Trọng tài với vai trò là một phương thức giải quyết tranh chấp tư có một lịch sử hình thành và phát triển lâu dài trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế. Tại Việt Nam, phương thức này dần được ưu tiên sử dụng khi các bên phát sinh tranh chấp. Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày đến bạn đọc những nội dung cơ bản cần lưu ý khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài.

1. Khái niệm Trọng tài thương mại

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài Thương mại 2010 (Luật TTTM 2010), Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này. Theo đó, trọng tài là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt xung đột bằng việc đưa ra một phán quyết buộc các bên phải thực hiện.

2. Điều kiện giải quyết quyết tranh chấp bằng Trọng tài

Giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài thương mại yêu cầu phải có sự tồn tại của một thỏa thuận trọng tài mà thỏa thuận đó phải có giá trị pháp lý và có hiệu lực trên thực tế, tức là có thể thực hiện được. Nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 5 và Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010 (“Luật TTTM 2010”). Cụ thể như sau:

Điều 5 Luật TTTM 2010:

“Điều 5. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài

1. Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

2. Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

3. Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác”.

Và Điều 6 Luật TTTM 2010:

“Điều 6. Toà án từ chối thụ lý trong trường hợp có thoả thuận trọng tài

Trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được”.

3. Đặc điểm của phương thức giải quyết tranh chấp 

Thứ nhất, tính chung thẩm của phán quyết: Phán quyết của trọng tài là chung thẩm và các bên buộc phải thi hành. Đa số phán quyết được thi hành dưới sự trợ giúp của nhà nước trừ những trường hợp phán quyết bị hủy bởi tòa án chủ yếu do vi phạm các thủ tục tố tụng trọng tài.

Thứ hai, sự công nhận quốc tế: Phán quyết trọng tài ban hành ở một quốc gia thành viên có thể được công nhận và cho thi hành bởi tất cả các quốc gia thành viên còn lại theo Công ước New York 1958.

Thứ ba, tính linh hoạt: Các bên có thể lựa chọn địa điểm xét xử trọng tài, luật áp dụng, ngôn ngữ sử dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài, các quy tắc tố tụng, trọng tài viên.

Thứ tư, về thời gian giải quyết tranh chấp: Do chỉ có một cấp xét xử nên việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài thông thường sẽ nhanh chóng hơn so với việc xét xử tại tòa án.

Thứ năm, tính bảo mật: Mọi thông tin về tranh chấp giải quyết tại trọng tài đều không được công khai. Theo yêu cầu của các bên, phiên xét xử chỉ tiến hành với sự có mặt của các bên, phán quyết cũng chỉ được trao cho các bên, nếu họ không có thỏa thuận khác. Điều này được quy định rõ như là một trong những nguyên tắc cơ bản của giải quyết tranh chấp này tại Việt Nam. Theo đó, Khoản 4 Điều 4 Luật TTTM 2010 quy định như sau: “4. Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.

Trên đây là bài viết “Những nội dung cơ bản cần lưu ý khi giải quyết tranh chấp bằng phương thức Trọng tài” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có bất kỳ vấn đề nào cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,