Tại thời điểm phát sinh tranh chấp, tùy từng trường hợp cụ thể, luật sư sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các phương án có thể áp dụng nhằm giải quyết tranh chấp một cách đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, tùy theo vụ việc, thời điểm thuê luật sư sẽ khác nhau.

Ở những bài trước, Diễn đàn Pháp luật đã đề cập đến vai trò của luật sư trong việc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp. Theo đó, luật sư có vai trò quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình giải quyết tranh chấp. Tùy theo vụ việc thì thời điểm thuê luật sư sẽ khác nhau. Do đó, doanh nghiệp nên cân nhắc sao cho luật sư vào cuộc có thể nắm bắt được trọn vẹn nội dung và giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả, nhanh chóng.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và các cộng sự, đối với vụ việc phát sinh thường xuyên như việc giao dịch, ký hợp đồng làm ăn với đối tác, các giao dịch dân sự cần có sự tư vấn pháp lý, doanh nghiệp nên tham khảo, nhờ sự tư vấn của luật sư để kịp thời tham vấn ngay từ đầu và có cái nhìn thông suốt hơn. Trong trường hợp này, luật sư sẽ hỗ trợ doanh nghiệp rà soát giao dịch, nội dung của hợp đồng cũng như cảnh báo rủi ro cho doanh nghiệp trước khi ký kết hợp đồng, giao dịch. Như vậy, sự hỗ trợ của luật sư ngay từ giai đoạn đầu tiên không những giúp tăng hiệu quả của công việc mà còn giảm thiểu rủi ro, tránh phát sinh tranh chấp không đáng có.

Đối với các vụ việc phát sinh mang tính chất dân sự như: Tranh chấp đất đai, bồi thường đền bù đất đai, tranh chấp tài sản hoặc tranh chấp công nợ,… doanh nghiệp nên tìm đến sự tư vấn của luật sư khi cảm thấy vụ việc đi vào hướng bất lợi cho doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh có thể bị thiệt hại hoặc ảnh hưởng. Luật sư sẽ tư vấn chi tiết và phân tích lợi ích, rủi ro liên quan đến vụ việc. Dựa trên các căn cứ pháp lý đó, doanh nghiệp sẽ có quyết định sáng suốt hơn cho hướng đi của mình. Bên cạnh đó, luật sư có thể vào tham gia cùng doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp đàm phán với đối tác hoặc thậm chí, đại diện doanh nghiệp khi tham gia giải quyết tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền,… Như vậy, tranh chấp có thể được giải quyết một cách nhanh chóng, đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Đối với những vụ việc mang tính chất thủ tục, hành chính, dân sự như: Các giao dịch mua bán tài sản như nhà, đất hay tài sản hữu hình khác… quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu, bản quyền hay các tài sản vô hình khác,…, doanh nghiệp có thể thuê luật sư ngay từ giai đoạn đầu tiên để tránh phát sinh tranh chấp. Luật sư sẽ tư vấn cho doanh nghiệp các vấn đề pháp lý liên quan, kiểm tra tình trạng của tài sản giao dịch như quyền sở hữu,… Từ đó đảm bảo giao dịch của doanh nghiệp có hiệu lực pháp lý, tránh các tổn thất không đáng có. Đối với các thủ tục hành chính như thành lập mới, bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Doanh nghiệp hay đầu tư tài chính, đầu tư nước ngoài,… luật sư sẽ tư vấn cho doanh nghiệp các vấn đề liên quan, đưa ra các phương án phù hợp với tình hình thực tế, từ đó doanh nghiệp có thể lựa chọn hướng đi thích hợp. Bên cạnh đó, luật sư có thể hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ trong toàn bộ quá trình làm việc với cơ quan nhà nước, doanh nghiệp chỉ cần ký hồ sơ, tài liệu và nhận kết quả từ luật sư. Do đó, thủ tục sẽ không bị kéo dài và hiệu quả đầu tư sẽ tăng.

Khi phát sinh các tranh chấp mang tính chất hình sự, doanh nghiệp có thể là bị can, bị cáo,… Trong trường hợp này, tùy theo tình hình của tranh chấp để doanh nghiệp quyết định có thuê luật sư hay không? Trường hợp quyết định cần sự hỗ trợ từ luật sư, doanh nghiệp nên cân nhắc liên hệ càng sớm càng tốt để luật sư vào cuộc đảm bảo cho doanh nghiệp tối đa quyền lợi và giảm thiểu oan sai cũng như giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng. Ví dụ như công việc viết đơn tố giác tội phạm, trường hợp không tham khảo ý kiến của luật sư ngay từ đầu, đơn tố giác của doanh nghiệp có thể không nêu được tính cấp thiết của vấn đề dẫn đến việc chậm được xử lý hoặc nghiêm trọng hơn hơn là từ ngữ, nội dung của đơn không rõ ràng, có thể gây hiểu nhầm dẫn đến hậu quả khó lường,…

Như vậy, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, thời điểm thích hợp nhất để luật sư tham gia hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp là ngay từ khi tranh chấp chưa phát sinh. Doanh nghiệp nên có sự tư vấn, hỗ trợ từ luật sư trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của mình. Luật sư sẽ tư vấn, đảm bảo rủi ro, tránh phát sinh tranh chấp đối với mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp có thể an tâm hơn để thực hiện các kế hoạch kinh doanh của mình.

Minh Nhật