Hiện nay, do sự phát triển của hoạt động kinh doanh, tranh chấp thương mại trở nên phổ biến. Trong đó, tranh chấp về việc bên mua không thanh toán đủ tiền hàng, thù lao dịch vụ cho bên bán theo Thỏa thuận, Hợp đồng ngày càng tăng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khi khởi kiện đều vướng phải khó khăn khi đòi lãi trên khoản nợ gốc của bên mua bởi trong Thỏa thuận, Hợp đồng không quy định cụ thể về lãi chậm trả cũng như luật áp dụng để tính lãi chậm trả.
Theo pháp luật hiện hành, cả Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005 đều quy định về lãi chậm trả. Vậy doanh nghiệp phải áp dụng tính lãi chậm trả theo luật nào? Cơ quan có thẩm quyền sẽ chấp nhận cách tính lãi nào?
1. Quy định của pháp luật về lãi chậm trả
-
Quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS):
Theo Khoản 4 Điều 466 BLDS, trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất tại Khoản 2 Điều 468 BLDS trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Theo Khoản 2 Điều 468 BLDS, trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 10%/năm của khoản tiền vay.
Như vậy, trường hợp vay không có lãi nhưng khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất là 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
-
Quy định của Luật Thương mại (LTM):
Theo Điều 306 LTM, trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Theo Điều 11 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 quy định về xác định lãi suất trung bình theo quy định tại Điều 306 của LTM, mức lãi suất quá hạn sẽ được áp dụng mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất 03 Ngân hàng tại địa phương (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam).
Như vậy, rõ ràng giữa BLDS và LTM có sự khác nhau về cách tính lãi chậm trả. Vậy khi doanh nghiệp khởi kiện bên nợ, doanh nghiệp sẽ tính lãi chậm trả theo luật nào?
2. Doanh nghiệp khởi kiện tranh chấp thương mại tính lãi chậm trả theo luật nào?
Đối chiếu lại quy định về tính lãi chậm trả tại BLDS và LTM, có thể thấy đối tượng điều chỉnh của BLDS và LTM là khác nhau.
Cụ thể, Điều 466 và Điều 468 BLDS điều chỉnh cho hợp đồng vay tài sản. Đây là một hợp đồng dân sự mà một bên giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và trả lãi theo thỏa thuận hoặc quy định của pháp luật.
Mặc dù việc bên mua không thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ cho bên bán, bên cung cấp dịch vụ theo Thỏa thuận, Hợp đồng đồng nghĩa với bên mua còn nợ bên bán, nhưng bản chất của Thỏa thuận, Hợp đồng giữa các bên là Hợp đồng mua bán hàng hóa, Hợp đồng cung ứng dịch vụ, không phải hợp đồng vay tài sản. Vì vậy, trường hợp trong Thỏa thuận, Hợp đồng không quy định cụ thể về lãi chậm trả hoặc không quy định về luật áp dụng để tính lãi chậm trả thì khi khởi kiện, Doanh nghiệp không thể áp dụng Điều 466 và Điều 468 BLDS để tính lãi chậm trả.
Bên cạnh đó, Điều 306 LTM điều chỉnh trực tiếp đối với hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng cung ứng dịch vụ nên khi khởi kiện, doanh nghiệp có quyền áp dụng Điều 306 LTM để tính lãi chậm trả.
Tóm lại, nếu các bên không thỏa thuận từ đầu về lãi chậm trả hoặc luật áp dụng để tính lãi chậm trả thì doanh nghiệp khởi kiện tranh chấp thương mại phải tính lãi theo Điều 306 LTM.
3. Giải pháp cho doanh nghiệp đối với lãi chậm trả
Trên thực tế, khi ký Thỏa thuận, Hợp đồng, các bên thường không nghĩ đến lãi chậm trả mà chỉ chú ý vào việc thanh toán đúng giá trị của hàng hóa, hợp đồng. Do đó, Thỏa thuận, Hợp đồng thường không quy định cụ thể về lãi suất, cách tính, hoặc luật áp dụng để tính lãi chậm trả trong trường hợp bên mua không thanh toán tiền hàng hóa, thù lao dịch vụ. Điều này dẫn đến hậu quả là khi khởi kiện, doanh nghiệp không được lựa chọn luật hay lãi suất để tính lãi chậm trả, hoặc không được Cơ quan có thẩm quyền chấp nhận yêu cầu khởi kiện về lãi chậm trả mà chỉ chấp nhận yêu cầu khởi kiện đối với khoản nợ gốc.
Theo kinh nghiệm làm việc của TNTP, nếu trong Thỏa thuận, Hợp đồng, các doanh nghiệp ghi rõ cách tính lãi chậm trả hoặc luật áp dụng để tính lãi trong trường hợp bên mua không thanh toán thì khi khởi kiện, việc áp dụng lãi chậm trả theo thỏa thuận sẽ được Cơ quan có thẩm quyền chấp nhận bởi BLDS và LTM đều ưu tiên thỏa thuận của các bên. Để đảm bảo quyền lợi tối đa của mình, Doanh nghiệp nên chọn mức lãi suất theo Điều 466 và Điều 468 BLDS là 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả bởi mức lãi suất quy định tại Điều 306 LTM thường không thể đạt 10%/năm.
Với những phân tích trên, các doanh nghiệp có thể quyết định được việc tính lãi chậm trả bằng cách quy định rõ ngay trong Hợp đồng. Nếu không, doanh nghiệp sẽ phải tính lãi theo quy định của LTM khi khởi kiện.
Trên đây là bài viết “Tranh chấp thương mại – Tính lãi chậm trả theo luật nào?”. Hy vọng bài viết này có ích với bạn.
Trân trọng.
Có thể bạn chưa đọc Vấn đề về đối chiếu công nợ trong tố tụng dân sự
Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp Và Thu Hồi Nợ để có thêm những kiến thức pháp lý bổ ích.
Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự
Luật sư Nguyễn Thanh Hà
Email: ha.nguyen@tntplaw.com