Kính gửi các Quý Doanh nghiệp,

Trước tiên, Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự (“TNTP”) xin gửi lời chào trân trọng nhất tới các Doanh nghiệp, công ty hoạt động kinh doanh. Bằng thư này, TNTP xin đưa ra cảnh báo phát sinh công nợ tới các Doanh nghiệp  tại thời điểm hiện tại.

Ngày 27 tháng 4 năm 2021, Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng, mở đầu cho đợt bùng dịch thứ 4 trong nước. Cho đến nay, tổng số ca mắc của đợt dịch này đã lên đến gần 8.000 ca, lan ra 30 tỉnh, thành phố. Các cơ quan có thẩm quyền đã đặt ra nhiều khuyến cáo và tình trạng báo động tới những vùng tâm dịch có số ca mắc cao. Đi kèm với những khuyến cáo về y tế, các cơ quan nhà nước cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp và những khó khăn đối với chủ doanh nghiệp có khả năng sẽ tăng lên trong Quý II năm 2021 do bùng phát dịch Covid-19. Do đó, rủi ro phát sinh các khoản nợ trong khoảng thời gian này là dễ xảy ra. Các Doanh nghiệp nên đặc biệt lưu ý khi thực hiện các giao dịch trong kinh doanh thương mại, cụ thể như sau:

1. Cẩn trọng trước khi thực hiện giao dịch

Trước khi thực hiện giao dịch với bất kỳ đối tác nào, dù là đối tác quen thuộc, tin cậy hay là đối tác mới, các Doanh nghiệp, công ty cần tìm hiểu, thu thập kỹ càng thông tin và tình hình hoạt động kinh doanh của đối tác và khách hàng.

Trong thời điểm nhạy cảm này, tình hình kinh doanh của khách hàng, đối tác của Doanh nghiệp sẽ có sự thay đổi và đôi khi là thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Vì vậy, để loại bỏ tối đa các rủi ro có thể lường trước được, Doanh nghiệp có thể tìm hiểu sơ bộ về tình hình hoạt động kinh doanh của đối tác, khách hàng đặc biệt là các đối tác, khách hàng chịu ảnh hưởng xấu khi xảy ra dịch Covid-19 về mặt tài chính hoặc nhân sự, công nhân (do có thể những đối tượng này phải thực hiện cách ly y tế theo yêu cầu của nhà nước).

Theo kinh nghiệm của TNTP, các Doanh nghiệp, công ty nên cẩn trọng trong việc hợp tác, thực hiện giao dịch với các đối tác mới (là các đối tác mà Doanh nghiệp chưa từng giao dịch trước đó). Trên thực tế, đây có thể là các đối tác đang bị cảnh báo phát sinh công nợ tồn chưa thanh toán dẫn đến việc không thể vay nợ hay được tin tưởng để tiếp tục hợp tác. Các đối tác này sẽ luôn tìm kiếm các doanh nghiệp mới để ký kết Hợp đồng và vòng lặp vay nợ sẽ lại tiếp diễn gây ra rủi ro cho các doanh nghiệp hợp tác với dạng đối tác này.

2. Cẩn trọng khi giao kết Hợp đồng và thực hiện giao dịch

(i) Khi giao kết Hợp đồng

Trước tiên, các Doanh nghiệp cần lưu ý về thẩm quyền ký kết Hợp đồng của đối tác, khách hàng cũng như các nội dung trong Hợp đồng. Theo quy định của pháp luật, người có thẩm quyền ký kết Hợp đồng là người đại diện theo pháp luật. Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền để ký Hợp đồng, Doanh nghiệp cần yêu cầu Giấy ủy quyền cho việc ủy quyền này. Bên cạnh đó, các Doanh nghiệp nên lưu ý yêu cầu đối tác đặt cọc và/hoặc thêm những điều khoản về bảo đảm thanh toán tại Hợp đồng.

Ngoài ra, Doanh nghiệp bán hàng hóa có thể cân nhắc quy định điều khoản về tạm ngừng cung cấp hàng hóa khi đối tác chưa hoàn thành thanh toán các khoản nợ đến hạn, vì đó có thể là dấu hiệu khởi đầu cho một sự khó khăn về mặt tài chính.

(ii) Khi thực hiện giao dịch

Khi thực hiện giao dịch, Doanh nghiệp có thể đề nghị đối tác thanh toán thông qua hình thức chuyển khoản do lợi thế về việc quản lý, lưu trữ chứng từ và Ngân hàng có thể hỗ trợ để trích xuất các tài liệu là chứng cứ xác đáng trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Đồng thời, các chứng từ giao nhận, biên bản đối chiếu công nợ, công văn trao đổi giữa các Bên cần được ký xác nhận và đóng dấu bởi mỗi Bên.

3. Nhận biết rủi ro và giải quyết tranh chấp

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng và các giao dịch, Doanh nghiệp cần giữ vững sự tỉnh táo, tuân thủ và thực hiện giám sát sự tuân thủ Hợp đồng của Đối tác. Tại bối cảnh hiện tại, các Doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị tâm lý cho việc tranh chấp có thể phát sinh bất kỳ lúc nào để không bị rơi vào tâm thế bị động dẫn tới sự lúng túng, bối rối. Dựa trên kinh nghiệm của chúng tôi, chúng tôi có những lời khuyên sau để Doanh nghiệp chủ động thực hiện:

  • (i) Trường hợp đối tác vi phạm nghĩa vụ thanh toán, Doanh nghiệp cần gửi công văn yêu cầu thanh toán trong thời gian sớm nhất sau khi hết thời hạn thanh toán theo Hợp đồng. Những công văn đề cập đến công nợ được gửi cho đối tác cần được lấy Báo phát để thuận tiện theo dõi việc nhận thư của đối tác và là cơ sở để đối tác phản hồi; hoặc
  • (ii) Doanh nghiệp cần chủ động lưu trữ các tài liệu có liên quan. Khi có dấu hiệu phát sinh tranh chấp, Doanh nghiệp có thể tổng hợp và chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho việc thương lượng và khởi kiện giải quyết tranh chấp tại Tòa án trong tương lai.

Hy vọng những cảnh báo phát sinh công nợ trên của TNTP là hữu ích cho các Quý Doanh nghiệp trong những hoạt động kinh doanh sắp tới.

Trân trọng.

Có thể các bạn chưa đọc Nhà hàng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ tiếp tục kinh doanh có thể bị xử phạt như thế nào.

Tham gia Fanpage GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ THU HỒI NỢ để có thêm thông tin pháp lý bổ ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

  • Luật sư Nguyễn Thanh Hà
  • Email: ha.nguyen@tntplaw.com