Bộ luật Dân sự 2015 quy định tín chấp là một biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Mục đích trực tiếp của bảo đảm bằng tín chấp là giúp những cá nhân, hộ gia đình nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng để tiến hành sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng mà không cần phải có tài sản bảo đảm, tránh cho các chủ thể này phải vay từ nguồn có lãi suất rất cao khi có nhu cầu vay vốn. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày những nội dung cơ bản cần biết về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: Biện pháp tín chấp.

1. Khái niệm tín chấp

Tín chấp là việc tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở bảo đảm cho các nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

2. Hình thức, nội dung, điều kiện có hiệu lực của tín chấp

• Về hình thức, thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn (Điều 345 Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS”)).

Bên bảo đảm bằng tín chấp là tổ chức ở xã, phường, thị trấn của Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Công đoàn cơ sở, trừ trường hợp Điều lệ của tổ chức này quy định khác.

• Về nội dung, thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp.

• Thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp được coi là giao dịch dân sự, nên để thỏa thuận này phát sinh hiệu lực, các bên cần tuân thủ quy định tại Điều 117 BLDS về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó, chủ thể tham gia vào thỏa thuận phải có năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự phù hợp với thỏa thuận được xác lập, chủ thể tham gia thỏa thuận hoàn toàn tự nguyện, mục đích và nội dung của thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Đồng thời, các bên cần tuân thủ quy định về hình thức của thỏa thuận (đã được nêu ở trên).

3. Quyền, nghĩa vụ của bên bảo đảm bằng tín chấp

Bên bảo đảm bằng tín chấp có quyền, nghĩa vụ sau:

• Chủ động hoặc phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng cho vay để giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người vay; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn;

• Xác nhận theo yêu cầu của tổ chức tín dụng cho vay về điều kiện, hoàn cảnh của người vay khi vay vốn;

• Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

4. Quyền, nghĩa vụ của tổ chức tín dụng cho vay

Tổ chức tín dụng cho vay có quyền, nghĩa vụ sau:

• Yêu cầu bên bảo đảm bằng tín chấp phối hợp trong việc kiểm tra sử dụng vốn vay và đôn đốc trả nợ;

• Phối hợp với bên bảo đảm bằng tín chấp trong việc cho vay và thu hồi nợ;

• Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

5. Quyền, nghĩa vụ của người vay

Người vay có quyền, nghĩa vụ sau:

• Sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống hoặc tiêu dùng phù hợp với mục đích vay;

• Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng cho vay và bên bảo đảm bằng tín chấp kiểm tra việc sử dụng vốn vay;

• Trả nợ đầy đủ gốc và lãi vay (nếu có) đúng hạn cho tổ chức tín dụng cho vay;

• Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Trên đây là bài viết “Tín chấp – Những nội dung cơ bản cần biết” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Trường hợp có vấn đề cần trao đổi, vui lòng liên hệ với TNTP để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng,