Để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập về pháp lý thường nảy sinh trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng, Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (“Nghị quyết 42”) có hiệu lực kể từ ngay 15/8/2017. Nghị quyết này đã giúp các tổ chức tín dụng thuận lợi hơn trong việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm và gần như được xem là “đặc quyền” trao cho các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2024, Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực, việc này sẽ tác động không nhỏ đến quyền lợi của ngành ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Trong phạm vi bài viết này, TNTP sẽ phân tích rõ hơn hệ quả của việc Nghị quyết 42 hết hiệu lực.

1. Một số nội dung cơ bản nổi bật của Nghị quyết 42/2017/QH14

• Về điều kiện thu giữ tài sản bảo đảm:

Để giải quyết khó khăn, vướng mắc của tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm liên quan đến việc giao tài sản bảo đảm để xử lý, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng thúc đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, tránh trường hợp chủ tài sản cố tình chây ỳ, chống đối kéo dài thời gian xử lý, Nghị quyết 42 cho phép tổ chức tín dụng được thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi có đầy đủ 05 điều kiện sau:

 Thứ nhất, Khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015. Theo Điều 299 Bộ luật dân sự, quyền xử lý tài sản bảo đảm phát sinh trong các trường hợp sau: (i) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; (ii) Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; và (iii) Trường hợp khác theo thỏa thuận hoặc luật có quy định.

 Thứ hai, tại hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật.

Quy định này bảo đảm việc thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện khi có sự thỏa thuận trước của các bên. Đồng thời, Nghị quyết 42 cũng quy định ”hợp đồng bảo đảm” theo Nghị quyết bao gồm cả văn bản khác ghi nhận thỏa thuận giữa các bên.

 Thứ ba, giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm đã đăng ký theo quy định pháp luật. Quy định này bảo đảm quyền của bên nhận bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ 3.
 Thứ tư, tài sản bảo đảm không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật.

 Thứ năm, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu đã hoàn thành nghĩa vụ công khai thông tin theo quy định tại Nghị quyết.

• Về thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm:

 Về ủy quyền thu giữ, để kiểm soát chặt chẽ việc thu giữ, Nghị quyết 42 quy định rõ việc ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện như sau: (i) tổ chức tín dụng chỉ được ủy quyền việc thu giữ tài sản bảo đảm cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc tổ chức tín dụng; (ii) tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chỉ được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng bán nợ, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản thuộc tổ chức tín dụng bán nợ.

Đồng thời, Nghị quyết 42 cũng quy định rõ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, tổ chức được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm.

 Về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, Nghị quyết 42 quy định: (i) Chính quyền địa phương các cấp và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm theo đề nghị của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; (ii) Trường hợp bên bảo đảm không hợp tác hoặc không có mặt theo thông báo của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm tham gia chứng kiến và ký biên bản thu giữ tài sản bảo đảm; (iii) Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan Công an các cấp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm.

• Về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại Tòa án:

 Để rút ngắn quá trình giải quyết tranh chấp qua Tòa án, tăng hiệu quả hoạt động xử lý tài sản bảo đảm qua tòa án, Nghị quyết 42 cho phép Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm hoặc tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm.

 Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, Nghị quyết 42 quy định thủ tục rút gọn sẽ được áp dụng khi có đầy đủ các điều kiện sau: (i) Trong hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cho bên nhận bảo đảm hoặc tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền xử lý tài sản bảo đảm; (ii) Giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm đã đăng ký theo quy định của pháp luật; (iii) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự giải trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.

2. Ý nghĩa của Nghị quyết 42/2017/QH14 – “Đặc quyền” cho các tổ chức tín dụng

• Tạo hành lang pháp lý tương đối chắc chắn giúp ngành ngân hàng xử lý nợ xấu đạt được kết quả rất khả quan, đem lại lợi ích cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế.

• Hoàn thiện những thiếu sót trên cơ sở rà soát những vướng mắc và đưa ra nội dung phù hợp với thực tiễn có tác động tích cực đối với hệ thống ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu.

• Thúc đẩy ý thức, trách nhiệm của người đi vay trong việc trả nợ cho ngân hàng.

3. Việc xử lý nợ xấu sẽ như thế nào khi Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực?

Nghị quyết 42 được ra đời với mục đích khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập về pháp lý trong quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024. Việc Nghị quyết 42 hết hiệu lực đã tác động lớn đến khả năng xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, một trong số đó là việc các tổ chức tín dụng không còn quyền tự tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm khi không có sự đồng thuận của bên thế chấp tài sản mà phải thông qua quá trình tố tụng để xử lý các tài sản thế chấp của bên nợ. Việc này đảm bảo quyền lợi của bên vay và đảm bảo không trao quá nhiều quyền cho ngân hàng được đơn phương tiến hành các hoạt động thu giữ tài sản.

Trên đây là bài viết của TNTP về “Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hết hiệu lực sẽ như thế nào?”. Chúng tôi mong bài viết này sẽ giúp ích cho các quý bạn đọc.

Trân trọng,