Theo xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, nhiều hình thức cho vay của các ngân hàng càng trở nên dễ dàng với khách hàng. Chỉ với một số giấy tờ cá nhân cơ bản, một khách hàng cá nhân cũng có đủ điều kiện để được cấp thẻ tín dụng với hạn mức hàng chục triệu đồng. Việc cho vay tiêu dùng trở nên quá dễ dàng tạo điều kiện để người tiêu dùng tích cực mua sắm, tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc cho vay tín dụng của ngân hàng trở nên quá dễ dàng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu đối với xã hội. Lý do nào dẫn đến vấn đề này? Hãy cùng tìm hiểu với TNTP tại bài viết sau.

1. Hoạt động cho vay tín dụng của ngân hàng với khách hàng cá nhân

Hiện nay, có thể thấy việc vay tiêu dùng và mở thẻ tín dụng tại các ngân hàng là vô cùng dễ dàng, chỉ với một Căn cước công dân kèm theo ảnh chụp màn hình thao tác tại ngân hàng, hoặc thậm chí chỉ cần thao tác qua app là người vay hoàn toàn đủ điều kiện để mở thẻ tín dụng với hạn mức hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Dịch vụ mở thẻ tín dụng càng thuận tiện, điều kiện vay càng dễ đáp ứng, thủ tục vay nhanh chóng đã mang lại cho ngân hàng nhiều khách hàng hơn và cũng trực tiếp khiến sức mua và hoạt động tiêu dùng của xã hội càng phát triển. Khi người mua chưa có đủ khả năng tài chính nhưng có nhu cầu để mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ thì ngân hàng đóng vai trò là trung gian tài chính giữa người mua và người bán. Ngân hàng sẽ sử dụng nguồn tiền của mình để cho người mua vay với lãi suất tỷ lệ thuận với khoản vay người mua sử dụng để chi trả cho sản phẩm, dịch vụ của mình.

2. Rủi ro cho khách hàng cá nhân

  • Việc dễ dàng trong việc vay tín dụng đã thu hút một lượng lớn khách hàng tham gia mà đa phần là các bạn trẻ – thế hệ chịu tác động lớn từ chủ nghĩa tiêu thụ và lối sống xa xỉ ngày càng được cổ xúy trên trên khắp các phương tiện thông tin đại chúng. Sau khi mất khả năng kiểm soát ham muốn của mình và sẵn sàng trả hàng chục triệu cho những món đồ đắt tiền, đồ vật xa xỉ vì số tiền vay dễ dàng có được với lời cổ vũ có cánh: “Tiêu trước – trả sau” từ các ngân hàng, người vay mới thực sự giật mình vì số tiền gốc kèm theo tiền lãi đã vượt ra khỏi khả năng thanh toán của họ. Khi đó, người vay sẽ phải đối mặt với các biện pháp thu hồi nợ, kèm theo đó là khoản lãi ngày càng tăng dần theo thời gian chậm trả. Có thể thấy việc chi tiêu không có kế hoạch và chi tiêu quá mức sẽ trực tiếp dẫn đến rủi ro nợ xấu.

Sau khi nợ tín dụng, người vay sẽ bị phân loại vào các nhóm nợ và tùy theo số tiền nợ và thời gian chậm trả mà uy tín của người vay đối với ngân hàng sẽ càng giảm. Khi đó, người vay sẽ gặp khó khăn để có thể tiếp cận các dịch vụ vay vốn của các ngân hàng khác, vì khi một người vay có xếp hạng tín dụng thấp thì ngân hàng sẽ khó có khả năng thu lại được tiền lãi, hoặc thậm chí là nợ gốc.

  • Ngoài ra, nếu không nói đến yếu tố chủ quan từ bản thân người vay khi tự biến mình thành con nợ khi không có khả năng thanh toán thì việc thanh toán qua thẻ tín dụng khi không cần nhập mã PIN cũng khiến việc mất thẻ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khách hàng. Khi người lạ sở hữu thẻ tín dụng của khách hàng, họ hoàn toàn có thể tiến hành thanh toán chỉ với các thông tin có sẵn trên thẻ mà không cần phải thực hiện bất cứ việc xác thực nào khác. Do đó, trường hợp mất thẻ tín dụng nhưng chủ sở hữu không thực hiện việc khóa thẻ khẩn cấp thì rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra với người dùng.
  • Ngoài ra, một khi đã trở thành người nợ tín dụng, ngân hàng sẽ tiến hành các biện pháp thu hồi nợ cần thiết để yêu cầu trả nợ, từ việc liên hệ, nhắc nhở thanh toán qua điện thoại, email cho đến các biện pháp pháp lý như khởi kiện tại Tòa án. Đây sẽ là các biện pháp để đảm bảo người vay sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ dù muốn hay không.

Trên đây là bài viết về những tiềm ẩn rủi ro nợ xấu của hoạt động cho vay tín dụng của các ngân hàng. Mong rằng bài viết này có ích với các độc giả.