Trong các hoạt động kinh doanh, thương mại, đôi khi các bên khó tránh khỏi mâu thuẫn, tranh chấp. Khi có tranh chấp xảy ra, về nguyên tắc các bên luôn lựa chọn việc thương lượng, hòa giải trước khi tiến hành các hành động pháp lý. Tuy nhiên, việc thương lượng không phải lúc nào cũng đạt được thỏa thuận. Có nhiều vụ việc do các bên không thể tìm được giải pháp nên dẫn đến khởi kiện ra tòa án, thậm chí là sử dụng các biện pháp trái pháp luật. Do đó, để tránh các trường hợp trên, chúng tôi xin đưa ra một số lưu ý cho các bên trong quá trình thương lượng giải quyết tranh chấp.

Giữ thái độ bình tĩnh

Thông thường, các hoạt động kinh doanh, thương mại được các bên ấn định qua các hợp đồng, thỏa thuận và văn bản. Khi một trong hai bên vi phạm hợp đồng hoặc mâu thuẫn lợi ích trong hợp đồng diễn ra khiến tranh chấp phát sinh, điều đầu tiên mà các bên nên làm là thương lượng với đối tác về trách nhiệm của các bên đối với tranh chấp và đồng thời tìm ra phương án giải quyết trên cơ sở có lợi cho cả hai bên. Tuy nhiên, ngay trong quá trình thương lượng này, có nhiều trường hợp bên bị vi phạm đã không thể giữ bình tĩnh để thảo luận về phương án giải quyết đối với bên còn lại. Điều này dẫn đến việc các bên khởi kiện ra tòa án hoặc có những hành vi cực đoan.

Vì vậy, trong quá trình thương lượng, các bên cần lưu ý giữ thái độ bình tĩnh, hợp tác với bên còn lại để có thể giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, nhẹ nhàng và hiệu quả, giữ được hòa khí và cơ hội làm ăn của các bên sau này.

Ngôn ngữ văn minh, thể hiện rõ quan điểm

Trong trường hợp trực tiếp thương lượng, các bên có thể trình bày thẳng thắn quan điểm của mình và hiểu rõ hơn quan điểm của đối phương trong việc giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, không phải lúc nào các bên cũng có cơ hội để trực tiếp thương lượng với nhau. Ví dụ như khi có tranh chấp hợp đồng thương mại giữa hai doanh nghiệp mà có trụ sở ở hai thành phố khác nhau, thậm chí là hai quốc gia khác nhau thì việc trực tiếp thương lượng, trao đổi với nhau là khá khó khăn. Do đó, các bên có thể cân nhắc việc thương lượng, trao đổi bằng văn bản.

Trong trường hợp trao đổi bằng văn bản, các bên cần lưu ý sử dụng ngôn ngữ văn minh, lịch sự, thể hiện rõ thái độ và quan điểm của mình trong việc giải quyết tranh chấp, như vậy việc thương lượng mới có hiệu quả. Ngoài ra, các văn bản trao đổi cần phải trình bày rõ ràng, dễ nhìn, tránh việc trình bày vụ việc rườm rà, sử dụng văn nói quá nhiều, không có trọng tâm, gây khó khăn cho bên còn lại trong việc xác định quan điểm về vụ việc.

Thương lượng thông qua luật sư có chuyên môn

Thông thường khi xảy ra tranh chấp, các bên có xu hướng tự mình thương lượng và e ngại việc để một bên thứ ba biết được các thông tin về vụ việc vì sợ tính bảo mật thông tin không chặt chẽ. Tuy nhiên, các bên cần lưu ý rằng trong hoàn cảnh hai bên đang có tranh chấp và mâu thuẫn thì các bên sẽ có tâm lý dè chừng, chỉ nghĩ về những lợi ích của bên mình. Do đó, các bên khó có thể tìm được giải pháp chung nếu tự mình thương lượng.

Trong trường hợp này, các bên có thể thương lượng với nhau thông qua luật sư có chuyên môn. Với kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết tranh chấp, luật sư sẽ có cái nhìn khách quan hơn và đảm bảo tìm ra được giải pháp chung cho cả hai bên, đồng thời vẫn bảo mật được mọi thông tin về các bên cũng như vụ việc.

Như vậy, với bài viết này, những lưu ý mà chúng tôi đưa ra khi thương lượng để giải quyết tranh chấp là giữ thái độ bình tĩnh, sử dụng ngôn ngữ văn minh nhưng vẫn thể hiện rõ quan điểm của mình, và có thể thương lượng thông qua luật sư có chuyên môn, kỹ năng. Chúng tôi mong rằng qua bài viết này, bạn có thể có thêm kiến thức và kỹ năng trong việc thương lượng nhằm giải quyết các tranh chấp.

Trân trọng.

 

Có thể bạn quan tâm đến: Giải quyết tranh chấp: Cuộc chiến tâm lý hay cuộc chiến pháp lý

 

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Tầng 4 số 200 Phố Nguyễn Lương Bằng, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com