Một trong những yếu tố quan trọng quyết định khả năng thành công của việc thu hồi công nợ là thời gian phát sinh khoản nợ. Nếu một khoản nợ có thời gian phát sinh ngắn sẽ có khả năng thu hồi cao hơn một khoản nợ có thời gian phát sinh từ lâu. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ phân tích về việc thời gian phát sinh khoản nợ càng lâu sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc thu hồi nợ.

1. Khoảng nợ được coi là đã phát sinh lâu

Trong hoạt động thu hồi công nợ, khoảng thời gian “vàng” để doanh nghiệp thu hồi công nợ là từ khi bắt đầu phát sinh khoản nợ từ 01 đến 03 tháng. Khi đó, quá trình tiến hành các biện pháp thu hồi nợ sẽ đơn giản do bên nợ thường chưa phát sinh các vấn đề trong hoạt động kinh doanh, hoặc dễ dàng phát hiện được việc bên nợ có phát sinh các vấn đề trong hoạt động kinh doanh để tiến hành các biện pháp cần thiết. Hơn nữa, do khoản nợ còn mới nên việc đối chiếu, xác nhận công nợ giữa các bên sẽ rất đơn giản do số liệu sổ sách chưa bị tồn đọng quá lâu dẫn đến việc khó theo dõi, xác minh khoản nợ.

Ngược lại, khoảng thời gian để một khoản nợ được coi là lâu thường từ 12 tháng trở lên kể từ thời điểm phát sinh. Lý do là vì khi doanh nghiệp đã “bỏ quên” bên nợ trong một khoảng thời gian này thì sẽ không thể xác định được khả năng hoạt động, khả năng thanh toán, thậm chí là không biết việc bên nợ còn hoạt động và có khả năng trả nợ hay không. Khoảng thời gian này doanh nghiệp cũng thường tiến hành việc báo cáo thuế hằng năm và sau đó nhập kho các tài liệu liên quan đến khoản nợ. Do đó dẫn đến việc xác minh công nợ mất nhiều thời gian và khó theo dõi khoản nợ.

2. Những tác động của việc để thời gian phát sinh khoản nợ quá lâu

a) Bên nợ có thể không còn khả năng thanh toán

Như đã đề cập ở trên, một khoản nợ phát sinh quá lâu sẽ dẫn đến việc khó thu hồi nợ. Khoảng thời gian từ 12 tháng trở lên tạo điều kiện để bên nợ trốn tránh thanh toán vì trước đó không được chủ nợ đôn đốc nhắc nhở thường xuyên. Trong khi các bên nợ thường luôn muốn chiếm dụng vốn trong thời gian lâu nhất có thể để tạo lợi thế kinh doanh và bảo vệ dòng tiền của chính mình.

Ngoài ra, việc để một khoản nợ phát sinh quá lâu có thể dẫn đến việc khi phát hiện thì bên nợ đã không còn khả năng thanh toán. Các bên nợ khi phát sinh nhiều khoản nợ lớn một lúc nhưng không có khả năng thanh toán thường sẽ tìm cách để kéo dài khoản nợ hoặc thậm chí “bỏ của chạy lấy người”. Khi đó, chủ nợ không còn khả năng thu hồi khoản nợ hoặc sẽ mất nhiều thời gian, công sức hoặc chi phí bỏ ra để thu hồi nợ.

b) Gây khó khăn trong quá trình khởi kiện

Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp cân nhắc khởi kiện bên nợ với khoản nợ quá lâu có thể sẽ quá thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự. Khi đó quyền lợi của doanh nghiệp sẽ không bảo đảm, thậm chí khi đã có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thì giai đoạn thi hành án cũng có thể rất khó khăn và kéo dài.

c) Việc kiểm tra, rà soát các tài liệu cũ mất nhiều thời gian dẫn đến việc xác định không đầy đủ, chính xác khoản nợ

Các tài quan trọng khi doanh nghiệp tiến hành thu hồi nợ bao gồm: Hợp đồng, Biên bản bàn giao hàng hóa, Hóa đơn và quan trọng nhất là Biên bản đối chiếu công nợ có xác nhận của các bên. Các tài liệu này là căn cứ pháp lý rõ ràng nhất để chứng minh nghĩa vụ thanh toán và xác định chính xác số tiền bên nợ phải trả.

Trong khoảng thời gian từ 12 tháng trở lên, sau khi đã báo cáo thuế định kỳ hằng năm thì doanh nghiệp thường có xu hướng lưu trữ các tài liệu này vào kho dữ liệu doanh nghiệp. Trong trường hợp cần sử dụng để thu hồi nợ thì việc rà soát lại các tài liệu cũ sẽ tốn rất nhiều thời gian gây ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ. Trường hợp doanh nghiệp không lưu trữ đầy đủ dẫn đến việc thất lạc các tài liệu quan trọng này thì việc thu hồi nợ sẽ rất khó khăn khi không có đủ căn cứ để yêu cầu bên nợ thực hiện thanh toán và không xác định được chính xác số tiền yêu cầu bên nợ thanh toán.

Hơn nữa, nếu doanh nghiệp tiến hành việc khởi kiện bên nợ tại các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nhưng không cung cấp được các tài liệu trên để chứng minh yêu cầu khởi kiện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của doanh nghiệp. Thậm chí các cơ quan có thẩm quyền có thể không chấp nhận yêu cầu khởi kiện vì doanh nghiệp không nộp được các tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu bên nợ thanh toán khoản nợ.

Có thể thấy việc để phát sinh khoản nợ quá lâu sẽ tác động tiêu cực đến quá trình thu hồi công nợ của các doanh nghiệp. Do đó, để đảm bảo hoạt động thu hồi nợ một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần lưu ý tiến hành các biện pháp thu hồi nợ cần thiết trong thời gian phát sinh khoản nợ sớm nhất có thể. Trên đây là bài viết về “Thời gian khoản nợ càng lâu ảnh hưởng thế nào đến việc thu hồi nợ?” của luật sư TNTP. Mong rằng bài viết này có ích trong hoạt động của các doanh nghiệp.

Trân trọng,