Thu hồi nợ là một hoạt động quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động tài chính ổn định, tuy nhiên không nhiều doanh nghiệp có thể tiến hành hoạt động thu hồi nợ một cách chuyên nghiệp do thiếu những kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết để thu hồi nợ. Trong bài viết sau, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm của mình và cung cấp cho doanh nghiệp các kỹ năng, nghiệp vụ thu hồi công nợ hiệu quả.

1. Kỹ năng đàm phán

Đàm phán là việc sử dụng hành vi, lời nói để tác động đến bên nợ nhằm đạt được thỏa thuận có lợi cho doanh nghiệp. Đây là tập hợp của nhiều kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, thương lượng, thuyết phục. Kỹ năng đàm phán là một kỹ năng cần thiết mà nhân viên thu hồi nợ cần học hỏi và phát huy trong quá trình xử lý vụ việc.

Một nhân viên thu hồi nợ khi thành thục kỹ năng đàm phán sẽ dễ dàng trong việc giải quyết khoản nợ khi họ sẽ nắm được vấn đề của bên nợ và đưa ra những lựa chọn, giải pháp để bên nợ lựa chọn nhằm đảm bảo cả lợi ích của bên nợ và chủ nợ. Đảm bảo khả năng thu hồi nợ thành công từ sớm, tránh việc phát sinh thêm thời gian và chi phí đối với vụ việc.

Tuy nhiên đây là một kỹ năng khó và chỉ có hiệu quả khi bên nợ vẫn còn có khả năng tài chính và có thiện chí thanh toán. Trường hợp bên nợ không thiện chí hoặc không còn khả năng thanh toán thì doanh nghiệp nên triển khai các biện pháp cần thiết khác để đảm bảo việc thu hồi nợ.

2.Sự kiên trì theo đuổi vụ việc

Quá trình thu hồi nợ thành công cũng yêu cầu sự kiên trì của những người thực hiện thu hồi nợ, đặc việc làvới những khoản nợ với giá trị cao và bên nợ không hợp tác hoặc không có đủ khả năng tài chính để thanh toán thì việc thu hồi nợ sẽ khó khăn và tốn nhiều thời gian, công sức để thực hiện.

Do đó, để có thể đảm bảo khả năng thu hồi nợ hiệu quả thì một kỹ năng cần thiết là sự kiên trì, bền bỉ theo đuổi vụ việc. Sự kiên trì có thể thể hiện ở việc theo sát các hoạt động và không ngừng liên hệ để nắm được tình hình hoạt động, thái độ và khả năng thanh toán của bên nợ một cách liên tục; hoặc việc không ngừng tìm ra giải pháp mới để giải quyết vụ việc khi các giải pháp cũ không còn khả thi để giải quyết vụ việc.

Tuy sự kiên trì là điều cần thiết để đảm bảo hiệu quả thu hồi nợ, tuy nhiên không phải mọi vụ việc đều có thể được giải quyết chỉ bằng sự kiên trì, có rất nhiều khoản nợ rất khó hoặc không có khả năng thu hồi mà nếu tiếp tục sẽ dẫn đến sự lãng phí thời gian và tiền bạc cho cả doanh nghiệp và cả công sức của người tiến hành. Do đó bất cứ sự kiên trì nào cũng sẽ cần có giới hạn nhất định để đảm bảo thu được lợi ích lớn hơn so với giá trị đã bỏ ra

3. Hiểu biết pháp luật

Đây là điều bắt buộc mà mọi hoạt động trong xã hội cần phải tuân thủ không riêng hoạt động thu hồi nợ. Tuy nhiên rất nhiều đơn vị tiến hành hoạt động thu hồi nợ đã sử dụng các biện pháp thu hồi nợ trái phép, thậm chí nhiều hành vi có thể cấu thành các tội phạm hình sự khiến hoạt động thu hồi nợ trở nên xấu xí và phản cảm trong mắt xã hội, đồng thời khiến những người thực hiện các hành vi này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Do đó, để có thể tiến hành hoạt động thu hồi nợ một cách hiệu quả và tránh các rủi ro pháp lý có thể phát sinh thì những nhân viên thu hồi nợ phải có hiểu biết pháp luật, tìm hiểu kỹ quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các công việc thu hồi nợ dự kiến triển khai để đảm bảo hoạt động thu hồi nợ phù hợp với quy định của pháp luật.

4. Trung thực

Hoạt động thu hồi nợ là để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, khi đó, người thực hiện hoạt động thu hồi nợ sẽ phải đảm bảo sự trung thực của mình và kiên định trong việc đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp đối với khoản nợ. Trường hợp nhân viên thu hồi nợ không trung thực, không báo cáo chính xác những hoạt động thực tế hoặc điều kiện, khả năng thanh toán của bên nợ nhằm “bao che” cho bên nợ để nhằm mục đích gây khó khăn khi thu hồi nợ hoặc khiến doanh nghiệp nghĩ rằng khoản nợ không thể thu hồi thì đó sẽ là thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Khi niềm tin đã mất thì sẽ không thể lấy lại, do đó việc trung thực khi thực hiện các công việc là điều vô cùng quan trọng đối với một nhân viên thu hồi nợ.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Kỹ năng, nghiệp vụ thu hồi công nợ”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Trân trọng,