Hiện nay, việc tiến hành khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền xảy ra rất nhiều. Tuy nhiên, người khởi kiện thường gặp khó khăn khi bị Tòa án yêu cầu phải xác minh địa chỉ của người bị kiện. Tòa án cho rằng người khởi kiện phải xác minh địa chỉ của người bị kiện thì Tòa án mới có đủ cơ sở thụ lý vụ án. Nhưng quy định của pháp luật có bắt buộc người khởi kiện phải xác minh địa chỉ của người bị kiện không? Việc xác minh địa chỉ của người bị kiện được thực hiện như thế nào? Tòa án có được trả lại đơn khởi kiện nếu người khởi kiện không xác minh được địa chỉ của người bị kiện không? Bài viết này sẽ đề cập và giải đáp những vấn đề về xác minh địa chỉ của người bị kiện khi khởi kiện tại Tòa án.

1. Người khởi kiện có nghĩa vụ bắt buộc phải xác minh địa chỉ hiện tại của người bị kiện không?

Căn cứ Điểm e Khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về nội dung địa chỉ của người bị kiện trên đơn khởi kiện gồm: Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức. Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện.

Theo Khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện là địa chỉ người bị kiện đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh. Như vậy, người khởi kiện không bắt buộc phải xác minh địa chỉ hiện tại của người bị kiện khi nộp đơn khởi kiện nếu có căn cứ chứng minh đó là địa chỉ cuối cùng của người bị kiện mà người khởi kiện biết được như địa chỉ ghi trên CMND/CCCD, Giấy chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp của người bị kiện, …

2. Người khởi kiện cần làm gì khi Tòa án yêu cầu xác minh địa chỉ của người bị kiện?

Tuy nhiên trên thực tế, Tòa án thường xuyên yêu cầu người khởi kiện phải xác minh địa chỉ của người bị kiện ghi trong đơn khởi kiện, từ đó mới ra Thông báo thụ lý vụ án.

Trong trường hợp này, người khởi kiện sẽ tiến hành xác minh địa chỉ của người bị kiện tại cơ quan Công an cấp xã/phường nơi có địa chỉ cư trú hoặc trụ sở của người bị kiện như sau:

Bước 1: Người khởi kiện chuẩn bị (i) Thông báo bổ sung đơn khởi kiện của Tòa án; và (ii) Đơn đề nghị cơ quan Công an xác nhận địa chỉ cư trú hoặc trụ sở của bị đơn.

Bước 2: Người khởi kiện mang theo những tài liệu đã chuẩn bị trực tiếp tới cơ quan Công an đề nghị cơ quan Công an viết xác nhận và ký vào Đơn đề nghị để Tòa án thụ lý vụ án. Nếu cơ quan Công an đồng ý thì người khởi kiện sẽ được cán bộ phụ trách xác nhận, ký và đóng dấu của cơ quan Công an.

Bước 3: Người khởi kiện nộp Đơn đề nghị có xác nhận của cơ quan Công an cho Tòa án. Tòa án sẽ căn cứ vào Đơn đề nghị để ra Thông báo thụ lý vụ án.

Tuy nhiên trên thực tế, khả năng cơ quan Công an đồng ý xác nhận địa chỉ của người bị kiện là rất ít. Lý do là người khởi kiện không phải chủ thể có quyền yêu cầu Cơ quan Công an cung cấp các thông tin này. Cơ quan Công an chỉ đồng ý cung cấp và xác minh địa chỉ cư trú hoặc trụ sở của người bị kiện khi được Tòa án có thẩm quyền phân công, chỉ định bằng văn bản.

Trường hợp cơ quan Công an không xác nhận địa chỉ cư trú cho người khởi kiện thì người khởi kiện có thể đề nghị Tòa án hỗ trợ yêu cầu Cơ quan Công an có thẩm quyền xác minh địa chỉ của người bị kiện theo Điều 106 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Cụ thể, người khởi kiện làm Đơn đề nghị Tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ, theo đó người khởi kiện phải giải trình lý do không xác minh được địa chỉ của người bị kiện, nêu đề nghị Tòa án hỗ trợ xác minh và tài liệu chứng minh việc đã xin xác nhận của cơ quan Công an nhưng không thành (nếu có).

Sau khi cung cấp các tài liệu trên, thẩm phán có thể chấp nhận đề nghị của người khởi kiện yêu cầu Cơ quan Công an có thẩm quyền xác nhận địa chỉ của người bị kiện hoặc Tòa án tự tiến hành xác minh địa chỉ cư trú hoặc trụ sở của người bị kiện. Tuy nhiên không ngoại trừ trường hợp thẩm phán có thể ra Thông báo trả lại đơn khởi kiện vì không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán. Trong trường hợp đó, người khởi kiện có thể tiến hành khiếu nại Thông báo trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 194 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Thông qua bài viết này, có thể thấy về mặt pháp lý người khởi kiện không bắt buộc phải xác minh địa chỉ của người bị kiện. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các Thẩm phán đều yêu cầu người khởi kiện phải xác minh địa chỉ của người bị kiện mặc dù người khởi kiện đã cung cấp và có căn cứ chứng minh địa chỉ mà mình cung cấp là đúng. Đây là một lỗ hổng về quy định của pháp luật và cần phải được sửa đổi, quy định rõ ràng hơn để bảo vệ cho quyền lợi hợp pháp của người khởi kiện, tránh việc bị Thẩm phán gây khó dễ khi giải quyết vụ án.

Trên đây là những chia sẻ pháp lý về vấn đề xác minh địa chỉ của người bị kiện khi tham gia tố tụng tại Tòa án. Hi vọng bài viết này có ích cho các bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc Doanh nghiệp cần làm gì khi bị Tòa trả lại đơn khởi kiện vì lý do không sửa đổi bổ sung nội dung đơn khởi kiện.

Tham gia Fanpage GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ THU HỒI NỢ để có thêm thông tin pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Tầng 4 số 200 phố Nguyễn Lương Bằng, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com