Mỗi trung tâm trọng tài có quy tắc tố tụng riêng nhằm điều chỉnh quá trình giải quyết tranh chấp. Khi một tranh chấp được đưa ra xét xử tại trung tâm trọng tài nào, các quy tắc tố tụng của trung tâm đó thường sẽ được áp dụng. Trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp tại trung tâm trọng tài bao gồm nhiều bước. TNTP sẽ giới thiệu một số bước cơ bản nhất để giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010.

1. Nộp hồ sơ khởi kiện và chi phí

Bước đầu tiên trong quá trình giải quyết tranh chấp là nộp hồ sơ khởi kiện tại Trung tâm trọng tài, bao gồm Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài, các chứng cứ và tài liệu liên quan. Đơn khởi kiện phải bao gồm đầy đủ các thông tin theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 Luật Trọng tài thương mại 2010: ngày, tháng, năm lập đơn khởi kiện; thông tin của nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; tóm tắt nội dung tranh chấp; cơ sở pháp lý và chứng cứ; yêu cầu của nguyên đơn; giá trị tranh chấp; trọng tài viên được chỉ định,… Ngoài ra, nguyên đơn phải nộp kèm thỏa thuận trọng tài, các chứng cứ và tài liệu liên quan. Khi nộp đơn khởi kiện, nguyên đơn phải nộp đầy đủ các chi phí theo quy định của Trung tâm trọng tài.

Nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc Trung tâm trọng tài không có quy định khác, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ khởi kiện, chứng từ nộp tạm ứng phí trọng tài, Trung tâm trọng tài phải gửi cho bị đơn bản sao hồ sơ khởi kiện mà nguyên đơn đã nộp.

2. Nộp bản tự bảo vệ và đơn kiện lại, các chi phí (nếu có)

Bị đơn có quyền tự bảo vệ và khởi kiện lại nguyên đơn về những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp. Nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc Trung tâm trọng tài không có quy định khác, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được bản sao hồ sơ khởi kiện, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ. Trong trường hợp khởi kiện lại, bị đơn phải nộp cùng thời điểm đơn khởi kiện lại và bản tự bảo vệ, đồng thời phải nộp đủ các chi phí theo quy định của Trung tâm trọng tài.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn kiện lại, nguyên đơn phải gửi bản tự bảo vệ cho Trung tâm trọng tài.

3. Thành lập Hội đồng Trọng tài

Sau khi đơn khởi kiện được thụ lý, Hội đồng Trọng tài sẽ được thành lập. Hội đồng có thể bao gồm một hoặc nhiều trọng tài viên, tùy vào thỏa thuận của các bên và quy định của Trung tâm Trọng tài.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và yêu cầu chọn trọng tài viên từ Trung tâm trọng tài, bị đơn phải chọn trọng tài viên cho mình và thông báo cho Trung tâm, hoặc yêu cầu Chủ tịch Trung tâm chỉ định trọng tài viên. Nếu bị đơn không thực hiện việc lựa chọn hoặc không yêu cầu Chủ tịch Trung tâm chỉ định, trong thời hạn 7 ngày sau khi hết thời hạn này, Chủ tịch Trung tâm sẽ chỉ định trọng tài viên cho bị đơn.

Nếu vụ tranh chấp có nhiều bị đơn, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, các bị đơn phải thống nhất việc lựa chọn trọng tài viên hoặc yêu cầu chỉ định trọng tài viên. Nếu các bị đơn không đạt được thỏa thuận, trong thời hạn 7 ngày sau khi hết thời hạn trên, Chủ tịch Trung tâm trọng tài sẽ chỉ định trọng tài viên cho các bị đơn.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày các trọng tài viên được chọn hoặc chỉ định, các trọng tài viên này sẽ bầu một trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài. Nếu không thực hiện được việc bầu trong thời gian này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài sẽ chỉ định Chủ tịch Hội đồng Trọng tài trong thời hạn 7 ngày sau khi hết hạn.

Trong trường hợp các bên thỏa thuận rằng tranh chấp sẽ do một trọng tài viên duy nhất giải quyết nhưng không chọn được trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện, theo yêu cầu của một hoặc các bên, Chủ tịch Trung tâm trọng tài sẽ chỉ định trọng tài viên duy nhất trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

4. Hòa giải

Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài sẽ tiến hành hòa giải nhằm giúp các bên đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp. Nếu các bên thống nhất được phương án giải quyết, Hội đồng trọng tài sẽ lập biên bản hòa giải thành, có chữ ký của các bên và xác nhận của các trọng tài viên. Sau đó, Hội đồng trọng tài sẽ ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận này. Quyết định này là chung thẩm và có hiệu lực tương đương với một phán quyết trọng tài. Trong trường hợp các bên không yêu cầu hòa giải hoặc hòa giải không đạt kết quả, Hội đồng trọng tài sẽ tiếp tục tiến hành các phiên họp giải quyết vụ việc.

5. Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp

Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc Trung tâm trọng tài có quy định khác, Hội đồng trọng tài sẽ quyết định thời gian và địa điểm tổ chức phiên họp, sau đó sẽ gửi cho các bên giấy triệu tập tham dự phiên họp ít nhất 30 ngày trước ngày phiên họp diễn ra.

Phiên họp giải quyết tranh chấp sẽ được tổ chức không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Các bên có thể tham dự trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện tham dự. Các bên có quyền mời người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài có thể dựa vào hồ sơ để tiến hành giải quyết mà không cần sự có mặt của các bên.

Trình tự và thủ tục của phiên họp sẽ được thực hiện theo quy định của quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài, tuy nhiên cần đảm bảo rằng các bên có quyền trình bày quan điểm, tranh luận, đưa ra các chứng cứ để chứng minh cho lập luận của mình.

Nếu nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ mà không có mặt hoặc rời phiên họp mà không có lý do chính đáng hoặc không được Hội đồng trọng tài đồng ý, thì sẽ bị coi là đã rút đơn khởi kiện. Trong trường hợp này, Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết vụ việc nếu bị đơn yêu cầu hoặc đã nộp đơn kiện lại.

Tương tự, nếu bị đơn không tham dự phiên họp mà không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp mà không có sự chấp thuận của Hội đồng trọng tài, thì Hội đồng vẫn sẽ tiếp tục giải quyết tranh chấp dựa trên các tài liệu và chứng cứ hiện có.

6. Ban hành phán quyết trọng tài

Sau khi quá trình giải quyết tranh chấp kết thúc, Hội đồng trọng tài sẽ ban hành phán quyết. Phán quyết trọng tài được thông qua dựa trên nguyên tắc biểu quyết đa số. Nếu không đạt được sự đồng thuận đa số, phán quyết sẽ được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài.

Phán quyết trọng tài sẽ được ban hành ngay tại phiên họp hoặc chậm nhất trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng và được gửi cho các bên ngay sau khi ban hành. Phán quyết này có giá trị chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Phán quyết có thể bị Tòa án hủy nếu thuộc các trường hợp theo quy định tại Điều 68 của Luật Trọng tài thương mại 2010. Trường hợp bên có nghĩa vụ không tự nguyện thi hành phán quyết, bên có quyền có thể yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền tổ chức thi hành phán quyết.

Trên đây là bài viết “Trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài” mà TNTP gửi đến Quý độc giả.

Trân trọng,