Trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án, việc đương sự ủy quyền cho cá nhân hoặc tổ chức khác để tham gia tranh tụng ngày càng thông dụng. Đại diện theo ủy quyền sẽ đại diện cho đương sự và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bên ủy quyền.

Việc ủy quyền đem lại nhiều lợi ích cho đương sự khi có thể yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời không mất nhiều thời gian và công sức để liên hệ, làm việc với Tòa án mà có thể thông qua đại diện theo ủy quyền để tham gia các buổi hòa giải cũng như là phiên tòa. Tuy nhiên, để việc ủy quyền được thực hiện hợp pháp và được Tòa án chấp thuận, đương sự cần lưu ý các vấn đề gì? Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra những điều mà đương sự cần chú ý.

1. Bên ủy quyền và bên được ủy quyền là ai?

Trong quá trình tố tụng tại Tòa án, cần hiểu rằng bên ủy quyền chính là đương sự. Do đó, bên ủy quyền có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Căn cứ theo Khoản 1 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bên được ủy quyền (người đại diện theo ủy quyền) có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Việc xác định bên ủy quyền và bên được ủy quyền sẽ dẫn đến hai trường hợp sau:

  • Có ít nhất một bên là pháp nhân: Trường hợp này, các bên cũng không cần phải công chứng giấy ủy quyền tại văn phòng công chứng.
  • Các bên ủy quyền và bên được ủy quyền đều là cá nhân: Trường hợp này, các bên phải công chứng giấy ủy quyền tại văn phòng công chứng.

Mặc dù Luật Công chứng 2014 và Bộ luật dân sự 2015 không quy định về “Giấy ủy quyền” mà chỉ có quy định về “Hợp đồng ủy quyền”, cũng như không có quy định về việc công chứng giấy ủy quyền tại văn phòng công chứng, tuy nhiên, theo kinh nghiệm tham gia tranh tụng của luật sư, trường hợp các bên trong quan hệ ủy quyền đều là cá nhân thì Tòa án sẽ yêu cầu các bên phải công chứng giấy ủy quyền tại văn phòng công chứng mới được coi là tài liệu hợp pháp. Trong khi đó, trường hợp có ít nhất một bên là pháp nhân thì Tòa án không yêu cầu phải công chứng. Vì vậy, khi các bên chuẩn bị tiến hành ủy quyền thì nên lưu ý vấn đề này.

2. Các nội dung trong giấy ủy quyền

Giấy ủy quyền phải có các nội dung chính như sau: Thông tin của Bên ủy quyền và Bên được ủy quyền, Nội dung ủy quyền, Phạm vi ủy quyền, Thời hạn ủy quyền. Ngoài ra, do giấy ủy quyền là văn bản đơn phương do bên ủy quyền lập, khác với hợp đồng ủy quyền là thỏa thuận của các bên nên chỉ cần có chữ ký của bên ủy quyền mà không cần chữ ký của bên được ủy quyền.

Trong trường hợp các bên ủy quyền và bên được ủy quyền đều là cá nhân và phải công chứng giấy ủy quyền tại văn phòng công chứng, thông thường công chứng viên sẽ yêu cầu lập Giấy ủy quyền theo mẫu của văn phòng công chứng. Tuy nhiên, nội dung giấy ủy quyền sẽ được công chứng viên lập dựa trên ý chí của các bên, do đó các bên vẫn cần lưu ý đến những nội dung về phạm vi ủy quyền và thời hạn ủy quyền để tránh xảy ra rủi ro tranh chấp về quan hệ ủy quyền sau này.

3. Nộp giấy ủy quyền cho Tòa án như thế nào

Ngoài vấn đề công chứng giấy ủy quyền, để việc ủy quyền được Tòa án công nhận thì đương sự lưu ý khi nộp giấy ủy quyền phải nộp bản gốc cho Tòa án, không được nộp bản sao hoặc bản sao chứng thực. Vì thế, số lượng Giấy ủy quyền nên được lập đủ để bên ủy quyền và bên được ủy quyền mỗi bên lưu trữ 01 bản gốc sau khi nộp cho Tòa án.

Trên đây là những chia sẻ pháp lý của TNTP về những vấn đề cần lưu ý khi ủy quyền để tham gia tố tụng tại Tòa án. Mong bài viết này hữu ích với bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc Hướng dẫn khởi kiện cho Doanh nghiệp tại Tòa án.

Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp Và Thu Hồi Nợ để có thêm những kiến thức pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com