Giao dịch dân sự – được coi là một trong những hoạt động phổ biến, được diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại nhiều địa điểm khác nhau. Giao dịch dân sự thường được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như bằng lời nói, hành vi, văn bản,… Tuy nhiên, một số loại giao dịch đặc thù yêu cầu hình thức thể hiện nhất định. Thông qua bài viết sau đây, chúng tôi mong rằng các độc giả sẽ có cái nhìn đầy đủ về các quy định của pháp luật về hình thức của giao dịch dân sự.
1. Các hình thức của giao dịch dân sự
Pháp luật quy định hình thức của giao dịch dân sự bao gồm 03 hình thức chính:
Hình thức lời nói
Đây là hình thức được sử dụng phổ biến nhất, thường được thực hiện khi giá trị của giao dịch nhỏ, chỉ cần hai bên đồng ý xác lập thì giao dịch có hiệu lực. Do vậy, các bên thường không lưu giữ nội dung chi tiết của giao dịch (trừ trường hợp các bên ghi âm, ghi hình lại nội dung giao dịch). Khi xảy ra tranh chấp, một trong các bên khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết thì bên đó sẽ rất khó để chứng minh nội dung mà mình đã giao dịch cũng như các quyền và nghĩa vụ cần thực hiện khi giao dịch đã có hiệu lực nếu bên kia phủ nhận.
Hình thức văn bản
Khi đối tượng của giao dịch có giá trị cao thì giao dịch thường được lập thành văn bản. Văn bản là hình thức được ưu tiên sử dụng khi các bên tham gia vào giao dịch dân sự, bởi những ưu điểm mà nó mang lại, trong đó phải kể đến là cơ sở để các bên xem xét lại việc thực hiện giao dịch và là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (nếu phát sinh).
Nội dung của văn bản thể hiện ý chí thống nhất của các bên và thường có hiệu lực ngay sau khi các bên ký kết văn bản (nếu không có thỏa thuận khác). Mặt khác, pháp luật quy định các trường hợp cụ thể, theo đó giao dịch bắt buộc phải lập thành văn bản và hình thức văn bản được coi là điều kiện có hiệu lực của giao dịch. Trong một số trường hợp, các giao dịch còn phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, nếu pháp luật có quy định. Ví dụ: các giao dịch như tặng cho, mua bán, trao đổi, chuyển nhượng,… đối với các đối tượng là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu.
Ngoài ra, giao dịch dân sự được thực hiện thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản. Ví dụ: hai bên thể hiện việc giao dịch dưới dạng email, tin nhắn SMS, tin nhắn trong messenger,…
Hành vi cụ thể
Hành vi là cách xử sự của con người trước những hoàn cảnh cụ thể, được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Những hành vi này thường được sử dụng để xác lập các giao dịch dân sự thông dụng, được thực hiện ngay và trở thành thói quen phổ biến trong các hoạt động, lĩnh vực liên quan. Ví dụ: A là bên mua và B là bên bán, hai bên thỏa thuận là đến ngày 25 hàng tháng, nếu A không gọi điện thay đổi số lượng hàng hóa thì cuối tháng, B sẽ giao hàng với số lượng của tháng trước cho A.
2. Các bên nên làm gì khi hình thức của giao dịch dân sự được xác lập không đúng với hình thức theo luật định?
Đối với một số giao dịch dân sự nhất định, pháp luật sẽ yêu cầu giao dịch đó phải lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực, đăng ký, tuy nhiên vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà các bên đã không thực hiện theo yêu cầu đó. Điều này được coi là vi phạm hình thức của giao dịch dân sự và giao dịch có thể không phát sinh hiệu lực. Khi đó, các bên có thể áp dụng một số cách giải quyết như sau:
- Thỏa thuận để xác lập lại giao dịch dân sự bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký (nếu thuộc trường hợp pháp luật quy định).
- Liên hệ với cá nhân/tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý để được hỗ trợ, tư vấn về hình thức của giao dịch dân sự để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của mình.
Trên đây là bài viết “Các hình thức thể hiện của giao dịch dân sự”. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với các bạn.
Trân trọng,