Xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động

 Nối tiếp Phần 1 khi NLĐ bị xử lý kỷ luật sa thải khi thực hiện hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc, trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tiếp tục bàn luận đến trường hợp NLĐ bị xử lý kỷ luật sa thải khi thực hiện hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động.

2. Các trường hợp NSDLĐ được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động sa thải

  • NLĐ có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động

Cũng như các hành vi vi phạm tại mục 2.1, khi có chứng cứ chứng minh NLĐ thực hiện một trong các hành vi nêu trên tại nơi làm việc (nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của NSDLĐ), NSDLĐ chỉ cần căn cứ vào hành vi của NLĐ để sa thải NLĐ, không cần phải căn cứ vào hậu quả thiệt hại do hành vi đó gây ra bởi đây là những hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trong doanh nghiệp.

Đối với hành vi tiết lộ mật kinh doanh:

Theo Luật sở hữu trí tuệ 2005, “Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”. Bí mật kinh doanh không phải đăng ký nhưng để được bảo hộ, Bí mật kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Bí mật kinh doanh không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
  • Khi được sử dụng trong kinh doanh, người nắm giữ bí mật kinh doanh sẽ có lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
  • Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Để xử lý sa thải NLĐ, NSDLĐ cần phải quy định những nội dung được xác định là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp trong nội quy lao động, từ đó có căn cứ để xác định vi phạm của NLĐ có tiết lộ các thông tin này hay không.

Đối với hành vi tiết lộ Bí mật công nghệ:

 Trước tiên, cần hiểu được như thế nào là “Bí mật công nghệ”. Hiện nay, theo Bộ luật Lao động 2019 cũng như các văn bản liên quan không quy định như thế nào là “Bí mật công nghệ”. Tuy nhiên, chúng ta có thể tham chiếu khái niệm về “Công nghệ” được quy định trong Luật chuyển giao công nghệ năm 2017, theo đó có thể hiểu rằng Bí mật công nghệ là những thông tin về giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm.

Mỗi doanh nghiệp sẽ có những bí mật công nghệ khác nhau, đồng thời không phải giải pháp, quy trình và bí quyết nào cũng đều được xem là Bí mật công nghệ. Vì vậy, NLSDLĐ cũng cần phải quy định rõ những giải pháp, quy trình, bí quyết nào là Bí mật công nghệ để có căn cứ, có cơ sở xác định NLĐ có vi phạm và xử lý kỷ luật lao động sa thải đối với NLĐ.

Đối với hành vi xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ:

 Theo Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì “Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”.

 Quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ khi NSDLĐ có một trong các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền của NSDLĐ đối với các tài sản trí tuệ đó, cụ thể:

  • Bằng độc quyền, Giấy chứng nhận đăng ký hoặc Văn bằng bảo hộ do Cơ quan có thẩm quyền cấp. Cụ thể như: Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, Bằng bảo hộ giống cây trồng, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan;
  • Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp; về quyền tác giả, quyền liên quan; về giống cây trồng được bảo hộ do cơ quan có thẩm quyền đăng ký các đối tượng đó cấp;
  • Đối với nhãn hiệu được đăng ký quốc tế, chứng cứ chứng minh chủ thể quyền là bản sao Giấy chứng nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế được bảo hộ tại Việt Nam do cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp cấp;
  • Đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác, chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền là các tài liệu, hiện vật, thông tin về căn cứ phát sinh quyền, xác lập quyền tương ứng theo quy định tại khoản 1, khoản 2, điểm b, điểm c khoản 3 Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Các hành vi xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể và chi tiết đối với từng loại quyền sở hữu trí tuệ tại các Điều 28, Điều 35, Điều 126, Điều 127, Điều 129 và 188 của Luật sở hữu trí tuệ 2005.

Đối với các hành vi xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ, bên cạnh việc NSDLĐ có quyền xử lý kỷ luật xa thải đối với NLĐ thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, NLĐ có hành vi vi phạm còn có thể bị bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc hình sự.

Trên đây là trường hợp thứ hai mà NSDLĐ có thể căn cứ để xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải đối với NSDLĐ. Bên cạnh hoạt động tư vấn pháp luật, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích các trường hợp NSDLĐ được áp dụng hình thức sa thải trong các bài của tuần tới. Xin mời quý độc giả quan tâm theo dõi trong các bài tiếp theo.

Trân trọng,

  1. Để biết thêm thông tin và nhận được các bài viết mới nhất của Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự, vui lòng tham gia các Fanpage trên Facebook của chúng tôi tại:
  1. Để cập nhật các kiến thức pháp lý, vui lòng tìm hiểu theo đường link sau:

https://dsdc.com.vn/category/chia-se-kien-thuc-phap-ly-ban-tin-phap-ly/

  1. Để biết thêm về các dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự, vui lòng tìm hiểu theo các đường link sau:
  1. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Số điện thoại: 0931 798 818

Email: ha.nguyen@tntplaw.com