Giải quyết tranh chấp là một phần quan trọng của hệ thống pháp luật trong mọi xã hội. Hiện nay, trong quá trình giải quyết tranh chấp Các bên luôn ưu tiên phương thức giải quyết thương lượng, hòa giải, trường hợp mâu thuẫn đạt đến đỉnh điểm Các bên không thể tự thương lượng được sẽ lựa chọn phương thức giải quyết cao hơn là Trọng tài và Tòa án. Tuy nhiên, có những sự khác biệt cơ bản giữa việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án và Trọng tài. Theo đó, bằng bài viết này, TNTP sẽ gửi đến quý bạn đọc bài viết “Sự khác nhau giữa giải quyết tranh chấp tại Tòa án và Trọng tài”.

1. Tính chất pháp lý

• Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nhà nước, thực hiện quyền tư pháp. Trong quá trình tố tụng, Tòa án nhân danh Nhà nước để xem xét, xử lý vi phạm pháp luật nhằm duy trì trật tự công cộng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

• Trung tâm Trọng tài là các tổ chức phi chính phủ, mang tính chất xã hội, nghề nghiệp. Các trung tâm Trọng tài được thành lập dựa trên sự thỏa thuận của các Trọng tài viên và sự chấp thuận từ cơ quan Nhà nước. Các trung tâm Trọng tài không nằm trong cơ cấu thiết chế nào của bộ máy nhà nước và cũng không phải là một cơ quan xét xử của Nhà nước. Trọng tài không đại diện cho quyền lực tư pháp của Nhà nước nên rất phù hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

2. Thẩm quyền

a. Thẩm quyền theo vụ việc

• Dưới góc độ thẩm quyền theo vụ việc, Tòa án có thẩm quyền rộng hơn so với Trọng tài. Tòa án có thẩm quyền giải quyết hầu như tất cả các loại tranh chấp phát sinh trong cuộc sống như kinh doanh thương mại, thừa kế, hôn nhân gia đình, trách nhiệm ngoài hợp đồng,…Tòa án cũng có thể giải quyết những việc dân sự không phải là tranh chấp.

• Trong khi đó, Trọng tài chỉ giải quyết các tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; có ít nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc pháp luật có quy định là phải giải quyết bằng Trọng tài. Các bên tranh chấp chỉ có thể đưa vụ tranh chấp ra trung tâm Trọng tài để giải quyết khi đã có sự thỏa thuận về việc này. Điều này có nghĩa là: sự thỏa thuận Trọng tài là điều kiện quyết định quyền khởi kiện của đương sự.

b. Thẩm quyền theo lãnh thổ

• Trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa Án, thẩm quyền của Tòa án được quy định khá rõ ràng, chi tiết trong Bộ luật tố tụng dân sự và đơn khởi kiện được giải quyết khi nộp đến đúng cơ quan Tòa án có thẩm quyền giải quyết đã được pháp luật quy định, ngoại trừ một số trường hợp được Bộ luật tố tụng dân sự cho phép nguyên đơn được lựa chọn Tòa án.

• Ngược lại, ở cơ chế Trọng tài thẩm quyền theo lãnh thổ không được đặt ra, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn bất cứ Trung tâm Trọng tài nào để giải quyết theo ý muốn và sự tín nhiệm của họ. Khi tranh chấp đã được các bên thỏa thuận đưa ra trung tâm Trọng tài nào giải quyết thì trung tâm đó có quyền thụ lý tranh chấp.

3. Nguyên tắc xét xử, thời gian và chi phí giải quyết tranh chấp

a. Nguyên tắc xét xử

• Tòa án không chỉ xét xử với mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự mà còn có ý nghĩa giáo dục việc tuân theo pháp luật. Do vậy, hầu hết các phiên tòa đều được tiến hành công khai, các bản án thường được công bố rộng rãi trước công chúng. Điều này dẫn đến khó khăn khi bảo vệ các thông tin bí mật kinh doanh, có thể ảnh hưởng tới danh tiếng của đơn vị kinh doanh.

• Trong khi giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thì mọi tình tiết và kết quả không được công bố nếu không có sự chấp thuận của các bên. Xuất phát từ nhu cầu phải bảo vệ bí mật nghề nghiệp kinh doanh mà pháp luật không buộc các phiên họp xét xử trọng tài phải công khai. Phán quyết của Trọng tài cũng sẽ được giữ bí mật, không công khai nếu các bên không có yêu cầu. Nguyên tắc này hoàn toàn khác với nguyên tắc xét xử công khai của Tòa án.

b. Thời gian

• Trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án có nhiều cấp xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm, trong một số trường hợp bản án, quyết định của Tòa án còn có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm. Chính vì thủ giải quyết tranh chấp tại Tòa án phải thông qua nhiều giai đoạn xét xử khác nhau đôi khi có thể dẫn tới thời gian xét xử kéo dài, thời gian từ khi nộp đơn đến khi có phán quyết có thể kéo dài đến vài năm. Đây là điều mà các đơn vị kinh doanh thường không mong muốn.

• Trung tâm trọng tài chỉ xét xử một lần đối với các tranh chấp kinh doanh, thương mại, phán quyết của trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực thi hành, không bị kháng cáo, kháng nghị. Đây là nguyên tắc đặc trưng của giải quyết tranh chấp Trọng tài so với Tòa án. Nó xuất phát từ bản chất của giải quyết tranh chấp Trọng tài là nhân danh ý chí và quyền định đoạt của các bên đương sự, các bên đã thỏa thuận đồng ý lựa chọn trọng tài vì vậy phải tuân thủ theo phán quyết cuối cùng.

Đồng thời, trong giải quyết tranh chấp tại Trọng tài các bên có thể chọn tổ chức trọng tài, chọn Trọng tài viên mà mình tín nhiệm. Việc có thể chỉ định trọng tài viên giúp các bên lựa chọn được trọng tài viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc vấn đề đang tranh chấp, qua đó có điều kiện giải quyết tranh chấp hợp đồng nhanh chóng, chính xác.

c. Chi phí

• Khi nộp đơn khởi kiện cho Tòa án thì sau khi đơn kiện đã được Tòa án đồng ý tiếp nhận, nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí của vụ kiện. Sau đó, khi xét xử thì Tòa án sẽ tuyên số tiền án phí mà đương sự phải chịu theo nguyên tắc bên thua kiện hoặc bị Tòa án bác yêu cầu thì phải chịu án phí. Trong trường hợp nguyên đơn thắng kiện toàn bộ thì không phải chịu án phí và sẽ được cơ quan Thi hành án hoàn lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp. Như vậy, nếu thắng kiện thì nguyên đơn sẽ không bị mất khoản tiền tạm ứng án phí đã nộp.

• Khác với giải quyết tranh chấp tại Tòa án khi nộp đơn khởi kiện tại Trọng tài thì Nguyên đơn phải nộp toàn bộ phí Trọng tài cho Trung tâm trọng tài. Mức phí trọng tài do Trung tâm trọng tài quy định, thông thường Trung tâm trọng tài càng uy tín thì mức phí càng cao. Trên thực tế, mức phí trọng tài mà nguyên đơn phải nộp sẽ cao hơn nhiều so với số tiền tạm ứng án phí trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án.

Đối với giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, thông thường bên thua kiện phải chịu phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng trọng tài quy định khác, hoặc Hội đồng trọng tài có sự phân bổ khác. Như vậy, theo nguyên tắc này, trường hợp nguyên đơn thắng kiện nhưng phía bị đơn không có khả năng thi hành án thì xem như nguyên đơn sẽ phải chịu số tiền phí trọng tài đã nộp. Đây là điều nguyên đơn cần cân nhắc trước khi khởi kiện ra Trọng tài.

Từ những nội dung trên đây có thể thấy sự khác biệt giữa hai cơ quan giải quyết tranh chấp là Tòa án và Trọng tài. Do đó cần xem xét kỹ lưỡng đặc điểm cụ thể của vụ tranh chấp, đặt trong bối cảnh tính chất pháp lý và đặc điểm nội dung tranh chấp để đưa ra quyết định đúng đắn giữa việc chọn Tòa án hay Trọng Tài, nhằm đảm bảo sự công bằng, hiệu quả và bảo vệ lợi ích tối đa.

Trên đây là những nội dung và chia sẻ pháp lý của TNTP Sự khác nhau giữa giải quyết tranh chấp tại Tòa án và Trọng tài. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với bạn.

Trân trọng.