Một doanh nghiệp mới thành lập sẽ có rất nhiều vấn đề cần quan tâm như việc duy trì khả năng tài chính, khẳng định thương hiệu, uy tín của mình, tạo ra giá trị cạnh tranh, và quan trọng hơn hết là có khả năng sinh lời trong quá trình hoat động. Tuy nhiên, một trong những điều doanh nghiệp mới cũng cần quan tâm là đảm bảo việc thu hồi nợ trong quá trình hoạt động để có thể đảm bảo cho hoạt động ổn định của doanh nghiệp. Trong bài viết sau, luật sư của TNTP sẽ đưa ra những ý kiến, quan điểm về kinh nghiệm thu hồi nợ cho doanh nghiệp mới thành lập.

1. Vì sao thu hồi nợ lại quan trọng với doanh nghiệp mới?

Thông thường, doanh nghiệp mới thành lập sẽ tập trung toàn bộ vào mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, tuy đây là một mục tiêu hiển nhiên nhưng các doanh nghiệp cũng cần kiểm soát công nợ của mình và chuẩn bị các biện pháp thu hồi nợ để tránh việc các khoản nợ khó thu hồi phát sinh ngoài khả năng kiểm soát.

Không ít những trường hợp những thành công ban đầu của doanh nghiệp khi ký được hợp đồng với khách hàng khiến doanh nghiệp chủ quan và không chuẩn bị cho trường hợp các khách hàng không thanh toán đúng hạn. Khi doanh nghiệp còn mới và các khách hàng còn ít, doanh nghiệp sẽ có xu hướng muốn bảo toàn các khách hàng cũ và hạn chế yêu cầu các khách hàng này thanh toán khoản nợ để tránh “mất lòng” các khách hàng gây ảnh hưởng đến nguồn thu trong tương lai. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp các khách hàng thân thiết này có nguy cơ trở thành những bên nợ xấu với số tiền rất lớn khiến nguồn tiền của doanh nghiệp bị gián đoạn, thậm chí có thể khiến hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi đã không chuẩn bị cho hoạt động thu hồi công nợ, doanh nghiệp dễ rơi vào thế bị động và khó có khả năng thu hồi công nợ, đối với doanh nghiệp mới và chưa có khả năng tài chính vững chắc thì việc kiểm soát công nợ cũng quan trọng không kém gì với việc tìm kiếm lợi nhuận.

2. Những điều doanh nghiệp mới cần lưu ý khi thu hồi nợ

a) Phân loại các khoản nợ từ sớm

Phân loại khoản nợ là việc đầu tiên doanh nghiệp cần thực hiện trước khi tiến hành các biện pháp thu hồi nợ, vì việc phân loại sẽ giúp kiểm soát các khoản nợ dễ dàng hơn là đưa tất cả các khoản nợ vào chung một loại. Khi không thể phân loại các khoản nợ sẽ khiến việc xác định kế hoạch và các công việc thu hồi nợ không hiệu quả do mỗi khoản nợ khác nhau sẽ cần cách xử lý khác nhau, cũng như các biện pháp và thời gian giải quyết khác nhau.

Việc phân loại các khoản nợ có thể dựa trên nhiều yếu tố khác nhau nhưng quan trọng nhất là giá trị khoản nợ và thời gian phát sinh khoản nợ, hai yếu tố này quyết định rất lớn việc một khoản nợ là dễ hay khó thu hồi. Ngoài ra, việc phân loại khoản nợ từ sớm giúp doanh nghiệp giám sát các khoản nợ kể từ khi chúng bắt đầu phát sinh, từ đó doanh nghiệp có thể luôn chủ động và sẵn sàng cho bất cứ giai đoạn thu hồi nợ nào khi cần thiết để đảm bảo khả năng thu hồi nợ hiệu quả.

b) Tập trung thu hồi nợ sớm, kể cả với giá trị khoản nợ nhỏ

Đôi khi doanh nghiệp thường chủ quan đối với các khoản nợ nhỏ do có thể khiến khách hàng “mất lòng”, tuy nhiên theo kinh nghiệm của mình, TNTP cho rằng các khoản nợ khó đòi với giá trị lớn cũng thường phát sinh do việc doanh nghiệp không thu hồi khi giá trị các khoản nợ này còn nhỏ và dễ thu hồi. Việc thu hồi nợ từ sớm và khi giá trị khoản nợ nhỏ cũng là một cách thăm dò thái độ thiện chí thanh toán hay không của các bên nợ, vì nếu bên nợ không có khả năng thanh toán khoản nợ nhỏ và dễ thanh toán thì không có căn cứ nào đảm bảo được bên nợ đó có thể thanh toán khi giá trị nợ tăng cao.

Việc bắt đầu thu hồi nợ từ sớm cũng giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro với các khoản nợ xấu khó thu hồi. Theo kinh nghiệm thu hồi nợ của TNTP, một khoản nợ có khả năng thu hồi cao nhất với thời gian phát sinh không kéo dài hơn 12 tháng. Do đó, trong khoảng thời gian này doanh nghiệp nên bắt đầu tiến hành các biện pháp thu hồi nợ để đảm bảo khả năng thu hồi nợ hiệu quả và phòng tránh rủi ro khi các khoản nợ này có thể trở thành nợ xấu khó thu hồi.

c) Chỉ sử dụng các biện pháp thu hồi nợ hợp pháp

Hiện nay trên thị trường có nhiều đơn vị “quảng cáo” cung cấp dịch vụ thu hồi nợ cam kết khả năng thu hồi nợ cao trong thời gian ngắn bằng cách áp dụng các biện pháp thu hồi nợ có khả năng gây áp lực buộc bên nợ phải thanh toán. Nhiều công ty thu hồi nợ có thể tiến hành các biện pháp thu hồi nợ trái pháp luật thông qua các hành vi như cắt, ghép video và đăng tải lên mạng xã hội các nội dung thu hồi nợ đe dọa, gây áp lực tâm lý, tinh thần của bên nợ. Thậm chí nhiều bên thu hồi nợ sử dụng vũ lực và các đối tượng giang hồ để trực tiếp đến dằn mặt hoặc có hành vi đe dọa bên nợ. Đây đều là các hành vi vi phạm pháp luật và những bên thu hồi nợ sử dụng các biện pháp này có thể cấu thành tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự.

Do đó, khi tiến hành các biện pháp thu hồi nợ, doanh nghiệp cần lưu ý chỉ tiến hành những hoạt động thu hồi nợ được pháp luật cho phép để tránh rủi ro pháp lý có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như chính bản thân chủ doanh nghiệp.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: Kinh nghiệm thu hồi nợ cho doanh nghiệp mới thành lập”. Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.

Trân trọng,