Hiện nay, các doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam đặc biệt ưa chuộng hình thức đầu tư, kinh doanh Nhượng quyền thương mại để có thể nhanh chóng tăng độ phủ sóng, chiếm lĩnh thị phần cũng như tạo giá trị cho thương hiệu doanh nghiệp. Theo đó, trong bài viết “Nhượng quyền thương mại – Những vấn đề cần lưu ý” dưới đây, TNTP sẽ giúp quý độc giả hiểu thêm những khía cạnh pháp lý cần lưu ý trước khi nhượng quyền hoặc đăng ký nhượng quyền thương mại.
I. Nhượng quyền thương mại là gì?
Căn cứ Điều 284 Luật thương mại 2005, Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
“Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”
II. Điều kiện, đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
1. Điều kiện hoạt động nhượng quyền thương mại
Căn cứ Điều 8 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 sửa đổi Điều 5 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại: “Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã hoạt động ít nhất 01 năm”.
Hiện tại, tại Việt Nam, chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, giải thích về “hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã hoạt động ít nhất 01 năm”.
Tham khảo quan điểm của Bộ Công Thương về việc giải đáp vướng mắc của Công ty TNHH Feddy được đăng tải trên Báo điện tử Chính phủ ngày 05/03/2019 đối với nội dung hỏi “mốc thời gian bắt đầu tính hoạt động của hệ thống dự định nhượng quyền là kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề bán buôn, bán lẻ phù hợp, hay là ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam?”, Bộ Công Thương đã trả lời:
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018, điều kiện đối với nhượng quyền như sau: “Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm”. Điều kiện “đã được hoạt động ít nhất 01 năm” áp dụng đối với hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền, không áp dụng cho thương nhân. Do đó, 01 năm là thời gian được tính từ ngày cấp giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh của cửa hàng đầu tiên thuộc hệ thống kinh doanh của thương nhân, đồng thời cửa hàng và hệ thống kinh doanh đó phải triển khai hoạt động kinh doanh thực sự trong thực tế.
2. Đăng ký nhượng quyền thương mại
Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 120/2011/NĐ-CP có hiệu từ ngày 01/02/2012, đã bổ sung quy định về nhượng quyền thương mại, các trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền bao gồm: nhượng quyền trong nước và nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài; đối với các trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền thì chỉ cần thực hiện chế độ báo cáo đối với Sở Công Thương.
Ngoài những trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền nêu trên, trước khi tiến hành nhượng quyền thương mại, thương nhân dự kiến nhượng quyền (bao gồm cả thương nhân nước ngoài dự kiến nhượng quyền) phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (“NĐ 35/2006/NĐ-CP”).
III. Trách nhiệm cung cấp thông tin của các bên trong nhượng quyền thương mại
1. Trách nhiệm cung cấp thông tin của Bên nhượng quyền
Căn cứ Điều 8 NĐ 35/2006/NĐ-CP quy định trách nhiệm cung cấp thông tin của Bên nhượng quyền thì Bên nhượng quyền có trách nhiệm cung cấp bản sao hợp đồng nhượng quyền thương mại mẫu và bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại của mình cho bên dự kiến nhận quyền ít nhất là 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại nếu các bên không có thỏa thuận khác. Các nội dung bắt buộc của bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại do Bộ Công thương quy định và công bố.
Bên cạnh đó, Bên nhượng quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho tất cả các Bên nhận quyền về mọi thay đổi quan trọng trong hệ thống nhượng quyền thương mại làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại của Bên nhận quyền.
Nếu quyền thương mại là quyền thương mại chung thì ngoài việc cung cấp thông tin theo nội dung trên thì Bên nhượng quyền thứ cấp còn phải cung cấp cho bên dự kiến nhận quyền bằng văn bản các nội dung sau đây: thông tin về Bên nhượng quyền đã cấp quyền thương mại cho mình; nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại chung và cách xử lý các hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp trong trường hợp chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại chung.
2. Trách nhiệm cung cấp thông tin của bên dự kiến nhận quyền
Đối với Bên dự kiến nhận quyền thì pháp luật không quy định cụ thể các nội dung mà Bên dự kiến nhận nhượng quyền phải cung cấp cho Bên nhượng quyền. Tuy nhiên, Bên dự kiến nhận quyền phải cung cấp cho Bên nhượng quyền các thông tin mà Bên nhượng quyền yêu cầu một cách hợp lý để quyết định việc trao quyền thương mại cho Bên dự kiến nhận quyền.
Trên đây là một số nội dung pháp lý liên quan đến hoạt động đăng ký nhượng quyền thương mại, TNTP mong rằng bài viết trên sẽ mang đến cho độc giả những thông tin hữu ích.
Trân trọng,