Tối ngày 24/5, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã có công điện khẩn số 11 yêu cầu từ 12h00 ngày 25/5, Hà Nội tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đến khi có thông báo mới của thành phố, trong đó có nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về). Theo quy định mới nhất này, nếu cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ tiếp tục đón khách và cho phép khách ăn tại nhà hàng, cơ sở kinh doanh thì có thể bị xử phạt như thế nào?

1. Về hành chính

Về hành vi vi phạm:

Theo  Điểm c Khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (“Nghị định 117”), người vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Căn cứ theo Khoản 5 Điều 4 Nghị định 117, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Do đó, đối với tổ chức có hành vi vi phạm trên thì sẽ bị phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, cụ thể là từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Như vậy, nếu cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ không thực hiện quy định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng mà tiếp tục đón khách và cho phép khách hàng ăn tại nhà hàng, cơ sở kinh doanh khi đã có công văn chỉ đạo của người, cơ quan có thẩm quyền về việc phòng chống dịch thì bị phạt tiền đối đa đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân và 40.000.000 đồng đối với tổ chức.

Về thẩm quyền xử phạt:

Căn cứ theo Điểm b Khoản 2 Điều 103; Khoản 2 Điều 104 và Khoản 5 Điều 106 Nghị định 117 quy định về thẩm quyền xử phạt, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chánh Thanh tra cấp Sở và Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng. Điều 12 Nghị định 117 thuộc Mục 1 quy định Hành vi vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS.

Như vậy, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chánh Thanh tra Sở Y tế, Giám đốc Công an tỉnh có quyển xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trên.

2. Về hình sự

Ngày 5/2/2021, Sở Tư pháp Hà Nội đã công bố mức xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự đối với 15 hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19, theo đó, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán bar, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh Covid-19, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự.

Tại chỉ đạo của Sở Tư pháp Hà Nội, phần liệt kê cơ sở kinh doanh dịch vụ không nêu rõ cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ. Tuy nhiên, cần hiểu rộng hơn rằng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống tại chỗ cũng là một loại cơ sở kinh doanh dịch vụ, vì vậy vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người, người, tổ chức có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý như sau:

Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác mà:

  • Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 đến 05 năm;
  • Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm;
  • Gây thiệt hại từ 1.500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm;
  • Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, dựa vào những quy định trên, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống tại chỗ nên lưu ý tuân thủ đúng quy định pháp luật và những chỉ đạo của cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng của nhiều người và tình hình kinh tế – xã hội của đất nước. Hy vọng bài viết này có ích với bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc Các vấn đề cần lưu ý khi ủy quyền để tham gia tố tụng tại Tòa án.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com