Tranh chấp nhiều bên không phổ biến như tranh chấp giữa hai bên. Tuy nhiên, có một số vụ việc mà các cá nhân, tổ chức có chung lợi ích trong vụ tranh chấp đó. Khi đó, các cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích chung trong tranh chấp có xu hướng tập hợp lại, cùng nhau khởi kiện bên có quyền và lợi ích đối lập và cử ra một hoặc một vài đại diện để thương lượng với bên còn lại.

Mặc dù vậy, việc khởi kiện cùng nhau và chỉ cử ra một vài đại diện để giải quyết tranh chấp có thực sự hiệu quả không? Qua bài viết này, chúng tôi xin phân tích vài điểm về thương lượng khi tranh chấp có nhiều bên.

1. Một số tranh chấp nhiều bên thường thấy

Tranh chấp nhiều bên là các tranh chấp mà có trên hai chủ thể. Ví dụ như:

– Doanh nghiệp có tranh chấp về thu hồi nợ với nhiều đối tác, khách hàng cùng lúc trong hoạt động kinh doanh thương mại;

– Tranh chấp về thỏa thuận hợp tác giữa một doanh nghiệp với nhiều cá nhân, tổ chức khác nhau.

Các tranh chấp nhiều bên thường xảy ra trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, dân sự, lao động hoặc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Việc khởi kiện cùng nhau và chỉ cử ra một vài đại diện để GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP có thực sự hiệu quả không?

Thực tế cho thấy, trong các vụ kiện có nhiều bên mà một bên (nguyên đơn hoặc bị đơn) là các cá nhân, tổ chức khác nhau có chung lợi ích trong vụ tranh chấp đó, thường chỉ có một số ít cá nhân, tổ chức thành công bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, còn phần lớn các cá nhân, tổ chức còn lại phải chấp nhận quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm.

Tình trạng này xảy ra là do các cá nhân, tổ chức đã quá tin tưởng và mong chờ vào một vài đại diện có thể làm việc với bên còn lại mà không tự mình đóng góp trong quá trình giải quyết tranh chấp. Mặc dù các cá nhân, tổ chức có lợi ích chung trong vụ việc tranh chấp, xong mục đích của việc giải quyết vẫn là để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân cá nhân và tổ chức đó. Vì vậy, nếu các cá nhân, tổ chức muốn giải quyết được tranh chấp thì mỗi cá nhân, tổ chức đều phải bỏ thời gian và công sức ra để bảo vệ quyền và lợi ích của mình trước, sau đó mới có thể bảo vệ lợi ích chung cho cả tập thể.

Một lý do nữa mà các cá nhân, tổ chức nên tự mình khởi kiện để bảo vệ quyên và lợi ích của mình là trong trường hợp các cá nhân, tổ chức cử ra đại diện để giải quyết tranh chấp thì chỉ cần bên tranh chấp thương lượng hoặc lôi kéo các đại diện về phía họ, các cá nhân, tổ chức sẽ bị mất đi người đứng đầu và dễ bị chia rẽ, tan rã. Nếu mỗi cá nhân, tổ chức tự mình khởi kiện bên tranh chấp thì bên đó sẽ đồng thời phải giải quyết tranh chấp với tất cả các cá nhân, tổ chức thay vì một vài đại diện như trường hợp trên. Như vậy, khả năng bảo vệ quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức trong cách thứ hai cũng sẽ cao hơn.

Như vậy, các lưu ý mà chúng tôi đưa ra trong quá trình thương lượng khi tranh chấp có nhiều bên là mỗi cá nhân, tổ chức nên tự mình góp sức, thời gian hoặc tự mình khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Điều đó có lợi hơn là các cá nhân, tổ chức trông chờ vào một vài người đại diện có thể đòi lại quyền và lợi ích cho cả tập thể.

Trên đây là chia sẻ pháp lý của TNTP về việc thương lượng khi tranh chấp có nhiều bên. Hy vọng bài viết này có ích với bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc Những lưu ý khi thương lượng để giải quyết tranh chấp

Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp và Thu Hồi Nợ để có thêm những kiến thức pháp lý bổ ích.

Công ty TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com