1. Trọng tài vụ việc là hình thức trọng tài được sử dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới. Pháp luật về trọng tài của các nước đều ghi nhận sự tồn tại của hình thức trọng tài này. Tại Việt Nam, trọng tài vụ việc được quy định trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010, với đặc trưng chủ yếu là trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận. Vậy, việc giải quyết tranh chấp trong thương mại bằng trọng tài vụ việc được thực hiện như thế nào? Bài viết sau đây sẽ trình bày về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vụ việc mà các bên có thể tham khảo để thực hiện.

1. Khởi kiện

Nguyên đơn có trách nhiệm gửi hồ sơ khởi kiện cho bị đơn và Hội đồng trọng tài. Thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài được tính từ khi bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn. Theo đó, hồ sơ khởi kiện bao gồm:

• Đơn khởi kiện;

• Thỏa thuận trọng tài;

• Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (Hợp đồng, Biên bản bàn giao, Biên bản thanh lý hợp đồng và các tài liệu khác);

• Nếu nguyên đơn là cá nhân: Bản sao có công chứng, chứng thực căn cước công dân của nguyên đơn;

• Nếu nguyên đơn là tổ chức: Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập, giấy phép hoạt động của nguyên đơn,…; Bản sao chứng thực căn cước công dân của người đại diện hợp pháp của nguyên đơn;

• Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập, giấy phép hoạt động của bị đơn (nếu có),…

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và trọng tài viên bản tự bảo vệ. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trọng tài viên giải quyết vụ việc thì bị đơn phải gửi cho nguyên đơn thông tin của trọng tài viên mà bị đơn chọn bao gồm tên và địa chỉ của trọng tài viên.

Trường hợp bị đơn kiện lại nguyên đơn thì bị đơn phải gửi cho Hội đồng trọng tài và nguyên đơn đơn kiện lại cùng thời điểm nộp bản tự bảo vệ. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiện lại, nguyên đơn phải gửi bản tự bảo vệ cho Hội đồng trọng tài và bị đơn.

2. Thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc

Trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp, các bên có thể thỏa thuận về trọng tài viên giải quyết vụ việc. Số lượng trọng tài viên có thể là một hoặc ba. Trường hợp vụ việc được giải quyết bởi ba trọng tài viên thì phải xác định được chủ tịch Hội đồng trọng tài. Chủ tịch Hội đồng trọng tài có thể do các bên thỏa thuận hoặc do các trọng tài viên thỏa thuận. Trường hợp các bên không có thỏa thuận khác thì các bên sẽ áp dụng quy định tại Điều 41 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 để thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc.

3. Nộp phí trọng tài

Các bên có thể thỏa thuận với Hội đồng trọng tài về phí trọng tài. Phí trọng tài do Hội đồng trọng tài ấn định. Khi nộp Đơn khởi kiện, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, Nguyên đơn phải nộp đủ phí trọng tài theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài. Trong trường hợp có Đơn kiện lại, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, Bị đơn phải nộp đủ phí trọng tài theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài. Bên thua kiện phải chịu phí trọng tài, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc Hội đồng trọng tài có sự phân bổ khác.

4. Chuẩn bị xét xử

Tại giai đoạn này, nếu xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của đương sự, Hội đồng trọng tài có thể tiến hành các việc sau đây:

• Xác minh sự việc;
• Thu thập chứng cứ;
• Triệu tập người làm chứng;
• Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Ngoài ra, trong quá trình chuẩn bị xét xử, theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài có thể tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.

5. Phiên họp giải quyết tranh chấp

Các bên có thể thỏa thuận về thời gian, địa điểm mở phiên họp giải quyết tranh chấp, ngôn ngữ trọng tài, luật áp dụng giải quyết tranh chấp. Trường hợp các bên không có thoả thuận về các nội dung trên thì Hội đồng trọng tài sẽ quyết định. Hội đồng trọng tài sẽ gửi giấy triệu tập tham dự phiên họp cho các bên.

Phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Các bên có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người đại diện tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp, có quyền mời người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong trường hợp có sự đồng ý của các bên Hội đồng trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp. Trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận.

Phán quyết trọng tài được ban hành ngay tại phiên họp hoặc chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng. Phán quyết trọng tài phải được gửi cho các bên ngay sau ngày ban hành. Các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài vụ việc cấp bản sao phán quyết trọng tài. Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Trên đây là nội dung bài viết “Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vụ việc” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Hi vọng những thông tin nêu trên hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,