Hiện nay, nhu cầu tiến hành khởi kiện của doanh nghiệp tại Tòa án đang tăng nhanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp thường lúng túng khi khởi kiện bởi không có kinh nghiệm tham gia tranh tụng tại Tòa án. Rất nhiều trường hợp sau khi nộp đơn khởi kiện, doanh nghiệp phải bổ sung tài liệu nhiều lần thì mới được thụ lý. Vô hình chung, chính doanh nghiệp khởi kiện đã làm mất thời gian của chính mình và khiến quá trình tranh tụng tại Tòa án bị kéo dài. Do đó, chúng tôi xin chia sẻ bài viết pháp lý này để hướng dẫn khởi kiện vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Tòa án.

Soạn Đơn khởi kiện

Để hướng dẫn khởi kiện, việc đầu tiên và quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần chú ý là soạn Đơn khởi kiện. Đây là một bước không thể thiếu bởi khi nộp hồ sơ thì Tòa án sẽ đọc Đơn khởi kiện đầu tiên.

Hình thức, nội dung Đơn khởi kiện

Lưu ý tiếp theo trong hướng dẫn khởi kiện này là hình thức và nội dung của Đơn khởi kiện phải được thể hiện đúng theo quy định tại Khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Doanh nghiệp có thể tải mẫu Đơn khởi kiện theo Mẫu số 23-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) và điền các thông tin còn thiếu để nộp cho Tòa án.

                                    

(Nhấp vào hình ảnh để xem nội dung)

Lưu ý khi soạn thảo Đơn khởi kiện

Khi soạn thảo Đơn khởi kiện doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau:

(a) Tóm tắt vụ việc: Mặc dù Mẫu đơn khởi kiện không quy định về phần này, song doanh nghiệp nên tóm tắt ngắn gọn vụ việc để Tòa án có thể nắm được sơ bộ quan hệ tranh chấp của các bên. Như vậy, Tòa án có thể nhanh chóng sắp xếp dữ liệu và có phương hướng giải quyết ban đầu khi xem xét các tài liệu, chứng cứ nộp kèm Đơn khởi kiện. Thông thường, phần tóm tắt vụ việc sẽ bao gồm ngày, tháng, năm xác lập giao dịch hoặc ký hợp đồng; quá trình thực hiện hợp đồng và lý do xảy ra tranh chấp.

(b) Cơ sở khởi kiện: Đây là một nội dung quan trọng trong Đơn khởi kiện bởi bên khởi kiện sẽ trình bày những nội dung để chứng minh cho quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm và yêu cầu khởi kiện là có căn cứ. Các nội dung trong phần này thường bao gồm các quy định trong hợp đồng; quy định của pháp luật và các quy định khác có liên quan.

(c) Yêu cầu: Đây là một nội dung bắt buộc phải có trong Đơn khởi kiện bởi yêu cầu khởi kiện chính là mấu chốt, là những nội dung mà các bên hiện đang tranh chấp. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý nêu rõ các yêu cầu khởi kiện.

Tài liệu nộp kèm Đơn khởi kiện

Căn cứ Khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án. Như vậy, doanh nghiệp phải nộp tài liệu kèm theo Đơn khởi kiện để chứng minh cho yêu cầu của mình. Đây là quy định bắt buộc của pháp luật.

Mặc dù theo quy định trên, người khởi kiện có thể nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án, song trên thực tế có những tài liệu, chứng cứ nếu doanh nghiệp không nộp trong giai đoạn khởi kiện thì khả năng Tòa án thụ lý vụ án sẽ thấp. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý một số tài liệu phải có khi nộp kèm Đơn khởi kiện là:

· Hợp đồng: Trong tranh chấp dân sự, hợp đồng có thể bằng miệng hoặc bằng hình thức khác nên khi khởi kiện, dù không có hợp đồng thì người khởi kiện vẫn được Tòa án thụ lý giải quyết. Tuy nhiên trong tranh chấp kinh doanh thương mại thì hợp đồng là một chứng cứ quan trọng để Tòa án xem xét yêu cầu trong Đơn khởi kiện có hợp lý và có cơ sở hay không.

· Chứng cứ chứng minh việc thực hiện hợp đồng: Các chứng cứ chứng minh việc thực hiện hợp đồng có thể khác nhau tùy vào loại hợp đồng và yêu cầu khởi kiện. Tuy nhiên, các chứng cứ mà doanh nghiệp có thể xem xét nộp cho Tòa án là hóa đơn giá trị gia tăng, biên bản giao nhận hàng hóa, biên bản nghiệm thu, đối chiếu công nợ, công văn đề nghị thanh toán, … (nếu có)

Nộp hồ sơ khởi kiện

Việc nộp hồ sơ khởi kiện được thực hiện như sau

(a) Theo quy định tại Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

  • Nộp trực tiếp tại Tòa án;
  • Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
  • Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Hiện nay, chủ yếu các doanh nghiệp vẫn nộp hồ sơ khởi kiện trực tiếp hoặc theo đường dịch vụ bưu chính.

(b) Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý ngày khởi kiện được tính theo ngày nộp đơn khởi kiện như sau:

  • Nộp trực tiếp: Ngày khởi kiện là ngày nộp đơn tại Tòa án;
  • Nộp theo đường dịch vụ bưu chính: Ngày khởi kiện là ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi. Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính nơi gửi thì ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính. Đương sự phải chứng minh ngày minh gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính. Trường hợp đương sự không chứng minh được thì ngày khởi kiện là ngày Tòa án nhận được đơn khởi kiện do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.

Việc khởi kiện được chuẩn bị càng kỹ càng thì thời gian tranh tụng càng được rút ngắn lại. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý soạn Đơn khởi kiện cũng như chuẩn bị các tài liệu nộp kèm trước khi gửi cho Tòa án, tránh để xảy ra trường hợp phải bổ sung tài liệu nhiều lần gây mất thời gian và phiền hà cho chính doanh nghiệp khởi kiện. Trên đây là những chia sẻ pháp lý về việc hướng dẫn doanh nghiệp khởi kiện vụ án kinh doanh thương mại tại Tòa án. Hi vọng bài viết này có ích cho bạn.

Có thể bạn quan tâm đến: Kỹ thuật soạn thảo văn bản trong hoạt động của doanh nghiệp

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

  • Tầng 4 số 200 phố Nguyễn Lương Bằng, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội
  • Luật sư Nguyễn Thanh Hà
  • Email: ha.nguyen@tntplaw.com