Tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng là sự mâu thuẫn, bất động ý kiến của một hoặc cả hai bên về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng xây dựng. Thông thường, khi có tranh chấp xảy ra, các bên có thể giải quyết tranh chấp bằng các cách sau: Thương lượng, hòa giải, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại hoặc khởi kiện tại Tòa án. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích một số đặc điểm của các phương thức giải quyết tranh chấp này.

1. Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng bằng thương lượng

Thương lượng là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp sẽ cùng nhau tiếp xúc, tìm hiểu, dàn xếp, nhượng bộ để tháo gỡ những bất đồng phát sinh nhằm loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào.

Trong các phương thức giải quyết tranh chấp thì thương lượng là phương thức được áp dụng đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp, đồng thời cũng là phương thức phổ biến và hiệu quả nhất hiện nay.

Theo đó, khi có tranh chấp xảy ra, một trong các bên tranh chấp có thể đề nghị các bên gặp mặt trao đổi trực tiếp hoặc thương lượng gián tiếp thông quá các phương thức như email, trao đổi qua điện thoại, qua nền tảng zoom,v.v…để thỏa thuận, thống nhất giải quyết tranh chấp. Có thể nói phương thức giải quyết tranh chấp này rất linh hoạt, nhanh chóng và tiết kiệm cho các bên. Tuy nhiên, việc thương lượng thành công hay không phụ thuộc nhiều vào thiện chí của các bên.

2. Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng bằng phương thức hòa giải

Trong trường hợp thương lượng không thành, các bên có thể sử dụng phương thức hòa giải để giải quyết tranh chấp. Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên làm trung gian hòa giải hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp. Như vậy, với phương thức này, sự xuất hiện của hòa giải viên là bắt buộc.

Để áp dụng phương thức hòa giải, các bên sẽ phải thống nhất lựa chọn bên thứ ba để đứng ra hòa giải. Ưu điểm của phương thức này là nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cho các bên nếu hòa giải thành công. Nhưng nếu kết quả hòa giải không thành thì đây lại là nhược điểm của phương thức này bởi các bên vẫn phải trả một khoản chi phí cho hòa giải viên. Ngoài ra, việc thời gian hòa giải kéo dài có thể ảnh hưởng đến quyền khởi kiện của các bên do hết thời hiệu khởi kiện.

3. Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng bằng Trọng tài thương mại

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định tại Luật Trọng tài thương mại 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại.

Để giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại, các bên phải có thỏa thuận trọng tài. Theo đó, thỏa thuận trọng tài có thể được thể hiện dưới dạng (i) điều khoản trọng tài được thỏa thuận ngay trong hợp đồng hoặc tại phụ lục hợp đồng; hoặc (ii) bằng một thỏa thuận riêng, có thể được xác lập trước hoặc sau khi tranh chấp xảy ra.

Thông thường, các bên sẽ lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài. Sau khi tiếp nhận Đơn khởi kiện, Trung tâm trọng tài sẽ thành lập Hội đồng trọng tài để nghiên cứu hồ sơ vụ việc, tổ chức phiên họp để giải quyết tranh chấp và ban hành Phán quyết trọng tài. Phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm, không bị kháng cáo, kháng nghị và buộc các bên phải thực hiện. Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài sẽ tiết kiệm thời gian hơn so với giải quyết tranh chấp tại Tòa án, và đảm bảo các thông tin về tranh chấp luôn được giữ bí mật.

4. Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng bằng Tòa án

Giải quyết tranh chấp bằng cách khởi kiện tại Tòa án là phương thức truyền thống, thường được các bên lựa chọn. Việc giải quyết tranh chấp bằng Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Trước khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án, nguyên đơn cần xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án sẽ triệu tập các đương sự lên làm việc, tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Nếu hòa giải thành thì Tòa án sẽ ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Trường hợp hòa giải không thành, Tòa án sẽ quyết định đưa vụ án ra xét xử và mở phiên tòa xét xử. Tuy phương thức khởi kiện tại Tòa án là phương thức truyền thống và phổ biến, nhưng lại có nhược điểm là quá trình giải quyết kéo dài khiến cho các bên tranh chấp phải tốn rất nhiều công sức và tiền bạc.

Do vậy, khi xảy ra tranh chấp, các bên có thể sử dụng linh hoạt các phương thức giải quyết tranh chấp nêu trên để có thể đáp ứng mong muốn, yêu cầu của mình.

Trên đây là nội dung bài viết “Cách giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng”. Hi vọng bài viết nêu trên hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,