Hiện tại, nhu cầu tìm đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu hồi nợ đang tăng lên bởi các vụ tranh chấp thu hồi nợ ngày càng nhiều. Trong bài viết trước, chúng tôi đã phân tích về thời điểm chủ nợ nên thu hồi nợ trong năm. Tuy nhiên, chỉ xem xét thời điểm thu hồi nợ là chưa đủ. Nếu nợ phát sinh, bên vay nợ cố tình không trả thì dù thu hồi nợ lúc nào cũng sẽ không hiệu quả. Hãy xem xét thời điểm thu hồi nợ từ khi khoản nợ mới phát sinh, để có thể bảo đảm quyền lợi cho chính mình.

Vậy tính từ khi phát sinh nợ, chủ nợ nên thu hồi nợ vào thời điểm nào? Chủ nợ nên làm gì trong các thời điểm để có thể thu hồi nợ một cách hiệu quả? Bài viết này sẽ trả lời những câu hỏi trên.

1. Thời điểm phát sinh nợ là gì?

Thời điểm phát sinh nợ là khi đến hạn phải trả nhưng bên vay lại không thanh toán khoản nợ. Đối với các hợp đồng mua bán, kinh doanh, thời điểm phát sinh nợ là thời điểm một bên phát sinh nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận của các bên nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện thanh toán khi đến hạn phải trả. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ thanh toán thường được ấn định trong hợp đồng hoặc bằng hình thức khác.

Về nguyên tắc, nợ nên được thu hồi càng gần thời điểm phát sinh càng tốt. Bởi khi đó bên có nghĩa vụ trả nợ vẫn còn khả năng trả. Việc thương lượng, liên lạc với bên có nghĩa vụ trả nợ sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, nếu muốn khởi kiện chủ nợ nên lưu ý về thời hiệu khởi kiện và khả năng thanh toán của bên trả nợ. Nếu khoản nợ phát sinh quá lâu, thời hiệu khởi kiện hết. Khi bên có nghĩa vụ trả nợ không có khả năng trả nợ thì sẽ gây khó khăn cho việc thu hồi nợ.

2. Kể từ thời điểm phát sinh nợ, chủ nợ nên thu hồi nợ vào thời điểm nào?

Thời điểm 1 đến 3 tháng đầu kể từ khi nợ phát sinh, khả năng thu hồi nợ rất cao. Khoản nợ lúc này gần như chưa phát sinh lãi chậm trả hoặc có phát sinh nhưng ít. Vì vậy, bên có nghĩa vụ trả nợ có thể thu xếp để trả nợ trong thời gian ngắn. Chủ nợ có thể tự thương lượng với bên có nghĩa vụ trả nợ để thu hồi nợ. Nên đốc thúc, nhắc nhở nhưng tránh dọa nạt, gây áp lực.

Từ 3 đến 12 tháng kể từ khi khoản nợ phát sinh, khả năng thu hồi nợ là khó. Lãi chậm trả phát sinh khiến tổng số nợ tăng lên, bên có nghĩa vụ trả nợ sẽ chây ỳ. Lúc này, chủ nợ nên có những biện pháp cứng rắn và quyết liệt hơn để thu hồi nợ. Như gửi công văn yêu cầu trả nợ, thực hiện các hành động pháp lý như khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền. Khi đó bên có nghĩa vụ trả nợ buộc phải trả nợ theo quy định của pháp luật.

Thời gian từ 1 năm đến 3 năm, tỷ lệ thu hồi nợ thành công cực thấp. Bên nghĩa vụ trả thường không có khả năng thanh toán nợ. Lãi trên nợ gốc và lãi chậm trả đã phát sinh một khoản lớn. Tại thời điểm này, bên có nghĩa vụ trả nợ có khả năng sẽ trốn nợ, khó liên lạc được. Chủ nợ nên nhờ sự hỗ trợ từ các bên chuyên hoạt động trong lĩnh vực thu hồi nợ. Có thể khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền. Tố giác tội phạm tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các khoản nợ phát sinh trên 3 năm, căn cứ theo Điều 429 Bộ luật dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện lên Tòa án đã hết. Nhưng theo pháp luật hiện hành, chủ nợ vẫn có thể khởi kiện và được Tòa án thụ lý giải quyết ngay cả khi đã hết thời hiệu khởi kiện.

3. Muốn chọn được thời điểm thu hồi nợ nên lưu gì những gì?

Điều quan trọng là khả năng thu hồi nợ thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng trả nợ của bên có nghĩa vụ trả nợ. Chủ nợ nên tránh để khoản nợ phát sinh trên 3 năm bởi khi đó việc thu hồi nợ sẽ rất khó khăn ngay cả khi chủ nợ tiến hành khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền do nợ đã phát sinh quá lâu, khả năng thu hồi lại toàn bộ số nợ rất ít. Ngoài ra, việc giải quyết vụ án, thi hành án sẽ mất nhiều thời gian và công sức.

Dựa vào yếu tố được phân tích ở trên, các chủ nợ có thể tự xem xét và lựa chọn cho mình thời điểm và phương thức thích hợp để thu hồi nợ. Trường hợp có bất kỳ vấn đề pháp lý nào về thu hồi nợ, vui lòng gửi cho chúng tôi thông tin và vấn đề của bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn quan tâm đến: Các bước thu hồi nợ cơ bản của doanh nghiệp

Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp Và Thu Hồi Nợ để có thêm những kiến thức pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP & Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Email: ha.nguyen@tntplaw.com