ SỐ 09/2016

NỘI DUNG SỰ VIỆC

  1. Công ty cổ phần thép Việt Ý (“Công ty thép Việt Ý”) ký 04 Hợp đồng kinh tế với Công ty cổ phần kim khí Hưng Yên (“Công ty kim khí Hưng Yên”) là 03/2006-HĐKT, 05/2006-HĐKT, 06/2006 và 01/2007.
  2. Ngày 07/7/2007, Công ty thép Việt Ý đã khởi kiện yêu cầu Công ty kim khí Hưng Yên có trách nhiệm thanh toán và bồi thường mọi thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ giao hàng trong các Hợp đồng số 03/2006, 05/2006, 06/2006, 01/2007 tại thời điểm khởi kiện là 12.874.298.683 đồng, trong đó tiền hàng tương ứng với 1.777.020 kg phôi thép = 11.181.662.503 đồng, tiền phạt vi phạm 1.316.490.480 đồng, tiền lãi quá hạn 376.145.700 đồng.
  3. Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 01/2007/KDTM-ST ngày 14/11/2007 (“BAST 01”), Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh (“TAND Bắc Ninh”) đã quyết định: “Buộc Công ty cổ phần kim khí Hưng Yên phải trả cho Công ty cổ phần thép Việt Ý tổng số tiền của 04 hợp đồng số 03 ngày 03/10/2006; số 05 ngày 20/12/2006; số 06 ngày 20/12/2006 và số 01 ngày 01/02/2007 là: 24.674.428.500 đồng”.
  4. Ngày 27-11-2007, Công ty cổ phần kim khí Hưng Yên có đơn kháng cáo.
  5. Tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 120/2008/KDTM-PT ngày 18/6/2008 (“BAPT 120”), Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội (“TANDTC Hà Nội”) đã quyết định: “Hủy Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 01/2007/KDTM-ST ngày 14-11-2007 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh để giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật”.
  6. Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 09/2008/KDTM-ST ngày 23-10-2008 (“BAST 09”), TAND Bắc Ninh đã quyết định: “Buộc Công ty cổ phần Kim khí Hưng Yên phải có trách nhiệm trả cho Công ty cổ phần thép Việt Ý số tiền của 04 hợp đồng số 03 ngày 03-10-2006; số 05 ngày 20-12-2006; số 06 ngày 20-12-2006 và số 01 ngày 01-02-2007 là: 31.902.035.179,56 đồng”.
  7. Ngày 05-11-2008, Công ty cổ phần kim khí Hưng Yên có đơn kháng cáo.
  8. Tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 32/2009/KDTM-PT ngày 19-02-2009 (“BAPT 32”), TANDTC Hà Nội đã quyết định: “1. Hủy Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 09/2008/KDTM-ST ngày 23-10-2008 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa Công ty cổ phần kim khí Hưng Yên với Công ty cổ phần thép Việt Ý. 2. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án”.
  9. Tại Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 18/2009/KDTM-ST ngày 03-9-2009 (“BAST 18”), TAND Bắc Ninh đã quyết định: “1. Buộc Công ty cổ phần kim khí Hưng Yên phải có trách nhiệm thanh toán trả Công ty cổ phần thép Việt Ý số tiền của 04 hợp đồng kinh tế: Hợp đồng số 03/2006 ngày 03-10-2006; Hợp đồng số 05/2006 ngày 20-12-2006; Hợp đồng số 06/2006 ngày 20-12-2006 và Hợp đồng số 01/2007 ngày 01-02-2007 với tổng số tiền là 28.145.956.647 đồng và phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng trả cho Thép Việt Ý của 2 hợp đồng gồm Hợp đồng số 06/2006 tương ứng với số tiền hàng là 21.544.992.000 đồng và Hợp đồng số 01/2007 tương ứng với số tiền hàng là 30.469.842.000 đồng”.
  10. Ngày 23-9-2009, Công ty cổ phần kim khí Hưng Yên có đơn kháng cáo.
  1. Tại Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 63/KDTM-PT ngày 05-4-2010 (“BAPT 63”), TANDTC Hà Nội đã quyết định: “Huỷ Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 18/2009/KDTM-ST ngày 03-9-2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Chuyển hồ sơ vụ án đến Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh để giải quyết lại theo quy định của pháp luật”.
  2. Ngày 25-7-2010, TAND Bắc Ninh có Công văn số 110/2010/CV-TA đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (“Chánh án”) xem xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.
  3. Tại Quyết định kháng nghị số 17/2012/KDTM-KN ngày 25-6-2012, Chánh đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm theo hướng hủy BAPT 63 của TANDTC Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho TANDTC Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
  4. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhận định:
  • Đối với số tiền ứng trước mà không nhận được hàng của 4 Hợp đồng kinh tế, Tòa án cấp sơ thẩm mặc dù áp dụng Điều 306 Luật thương mại năm 2005 nhưng không lấy mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm) để tính, mà lại áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xét xử sơ thẩm theo yêu cầu của nguyên đơn để áp dụng mức lãi suất quá hạn (là 10, 5%/năm) là không đúng. Trong trường hợp này, Tòa án cần lấy mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương (Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam…) để tính lại tiền lãi do chậm thanh toán cho đúng quy định của pháp luật.
  • Về phạt vi phạm hợp đồng: Công ty kim khí Hưng Yên không giao đủ hàng cho Công ty thép Việt Ý thì phải bị phạt vi phạm là 2% trên giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm theo thỏa thuận của hai bên và theo quy định tại Điều 300 và Điều 301 Luật thương mại năm 2005. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng của Công ty thép Việt Ý là có căn cứ tuy nhiên lại tính lãi trên số tiền phạt vi phạm hợp đồng là không đúng.
  • Về số tiền bồi thường thiệt hại: Tòa án cấp sơ thẩm còn tính cả tiền lãi của khoản tiền bồi thường thiệt hại là không đúng với quy định tại Điều 302 Luật thương mại năm 2005.

B. NHẬN XÉT ÁN LỆ SỐ 09/2016

Dựa trên phần tóm tắt án lệ, TNTP có một vài ý kiến nhận xét như sau:

1. Xác định đúng khoản tiền phát sinh lãi chậm trả

  • Theo Điều 306 Luật Thương mại năm 2005, “trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Quy định này có phạm vi điều chỉnh đối tượng được tính lãi chậm trả là “chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác”.
  • Tại nội dung của Án lệ số 09/2016/AL: “Đối với số tiền ứng trước mà không nhận được hàng của 4 hợp đồng kinh tế, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định chính xác số tiền và buộc Công ty Hưng Yên phải trả lại cho Công ty Việt Ý là đúng. Tuy nhiên, khi tính tiền lãi do chậm thanh toán số tiền nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm mặc dù áp dụng Điều 306 Luật thương mại năm 2005 nhưng không lấy mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm) để tính, mà lại áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xét xử sơ thẩm theo yêu cầu của nguyên đơn để áp dụng mức lãi quá hạn (là 10,5%/năm) là không đúng. Trong trường hợp này, Tòa án cần lấy mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng tại địa phương (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam…) để tính lại tiền lãi do chậm thanh toán cho đúng quy định của pháp luật”.

Điều này cho thấy lãi chậm trả được áp dụng cho cả việc bên bán hoàn trả tiền hàng do bên mua không nhận được hàng như hợp đồng và việc tính lãi được áp dụng trên cơ sở Điều 306 Luật Thương mại.

2. Khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại không phát sinh lãi chậm trả

Như quy định tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 đã nêu, quy định này không điều chỉnh các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại là đối tượng phát sinh lãi chậm trả. Nội dung của Án lệ số 09/2016/AL cũng cho thấy yêu cầu phạt vi phạm hợp đồng và việc tính tiền lãi của khoản tiền bồi thường thiệt hại là không đúng

3. Xác định cách tính lãi suất chậm trả

  • Tại thời điểm diễn ra sự việc, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, Tòa án đã áp dụng nhiều cách khác nhau để xác định mức lãi suất nợ quá hạn trung bình. Tuy nhiên, nhờ Án lệ 09/2016/AL ra đời là sự thống nhất cho cách tính lãi suất nợ quá hạn và là tiền đề để Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.
  • Đối với cách giải quyết cho Án lệ này, Tòa án thiết lập công thức tính lãi suất nợ quá hạn như sau:

Lãi suất nợ quá hạn do chậm thanh toán = lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng tại địa phương (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam…)

Công thức này sẽ không áp dụng cho việc tính lãi trên số tiền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.

TNTP nhận định cách giải quyết cuối cùng của Án lệ này là hợp lý, bởi đây là hướng giải quyết phù hợp với quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005 và những quy định trong Bộ luật dân sự 2015. Ngoài ra, liên quan đến cách xác định lãi suất nợ quá hạn, cách giải quyết này góp phần đảm bảo hệ thống văn bản pháp luật thực hiện theo nguyên tắc, một Điều luật chỉ được lý giải theo một cách hiểu duy nhất.

Trên đây là bài bình luận Án lệ số 09/2016/AL của TNTP. Hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ về cách xác định lãi suất nợ quá hạn và việc trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại khi giải quyết tranh chấp Hợp đồng.

Trân trọng,

Tổng quan về pháp chế doanh nghiệp

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ý thức được vai trò của bộ phận pháp chế và có nhu cầu tuyển dụng nhân sự pháp chế. Pháp chế doanh nghiệp cũng là ngành nghề được rất nhiều sinh viên luật lựa chọn sau khi tốt nghiệp đại học bởi lẽ thu nhập cho vị trí pháp chế được đánh giá là ổn định, thường cao hơn thu nhập của đại bộ phận chuyên viên, nhân viên làm việc tại công ty luật hay văn phòng luật. So với các công việc khác tại doanh nghiệp như hành chính nhân sự, thư ký, trợ lý,… nhân sự pháp chế doanh nghiệp được làm các công việc đúng với chuyên ngành luật. Để giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về nghề pháp chế doanh nghiệp, trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ phân tích khái quát các công việc của nhân viên pháp chế doanh nghiệp.

1. Pháp chế doanh nghiệp là gì?

Pháp chế doanh nghiệp được hiểu là vị trí có vai trò soạn thảo, xây dựng các quy tắc, quy định trong nội bộ doanh nghiệp đồng thời điều tiết, kiểm soát đảm bảo các hoạt động của doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật, cũng như các quy định nội bộ của doanh nghiệp. Pháp chế doanh nghiệp bao gồm hai loại là pháp chế nội bộ và pháp chế thuê ngoài.

2. Pháp chế nội bộ tại doanh nghiệp

Pháp chế nội bộ là bộ phận đầu mối phụ trách giải quyết các vấn đề pháp lý của một doanh nghiệp. Pháp chế nội bộ bao gồm một hoặc một nhóm luật sư, nhân viên/ chuyên viên tư vấn làm việc trong doanh nghiệp theo cơ chế hợp đồng lao động. Cơ cấu của bộ phận pháp chế nội bộ thường đa dạng, tùy theo quy mô, nhu cầu của doanh nghiệp. Công việc của nhân viên pháp chế tại mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau, tùy theo đặc thù của từng doanh nghiệp.

Xét về lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, khi làm việc tại công ty xây dựng, nhân viên pháp chế thường phụ trách tư vấn điều kiện pháp lý của dự án đầu tư, điều kiện pháp lý của nhà thầu; rà soát hợp đồng về thi công xây dựng, hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị, hợp đồng cung cấp nhân lực, thiết bị thi công,… Còn khi làm pháp chế tại công ty sản xuất, buôn bán hàng hóa, công việc chính của nhân viên pháp chế thường là đàm phán, soạn thảo, rà soát hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng mua bán, hợp đồng dịch vụ,…; đăng ký, giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ;…

Xét đến quy mô doanh nghiệp, doanh nghiệp có quy mô lớn thường có bộ phận pháp chế riêng biệt, nhiều doanh nghiệp còn phân chia thành bộ phận pháp chế và bộ phận kiểm soát nội bộ. Công việc pháp chế đã được chuyên môn hóa và các doanh nghiệp này đã xây dựng hệ thống văn bản nội bộ. Nhân viên pháp chế mới sẽ được hướng dẫn và làm việc dựa trên các hệ thống văn bản nội bộ đã có của doanh nghiệp. Còn công ty có quy mô nhỏ hầu như không có nhân viên pháp chế hoặc có thì số lượng cũng ít, nhân viên pháp chế thường phải tự tạo lập, xây dựng hệ thống văn bản nội bộ của doanh nghiệp. Một số nhân viên pháp chế ngoài làm các công việc liên quan đến luật còn phải kiêm nhiệm cả công việc của hành chính nhân sự như phụ trách về bảo hiểm, lương của người lao động, văn thư – lưu trữ,…; kế toán; xuất nhập khẩu;…

Tuy nhiên, công việc của nhân viên pháp chế có những điểm chung nhất định, được phân loại gồm những nhóm công việc sau:

Công việc liên quan đến hỗ trợ hoạt động quản lý, điều hành nội bộ doanh nghiệp

  • Soạn thảo, chuẩn bị tài liệu, thủ tục pháp lý và tổ chức các cuộc họp Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, và Đại hội đồng cổ đông;
  • Sửa đổi Điều lệ doanh nghiệp; Quy chế hoạt động của hội đồng quản trị, Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát và các Quy chế khác theo quy định của pháp luật;
  • Tư vấn các thủ tục về bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lý doanh nghiệp;
  • Xây dựng quan hệ cổ đông và quản lý cổ đông;
  • Xây dựng hệ thống văn bản quản trị nội bộ và kiểm soát việc tuân thủ hệ thống văn bản này;…

Công việc liên quan đến hỗ trợ hoạt động quản lý lao động

  • Xây dựng hệ thống văn bản nội bộ về lao động như hợp đồng thử việc, hợp đồng lao động, thỏa thuận bảo mật thông tin, hợp đồng đào tạo, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế lương, thưởng;…
  • Hỗ trợ thực hiện các thủ tục quản lý lao động như: tuyển dụng, thử việc, giao kết, sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động,…;
  • Hỗ trợ thực hiện thủ tục xử lý kỷ luật lao động, buộc người lao động bồi thường thiệt hại;…

Công việc liên quan đến tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, người quản lý, các phòng ban và nhân sự trong doanh nghiệp

  • Tư vấn các vấn đề pháp lý để người có thẩm quyền ra quyết định liên quan đến hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp;
  • Tiếp nhận và xử lý các vấn đề pháp lý của các phòng ban trong doanh nghiệp như mua bán, thuế, nhân sự,…;
  • Cập nhật văn bản pháp luật, chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và đưa ra định hướng cho doanh nghiệp;…

Công việc liên quan đến hợp đồng, giao dịch của doanh nghiệp

  • Tham gia họp cùng người đại diện doanh nghiệp, phòng ban với đối tác, khách hàng về kinh doanh, dự án, giao dịch;
  • Tư vấn, soạn thảo hoặc hỗ trợ soạn thảo các dự thảo hợp đồng, biên bản hợp tác;
  • Đàm phán, soạn thảo, rà soát hợp đồng;…

Công việc liên quan đến hoạt động tranh tụng đối với các tranh chấp phát sinh từ hoạt động của doanh nghiệp

  • Nghiên cứu hồ sơ, tư vấn cho doanh nghiệp về việc khởi kiện;
  • Thu thập chứng cứ, tài liệu, chuẩn bị và nộp hồ sơ khởi kiện, nộp tạm ứng án phí;
  • Đại diện doanh nghiệp tham gia các buổi thương lượng, hòa giải tiền tố tụng; phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải tại Tòa án; phiên tòa sơ thẩm tại Tòa án, phiên họp giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại;
  • Tư vấn, thực hiện thủ tục kháng cáo bản án của Tòa án và tham gia tố tụng tại cấp phúc thẩm;
  • Yêu cầu thi hành án đối với bản án/quyết định của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại;…

Công việc liên quan đến việc đại diện thực hiện các công việc ngoài tố tụng

  • Thủ tục xin cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận;
  • Đại diện doanh nghiệp làm việc với cơ quan nhà nước khi có yêu cầu;…

3. Pháp chế thuê ngoài

Pháp chế thuê ngoài được hiểu là bộ phận pháp chế nằm ngoài doanh nghiệp (phổ biến là công ty luật, văn phòng luật) được doanh nghiệp thuê để cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên cho doanh nghiệp. Pháp chế thuê ngoài thường được sử dụng khi doanh nghiệp không có pháp chế nội bộ hoặc kể cả khi doanh nghiệp đã có pháp chế nội bộ thì trong một số trường hợp, doanh nghiệp vẫn phải sử dụng dịch vụ pháp chế thuê ngoài.

Đối với doanh nghiệp không có bộ phận pháp chế, do doanh nghiệp không có nhân viên am hiểu các quy định về pháp luật nên các rủi ro về mặt pháp lý rất dễ xảy ra và bộ máy tổ chức của doanh nghiệp không thể hoạt động một cách thuận lợi. Doanh nghiệp nên sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên của công ty luật/ văn phòng luật để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp luôn hiệu quả và đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, một số doanh nghiệp mặc dù đã có bộ phận pháp chế riêng nhưng vẫn phải thuê luật sư hoặc tìm đến công ty luật khi gặp vấn đề pháp lý. Ví dụ, doanh nghiệp cần giải quyết các công việc liên quan đến tranh tụng, công việc mà pháp chế nội bộ không có thế mạnh, công việc yêu cầu chuyên môn sâu như thuế, đầu tư, M&A,…

Tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp, các công việc mà công ty luật/ văn phòng luật có thể thực hiện bao gồm:

  • Soạn thảo, rà soát hợp đồng, thỏa thuận, cam kết hoặc các loại tài liệu khác mà doanh nghiệp cung cấp;
  • Tìm hiểu, nghiên cứu các quy định của pháp luật để rà soát rủi ro, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp là phù hợp với quy định pháp luật;
  • Tư vấn pháp lý các vấn đề mà doanh nghiệp yêu cầu;
  • Tham gia các buổi họp với doanh nghiệp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
  • Các công việc khác phát sinh theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Pháp chế là công việc “âm thầm”, không mang lại doanh số có thể nhìn thấy trực tiếp như bộ phận sales, marketing,… Tuy nhiên, pháp chế giữ vai trò “gác cửa” cho vấn đề tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, dự phòng/ ngăn ngừa/ hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp khi phát sinh tranh chấp. Do không có bộ phận pháp chế nên nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, dẫn đến việc phải tìm văn phòng luật, công ty luật để giải quyết các hệ lụy về pháp lý. Do vậy, các doanh nghiệp cần có cái nhìn mới về tầm quan trọng của công việc pháp chế mà từ đó tuyển dụng nhân sự pháp chế nội bộ hoặc sử dụng dịch vụ pháp chế thuê ngoài phù hợp.

Bình luận án lệ số 44/2021/al về thời hiệu khởi kiện của yêu cầu phản tố

Việc xác định đúng thời hiệu khởi kiện của yêu cầu phản tố là một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động tố tụng tại Tòa án. Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xét xử, giúp các đương sự bảo vệ được các quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình. Ngày 25/11/2021, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua Án lệ số 44/2021/AL và được công bố theo Quyết định số 594/QĐ-CA ngày 31/12/2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Bài viết dưới đây, TNTP chia sẻ nhận định về Án lệ số 44/2021/AL và cung cấp các thông tin cần thiết về xác định thời hiện khởi kiện của yêu cầu phản tố.

Tóm tắt án lệ

1. Tóm tắt tranh chấp

Án lệ số 44/2021/AL án lệ về là vụ án kinh doanh thương mại “tranh chấp Hợp đồng tư vấn thiết kế” giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần H (“Công ty H”) với bị đơn là Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng P (“Công ty P”).

Ngày 29/01/2008, Công ty H và Công ty P ký Hợp đồng tư vấn thiết kế (“Hợp đồng”) với nội dung, cụ thể:

  • Công ty P có trách nhiệm thiết kế toàn bộ dự án “trung tâm thương mại-khách sạn 4 sao HD Hotel” trên khu đất diện tích 8.971m2 tại D7, phường X, quận T, thành phố Hà Nội do Công ty H là chủ đầu tư;
  • Tổng giá trị Hợp đồng là 1.754.550 USD (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng);
  • Công việc được phân bổ theo ba giai đoạn: giai đoạn 1 thiết kế xây dựng, giai đoạn 2 thiết kế nội thất cảnh quan và giai đoạn 3 giám sát tác giả.

Công ty H đã chuyển tiền thanh toán cho Công ty P theo 02 đợt quy định trong Hợp đồng, tổng số tiền thanh toán 02 đợt nêu trên là 396.751,75 USD, tương đương với 6.374.689.675 đồng.

Sau đó, do thay đổi quy mô dự án và hai bên không thỏa thuận được về điều chỉnh giá trị Hợp đồng cho thiết kế mới nên Công ty H đơn phương chấm dứt Hợp đồng và có tranh chấp với Công ty P về giá trị thanh toán.

Công ty H cho rằng đã tạm ứng thanh toán thừa so với khối lượng công việc thực tế mà Công ty P đã thực hiện trong lần thanh toán thứ nhất. Do đó, Công ty H chỉ chấp nhận thanh toán cho Công ty P số tiền chiếm khoản 8% phí thiết kế xây dựng cho cả hai lần thanh toán. Ngoài ra, Công ty H chỉ chấp nhận chịu khoản tiền phạt tương đương với 1% giá trị Hợp đồng.

Tuy nhiên, Công ty P không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi lại tiền của nguyên đơn do đây là tiền Công ty H đã thanh toán cho Công ty P theo tiến độ thỏa thuận trong Hợp đồng, không phải là tiền tạm ứng.

Công ty P cũng có Đơn phản tố, yêu cầu Công ty H ngòai việc phải chịu khoản tiền phạt thì Công ty H phải tiếp tục thanh toán cho Công ty P đợt thanh toán lần 3 do Công ty P đã hỗ trợ xong về mặt kỹ thuật để phê duyệt hồ sơ thiết kế của dự án.

2. Các kết luận của Tòa án

Ngày 20/06/2011, TAND quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội ban hành bản án sơ thẩm số 01/2011/KDTM-ST quyết định chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty H đối với Công ty P. Buộc Công ty P phải hoàn trả cho Công ty H số tiền tạm ứng của Hợp đồng là 272.571.41 USD tương đương với 5.642.228.187 đồng. TAND quận Hoàn Kiếm bác yêu cầu phản tố của Công ty P đối với Công ty H.

Ngày 1/07/2011, Công ty P kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại bản án phúc thẩm số 27/2011/KDTM-PT ngày 21/09/2011, TAND thành phố Hà Nội quyết định không chấp nhận kháng cáo của của Công ty P và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm số số 01/2011/KDTM-ST.

Sau đó, Công ty P tiếp tục có đơn đề nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nêu trên.

Ngày 15/09/2014, Chánh án TAND tối cao ban hành Quyết định kháng nghị số 60/2014/KN-KDTM đã kháng nghị bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 27/2011/KDTM-PT ngày 21/09/2011 của TAND thành phố Hà Nội.

Theo đó, Chánh án TAND tối cao đề nghị Tòa kinh tế TAND tối cáo xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm nêu trên. Đồng thời, giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo quy định của pháp luật.

3. Nội dung án lệ

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội. Theo đó tòa án nhận định, về yêu cầu phản tố, nhận định của Tòa án cấp phúc thẩm tại Bản án số 82/2020/KDTM-PT về việc yêu cầu phản tố không bị giới hạn thời hiệu khởi kiện là không đúng. Theo các quy định của Bộ luật tố dụng dân sự (“BLTTDS”) năm 2004 và BLTTDS 2015, yêu cầu phản tố là yêu cầu không nằm trong yêu cầu của nguyên đơn, có thể được giải quyết bằng một vụ án độc lập; việc giải quyết yêu cầu phản tố trong cùng vụ án là để kết quả giải quyết chính xác và nhanh hơn. Yêu cầu phả tố cũng chính là yêu cầu khởi kiện nên phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện. Do đó, trường hợp có yêu cầu phản tố và có đương sự trong vụ án đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện thì tòa án cấp sơ thẩm và tòa án phúc thẩm phải xác định xem yêu cầu phản tố đó còn thời hiệu khởi kiện hay không mới đúng quy định pháp luật.

Bình luận án lệ

BLTTDS 2004 và BLTTDS 2015 đều không có quy định rõ ràng về thời hiệu đối với yêu cầu phản tố. Do đó, trước khi có án lệ số 44/2021/AL, đã có nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau về việc có cần xác định thời hiệu của yêu cầu phản tố hay không ? Quan điểm thứ nhất cho rằng: Yêu cầu phản tố cũng phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện. Quan điểm thứ hai cho rằng: Yêu cầu phản tố không phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện vì thời hiệu khởi kiện chỉ áp dụng với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Án lệ số 44/2021/AL được ban hành đã giải quyết vướng mắc, thống nhất được quan điểm xét xử của các tòa án về thời hiệu của yêu cầu phản tố cũng phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện.

TNTP nhận định yêu cầu phản tố cũng phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện vì sở dĩ xác định yêu cầu phản tố như một yêu cầu khởi kiện, cụ thể:

  • Thủ tục yêu cầu phản tố được thực hiện theo quy định của BLTTDS về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn. Bị đơn muốn đưa ra yêu cầu phản tố phải thể hiện bằng đơn có nội dung giống với đơn khởi kiện, phải nộp tạm ứng án phí nếu không thuộc trường hợp được miễn, kèm theo đơn phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
  • Đối với yêu cầu phản tố thì bị đơn có quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn quy định tại Điều 71 của BLTTDS 2015.
  • Bị đơn có quyền khởi kiện bằng một vụ án khác nếu yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án.

Như vậy, bản chất của yêu cầu phản tố chính là yêu cầu khởi kiện của bị đơn đối với nguyên đơn, yêu cầu này không phát sinh trên cơ sở của yêu cầu khởi kiện, nó là yêu cầu độc lập với yêu cầu khởi kiện. Yêu cầu phản tố có thể được giải quyết bằng một vụ án khác. Mục đích của yêu cầu phản tố là để bù trừ hoặc loại trừ yêu cầu của nguyên đơn. Việc giải quyết yêu cầu phản tố trong cùng vụ án là để nhanh hơn, chính xác, thuận tiện hơn cho đương sự. Do yêu cầu phản tố được coi như một yêu cầu khởi kiện nên cũng phải tuân thủ quy định về thời hiệu khởi kiện.

Trên đây nội dung của án lệ số 44/2021/AL và nhận định của TNTP về việc xác định đúng thời hiệu khởi kiện của yêu cầu phản tố. Hi vọng bài viết trên đây giúp ích cho bạn.

Trân trọng.

Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự

  • Văn phòng tại Hồ Chí Minh:
    Phòng 1901, Tầng 19 Tòa nhà Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Văn phòng tại Hà Nội:
    Số 2, Ngõ 308 Tây Sơn, Phường Thịnh Quang, Quận Đống Đa, Hà Nội
  • Email: ha.nguyen@tntplaw.com


    Bản quyền thuộc về: Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự