Tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV ngày 17 tháng 6 năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư số 61/2020/QH14. Trong đó, Luật Đầu tư đã có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, cải tiến so với Luật Đầu tư năm 2014. Đặc biệt, một nội dung mà cộng đồng xã hội rất quan tâm trong Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực ngày 01/01/2021 sắp tới) là việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc rằng liệu việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ có ảnh hưởng đến hoạt động thu hồi nợ của công ty luật hay không và trên thực tế, sau khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thì cách để thu hồi nợ hiệu quả nhất đối với các cá nhân, doanh nghiệp là gì? Để giải đáp vấn đề này, TNTP xin chia sẻ những ý kiến pháp lý xung quanh việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong Luật Đầu tư 2020.
Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là gì?
Ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ được quy định tại Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 06 năm 2007 “Về kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Theo đó, có thể hiểu kinh doanh dịch vụ đòi nợ là việc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đại diện cho chủ nợ hoặc khách nợ để thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ theo quy định bao gồm: xác định các khoản nợ, đôn đốc khách nợ trả nợ, thu nợ; biện pháp xử lý với chủ nợ; tư vấn pháp luật cho chủ nợ hoặc khách nợ về việc xác định nợ, biện pháp, quy trình, thủ tục xử lý nợ, …
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ và công ty luật đại diện khách hàng giải quyết tranh chấp về khoản nợ có giống nhau không?
Nếu chỉ nhìn qua, nhiều người sẽ nghĩ rằng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ và việc công ty luật đại diện khách hàng giải quyết các tranh chấp về khoản nợ là giống nhau bởi dịch vụ đòi nợ và giải quyết tranh chấp về khoản nợ đều có một số điểm chung như sau:
– Khoản nợ phát sinh từ hợp đồng vay dân sự hoặc từ hoạt động kinh doanh, thương mại.
– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ và Công ty luật đều đại diện cho khách hàng (Chủ nợ hoặc Khách nợ) làm các cách để thu hồi nợ hoặc có biện pháp xử lý đối với Chủ nợ (khách hàng là Khách nợ).
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, hoạt động đòi nợ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ và hoạt động đại diện khách hàng giải quyết tranh chấp về các khoản nợ của Công ty luật là không giống nhau:
Như vậy, hoạt động dịch vụ đòi nợ của Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ và hoạt động đại diện giải quyết tranh chấp về các khoản nợ của Công ty luật là không giống nhau. Việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ không gây ảnh hưởng đến bất kỳ hoạt động dịch vụ pháp lý nào của Công ty luật.
Các biện pháp thu hồi nợ sau khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực là gì?
Luật Đầu tư 2020 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2021 sắp tới và căn cứ vào Điều 6 Luật Đầu tư 2020, hoạt động dịch vụ đòi nợ sẽ bị cấm kinh doanh. Do đó, các chủ nợ có thể lựa chọn hai phương án để xử lý khoản nợ:
– Chuyển nhượng quyền đối với khoản nợ (hay bán khoản nợ). Bằng cách này, chủ nợ có thể thu hồi được một phần giá trị của khoản nợ và không cần phải lo lắng về các biện pháp đôn đốc, thúc giục các bên nợ trả nợ. Tuy nhiên, chủ nợ cần lưu ý rằng đối với các khoản nợ khó đòi thì khả năng có thể chuyển nhượng quyền đối với khoản nợ là khá thấp và giá trị chuyển nhượng sẽ không mang lại lợi ích cho chủ nợ.
– Sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư: Như đã phân tích ở trên, việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ không làm ảnh hưởng đến dịch vụ pháp lý của Công ty luật, trong đó bao gồm việc đại diện cho khách hàng thương lượng với các bên nợ và tham gia tố tụng tại Trọng tài hoặc Tòa án để yêu cầu bên nợ thanh toán trả nợ. Ngoài ra, do tâm lý ngại kiện tụng của các bên nên khi có sự tham gia của luật sư trong quá trình tố tụng, các bên nợ thường không thể chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ được nữa và do đó khả năng thu hồi khoản nợ thành công sẽ cao hơn.
Với kinh nghiệm giải quyết tranh chấp và thu hồi nợ lâu năm, TNTP nhận thấy phương án sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư là khả thi hơn. So với việc chuyển nhượng quyền đối với khoản nợ, chủ nợ phải chấp nhận rằng chỉ thu hồi được một phần khoản nợ và lỗ nhiều hơn lãi thì việc thuê luật sư sẽ có thể thu hồi được nhiều hơn. Nếu thu hồi nợ thành công thì chủ nợ không chỉ thu hồi lại được khoản nợ ban đầu mà còn thu hồi được cả lãi. Do đó, chủ nợ nên cân nhắc kỹ các biện pháp thu hồi nợ để có thể thu về lợi ích cao nhất.
Trên đây là những chia sẻ pháp lý của TNTP về vấn đề cấm kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ. Mong rằng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng.
Có thể bạn quan tâm đến: Hướng dẫn khởi kiện cho doanh nghiệp tại tòa án
Tham gia vào group của TNTP NGAY TẠI ĐÂY để trao đổi thêm nhiều kiến thức về Giải Quyết Tranh Chấp và Thu Hồi Nợ:
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự
Tầng 4 số 200 phố Nguyễn Lương Bằng, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Email: ha.nguyen@tntplaw.com