Để đảm bảo việc hoàn thành công trình một cách hiệu quả, các bên phải có ý thức tuân thủ các quy định trong hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, một hoặc các bên có thể thực hiện các hành vi vi phạm và gây thiệt hại cho bên còn lại. Trong trường hợp này, bên bị vi phạm có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm (nếu có quy định trong hợp đồng) và bồi thường thiệt hại để khắc phục hậu quả của vi phạm, đền bù những tổn thất kinh tế hoặc thiệt hại gây ra. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày hai chế tài này để các bên tham gia hợp đồng xây dựng có thể tham khảo và áp dụng.

1. Phạt vi phạm

Căn cứ Khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020 (“Luật Xây dựng”), đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.

Như vậy, đối với công trình xây dựng không có vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công (gọi chung là “vốn nhà nước”) thì Luật Xây dựng không quy định về mức phạt vi phạm. Do Luật Xây dựng không quy định nên có nhiều quan điểm về việc sẽ áp dụng quy định về phạt vi phạm trong Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS”) hay Luật Thương mại 2005 (“LTM”) để xác định mức phạt hợp đồng của công trình xây dựng không có vốn nhà nước giữa hai doanh nghiệp.

Khoản 2 Điều 418 BLDS quy định các bên tự do thỏa thuận về mức phạt vi phạm mà không chịu bất kỳ giới hạn nào, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác. Trong khi đó, Điều 301 LTM quy định mức phạt vi phạm không vượt quá 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (trừ trường hợp phạt do giám định sai). Do vậy, nếu áp dụng BLDS thì mức phạt không bị giới hạn còn áp dụng LTM thì mức phạt bị giới hạn là 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.

Theo quan điểm của người viết, do hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự (Khoản 1 Điều 138 Luật Xây dựng) nên khi Luật Xây dựng không quy định thì phải áp dụng BLDS để xác định mức phạt hợp đồng của công trình xây dựng không có vốn nhà nước giữa hai doanh nghiệp. Do vậy, các bên có thể tự do thỏa thuận về mức phạt vi phạm mà không có giới hạn. Các doanh nghiệp cần lưu ý điều này để lường trước những rủi ro về việc phạt vi phạm.

2. Bồi thường thiệt hại

2.1. Quy định chung

+ Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật Xây dựng và pháp luật có liên quan khác.

+ Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng không phù hợp với quy định thì sau khi thực hiện nghĩa vụ hoặc áp dụng biện pháp sửa chữa còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu bên kia còn bị những thiệt hại khác, mức bồi thường thiệt hại phải tương đương với mức tổn thất của bên kia.

+ Trường hợp hành vi vi phạm hợp đồng của một bên xâm hại tới thân thể, quyền lợi, tài sản của bên kia, bên bị tổn hại có quyền yêu cầu bên kia gánh chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng theo thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

+ Trường hợp một bên vi phạm hợp đồng do nguyên nhân của bên thứ ba, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng trước bên kia. Tranh chấp giữa bên vi phạm với bên thứ ba được giải quyết theo quy định của pháp luật.

2.2. Các trường hợp Bên nhận thầu phải bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu

+ Chất lượng công việc không bảo đảm với thỏa thuận trong hợp đồng hoặc kéo dài thời hạn hoàn thành do lỗi của bên nhận thầu gây ra;

+ Do nguyên nhân của bên nhận thầu dẫn tới gây thiệt hại cho người và tài sản trong thời hạn bảo hành.

2.3. Các trường hợp Bên giao thầu phải bồi thường cho bên nhận thầu

+ Do nguyên nhân của bên giao thầu dẫn tới công việc theo hợp đồng bị gián đoạn, thực hiện chậm tiến độ, gặp rủi ro, điều phối máy, thiết bị, vật liệu và cấu kiện tồn kho cho bên nhận thầu;

+ Bên giao thầu cung cấp tài liệu, điều kiện cần thiết cho công việc không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng làm cho bên nhận thầu phải thi công lại, tạm dừng hoặc sửa đổi công việc;

+ Trường hợp trong hợp đồng xây dựng quy định bên giao thầu cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, các yêu cầu khác mà cung cấp không đúng thời gian và yêu cầu theo quy định;

+ Bên giao thầu chậm thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Trên đây là bài viết “Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng xây dựng” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ TNTP để được hỗ trợ.

Trân trọng,