Skip to main content

Author: TNTP LAW

Đánh giá ảnh hưởng của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với Doanh nghiệp

Kể từ ngày 01/07/2023, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 17/04/2023 về việc Bảo vệ dữ liệu cá nhân chính thức có hiệu lực (“Nghị định 13”).

Nghị định 13 không chỉ quy định về hệ thống dữ liệu cá nhân tương đối toàn diện mà còn thể hiện đầy đủ vai trò, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong bài viết này TNTP sẽ gửi tới bạn đọc những phân tích, đánh giá về ảnh hưởng của Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với Doanh nghiệp.

1. Một số nội dung nổi bật trong Nghị định 13 ảnh hưởng đến Doanh nghiệp.

a) Thông tin dữ liệu cá nhân của Người lao động tại Doanh nghiệp

Đối với các thông tin bắt buộc của hợp đồng lao động theo Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019 thì các thông tin này thuộc dữ liệu cá nhân cơ bản của Người lao động theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 13. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, quản lý Người lao động, có thể có xảy ra trường hợp Doanh nghiệp yêu cầu Người lao động cung cấp thêm một số thông tin như: quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo; tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án (không bao gồm thông tin về nhóm máu; thông tin liên quan đến nhân trắc học, vật lý, sinh học, đời sống tình dục, xu hướng tình dục, nguồn gốc chủng tộc, nguồn gốc dân tộc của cá nhân…) và đây chính là những dữ liệu cá nhân nhạy cảm theo khoản 4 Điều 2 Nghị định 13. Do đó, Doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm bảo vệ các thông tin đó trong quá trình quản lý, sử dụng lao động của mình nếu không muốn bị xử lý trước pháp luật.

b) Hoạt động thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân Người lao động tại Doanh nghiệp

Hoạt động thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, kết hợp, truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chia sẻ, truyền đưa, cung cấp, chuyển giao, xóa, hủy dữ liệu cá nhân hoặc các hành động khác có liên quan thu thập thông tin, lưu trữ, chia sẻ, chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của ứng viên, lao động trong quá trình tuyển dụng, quản lý nhân sự được xem là xử lý dữ liệu cá nhân và cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu theo khoản 7 và khoản 8 Điều 2 Nghị định 13.

Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể bằng văn bản, giọng nói, đánh dấu vào ô đồng ý, cú pháp đồng ý qua tin nhắn, chọn các thiết lập kỹ thuật đồng ý hoặc qua một hành động khác thể hiện được điều này. Sự đồng ý của chủ thể dữ liệu phải thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng kiểm chứng được theo khoản 3 và khoản 5 Điều 11 Nghị định 13.
Ngoài ra, theo Điều 17 Nghị định 13, Người lao động có quyền đồng ý hoặc không đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của mình, trừ các trường hợp sau:

– Tình huống khẩn cấp cần xử lý ngay dữ liệu cá nhân có liên quan để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác;

– Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật;

– Việc xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong tình trạng khẩn cấp;

– Để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với Doanh nghiệp theo quy định của luật;

– Phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.

2. Trách nhiệm của Doanh nghiệp theo Nghị định số 13

a) Thông báo xử lý dữ liệu cá nhân

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 13, trước khi tiến hành, việc xử lý dữ liệu cá nhân phải được thông báo đến chủ thể dữ liệu. Nội dung thông báo phải bao gồm những nội dung được quy định tại khoản 2 Điều này. Cũng tương tự sự đồng ý cho phép của Người lao động, thông báo về việc xử lý dữ liệu phải thể hiện ở một định dạng có thể được in, sao chép bằng văn bản, bao gồm cả dưới dạng điện tử hoặc định dạng kiểm chứng được.

b) Đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân và đánh giá tác động chuyển dữ liệu ra nước ngoài

Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 13, kể từ thời điểm bắt đầu xử lý dữ liệu, Doanh nghiệp và các bên có liên quan có nghĩa vụ lập và lưu giữ hồ sơ đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân và phải đảm bảo luôn có sẵn để phục vụ hoạt động kiểm tra của Bộ Công an.

Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 13, trong trường hợp chuyển dữ liệu cá nhân của công dân Việt Nam ra nước ngoài (ví dụ khi chuyển thông tin của nhân sự Việt Nam đến công ty mẹ ở nước ngoài), Doanh nghiệp phải lập hồ sơ đánh giá tác động chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài và cũng phải đảm bảo luôn có sẵn để phục vụ hoạt động kiểm tra của Bộ Công an. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói chung và Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo mô hình sở hữu chéo, công ty mẹ – công ty con.

3. Chế tài xử lý vi phạm đối với quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 13, mọi vi phạm của Doanh nghiệp đối với quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Người lao động, tùy theo mức độ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là xử lý hình sự theo quy định.

Việc mua, bán dữ liệu cá nhân bị cấm dưới mọi hình thức và có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự theo quy định của pháp luật theo khoản 4 Điều 3 và Điều 4 Nghị định 13.

Trên đây là bài viết “Đánh giá ảnh hưởng của Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với Doanh nghiệp” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,

TUYỂN DỤNG NHÂN VIÊN TẬP SỰ

Chi nhánh Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự có nhu cầu tuyển dụng Nhân viên tập sự với thông tin cụ thể như sau:

1. Số lượng:

02 (cả nam và nữ).

2. Yêu cầu

– Ưu tiên các bạn có điểm trung bình môn Ngữ văn trên 8.0 hoặc là học sinh giỏi môn Ngữ văn ở cấp THPT;
– Ưu tiên sinh viên mới tốt nghiệp Cử nhân Luật;
– Ưu tiên các bạn đang trong quá trình học khóa đào tạo nghề luật sư của Học viện tư pháp;
– Ưu tiên các bạn có tiếng Anh tốt hoặc biết một ngoại ngữ khác;
– Ưu tiên bạn nào có năng khiếu nghệ thuật hoặc có tập luyện võ thuật (trên 03 năm);
– Nắm vững kiến thức cơ bản về Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Tố tụng dân sự, Luật Dân sự và Luật Thương mại;
– Cẩn thận, tỉ mỉ, chỉn chu trong việc soạn văn bản;
– Biết sử dụng Outlook, Word, Excel và Powerpoint;
– Thái độ làm việc tích cực.

3. Mô tả công việc

– Nghiên cứu hồ sơ của Khách hàng;
– Soạn thảo báo giá và Hợp đồng dịch vụ pháp lý;
– Hỗ trợ Luật sư tập sự và Luật sư chính trong công việc soạn thảo, rà soát văn bản pháp lý;
– Học cách sử dụng phần mềm quản lý công việc của Công ty.

4. Thời hạn tập sự:

06 tháng và làm việc full time.
Thời gian làm việc từ 9h đến 16h30 (nghỉ trưa một tiếng).

5. Quyền lợi của nhân viên tập sự

– Được Công ty cung cấp laptop để sử dụng trong công việc;
– Tự túc phương tiện di chuyển khi đến Công ty và về. Trong thời gian làm việc tại Công ty, nhân viên di chuyển bằng Grab (chi phí di chuyển do Công ty trả);
– Được tham gia cung cấp dịch vụ trong tất cả các lĩnh vực hành nghề của Công ty để tìm hiểu lĩnh vực nào phù hợp với mình;
– Sau khi kết thúc 06 tháng tập sự, nếu kết quả tốt sẽ được nhận làm nhân viên chính thức của Công ty.
– Hỗ trợ tập sự là 2.000.000 đồng/tháng.

6. Địa điểm làm việc

Số 2, ngõ 308 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội.

Ứng viên vui lòng gửi CV về địa chỉ email hongdt99@gmail.com

Trân trọng,

Hợp đồng mua bán hàng hóa – Những nội dung cơ bản cần biết

Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa, có một số điều khoản quan trọng cần được lưu ý để hạn chế tối đa rủi ro. Do vậy, chủ thể tham gia hợp đồng cần nắm những nội dung cơ bản cần biết để đề xuất với đối tác trong quá trình thương thảo hợp đồng. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ phân tích một số nội dung cơ bản cần biết về loại hợp đồng này.

I. Khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa

Các văn bản pháp luật hiện hành ở Việt Nam chưa có định nghĩa về hợp đồng mua bán hàng hóa nhưng dựa trên khái niệm về hợp đồng (Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015), hợp đồng mua bán tài sản (Điều 430 Bộ luật Dân sự năm 2015) và khái niệm mua bán hàng hóa (Khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005), ta có thể đưa ra khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa như sau:

Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.

Căn cứ vào yếu tố chủ thể, đối tượng, nơi xác lập và thực hiện hợp đồng, hợp đồng mua bán hàng hóa được chia thành hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước và hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài (hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế).

II. Hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa

Theo Điều 24 Luật Thương mại năm 2005, hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể. Các hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.

Về nguyên tắc, các bên được tự do lựa chọn hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa trừ những trường hợp pháp luật có quy định về hình thức cụ thể của hợp đồng.

Ví dụ: Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (Khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại năm 2005). Các hình thức có giá trị pháp lý tương đương ở đây bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật (Khoản 15 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005).

III. Các nội dung cơ bản cần có trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Trong quá trình soạn thảo, rà soát để chuẩn bị cho việc ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa, các bên cần đảm bảo hợp đồng có các nội dung cơ bản như sau:

– Các bên ký kết trong hợp đồng mua bán hàng hóa;
– Đối tượng của hợp đồng;
– Giá hàng hóa;
– Các điều khoản về thanh toán;
– Các điều khoản về giao hàng;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Bảo hành hàng hóa;
– Cam kết, bảo đảm;
– Các trường hợp bất khả kháng;
– Các trường hợp miễn trách nhiệm;
– Thời hạn của hợp đồng mua bán hàng hóa;
– Các chế tài áp dụng;
– Chấm dứt hợp đồng mua bán hàng hóa;
– Luật áp dụng và giải quyết tranh chấp.

Trên đây là nội dung bài viết “Hợp đồng mua bán hàng hóa – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ vấn đề nào cần làm rõ, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ tốt nhất.

Trân trọng,

Những rủi ro đối với khách hàng khi giao kết “hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ”

Kỳ nghỉ là thời điểm quý báu mà nhiều người mong đợi để được thư giãn, khám phá, và tận hưởng cuộc sống. Hiện nay, có rất nhiều hình thức du lịch và nghỉ dưỡng được hình thành để phục vụ cho nhu cầu của mọi người. Một trong số đó xuất hiện hình thức Khách hàng giao kết “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” với các công ty hoặc resort – Một hình thức nghỉ dưỡng còn khá mới với người Việt. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ có thể mang lại, Khách hàng có thể gặp nhiều rủi ro từ việc giao kết này. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nêu tổng quát về Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ và phân tích những rủi ro mà Khách hàng có thể gặp phải.

1. Khái quát về Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ

Trong quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định cụ thể về “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ”. Tuy nhiên có thể hiểu rằng “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” là một loại Hợp đồng mà người mua mua quyền sử dụng một địa điểm nghỉ dưỡng cụ thể trong một khoảng thời gian cố định thường là hàng năm. Đây là một hình thức đầu tư vào kỳ nghỉ và thường được sử dụng để đảm bảo quyền sở hữu các kỳ nghỉ tại các địa điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng trong và ngoài nước.

Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ thường đi kèm với các điều khoản và điều kiện cụ thể, bao gồm thời gian sử dụng, phí duy trì, các quyền và trách nhiệm của người mua. Theo quy định Hợp đồng, người mua có thể chuyển nhượng hoặc bán lại quyền sở hữu của họ trong Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ này cho người khác.

2. Những rủi ro đối với Khách hàng

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, các tranh chấp, phản ánh, khiếu nại liên quan đến Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ vẫn tiếp tục được cơ quan truyền thông thông tin cũng như người tiêu dùng phản ánh tới cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ về bản chất là hợp đồng đăng ký dịch vụ, dựa theo Án lệ số 42/2021/AL đã nói rất rõ đây là một dạng Hợp đồng dịch vụ lưu trú. Vì vậy việc sở hữu kỳ nghỉ không giống với việc sở hữu bất động sản, hay tài sản ở đó, mà thứ ngưởi mua sở hữu chính là thời gian, dịch vụ được hưởng ở khoảng thời sau này chứ không phải ở hiện tại. Vì vậy nó tiềm tàng rất nhiều những rủi ro đối với người mua. Cụ thể như sau:

• Thứ nhất, trên thực tế thời hạn của những hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ thường khá dài, đồng nghĩa với việc ngưởi mua phải trả những số tiền lớn để sở hữu, có thể tại thời điểm giao kết Hợp đồng, Dự án của khu nghỉ dưỡng theo Hợp đồng còn chưa được hoàn thành. Do đó cần phải đánh giá kỹ những rủi ro, tỷ suất lợi nhuận trước khi giao kết Hợp đồng.

• Thứ hai, bên cạnh rủi ro đến từ những yếu tố bên ngoài, như việc nhân viên bán hàng gây áp lực để ký kết hợp đồng, bên bán còn sử dụng các hình thức quảng cáo không đúng sự thật. Sự rủi ro đến từ việc thực hiện Hợp đồng trong tương lai có thể bị “trì hoãn” hoặc thậm chí là “đứt gãy” nếu bên bán kỳ nghỉ không hoàn thành được Dự án đúng thời hạn hoặc tệ hơn là Dự án “chết”.

• Thứ ba, ngoài khoản tiền phải thanh toán một lần tại thời điểm ký kết hợp đồng Khách hàng còn phải thanh toán các khoản chi phí thường niên (từ vài triệu đến vài chục triệu đồng), mức phí này thường rất cao và còn tùy thuộc vào quyền và tiện ích cụ thể mà Khách hàng muốn được hưởng khi sử dụng dịch vụ ở khu nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, trong Hợp đồng có thể không có các quy định cụ thể và rõ ràng về các khoản chi phí này và các vấn đề có liên quan.

• Thứ tư, rất nhiều người xem Hợp đồng sở hữu kì nghỉ là một kênh đầu tư sinh lời. Tuy nhiên trong quá trình diễn ra Hợp đồng, có rất nhiều người mua muốn bán lại hoặc chấm dứt Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ vì nhiều lý do như bên bán kỳ nghỉ không thực hiện đúng Hợp đồng, hứa hẹn, Dự án khu resort không được hoàn thiện đúng tiến độ để được tham gia dịch vụ, phát hiện bên bán kỳ nghỉ có dấu hiệu lừa dối Khách hàng, huy động vốn xây dựng resort bằng cách giao kết Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, … Rất nhiều Khách hàng sau khi đã thành toán nhiều khoản tiền không nhỏ cho bên bán kỳ nghỉ và nhận được Hợp đồng sau khi đã thanh toán. Lúc này, Khách hàng mới được đọc kĩ Hợp đồng và nhận ra có rất nhiều điều khoản bất lợi cho người mua kỳ nghỉ. Vì vậy, nếu Khách hàng coi đây là một kênh đầu tư sinh lời và muốn bán/chuyển nhượng lại Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, Khách hàng sẽ gặp khó khăn vì điều khoản về bán/chuyển nhượng rất bất lợi, thậm chí có trường hợp quy định Khách hàng phải có sự chấp thuận của bên bán kỳ nghỉ mới có thể tiến hành chuyển nhượng. Các Khách hàng đã mua kỳ nghỉ thường gặp khó khăn khi muốn thoát khỏi giao kết này.

• Thứ năm, pháp luật Việt Nam hiện hành cũng chưa có những quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh đối tượng “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ” và việc các nhà đầu tư thông qua việc bán kỳ nghỉ huy động vốn từ việc giao kết Hợp đồng với Khách hàng, đã tạo ra khoảng trống pháp lý lớn. Các doanh nghiệp sử dụng đội ngũ pháp lý hùng hậu, sử dụng loại hợp đồng soạn sẵn (Hợp đồng mẫu) quy định những điều khoản có lợi cho mình và bất lợi cho Khách hàng, đặc biệt là đối với những người không am hiểu về pháp luật.

3. Giảm thiểu rủi ro khi giao kết Hợp đồng

• Trước khi tiến hành giao kết Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ nói riêng và các loại Hợp đồng nói chung, Khách hàng cần nghiên cứu kỹ thông tin về đối tượng của Hợp đồng là loại sản phẩm hoặc dịch vụ nào được giới thiệu trong sự kiện, cũng như về đơn vị cung cấp. Bằng cách này, có thể xác định những vấn đề quan trọng về lợi ích và rủi ro có thể gặp phải, từ đó có cơ hội quyết định và yêu cầu giải đáp thêm trước khi ký kết hợp đồng.

• Đối với Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, Khách hàng cần đọc kỹ và hiểu rõ tất cả các điều khoản và điều kiện trong Hợp đồng, đặc biệt chú ý đến các khoản về phí, thời hạn, quyền và nghĩa vụ của Khách hàng, giá trị Hợp đồng và các loại chi phí liên quan, cũng như điều khoản chấm dứt/chuyển nhượng Hợp đồng và xử lý vi phạm Hợp đồng. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý đến từ một đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý để được tư vấn việc giao kết loại Hợp đồng này.

• Ngoài ra, Khách hàng có thể phản ánh, tố giác đến cơ quan Công an các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Trên đây là bài viết “Những rủi ro đối với khách hàng khi giao kết “Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ”” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ TNTP để được giải đáp.

Best regards,

Thẩm quyền tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại

Khi hợp đồng thương mại phát sinh tranh chấp, nếu các bên đã có thoả thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp thì thẩm quyền giải quyết được ưu tiên áp dụng theo thoả thuận. Trong trường hợp không có thoả thuận và các bên không tự hòa giải thì tranh chấp được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền. Khi đó, bên khởi kiện cần nắm rõ quy định pháp luật để nộp đơn khởi kiện đúng thẩm quyền giải quyết. Trong bài viết này, TNTP sẽ cung cấp cho bạn đọc kiến thức pháp lý về “Thẩm quyền Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại”.

1. Tranh chấp hợp đồng thương mại là gì?

Trong các văn bản pháp luật hiện nay chưa có định nghĩa thế nào là tranh chấp hợp đồng thương mại. Vậy, để hiểu tranh chấp hợp đồng thương mại là gì, chúng ta cần hiểu được hai khái niệm liên quan, cụ thể là tranh chấp hợp đồng và tranh chấp thương mại.

• Tranh chấp hợp đồng là những mâu thuẫn, bất đồng ý kiến giữa các bên trong quan hệ hợp đồng, chủ yếu xuất phát từ việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quyền, nghĩa vụ quy định trong hợp đồng.

• Căn cứ Khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 giải thích từ ngữ hoạt động thương mại, theo đó hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Tranh chấp thương mại có thể hiểu là những mâu thuẫn, bất đồng phát sinh có liên quan tới quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể trong hoạt động kinh doanh thương mại.

Như vậy, từ khái niệm tranh chấp hợp đồng và tranh chấp thương mại nêu trên, có thể hiểu rằng tranh chấp hợp đồng thương mại là những mâu thuẫn, bất đồng phát sinh giữa các chủ thể về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng thương mại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chính đáng của bên khác.

2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại tại Tòa án

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng của Tòa án được xác định như sau:

• Xác định thẩm quyền của Tòa án theo vụ việc

Xác định thẩm quyền theo vụ việc là xác định vụ việc tranh chấp đó có thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án hay không? Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (“BLTTDS 2015”) quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án theo vụ việc từ Điều 26 đến Điều 34. Theo đó, những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định cụ thể tại Điều 30 BLTTDS 2015 bao gồm cả các tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng thương mại.
Như vậy, các tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng thương mại sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án ngọai trừ trường hợp phát sinh tranh chấp mà các bên đã có thoả thuận về cơ quan giải quyết tranh chấp khác.

• Xác định thẩm quyền của Tòa án theo cấp xét xử

Căn cứ quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 35 BLTTDS 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp thương mại quy định tại Khoản 1 Điều 30 BLTTDS 2015 (gồm các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận), do đó Tòa án nhân nhân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đối với các vụ tranh chấp hợp đồng thương mại giữa cá nhân với pháp nhân hoặc giữa pháp nhân với pháp nhân có mục đích sinh lời.

Tuy nhiên, đối với các loại tranh chấp hợp đồng thương mại còn lại và đối với những tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh (căn cứ điểm c Khoản 1 Điều 37 BLTTDS 2015).

Từ những căn cứ nêu trên, có thể thấy, các tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng thương mại sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện ngoại trừ các tranh chấp hợp mua bán tài sản mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

• Xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

Thẩm quyền tòa án giải quyết tranh chấp Hợp đồng thương mại theo lãnh thổ được xác định là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức.

Đối với tranh chấp trong hợp đồng kinh doanh thương mại, các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức.

Lưu ý: Trường hợp vụ án dân sự đã được Tòa án thụ lý và đang giải quyết theo đúng quy định của BLTTDS 2015 về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án có sự thay đổi nơi cư trú, trụ sở hoặc địa chỉ giao dịch của đương sự.

• Ngoài ra, có thể xác định thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn

Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 BLTTDS 2015, cụ thể:

– Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;

– Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;

– Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;

– Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;

– Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;

– Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải.

Căn cứ nội dung trên đây có thể xác định thẩm quyền của Tòa án giải quyết tranh chấp Hợp đồng thương mại theo yêu cầu của Nguyên Đơn trong một số trường hợp nhất định theo luật định.

Trên đây là những nội dung và chia sẻ pháp lý của TNTP về thẩm quyền Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại. Chúng tôi hy vọng bài viết này có ích với bạn.
Trân trọng.

Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp tài sản

Để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của một bên trong hợp đồng, một trong các biện pháp mà các bên thường lựa chọn là thế chấp tài sản. Thế chấp tài sản mang đầy đủ những đặc điểm chung của các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như nâng cao trách nhiệm của các bên đối với cam kết, nghĩa vụ của mình; mang tính chất bổ sung cho nghĩa vụ chính;… Để giúp các bên có thể áp dụng biện pháp này phù hợp với quy định pháp luật, trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày một nội dung quan trọng mà các bên cần lưu ý, đó là: Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp tài sản.

1. Quyền của bên nhận thế chấp

Bên nhận thế chấp có những quyền sau:

• Xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc hình thành, sử dụng, khai thác tài sản thế chấp.

• Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp.

• Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng.

• Thực hiện việc đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật.

Việc đăng ký thế chấp theo quy định của pháp luật là nghĩa vụ của bên nhận thế chấp nếu biện pháp thế chấp đó thuộc trường hợp mà pháp luật quy định buộc phải đăng ký giao dịch bảo đảm. Mặt khác, việc đăng ký thế chấp lại là quyền của bên nhận thế chấp bởi chỉ khi nào thế chấp được đăng ký theo quy định pháp luật thì mới phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, kể từ thời điểm đó, bên nhận thế chấp mới có quyền truy đòi tài sản thế chấp từ người đang chiếm hữu và mới được xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản thế chấp.

• Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

• Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.

• Xử lý tài sản thế chấp khi thuộc trường hợp sau: i) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; ii) Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật; iii) Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

2. Nghĩa vụ của bên nhận thế chấp

Bên nhận thế chấp có những nghĩa vụ sau:

• Trả các giấy tờ cho bên thế chấp sau khi chấm dứt thế chấp đối với trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp.

Mặc dù pháp luật chỉ quy định thế chấp là “dùng tài sản” và không quy định bắt buộc bên thế chấp phải chuyển giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nhưng trong thực tế, bên nhận thế chấp thường yêu cầu bên thế chấp chuyển giao giấy tờ về tài sản thế chấp. Việc chuyển giao giấy tờ này giúp bên nhận thế chấp ngăn chặn bên thế chấp thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản thế chấp. Trường hợp bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp, thì khi thế chấp chấm dứt, bên nhận thế chấp có nghĩa vụ trả lại các giấy tờ này cho bên thế chấp.

• Thực hiện thủ tục xử lý tài sản thế chấp theo đúng quy định của pháp luật.

Xử lý tài sản thế chấp vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của bên nhận thế chấp. Tuy nhiên, khi thực hiện việc xử lý tài sản thế chấp, bên nhận thế chấp phải tuân thủ theo các trình tự, thủ tục mà pháp luật đã quy định.

Trên đây là bài viết “Quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp tài sản” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,

Quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản

Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia. Khi thực hiện biện pháp thế chấp tài sản, một trong những nội dung quan trọng mà các bên cần lưu ý là quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản. Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày về Quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản.

1. Quyền của bên thế chấp

Bên thế chấp tài sản có những quyền sau:

• Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận.

• Đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.

• Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ và giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

• Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.

Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.

• Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.

• Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.

2. Nghĩa vụ của bên thế chấp

Bên thế chấp tài sản có những nghĩa vụ sau:

• Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.

• Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp.

• Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.

• Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì trong một thời gian hợp lý bên thế chấp phải sửa chữa hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

• Cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.

• Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm sau: i) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; ii) Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật; iii) Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.

• Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp.

• Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ hai trường hợp sau:

i) Trường hợp tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bên thế chấp được quyền bán, thay thế, trao đổi tài sản này. Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.

ii) Trường hợp tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bên thế chấp chỉ được quyền bán, trao đổi, tặng cho tài sản này nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.

Trên đây là bài viết “Quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,

Thế chấp tài sản – Những nội dung cơ bản cần biết

Hiện nay, nhu cầu vay tiền trở thành nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt thường ngày và trong hoạt động kinh doanh, thương mại. Để hạn chế những rủi ro có thể phát sinh từ các giao dịch vay tiền, thế chấp tài sản được coi là một trong những công cụ pháp lý hữu hiệu mà các bên thường áp dụng. Do đó, khi áp dụng biện pháp thế chấp tài sản, các bên cần chủ động tìm hiểu các quy định pháp luật về biện pháp này. Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày một số nội dung cơ bản về thế chấp tài sản.

1. Thế chấp tài sản là gì?

Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Thông thường, tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ, tuy nhiên các bên có thể thỏa thuận giao tài sản thế chấp cho người thứ ba giữ.

2. Tài sản thế chấp

Tài sản thế chấp là vật hoặc quyền được các chủ thể thỏa thuận lựa chọn để đảm bảo quyền của bên nhận thế chấp tài sản khi có sự vi phạm nghĩa vụ được bảo đảm. Tài sản thế chấp bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Tài sản thế chấp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định như phải thuộc sở hữu của bên thế chấp, có thể xác định được, được phép chuyển giao trong giao dịch dân sự. Các bên cần lưu ý những nội dung sau:

• Trường hợp thế chấp toàn bộ hoặc một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

• Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

• Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp.

3. Hiệu lực của thế chấp tài sản

Hiệu lực của thế chấp bao gồm hiệu lực ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ thế chấp và hiệu lực đối kháng với các chủ thể khác.

Hợp đồng thế chấp tài sản có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Như vậy, hợp đồng thế chấp tài sản có thể phát sinh hiệu lực ở một trong ba thời điểm: thời điểm theo luật định, thời điểm thỏa thuận và thời điểm giao kết. Thứ tự ưu tiên được xác định theo thứ tự giảm dần như sau: thời điểm theo luật định, thời điểm thỏa thuận và thời điểm giao kết.

Thời điểm theo luật định có thể hiểu là việc pháp luật có quy định về việc thế chấp tài sản phải đăng ký, công chứng, chứng thực,… Theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản, hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực (Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013).

Thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký. Khi biện pháp thế chấp tài sản có hiệu lực đối kháng với người thứ ba sẽ đem đến cho bên nhận thế chấp có quyền truy đòi tài sản thế chấp trước sự chiếm hữu của bất kỳ ai.

4. Chấm dứt thế chấp tài sản

Thế chấp tài sản chấm dứt trong trường hợp sau đây:

• Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt.

• Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

• Tài sản thế chấp đã được xử lý.

• Theo thỏa thuận của các bên.

Trên đây là bài viết “Thế chấp tài sản – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,

Chương trình INTECH PARTNER DAY 2023 với phương châm: KẾT NỐI – HỢP TÁC – PHÁT TRIỂN

Ngày 27/10/2023 vừa qua tại Tòa nhà INTECH Group Business Hub, Chi nhánh Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự (“TNTP”) đã tham gia Chương trình INTECH PARTNER DAY 2023 – Một chương trình được tổ chức bởi INTECH Group nhằm tạo cơ hội giao lưu, kết nối và thắt chặt hợp tác giữa INTECH Group và các đối tác; cũng như kết nối các đối tác của INTECH Group với nhau để cùng chia sẻ cơ hội, hợp tác, phát triển bền vững và vươn xa.

INTECH Group được thành lập từ năm 2012, là đơn vị chuyên về cung cấp các giải pháp tổng thể nhà xưởng và phòng sạch, có thế mạnh về tư vấn, thiết kế, thi công, bảo trì và là đại diện phân phối, là đối tác các hãng sản xuất uy tín trên thế giới.

Trong quá trình hoạt động, INTECH Group đã đạt được một số thành tựu nổi bật như sau:

– Top 100 trong FAST500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2022.
– Năm 2022, vượt qua các tiêu chuẩn khắt khe của NEBB Hoa kỳ, INTECH Group đã làm chủ được công nghệ phòng sạch đạt cấp độ sạch cao nhất thế giới Class 1 theo tiêu chuẩn ISO 14644, thành tựu đó được bình chọn là một trong 10 sự kiện khoa học công nghệ Việt Nam năm 2022.
– Năm 2023, INTECH Group được ghi nhận là Doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực phòng sạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ – Dự án USAID IPSC xét duyệt.

Cùng điểm lại những hoạt động vừa qua của INTECH Partner Day 2023 đã diễn ra vào ngày 27/10/2023:

– Tọa đàm: Giao lưu chia sẻ về chủ đề “Tái cấu trúc để phát triển bền vững”;
– Giới thiệu tham quan triển lãm và giao lưu kết nối;
– Gala Dinner: Kết nối – Hợp tác – Phát triển.

Trong xu hướng phát triển hiện nay, hợp tác kinh doanh là một trong những cách thức hiệu quả giúp phát triển hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh việc mở rộng tiếp cận khách hàng mới, xây dựng quan hệ đối tác kinh doanh cũng giúp doanh nghiệp cung cấp thêm được nhiều giá trị cho khách hàng hiện hữu của mình.

Không chỉ là mối quan hệ chiến lược đơn thuần, quan hệ đối tác kinh doanh cũng giúp doanh nghiệp tạo hệ sinh thái phát triển cộng sinh bền vững, phát triển tầm nhìn thay vì độc hành trong quá trình kinh doanh. Hầu hết các mối quan hệ hợp tác kinh doanh đều mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và phù hợp với mọi doanh nghiệp, quy mô và mô hình hoạt động. Điều quan trọng là doanh nghiệp và đối tác hợp tác tích cực và luôn xây dựng, vun đắp cho mối quan hệ phát triển, hướng tới tạo ra giá trị “win-win” cho hai bên.

Với sự tham gia từ mạng lưới đối tác của INTECH Group, bao gồm các khách hàng, nhà cung cấp chiến lược, hiệp hội, câu lạc bộ doanh nhân, cho đến các tổ chức đào tạo và phát triển nhân lực, cũng như các cơ quan tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình là một cơ hội tuyệt vời để TNTP có thể kết nối, tìm hiểu và tạo ra các cơ hội hợp tác mới.

Qua việc học hỏi và chia sẻ, TNTP nói riêng và các doanh nghiệp nói chung có thể định hình một tương lai cùng phát triển, thịnh vượng, và đóng góp vào cộng đồng và xã hội một cách tích cực.

TNTP chân thành cảm ơn về ý nghĩa và giá trị thiết thực của Chương trình và mong muốn INTECH Group sẽ tiếp tục tổ chức những chương trình hữu ích trong thời gian tới.

Trân trọng,

Bản tin pháp luật (Legal Newsletter) tháng 10/2023

Kính gửi Quý độc giả,

Chúng tôi trân trọng giới thiệu với quý độc giả Bản tin pháp luật (Legal Newsletter) tổng hợp các văn bản pháp luật chính trong tháng 10/2023 bao gồm:

– Những điểm nổi bật của Nghị định 91/2022/NĐ-CP: Sửa đổi, bổ sung Nghị định về hướng dẫn Luật Quản lý thuế;

– Những điểm mới về quyền sở hữu công nghiệp tại Nghị định 65/2023/NĐ-CP;

– Phân tích Án lệ số 69/2023/AL về thẩm quyền của Trọng tài thương mại trong việc giải quyết tranh chấp thỏa thuận bảo mật thông tin và không cạnh tranh;

– Bài viết phân tích pháp lý về chủ đề: “Giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại: Lựa chọn Trọng tài hay Tòa án?”.

Tải Bản tin pháp lý

Chúng tôi hy vọng rằng các Bản tin pháp luật này sẽ đem lại giá trị hữu ích, đảm bảo việc cập nhật các văn bản pháp lý có giá trị với độc giả trong quá trình hành nghề và trong cuộc sống.

Trân trọng

Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự

  • Văn phòng tại Hồ Chí Minh:
    Phòng 1901, Tầng 19 Tòa nhà Saigon Trade Center, 37 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
  • Văn phòng tại Hà Nội:
    Số 2, Ngõ 308 Tây Sơn, Phường Thịnh Quang, Quận Đống Đa, Hà Nội
  • Email: ha.nguyen@tntplaw.com


    Bản quyền thuộc về: Công ty Luật TNHH Quốc Tế TNTP và Các Cộng Sự