Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử đang dần trở thành xu hướng mới của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, đi kèm với sự tăng trưởng vượt bậc về số lượng các giao dịch điện tử được thực hiện là những rủi ro, nguy cơ tiềm tàng. Một số vấn đề dễ nhận thấy như quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch thương mại điện tử không được đảm bảo, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc quản lý thông tin khách hàng,… Đây đều là những vấn đề có thể dẫn đến tranh chấp trong quá trình tham gia giao dịch thương mại điện tử. Vì vậy, trong bài viết này, TNTP sẽ đem đến cho độc giả các kiến thức về những tranh chấp thường phát sinh trong giao dịch thương mại điện tử để độc giả có thể nhận diện được các rủi ro khi tham gia giao dịch này.

1. Tranh chấp giao dịch thương mại điện tử là gì?

Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam được định nghĩa là “việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”. Như vậy, giao dịch thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quá trình các giao dịch nhằm mục đích sinh lời bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở như trang mạng (website), ứng dụng điện tử (app),…

Tranh chấp phát sinh trong giao dịch thương mại điện tử là những mâu thuẫn, bất đồng, xung đột về quyền và nghĩa vụ giữa các cá nhân và tổ chức tham gia giao dịch thương mại được thiết lập thông qua phương thức điện tử nêu trên. Các tranh chấp giao dịch thương mại điện tử phổ biến bao gồm: Tranh chấp về các vấn đề trong quá trình xác lập và thực hiện giao dịch thương mại điện tử, tranh chấp liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…

2. Những tranh chấp thường gặp trong giao dịch thương mại điện tử

– Tranh chấp về việc chấp nhận giao kết hợp đồng trên mạng, ứng dụng điện tử: Hợp đồng thương mại điện tử trên một số website, app thường được thể hiện dưới dạng thông báo và yêu cầu người dùng chọn “Đồng ý” hoặc “Không đồng ý”. Tại một số trang, để có thể mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ, người dùng cần chọn “Đồng ý”, “Chấp nhận” hoặc “Mua hàng” đối với các thông báo có gắn liên kết với điều khoản sử dụng được soạn sẵn của bên cung cấp dịch vụ. Việc này có được coi là người dùng chấp nhận giao kết hợp đồng với các điều khoản sử dụng không? Với việc xác nhận mua hàng theo các điều khoản được soạn sẵn, cùng với tính chất từ xa của giao dịch, người tiêu dùng thường ở trạng thái bị động và yếu thế do họ không có quyền thỏa thuận, thương lượng. Vì vậy, các tranh chấp liên quan đến việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng điện tử thường xuyên xảy ra.

– Tranh chấp liên quan đến chữ ký điện tử và khả năng xác nhận chủ thể ký hợp đồng thông qua việc sử dụng chữ ký điện tử: Chữ ký điện tử là thông tin đi kèm dữ liệu dưới dạng văn bản, hình ảnh, video,… được tạo ra bằng phương tiện điện tử nhằm mục đích xác định chủ thể ký kết và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể với nội dung của tài liệu. Chữ ký điện tử được sử dụng trong các giao dịch điện tử và cần đảm bảo các chức năng của một “chữ ký truyền thống”. Tuy nhiên, việc sử dụng chữ ký điện tử so với “chữ ký truyền thống” tồn tại nhiều rủi ro khi khó đảm bảo tính an toàn về nội dung cũng như tính xác thực của chữ ký điện tử. Các tranh chấp liên quan đến chữ ký điện tử thường gắn liền với việc xác định tính hợp pháp của chữ ký và chủ thể giao kết trong hợp đồng.

– Tranh chấp về nội dung hợp đồng: Khi tham gia giao kết hợp đồng thương mại điện tử, khách hàng thường phải sử dụng hợp đồng mẫu do bên bán soạn thảo trước và hợp đồng có thể chứa đựng nhiều điều khoản có lợi cho bên bán, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Ngoài ra, việc sai sót trong khi nhập dữ liệu của nền tảng điện tử cũng là rủi ro cho hai bên. Với tính chất của giao dịch thương mại điện tử là được tiến hành nhanh, nên lỗi trong quá trình giao dịch như niêm yết sai giá, sai mặt hàng, sai số lượng, thường xảy ra nhiều và có thể không khắc phục kịp thời. Chính vì vậy, các tranh chấp liên quan đến nội dung hợp đồng do sai sót của máy chủ cũng như do sự thiếu cẩn trọng trong việc nghiên cứu điều khoản trong các hợp đồng mẫu của người sử dụng là rất phổ biến.

– Tranh chấp về chất lượng hàng hóa, dịch vụ không đúng như đã thỏa thuận: Khi thực hiện các giao dịch thương mại điện tử, đặc biệt là việc mua hàng trực tuyến thường phát sinh các tranh chấp do hàng hóa, dịch vụ được cung cấp không đúng chủng loại, thiết kế, nhãn hiệu, các đặc tính, yêu cầu kỹ thuật khác đã được các bên thỏa thuận. Đây là một trong những tranh chấp phổ biến nhất do đặc trưng của giao dịch thương mại điện tử là sự phụ thuộc hoàn toàn của người mua vào nội dung thông tin về đặc tính sản phẩm, dịch vụ do người bán cung cấp mà không thể kiểm tra hoặc đánh giá được chất lượng hàng hóa một cách trực tiếp từ trước.

– Tranh chấp về thời gian vận chuyển, bàn giao, lắp đặt hàng hóa: Trong giao dịch thương mại điện tử, việc vận chuyển hàng hóa thường do bên thứ ba là các công ty dịch vụ vận chuyển thực hiện. Vi phạm có thể phát sinh do vận chuyển, bàn giao không đúng thời gian quy định, hàng hóa bị hỏng,… Việc xác định trách nhiệm và áp dụng chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm trong vận chuyển, bàn giao, lắp đặt hàng hóa có tính chất phức tạp.

– Tranh chấp liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng: Khi thực hiện các giao dịch thương mại điện tử, bên mua cần cung cấp một số thông tin như số điện thoại, số thẻ tín dụng, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ, email,… Các tranh chấp liên quan đến dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng thường xuất phát từ việc các thông tin này bị rò rỉ cho bên thứ ba. Theo đó, bên thu thập thông tin có thể sử dụng thông tin của người tiêu dùng để phục vụ cho mục đích quảng cáo trực tuyến hoặc bán các thông tin này cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu,… hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng thông qua thông tin tài khoản ngân hàng của người tiêu dùng.

Trên đây là bài viết về “Những tranh chấp phát sinh trong giao dịch thương mại điện tử thường gặp” mà TNTP gửi đến quý độc giả. TNTP hy vọng bài viết này giúp ích cho Quý độc giả.

Trân trọng,