Đầu năm 2020, một dịch bệnh mới do vi rút Corona bùng phát lây lan ra nhiều quốc gia. Nhà nước khuyến cáo sử dụng khẩu trang y tế ở những nơi công cộng. Trong chốc lát, khẩu trang đã trở thành hàng hóa khan hiếm. Trước nhu cầu tăng cao, nhiều cửa hàng dược phẩm đã tăng giá bán khẩu trang y tế để sinh lợi nhuận. Điều này khiến cho người dân vô cùng bức xúc.

Vậy hành vi tăng giá bán khẩu trang y tế khi có dịch có hợp pháp? Và hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật? Bài viết dưới đây sẽ trả lời những câu hỏi trên.

Tăng giá bán khẩu trang y tế khi có dịch có hợp pháp không?

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 11 Luật Giá 2012, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có quyền tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Theo Điều 19 Luật Giá quy định về hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khẩu trang y tế không thuộc danh mục này. Vì vậy người bán được phép tự định giá.

Tuy nhiên, căn cứ vào Khoản 5 Điều 12 Luật Giá, dù khẩu trang y tế không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá nhưng người bán khẩu trang y tế vẫn phải niêm yết giá và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết.

Căn cứ vào Khoản 6 Điều 4 Luật Giá, niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng. Tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam. In, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác. Điều này giúp người mua có thể thuận tiện quan sát, nhận biết.

Như vậy, nếu tăng giá bán khẩu trang khi có dịch cao hơn so với giá niêm yết thì sẽ bị coi là vi phạm pháp luật tại Khoản 5 Điều 12 nêu trên.

Tăng giá bán khẩu trang y tế khi có dịch bị xử lý như thế nào?

Theo quy định xử phạt hành chính:

Căn cứ vào Khoản 3 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (“Nghị định 109”), các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm, trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp tự định giá, niêm yết lại giá cao hơn rồi bán với giá đã được niêm yết lại thì vẫn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 17 Nghị định 109. Cụ thể là tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Đối với trách nhiệm hình sự:

Theo Điều 196 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội đầu cơ như sau: Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trường hợp phạm tội gây ra hậu quả nghiêm trọng, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị tăng khung hình phạt và nâng mức xử phạt.

Dựa vào quy định trên, hành vi tăng giá bán khẩu trang có thể bị coi là phạm tội đầu cơ khi có đầy đủ các điều kiện sau:

  • Thứ nhất, hành vi diễn ra trong hoàn cảnh có thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế. Đối chiếu tình hình thực tế hiện nay, dịch bệnh do virus Corona gây ra đã bùng phát và ngày càng lan rộng trên khắp thế giới.
  • Thứ hai, tổ chức, cá nhân tăng giá bán khẩu trang đã lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo. Do dịch bệnh bùng phát, nhu cầu mua khẩu trang ý tế của người dân tăng đột biến. Điều này khiến khẩu trang trở thành hàng hóa khan hiếm, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế lợi dụng để nâng giá bán khẩu trang nhằm thu lợi bất chính.
  • Thứ ba, tổ chức, cá nhân có hành vi mua vét hàng hóa nhằm bán lại để thu lợi bất chính. Nếu chỉ xét riêng hành vi tăng giá bán khẩu trang thì không đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đầu cơ. Ở đây, các tổ chức, cá nhân phải có hành vi mua một số lượng lớn hàng hóa trong một phạm vi nhất định với mục đích để bán lại với giá cao hơn và thu lợi bất chính.
  • Do đó, nếu các tổ chức, cá nhân chỉ tăng giá bán khẩu trang trong tình hình dịch bệnh do vi rút Corona gây ra nhưng không có hành vi mua vét hàng hóa, hoặc tăng giá bán khẩu trang khi không có tình trạng khan hiếm khẩu trang thì không bị coi là phạm tội đầu cơ và chỉ chịu trách nhiệm hành chính như đã phân tích ở trên.

Kết luận:

Hành vi tăng giá bán khẩu trang y tế khi có dịch là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, từ ngày 01/02/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rõ nếu người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ cửa hiệu thuốc tăng giá bán, không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó. Qua bài viết này, chúng tôi mong bạn hiểu rõ hơn về những quy định của pháp luật. Trường hợp bạn cần hỗ trợ, vui lòng liên hệ với chúng tôi.

Trân trọng.

 
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Email: ha.nguyen@tntplaw.com
Địa chỉ: Tầng 4, Số 200 Nguyễn Lương Bằng, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội