Ngoài tranh chấp quyền tác giả thì một loại hình tranh chấp trong sở hữu trí tuệ được nhiều cá nhân và doanh nghiệp quan tâm đặc biệt là tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp.

Ở bài đăng “Những vấn đề tranh chấp sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp”Diễn đàn Pháp luật đã phân tích những vấn đề liên quan đến tranh chấp quyền tác giả. Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một loại hình tranh chấp sở hữu trí tuệ đặc thù mà những năm gần đây đã xảy ra rất nhiều vụ kiện cả trong nước và ngoài nước, đó là tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp.

Tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp?

Quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) là một lại tài sản trí tuệ liên quan tới các sáng tạo của trí tuệ con người. Theo quy định khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì: “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của cá nhân, tổ chức đối với sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý do chính mình sáng tạo ra hoặc là sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.” Tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp hình thành khi các chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp xảy ra tranh chấp.

Kinh tế – xã hội càng phát triển, các cá nhân – doanh nghiệp càng có nhu cầu về sự đảm bảo, tính sở hữu cao hơn từ quyền SHCN của mình. Hơn thế nữa, quyền SHCN là quyền đối với các tài sản vô hình nên các tranh chấp phát sinh liên quan đến quyền SHCN cũng rất đa dạng và phức tạp.

Nhãn hiệu và phạm vi bảo hộ nhãn hiệu

Vụ tranh chấp về nhãn hiệu, vi phạm bảo hộ nhãn hiệu – một trong những loại hình tranh chấp quyền SHCN từng được sự quan tâm lớn của dư luận đó là vụ kiện nhãn hiệu Asanzo và Asano năm 2019.

Công ty TNHH thương mại và sản xuất Đông Phương là chủ thể đang sở hữu nhãn hiệu “ASANO” đã được đăng ký bảo hộ năm 2008. Còn nhãn hiệu “ASANZO” được đăng ký bảo hộ năm 2014 bởi Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam. Công ty Đông Phương kiện công ty Asanzo Việt Nam khi sử dụng nhãn hiệu có dấu hiệu trùng hoặc tương tự là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Asano của Công ty Đông Phương.

Sau quá trình điều tra và xét xử, tòa hủy bỏ hiệu lực của giấy chứng nhận quyền bảo hộ của nhãn hiệu Asanzo, buộc Công ty Asanzo Việt Nam chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu Asanzo  trên giao diện website, biển hiệu, xe tải và các sản phẩm thuộc Nhóm 07, 09 & 11 đang lưu hành trên thị trường; xóa bỏ nhãn hiệu Asanzo dán trên toàn bộ sản phẩm thuộc Nhóm 07, 09 & 11 đang lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam; xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại một phần yêu cầu của Công ty Đông Phương.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty luật quốc tế TNTP chia sẻ: “Chúng ta có thể thấy tranh chấp quyền SHTT về nhãn hiệu vẫn có thể phát sinh ngay cả khi nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ của Cơ quan nhà nước. Cụ thể, nhãn hiệu Asano (bao gồm cả phần hình) và Asanzo (bao gồm cả phần hình) tuy có sự khác biệt về màu sắc nhưng phần kết hợp các chữ cái và cách trình bày tổng thể là yếu tố tương tự gây nhầm lẫn với nhau. Vậy nên, có dấu hiệu cho thấy Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu Asano, phần hình của Công ty Đông Phương đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu”.

Bài học xương máu “đăng ký hoặc là mất?” cho nhiều doanh nghiệp công nghệ

Liên quan đến tranh chấp kiểu dáng công nghiệp – một hình thức sở hữu trong quyền sở hữu công nghiệp, chúng ta không thể không kể đến tranh chấp giữa Công ty Piaggio Việt Nam và Công ty Detech về kiểu dáng xe máy.

Những vấn đề tranh chấp sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp (bài 2)
Kiểu dáng xe trong vụ kiện giữa Piaggio Việt Nam và Detech.

Năm 2012, Công ty Piaggio Việt Nam đi vào hoạt động nhà máy sản xuất động cơ xe tay ga, một trong những sản phẩm được phát triển và sản xuất bởi Piaggio Việt Nam, dòng xe tay ga “P”. Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển công nghệ Detech đã sản xuất và phân phối sản phẩm xe máy điện ra thị trường. Detech thực hiện hành vi quảng cáo sản phẩm xe máy điện nêu trên tại trang thông tin điện tử của mình tại địa chỉ: Detechmotor.com.vn.

Piaggio Việt Nam nhận thấy kiểu dáng xe máy điện của Detech không khác biệt đáng kể với kiểu dáng “xe máy” đang được bảo hộ tại văn bằng của mình. Công ty Piaggio đã yêu cầu Công ty Detech chấm dứt việc sử dụng trái phép kiểu dáng công nghiệp, bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai trên báo điện tử về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngày 19/10/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là công ty Piaggio và bị đơn là Công ty Detech. Tòa án thành phố Hà Nội chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn chấm dứt việc sử dụng trái phép kiểu dáng công nghiệp “xe máy” được bảo hộ của nguyên đơn và các kiểu dáng khác không khác biệt đáng kể đối với kiểu dáng “xe máy” được bảo hộ nêu trên. Đồng thời bồi thường thiệt hại và nhiều chế tài xử phạt khác.

Những vấn đề tranh chấp sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp (bài 2)
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty luật quốc tế TNTP.

Về vụ việc này, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty luật quốc tế TNTP cho biết: “Trong vụ án này, công ty Piaggio đã trưng cầu giám định tại Viện Khoa học và Sở hữu trí tuệ và có kết luận giám định kết luận kiểu dáng xe máy điện sản xuất bởi Công ty Detech là yếu tố xâm phạm quyền đối với tài sản quyền SHTT kiểu dáng công nghiệp đã được Piaggio đăng ký bảo hộ (khoản 1 Điều 126 Luật SHTT năm 2005). Từ căn cứ đó, Piaggio có độc quyền sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp đang được bảo hộ của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật SHTT: “Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp””.

Những vấn đề tranh chấp sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp (bài 2)
Luật sư Nguyễn Trường Minh – Phó Giám đốc Công ty luật TNHH Naci Law.

Trả lời câu hỏi của PV về chế tài xử phạt cho các cá nhân, tổ chức vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, luật sư Nguyễn Trường Minh – Phó Giám đốc Công ty luật TNHH Naci Law cho biết: “Theo quy định của pháp luật hiện hành, tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, các nhân khác có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự. Đối với biện pháp xử lý hình sự, theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung bởi Điểm (a), (b) Khoản 53, Điều 1 của Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017:

– Cá nhân có hành vi cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam có thể bị phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

– Pháp nhân thương mại phạm tội này có thể bị phạt tiền đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đên 02 năm; cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.

Diễn đàn Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Cao Hoa – Phapluatnet