Bộ luật Dân sự 2015 quy định bảo lưu quyền sở hữu là một biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Việc hình thành và áp dụng biện pháp bảo đảm này trên thực tế phụ thuộc vào sự thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng mua bán tài sản mà không hình thành thông qua hành vi pháp lý, ý chí đơn phương của một bên chủ thể. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản cần biết về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: biện pháp bảo lưu quyền sở hữu.

1. Khái niệm bảo lưu quyền sở hữu

Bảo lưu quyền sở hữu là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trong đó các bên trong hợp đồng mua bán tài sản thỏa thuận về việc bên bán (bên nhận bảo đảm) được quyền giữ lại quyền sở hữu đối với tài sản trong hợp đồng mua bán đến khi bên mua (bên bảo đảm) thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán của mình trong hợp đồng mua bán tài sản đã giao kết.

2. Hình thức xác lập và hiệu lực đối kháng

Khoản 2 Điều 331 Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS”) quy định cụ thể về hình thức của bảo lưu quyền sở hữu, theo đó bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản riêng hoặc được ghi trong hợp đồng mua bán. Như vậy, bảo lưu quyền sở hữu chỉ trở thành biện pháp bảo đảm nếu các bên có thỏa thuận xác lập và việc xác lập đó được ghi nhận thông qua hình thức văn bản.

Đồng thời, biện pháp bảo đảm này chỉ có hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Trong trường hợp các bên đã xác lập với nhau một hợp đồng mua trả chậm, trả dần nhưng không có thỏa thuận về bảo lưu quyền sở hữu thì bảo lưu quyền sở hữu được coi là quyền mặc nhiên theo luật định của bên bán trong hợp đồng mua trả chậm, trả dần đó, bởi quyền bảo lưu của bên bán đã được luật quy định (Khoản 1 Điều 453 BLDS).

3. Quyền, nghĩa vụ của bên mua tài sản

Bên mua tài sản có quyền, nghĩa vụ sau:

• Trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại;

• Sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực;

• Chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Quyền, nghĩa vụ liên quan đến tài sản mua

• Trường hợp bên mua phải trả lại tài sản mua cho bên bán do vi phạm nghĩa vụ thanh toán nhưng tại thời điểm hoàn trả, giá trị tài sản lớn hơn giá trị tài sản ban đầu do bên mua hoặc bên thứ ba đã đầu tư làm tăng giá trị tài sản thì bên bán phải hoàn lại giá trị chênh lệch cho người đã đầu tư vào tài sản.

Việc đầu tư vào tài sản mua phải phù hợp với quy định tại Khoản 5 Điều 20 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

• Bên mua không phải chịu trách nhiệm về hao mòn tự nhiên của tài sản được bảo lưu quyền sở hữu.

5. Chuyển giao quyền, nghĩa vụ về bảo lưu quyền sở hữu

• Bên bán chuyển giao quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền thì quyền bảo lưu quyền sở hữu cũng được chuyển cho bên nhận chuyển giao quyền yêu cầu thanh toán tiền.

• Bên mua mà bán hoặc chuyển giao khác về quyền đối với tài sản mua sau khi bảo lưu quyền sở hữu được đăng ký thì người mua lại, người nhận chuyển giao quyền đối với tài sản mua phải kế thừa nghĩa vụ về bảo lưu quyền sở hữu.

6. Chấm dứt bảo lưu quyền sở hữu

Bảo lưu quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp sau đây:

• Nghĩa vụ thanh toán cho bên bán được thực hiện xong;

• Bên bán nhận lại tài sản bảo lưu quyền sở hữu;

• Theo thỏa thuận của các bên.

Trên đây là bài viết “Bảo lưu quyền sở hữu – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,