Skip to main content

Author: TNTP LAW

Bản tin pháp luật (Legal Newsletter) tháng 8/2023

Kính gửi Quý độc giả,

Chúng tôi trân trọng giới thiệu với quý độc giả Bản tin pháp luật (Legal Newsletter) tổng hợp các văn bản pháp luật chính trong tháng 08/2023 bao gồm:

– Các quy định đáng chú ý về hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm tại Nghị định 46/2023/CĐ-CP của chính phủ;

– Quy định về đối tượng được hưởng và mức điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng theo Thông tư 06/2023/TT-BLĐTBXH của bộ lao động-thương binh và xã hội;

– Những nội dung đáng chú ý của thông tư 02/2023/TT-BKHĐT sửa đổi hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp tại thông tư 01/2021/TT-BKHĐT

– Bài viết phân tích về việc Người lao động càn làm gì khi bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Tải Bản tin pháp lý

Chúng tôi hy vọng rằng các Bản tin pháp luật này sẽ đem lại giá trị hữu ích, đảm bảo việc cập nhật các văn bản pháp lý có giá trị với độc giả trong quá trình hành nghề và trong cuộc sống.

Trân trọng

THÔNG BÁO VỀ LỊCH NGHỈ LỄ 2/9 NĂM 2023

Kính gửi các Quý Khách hàng,

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP & Các Cộng sự kính thông báo đến Quý Khách hàng, Quý Đối tác lịch nghỉ Lễ Quốc Khánh 2/9/2021 như sau:

– Nghỉ 04 ngày từ Thứ Sáu (01/09/2023) đến hết ngày Thứ Hai (04/09/2023)

– Làm việc trở lại vào ngày Thứ Ba (05/09/2023)

TNTP rất hân hạnh được phục vụ Quý Khách hàng vào các ngày làm việc tiếp theo. Chúc Quý Khách hàng có kỳ nghỉ lễ vui vẻ và giữ gìn sức khỏe.

Trân trọng.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Email: ha.nguyen@tntplaw.com

Các loại tranh chấp thường gặp trong hợp đồng thi công xây dựng

Việc thực hiện hợp đồng thi công xây dựng bị chi phối bởi nhiều yếu tố và luôn tiềm tàng khả năng phát sinh tranh chấp. Do vậy, ngay từ khâu soạn thảo hợp đồng, các bên cần nhận diện những tranh chấp có thể phát sinh để từ đó quy định hướng giải quyết trong từng trường hợp. Điều này sẽ giúp các bên chủ động nếu có tranh chấp xảy ra. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày Các loại tranh chấp thường gặp trong hợp đồng thi công xây dựng

1. Tranh chấp do vi phạm tiến độ thanh toán theo hợp đồng

• Đây có thể coi là loại tranh chấp điển hình, phổ biến trong quá trình thực hiện hợp đồng thi công xây dựng. Một số nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp này có thể kể đến như: i) Thỏa thuận về thanh toán không rõ ràng, không dự tính được các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng (giá thị trường biến động); ii) Nhà thầu phụ bị phụ thuộc tiến độ thanh toán theo hợp đồng giữa nhà thầu chính và chủ đầu tư; iii) Hồ sơ thanh toán không đầy đủ (Biên bản nghiệm thu khối lượng, biên bản nghiệm thu thanh toán, các hóa đơn giá trị gia tăng,…); iv) Chủ đầu tư gây khó khăn, chậm trễ thanh toán hoặc không còn khả năng thanh toán.

• Trên thực tế, khi nhà thầu yêu cầu thanh toán, các chủ đầu tư có thể đưa ra nhiều lý do để từ chối thanh toán như sau:

+ Nhà thầu thi công không đạt chất lượng, có sai sót, hư hỏng không khắc phục;
+ Nhà thầu thi công chậm tiến độ;
+ Các bên chưa thực hiện nghiệm thu và bàn giao công trình;
+ Hồ sơ thanh toán không hợp lệ như thiếu chữ ký, người xác lập hồ sơ không đúng thẩm quyền;
+ Hạng mục phát sinh chưa được đệ trình đủ hồ sơ và chưa được chủ đầu tư phê duyệt;
+ Nhà thầu không thực hiện bảo hành công trình;
+ Nhà thầu ung cấp thông tin sai lệch về hồ sơ năng lực để lừa dối chủ đầu tư và thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia hoạt động xây dựng…

Trường hợp nhà thầu thực hiện nhiều dự án cho chủ đầu tư thì chủ đầu tư còn có thể viện dẫn rằng do có tranh chấp tại dự án này nên không tiếp tục thanh toán các hợp đồng thuộc dự án khác.

2. Tranh chấp do không đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình

Khi thực hiện dự án, nội dung mà chủ đầu tư quan tâm nhất là tiến độ thi công và chất lượng công trình.

Đối với tiến độ thi công, các bên thường thỏa thuận cụ thể về tiến độ thi công và nhà thầu có trách nhiệm thực hiện đúng thỏa thuận tại hợp đồng. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố như nhân lực, vật tư, thời tiết, hoàn cảnh,… mà nhà thầu chậm tiến độ thi công và làm ảnh hưởng đến chủ đầu tư.

Đối với chất lượng công trình, nhà thầu cần thực hiện đúng các cam kết về vật liệu, vật tư, thiết kế. Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận nhà thầu đã sử dụng vật liệu, vật tư không đảm bảo chất lượng, không đúng với thỏa thuận của các bên,… hoặc nhà thầu thi công sai thiết kế đã được phê duyệt hoặc nhà thầu không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng hoặc nhà thầu vi phạm quy định về tổ chức thí nghiệm, nghiệm thu vật liệu đầu vào;… Chính những điều này đã khiến cho chất lượng công trình không được đảm bảo, và một số công trình vừa được hoàn thành đã xuống cấp, khiến các bên phát sinh tranh chấp về chất lượng công trình.

3. Tranh chấp do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn

Khi phát sinh một số vi phạm nghiêm trọng theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư/ nhà thầu có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư/ nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng mà không theo quy định pháp luật và hợp đồng. Một số ví dụ có thể kể đến như: Nhà thầu yêu cầu chủ đầu tư thanh toán các chi phí phát sinh ngoài hợp đồng nhưng chủ đầu tư không đồng ý thanh toán nên nhà thầu đơn phương chấm dứt hợp đồng; chủ đầu tư cố tình viện dẫn nhiều lý do không chính đáng để cho rằng nhà thầu vi phạm hợp đồng để từ đó đơn phương chấm dứt hợp đồng,…

Khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng không có lý do chính đáng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng (nếu trong hợp đồng có quy định về phạt vi phạm).

4. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thi công xây dựng

Việc chứng minh quyền được bồi thường thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại do vi phạm của một bên trong hợp đồng xây dựng là công việc rất phức tạp. Thông thường, các bên sẽ khó thống nhất được mức bồi thường chung. Do vậy, các bên buộc phải thuê một bên thứ ba là các chuyên gia trong xây dựng, các đơn vị thẩm định, định giá,… để xác định được trách nhiệm pháp lý và tính toán thiệt hại.

Trên đây là bài viết “Các loại tranh chấp thường gặp trong hợp đồng thi công xây dựng” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được giải đáp.

Trân trọng,

Các chứng cứ cần thu thập để chứng minh người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Kể từ thời điểm người lao động (“NLĐ”) bị người sử dụng lao động (“NSDLĐ”) đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (“HĐLĐ”), nếu NLĐ cho rằng việc chấm dứt như vậy là trái pháp luật, NLĐ cần nhanh chóng thu thập các chứng cứ liên quan đến vụ việc. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ thông tin đến NLĐ những chứng cứ quan trọng cần được NLĐ thu thập để chứng minh hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật của NSDLĐ.

1. Chứng cứ thể hiện mối quan hệ lao động

Chứng cứ đầu tiên mà NLĐ cần thu thập là hợp đồng lao động, bởi lẽ hợp đồng lao động là chứng cứ thể hiện quan hệ lao động tồn tại giữa NLĐ và NSDLĐ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, NLĐ và NSDLĐ không ký kết hợp đồng lao động, hoặc không ký kết dưới hình thức văn bản. Trong trường hợp này, NLĐ có thể thu thập các chứng cứ khác có giá trị chứng minh như hợp đồng thử việc, thư mời nhận việc, email thông báo nhận việc, email trao đổi công việc trong doanh nghiệp, bảng chấm công, các tài liệu thể hiện việc doanh nghiệp trả lương cho NLĐ như bảng lương cá nhân, giấy tờ chuyển khoản lương về tài khoản của NLĐ,…

2. Chứng cứ thể hiện căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, NSDLĐ sẽ trình bày các căn cứ, lý do dẫn đến việc NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ như NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc, NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng,… Trong trường hợp này, NSDLĐ có thể lập các văn bản thể hiện hành vi vi phạm của NLĐ như biên bản họp, biên bản làm việc, biên bản sự việc,…

3. Chứng cứ thể hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động

Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, NSDLĐ có thể ban hành thông báo chấm dứt HĐLĐ, quyết định chấm dứt HĐLĐ,… Trường hợp NSDLĐ không ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ hoặc NSDLĐ có ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ nhưng không giao cho NLĐ hoặc NSDLĐ chỉ ban hành thông báo về việc chấm dứt HĐLĐ nhưng lại có hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ trên thực tế,… thì NLĐ cần thu thập các chứng cứ thể hiện bảo vệ của công ty không cho NLĐ vào làm việc, chứng cứ thể hiện công ty ngăn cản quyền làm việc của NLĐ,…

4. Chứng cứ thể hiện chế độ người sử dụng lao động đã thực hiện và chưa thực hiện cho người lao động

Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ dù đúng pháp luật hay trái pháp luật, NSDLĐ vẫn phải thực hiện các trách nhiệm đối với NLĐ như: thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của NLĐ bao gồm tiền lương, trợ cấp thôi việc, tiền lương cho những ngày chưa nghỉ hằng năm,… Chứng cứ thể hiện cho các chế độ này bao gồm giấy tờ thanh toán, biên bản đối chiếu công nợ, sổ bảo hiểm xã hội,…

5. Các tài liệu nội bộ của doanh nghiệp

Như đã trình bày ở trên, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, NSDLĐ cần viện dẫn các căn cứ chấm dứt phù hợp với quy định pháp luật. Một trong các căn cứ mà NSLĐ thường sử dụng là NLĐ thường xuyên không hoàn thành công việc. Để chấm dứt theo căn cứ này thì NSDLĐ buộc phải ban hành quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc. NLĐ sẽ phải xem xét nội dung của quy chế, trình tự ban hành quy chế có đúng với quy định pháp luật không,…

Pháp luật không quy định cụ thể về trình tự, thủ tục mà NSDLĐ sẽ áp dụng để đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Do vậy, NLĐ cần phải tìm hiểu trình tự, thủ tục này có được quy định trong tài liệu nội bộ của doanh nghiệp hay không, để từ đó đối chiếu doanh nghiệp đã tuân thủ quy định tại tài liệu nội bộ không. Ngoài ra, NLĐ cần thu thập quy chế lương, thưởng bởi tài liệu này sẽ được áp dụng để giải quyết quyền lợi cho NLĐ khi các bên đang có tranh chấp về mức tiền lương làm căn cứ giải quyết hậu quả của việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

Trường hợp mà doanh nghiệp có ban hành thỏa ước lao động, nội quy lao động,… NLĐ nên thu thập để tìm kiếm những nội dung liên quan đến đơn phương chấm dứt HĐLĐ, quyền lợi của NLĐ khi bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ,…

6. Các tài liệu khác có liên quan đến vụ việc

Ngoài những tài liệu nêu trên, NLĐ căn cứ vào tình hình sự việc thực tế để tiến hành thu thập các tài liệu khác có liên quan đến vụ việc. Ví dụ như trường hợp mức lương thực nhận của NLĐ có sự khác biệt so với mức lương quy định tại HĐLĐ thì NLĐ có thể thu thập các chứng cứ thể hiện tiền lương mà NLĐ được chi trả như bảng lương cá nhân, giấy tờ chuyển khoản lương về tài khoản của NLĐ,…

Thu thập và tổng hợp các chứng cứ sẽ hỗ trợ NLĐ chứng minh NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật và tạo cơ sở để bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Hay nói cách khác, việc thu thập được đầy đủ chứng cứ sẽ giúp NLĐ có đầy đủ các căn cứ để chứng minh hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ là trái pháp luật, để từ đó có thể yêu cầu NSDLĐ phải thực hiện các trách nhiệm do hành vi của mình.

Trên đây là bài viết “Các chứng cứ cần thu thập để chứng minh người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ.

Trân trọng,

Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng xây dựng

Để đảm bảo việc hoàn thành công trình một cách hiệu quả, các bên phải có ý thức tuân thủ các quy định trong hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, một hoặc các bên có thể thực hiện các hành vi vi phạm và gây thiệt hại cho bên còn lại. Trong trường hợp này, bên bị vi phạm có thể áp dụng chế tài phạt vi phạm (nếu có quy định trong hợp đồng) và bồi thường thiệt hại để khắc phục hậu quả của vi phạm, đền bù những tổn thất kinh tế hoặc thiệt hại gây ra. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày hai chế tài này để các bên tham gia hợp đồng xây dựng có thể tham khảo và áp dụng.

1. Phạt vi phạm

Căn cứ Khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020 (“Luật Xây dựng”), đối với công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.

Như vậy, đối với công trình xây dựng không có vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công (gọi chung là “vốn nhà nước”) thì Luật Xây dựng không quy định về mức phạt vi phạm. Do Luật Xây dựng không quy định nên có nhiều quan điểm về việc sẽ áp dụng quy định về phạt vi phạm trong Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS”) hay Luật Thương mại 2005 (“LTM”) để xác định mức phạt hợp đồng của công trình xây dựng không có vốn nhà nước giữa hai doanh nghiệp.

Khoản 2 Điều 418 BLDS quy định các bên tự do thỏa thuận về mức phạt vi phạm mà không chịu bất kỳ giới hạn nào, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác. Trong khi đó, Điều 301 LTM quy định mức phạt vi phạm không vượt quá 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm (trừ trường hợp phạt do giám định sai). Do vậy, nếu áp dụng BLDS thì mức phạt không bị giới hạn còn áp dụng LTM thì mức phạt bị giới hạn là 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.

Theo quan điểm của người viết, do hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự (Khoản 1 Điều 138 Luật Xây dựng) nên khi Luật Xây dựng không quy định thì phải áp dụng BLDS để xác định mức phạt hợp đồng của công trình xây dựng không có vốn nhà nước giữa hai doanh nghiệp. Do vậy, các bên có thể tự do thỏa thuận về mức phạt vi phạm mà không có giới hạn. Các doanh nghiệp cần lưu ý điều này để lường trước những rủi ro về việc phạt vi phạm.

2. Bồi thường thiệt hại

2.1. Quy định chung

+ Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật Xây dựng và pháp luật có liên quan khác.

+ Trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng không phù hợp với quy định thì sau khi thực hiện nghĩa vụ hoặc áp dụng biện pháp sửa chữa còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu bên kia còn bị những thiệt hại khác, mức bồi thường thiệt hại phải tương đương với mức tổn thất của bên kia.

+ Trường hợp hành vi vi phạm hợp đồng của một bên xâm hại tới thân thể, quyền lợi, tài sản của bên kia, bên bị tổn hại có quyền yêu cầu bên kia gánh chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng theo thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

+ Trường hợp một bên vi phạm hợp đồng do nguyên nhân của bên thứ ba, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng trước bên kia. Tranh chấp giữa bên vi phạm với bên thứ ba được giải quyết theo quy định của pháp luật.

2.2. Các trường hợp Bên nhận thầu phải bồi thường thiệt hại cho bên giao thầu

+ Chất lượng công việc không bảo đảm với thỏa thuận trong hợp đồng hoặc kéo dài thời hạn hoàn thành do lỗi của bên nhận thầu gây ra;

+ Do nguyên nhân của bên nhận thầu dẫn tới gây thiệt hại cho người và tài sản trong thời hạn bảo hành.

2.3. Các trường hợp Bên giao thầu phải bồi thường cho bên nhận thầu

+ Do nguyên nhân của bên giao thầu dẫn tới công việc theo hợp đồng bị gián đoạn, thực hiện chậm tiến độ, gặp rủi ro, điều phối máy, thiết bị, vật liệu và cấu kiện tồn kho cho bên nhận thầu;

+ Bên giao thầu cung cấp tài liệu, điều kiện cần thiết cho công việc không đúng với các thỏa thuận trong hợp đồng làm cho bên nhận thầu phải thi công lại, tạm dừng hoặc sửa đổi công việc;

+ Trường hợp trong hợp đồng xây dựng quy định bên giao thầu cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, các yêu cầu khác mà cung cấp không đúng thời gian và yêu cầu theo quy định;

+ Bên giao thầu chậm thanh toán theo thỏa thuận trong hợp đồng.

Trên đây là bài viết “Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong hợp đồng xây dựng” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ TNTP để được hỗ trợ.

Trân trọng,

Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng trao đổi tài sản

Hợp đồng trao đổi tài sản là một trong những hợp đồng thông dụng trong lĩnh vực dân sự. Theo đó, các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản và hướng dẫn cách thức soạn thảo loại hợp đồng này.

1. Thế nào là hợp đồng trao đổi tài sản?

Theo quy định tại Điều 455 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau.

Về bản chất, hợp đồng này là một loại hợp đồng hỗn hợp chứa đựng nội dung của hai hợp đồng mua bán khác nhau, mà trong đó mỗi bên đều là bên bán đối với tài sản của mình và là bên mua đối với tài sản của bên kia. Vì vậy, các quy định về hợp đồng mua bán tài sản cũng được áp dụng cho hợp đồng này, cụ thể: Các quy định về hợp đồng mua bán tài sản từ Điều 430 đến Điều 439, từ Điều 441 đến Điều 449 và Điều 454 của Bộ luật Dân sự 2015 cũng được áp dụng đối với hợp đồng này. Chỉ có các điều luật sau quy định về hợp đồng mua bán nhưng không áp dụng cho hợp đồng này, bao gồm: Điều 440 về Nghĩa vụ trả tiền, Điều 450 về Mua bán quyền tài sản, Điều 451 về Bán đấu giá tài sản, Điều 452 về Mua sau khi sử dụng thử và Điều 453 về Mua trả chậm, trả dần.

2. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng trao đổi tài sản

Thứ nhất, hợp đồng này có mục đích là chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho nhau. Thông thường hợp đồng mua bán tài sản là dùng tiền để có vật; còn hợp đồng trao đổi tài sản là dùng vật đổi vật. Vật trong hợp đồng này thường là vật đặc định. Ngoài ra, đối tượng của hợp đồng thường không thể là tiền. Bởi lẽ, tiền luôn được coi là công cụ định giá các loại tài sản khác, nên tiền thường xuất hiện trong hợp đồng mua bán tài sản thông thường. Tiền chỉ là đối tượng của hợp đồng này nếu tài sản các bên mang trao đổi đều là tiền ví dụ như đổi tiền Việt nam lấy đồng đô la Mỹ.

Thứ hai, hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng song vụ, có tính đền bù. Tính chất song vụ của hợp đồng được thể hiện ở việc cả hai bên trong hợp đồng đều có nghĩa vụ đối với nhau. Đồng thời đây là hợp đồng có đền bù vì các bên đều có lợi ích vật chất phát sinh từ hợp đồng.

Thứ ba, hình thức của hợp đồng phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên hoặc do pháp luật quy định. Theo đó, hợp đồng có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi. Tuy nhiên, trong trường hợp pháp luật quy định hợp đồng phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực hoặc đăng ký thì hợp đồng phải tuân thủ theo đúng hình thức đó. Ví dụ, theo quy định tại Điều 121 và Điều 122 Luật Nhà ở 2014, hợp đồng trao đổi tài sản có đối tượng là nhà ở bắt buộc phải được lập thành văn bản, đa số phải thực hiện công chứng, chứng thực, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014. Việc công chứng hợp đồng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân dân xã nơi có nhà ở. Thời điểm có hiệu lực đối với hợp đồng trao đổi nhà ở là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.

Thứ tư, người trao đổi tài sản phải là chủ sở hữu của tài sản hoặc người có quyền khác được thực hiện việc trao đổi đối với tài sản như người được chủ sở hữu ủy quyền. Trường hợp một bên trao đổi cho bên kia tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc không được chủ sở hữu ủy quyền thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Thứ năm, về bản chất, hợp đồng này là hợp đồng mua bán kép. Mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về.

3. Nội dung của hợp đồng 

Người soạn thảo nên lưu ý những nội dung chính sau:

• Thông tin của các bên trong hợp đồng.

• Đối tượng của hợp đồng: Các bên cần thỏa thuận về các nội dung liên quan đến tài sản trao đổi bao gồm tên tài sản trao đổi, nguồn gốc/xuất xứ của tài sản, số lượng, chất lượng, các hồ sơ, tài liệu kèm theo (nếu có).

• Phương thức và thời hạn thanh toán giá trị chênh lệch: Để xác định được giá trị của tài sản đem trao đổi, tài sản của mỗi bên sẽ được định giá thành tiền. Trong trường hợp giá trị của các tài sản là tương đương nhau thì các bên chỉ cần trao đổi cho nhau tài sản của mình. Tuy nhiên, nếu giá trị của các tài sản không tương đương nhau thì tài sản của bên nào có giá trị thấp sẽ phải thanh toán phần chênh lệch cho bên kia, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Vì vậy, các bên cần thỏa thuận rõ trong hợp đồng về nội dung này, bao gồm phương thức và thời hạn thanh toán nếu các tài sản trao đổi có sự chênh lệch về giá trị.

• Thời gian, địa điểm và phương thức thực hiện hợp đồng: Theo đó, các bên thỏa thuận về thời gian, địa điểm và phương thức để trao đổi tài sản với nhau.

• Quyền và nghĩa vụ của các bên: Như đã nêu trên, hợp đồng trao đổi tài sản là hợp đồng song vụ, các bên đều có nghĩa vụ đối với nhau. Do vậy, các bên cần thỏa thuận nội dung này trong hợp đồng.

• Điều khoản về thời hạn hợp đồng và các trường hợp chấm dứt hợp đồng: Các nội dung này do các bên được tự do thỏa thuận.

• Ngoài các điều khoản nêu trên, các bên có thể thỏa thuận thêm về các nội dung khác của hợp đồng với điều kiện không trái với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì những nội dung này sẽ được điều chỉnh bởi quy định pháp luật. Tuy nhiên, các bên nên thỏa thuận rõ ràng, chi tiết tất cả các nội dung trong hợp đồng để các bên không gặp khó khăn trong quá trình thực hiện hợp đồng và cũng để hạn chế các tranh chấp có thể xảy ra.

Trên đây là nội dung bài viết “Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng trao đổi tài sản”. Hi vọng những thông tin nêu trên hữu ích đối với quý độc giả đang quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,

Các loại tranh chấp thường gặp trong hợp đồng thi công xây dựng

Việc thực hiện hợp đồng thi công xây dựng bị chi phối bởi nhiều yếu tố và luôn tiềm tàng khả năng phát sinh tranh chấp. Do vậy, ngay từ khâu soạn thảo hợp đồng, các bên cần nhận diện những tranh chấp có thể phát sinh để từ đó quy định hướng giải quyết trong từng trường hợp. Điều này sẽ giúp các bên chủ động nếu có tranh chấp xảy ra. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày một số tranh chấp thường gặp trong hợp đồng thi công xây dựng mà các bên tham gia hợp đồng nên lưu ý.

1. Tranh chấp do vi phạm tiến độ thanh toán theo hợp đồng

• Đây có thể coi là loại tranh chấp điển hình, phổ biến trong quá trình thực hiện hợp đồng thi công xây dựng. Một số nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp này có thể kể đến như: i) Thỏa thuận về thanh toán không rõ ràng, không dự tính được các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng (giá thị trường biến động); ii) Nhà thầu phụ bị phụ thuộc tiến độ thanh toán theo hợp đồng giữa nhà thầu chính và chủ đầu tư; iii) Hồ sơ thanh toán không đầy đủ (Biên bản nghiệm thu khối lượng, biên bản nghiệm thu thanh toán, các hóa đơn giá trị gia tăng,…); iv) Chủ đầu tư gây khó khăn, chậm trễ thanh toán hoặc không còn khả năng thanh toán.

• Trên thực tế, khi nhà thầu yêu cầu thanh toán, các chủ đầu tư có thể đưa ra nhiều lý do để từ chối thanh toán như sau:

+ Nhà thầu thi công không đạt chất lượng, có sai sót, hư hỏng không khắc phục;
+ Nhà thầu thi công chậm tiến độ;
+ Các bên chưa thực hiện nghiệm thu và bàn giao công trình;
+ Hồ sơ thanh toán không hợp lệ như thiếu chữ ký, người xác lập hồ sơ không đúng thẩm quyền;
+ Hạng mục phát sinh chưa được đệ trình đủ hồ sơ và chưa được chủ đầu tư phê duyệt;
+ Nhà thầu không thực hiện bảo hành công trình;
+ Nhà thầu ung cấp thông tin sai lệch về hồ sơ năng lực để lừa dối chủ đầu tư và thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia hoạt động xây dựng…

Trường hợp nhà thầu thực hiện nhiều dự án cho chủ đầu tư thì chủ đầu tư còn có thể viện dẫn rằng do có tranh chấp tại dự án này nên không tiếp tục thanh toán các hợp đồng thuộc dự án khác.

2. Tranh chấp do không đảm bảo tiến độ thi công, chất lượng công trình

Khi thực hiện dự án, nội dung mà chủ đầu tư quan tâm nhất là tiến độ thi công và chất lượng công trình.

Đối với tiến độ thi công, các bên thường thỏa thuận cụ thể về tiến độ thi công và nhà thầu có trách nhiệm thực hiện đúng thỏa thuận tại hợp đồng. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố như nhân lực, vật tư, thời tiết, hoàn cảnh,… mà nhà thầu chậm tiến độ thi công và làm ảnh hưởng đến chủ đầu tư.

Đối với chất lượng công trình, nhà thầu cần thực hiện đúng các cam kết về vật liệu, vật tư, thiết kế. Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận nhà thầu đã sử dụng vật liệu, vật tư không đảm bảo chất lượng, không đúng với thỏa thuận của các bên,… hoặc nhà thầu thi công sai thiết kế đã được phê duyệt hoặc nhà thầu không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng hoặc nhà thầu vi phạm quy định về tổ chức thí nghiệm, nghiệm thu vật liệu đầu vào;… Chính những điều này đã khiến cho chất lượng công trình không được đảm bảo, và một số công trình vừa được hoàn thành đã xuống cấp, khiến các bên phát sinh tranh chấp về chất lượng công trình.

3. Tranh chấp do một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng thi công xây dựng trước thời hạn

Khi phát sinh một số vi phạm nghiêm trọng theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư/ nhà thầu có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư/ nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng mà không theo quy định pháp luật và hợp đồng. Một số ví dụ có thể kể đến như: Nhà thầu yêu cầu chủ đầu tư thanh toán các chi phí phát sinh ngoài hợp đồng nhưng chủ đầu tư không đồng ý thanh toán nên nhà thầu đơn phương chấm dứt hợp đồng; chủ đầu tư cố tình viện dẫn nhiều lý do không chính đáng để cho rằng nhà thầu vi phạm hợp đồng để từ đó đơn phương chấm dứt hợp đồng,…

Khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng không có lý do chính đáng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng (nếu trong hợp đồng có quy định về phạt vi phạm).

4. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thi công xây dựng

Việc chứng minh quyền được bồi thường thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại do vi phạm của một bên trong hợp đồng xây dựng là công việc rất phức tạp. Thông thường, các bên sẽ khó thống nhất được mức bồi thường chung. Do vậy, các bên buộc phải thuê một bên thứ ba là các chuyên gia trong xây dựng, các đơn vị thẩm định, định giá,… để xác định được trách nhiệm pháp lý và tính toán thiệt hại.

Trên đây là bài viết “Các loại tranh chấp thường gặp trong hợp đồng thi công xây dựng” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được giải đáp.

Trân trọng,

Những nội dung cần lưu ý khi đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC tại Việt Nam

Khi các nhà đầu tư có mong muốn cùng đóng góp tài sản, công sức để kinh doanh, nhưng chưa sẵn sàng để thành lập một tổ chức kinh tế, các bên thường lựa chọn đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (hay còn gọi là hợp đồng BCC). Vậy đối với nhà đầu tư nước ngoài, khi đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC cần lưu ý những nội dung gì? Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ phân tích những nội dung mà nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý.

1. Thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư

Nếu dự án đầu tư thuộc diện phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật. Theo đó, dự án đầu tư thuộc diện phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư là các dự án có tính chất, quy mô và sự ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, xã hội và môi trường cần được sự chấp thuận của Cơ quan có thẩm quyền như Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (Điều 30, Điều 31 và Điều 32 của Luật Đầu tư 2020). Sau khi nhận được sự chấp thuận của Cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư sẽ được cấp Giấy chứng đăng ký nhận đầu tư theo quy định Điều 38 Luật Đầu tư 2020.

2. Thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

• Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 27 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài hoặc các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức hợp đồng BBC tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) theo quy định của pháp luật.

• Đối với trường hợp thực hiện dự án đầu tư không thuộc diện phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư nộp hồ sơ xin cấp IRC tại Cơ quan đăng ký đầu tư. Trên cơ sở đó, Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ xem xét và cấp IRC cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ nộp đủ hồ sơ hợp lệ nếu dự án đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

3. Thành lập ban điều phối

Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 27 Luật Đầu tư, các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

4. Thành lập văn phòng điều hành

• Nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC được thành lập văn phòng điều hành tại Việt Nam để thực hiện hợp đồng. Địa điểm văn phòng điều hành do nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC quyết định theo yêu cầu thực hiện hợp đồng.

• Văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC có con dấu; được mở tài khoản, tuyển dụng lao động, ký hợp đồng và tiến hành các hoạt động kinh doanh trong phạm vi quyền và nghĩa vụ quy định tại hợp đồng BCC và Giấy chứng nhận đăng ký thành lập văn phòng điều hành.

• Để thành lập văn phòng điều hành, nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký thành lập tại Cơ quan đăng ký đầu tư nơi dự kiến đặt văn phòng điều hành (Điều 49 Luật Đầu tư 2020).

5. Chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành

• Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành, nhà đầu tư nước ngoài gửi hồ sơ thông báo cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi đặt văn phòng điều hành. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ quy định, cơ quan đăng ký đầu tư quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành.

• Hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động văn phòng điều hành bao gồm:

a) Quyết định chấm dứt hoạt động của văn phòng điều hành trong trường hợp văn phòng điều hành chấm dứt hoạt động trước thời hạn;
b) Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán;
c) Danh sách người lao động, quyền và lợi ích của người lao động đã được giải quyết;
d) Xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế;
đ) Xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc đã hoàn thành nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội;
e) Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng điều hành;
g) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
h) Bản sao hợp đồng BCC.

Trên đây là nội dung bài viết “Những nội dung cần lưu ý khi đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC tại Việt Nam” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ tốt nhất.

Trân trọng,

Bản tin pháp luật (Legal Newsletter) tháng 7/2023

Kính gửi Quý độc giả,

Chúng tôi trân trọng giới thiệu với quý độc giả Bản tin pháp luật (Legal Newsletter) tổng hợp các văn bản pháp luật chính trong tháng 07/2023 bao gồm:

– Các quy định đáng chú ý về lương hưu và Trợ cấp Bảo hiểm Xã hội tại Nghị định 42/2023/NĐ-CP ngày 26/9/2033 của Chính phủ

– Những điểm mới của Nghị định số 47/2023/NĐ-CP

– Quy định về việc giảm Thuế Giá trị gia tăng theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP

– Bài viết phân tích về việc Nhân viên “Đánh tráo khái niệm” để khách hàng ký kết Hợp đồng Bảo hiểm có thể phạm tội gì?

Tải Bản tin pháp lý

Chúng tôi hy vọng rằng các Bản tin pháp luật này sẽ đem lại giá trị hữu ích, đảm bảo việc cập nhật các văn bản pháp lý có giá trị với độc giả trong quá trình hành nghề và trong cuộc sống.

Trân trọng

Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh

Về nguyên tắc, các bên tham gia ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (“BCC”) được tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận miễn là không trái với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Tuy nhiên, khi thỏa thuận và soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh, các bên cần chú ý đến những nội dung cần có theo quy định của pháp luật. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ đưa ra một số lưu ý khi soạn thảo các điều khoản trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.

1. Đối tượng của hợp đồng hợp tác kinh doanh

Đối tượng của hợp đồng hợp tác hướng đến là những thỏa thuận, cam kết ghi nhận công việc hợp tác kinh doanh sẽ thực hiện trong hợp đồng. Bản chất của hợp đồng hợp tác kinh doanh là không thành lập pháp nhân, do đó các nội dung thỏa thuận về “công việc” với tính chất là đối tượng của hợp đồng phải cụ thể, rõ ràng để hạn chế tranh chấp có thể xảy ra.

2. Mục tiêu và phạm vi hoạt động kinh doanh

Để đảm bảo các bên hiểu một cách đầy đủ và chính xác về hoạt động kinh doanh, hợp đồng hợp tác phải quy định rõ về mục tiêu và phạm vi hoạt động. Điều khoản này đóng vai trò rất quan trọng trong việc ràng buộc trách nhiệm cùng thực hiện hoạt động hợp tác của các bên cũng như tránh trường hợp các bên hiểu sai mục tiêu và thực hiện không đúng hoặc vượt quá phạm vi hợp tác mà các bên mong muốn.

3. Điều khoản góp vốn và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh

Thực hiện nghĩa vụ đóng góp và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh chính là một trong những nội dung dễ xảy ra tranh chấp nhất trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. Vì vậy, các bên cần thỏa thuận rõ ràng và chặt chẽ về nội dung này trong hợp đồng.

Theo đó, các bên cần thỏa thuận rõ về loại tài sản đóng góp (tiền, công sức lao động, máy móc thiết bị hay các loại tài sản khác), tỷ lệ và thời hạn đóng góp cụ thể của các bên. Nếu một trong các bên chậm thực hiện nghĩa vụ đóng góp thì các bên cũng cần thỏa thuận về hình thức xử lý đối với trường hợp này. Chẳng hạn, trong trường hợp có thỏa thuận về góp tiền mà một bên chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại.

Về việc phân chia kết quả đầu tư kinh doanh, các bên cần thỏa thuận rõ điều kiện phân chia, tỷ lệ phân chia và thời hạn phân chia lợi nhuận cho từng bên.

4. Điều khoản tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh

Hợp đồng nên thỏa thuận rõ về tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng. Bởi lẽ, điều này sẽ ràng buộc trách nhiệm của các bên đối với hoạt động kinh doanh cũng như liên quan đến việc chấm dứt hợp tác khi hết thời hạn hợp đồng. Theo đó, các bên cần thể hiện rõ trong hợp đồng về các công việc cụ thể cần thực hiện trong từng giai đoạn và trách nhiệm của từng bên đối với các công việc đó.

5. Điều khoản quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh

Trong quan hệ hợp tác kinh doanh, các bên đều có quyền và nghĩa vụ chung là (i) được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác; (ii) tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hợp tác; (iii) bồi thường thiệt hại cho (các) bên còn lại do lỗi của mình gây ra. Ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận thêm về quyền và nghĩa vụ riêng của từng bên. Việc xác định rõ về quyền và nghĩa vụ của từng bên sẽ giúp hạn chế tranh chấp và phân định rõ trách nhiệm của các bên đối với quan hệ hợp tác.

6. Điều khoản rút vốn khỏi hợp đồng 

Việc rút vốn của một thành viên có thể ảnh hưởng đến quyền lợi và gây thiệt hại cho (các) bên còn lại trong hợp đồng. Vì vậy, hợp đồng hợp tác cần thỏa thuận rõ về các trường hợp được rút vốn, đồng thời các bên cũng phải thực hiện đúng các nội dung đã cam kết để tránh xảy ra tranh chấp.

Nếu việc rút vốn không thuộc trường hợp mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng thì thành viên rút vốn được xác định là vi phạm hợp đồng và phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của mình.

7. Điều khoản trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và phương thức giải quyết tranh chấp

Để thuận lợi cho các bên khi có vi phạm hợp đồng, các bên nên thỏa thuận về trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và các phương thức giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Theo đó, các bên có thể thỏa thuận cụ thể về chế tài áp dụng khi có vi phạm hợp đồng (như phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại,…). Về điều khoản giải quyết tranh chấp, các bên có thể thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, Trọng tài hoặc Tòa án. Trong trường hợp giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, các bên nên thỏa thuận rõ về Trung tâm Trọng tài, số lượng trọng tài viên, ngôn ngữ và địa điểm giải quyết tranh chấp,…

8. Điều khoản về chấm dứt hợp đồng 

Chấm dứt hợp đồng cũng đồng nghĩa với việc kết thúc mối quan hệ hợp tác. Các bên có thể thỏa thuận hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

– Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác. Các bên thỏa thuận trong hợp đồng về thời hạn hợp tác cùng thực hiện hoạt động kinh doanh, khi hết thời hạn đó thì hợp đồng hợp tác chấm dứt.

– Mục đích hợp tác đã đạt được. Khi tham gia hợp đồng hợp tác, các bên xác định mục đích của việc xác lập hợp đồng hợp tác, nếu mục đích đó đã đạt được thì hợp đồng hợp tác không còn cần thiết đối với các bên, khi đó hợp đồng chấm dứt.

– Các trường hợp khác theo thỏa thuận của các bên. Trong thời hạn thực hiện hợp đồng, do hoạt động hợp tác không đạt được kết quả như mong muốn hoặc vì những lý do khác mà các bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.

Ngoài các điều khoản nêu trên, các bên có thể thỏa thuận thêm về các nội dung khác miễn là không trái với quy định của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Chẳng hạn như điều khoản bảo mật, điều khoản chống cạnh tranh và lôi kéo,…

Trên đây là nội dung bài viết “Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng hợp tác kinh doanh”. Hi vọng những chia sẻ nêu trên sẽ hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,

Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự

  • Văn phòng tại Hồ Chí Minh:
    Phòng 1901, Tầng 19 Tòa nhà Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Văn phòng tại Hà Nội:
    Số 2, Ngõ 308 Tây Sơn, Phường Thịnh Quang, Quận Đống Đa, Hà Nội
  • Email: ha.nguyen@tntplaw.com


    Bản quyền thuộc về: Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự