Sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại đã tạo ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, mặt khác lại tiềm ẩn rủi ro và phát sinh tranh chấp. Có nhiều cách thức để giải quyết tranh chấp, với cùng một đích đến là phán quyết hay quyết định có hiệu lực của cơ quan giải quyết tranh chấp nhưng Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp ưu việt hơn Tòa án. Trong bài viết này, TNTP sẽ nêu những nguyên do “Tại sao doanh nghiệp nên lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ?”

1. Cơ chế, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại linh hoạt

Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010 thì Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật trọng tài thương mại, như vậy khi các bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, cơ chế trọng tài sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp. Đây là cơ chế lựa chọn, không giống Tòa án, sẽ mặc định là cơ chế giải quyết tranh chấp nếu các bên không có thỏa thuận lựa chọn nào khác. Cơ thể thấy, cơ chế Trọng tài cho các bên có sự lựa chọn và chủ động hơn trong giải quyết tranh chấp.

Theo quy định về pháp luật trọng tài, Các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp giúp đẩy nhanh thời gian giải quyết tranh chấp; các bên có quyền lựa chọn Hội đồng trọng tài; ngôn ngữ sử dụng trong giải quyết tranh chấp và luật áp dụng để giải quyết tranh chấp nếu một bên trong tranh chấp có yếu tố nước ngoài; thủ tục trọng tài không trải qua nhiều cấp xét xử như ở toà án, cho nên hạn chế tốn kém về thời gian và tiền bạc cho doanh.

2.Khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài Doanh nghiệp có quyền chỉ định người giải quyết tranh chấp

Việc được quyền lựa chọn trọng tài viên giải quyết tranh chấp cho phép các bên lựa chọn được các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế về vấn đề tranh chấp (tranh chấp bảo hiểm, tranh chấp về cổ phiếu, chứng khoán; tranh chấp xây dựng,…), có uy tín trong ngành nghề trở thành trọng tài viên giải quyết tranh chấp của các bên.

Từ đó, góp phần đảm bảo chất lượng giải quyết tranh chấp được nhanh chóng và chính xác trên nguyên tắc tự nguyện, tự do thỏa thuận của các bên trong quan hệ tranh chấp.

3. Trọng tài thương mại xét xử theo nguyên tắc không công khai

Phương thức trọng tài thương mại tôn trọng tính bảo mật thông tin (confidentiality) cho toàn bộ quá trình, phiên họp trọng tài cũng được thực hiện không công khai và chỉ có sự tham gia của các bên nhận được quyết định, khác với nguyên tắc Tòa án xét xử công khai trong tố tụng tòa án. Khi nội dung tranh chấp và danh tính các bên được giữ kín, điều này sẽ đáp ứng nhu cầu tin cậy trong quan hệ thương mại, có ý nghĩa to lớn trong điều kiện cạnh tranh (đặc biệt là với các công ty đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán).

Đặc biệt, có những vụ kiện liên quan tới bí mật thương mại và các phát minh hay các yếu tố khác cần bảo mật theo yêu cầu của các bên.

4. Quyết định của Trọng tài thương mại mang tính chung thẩm

  • Phán quyết của trọng tài có đặc điểm khác với bản án, quyết định của tòa án đó chính là mang tính chung thẩm và không thể bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Trong trường hợp một hợp đồng thương mại quốc tế phát sinh, phán quyết của Tòa án quốc gia thường khó đạt được sự công nhận quốc tế. Do bản chất của tòa án thường nằm trong phạm vi quy định của một quốc gia, nên thông thường để phán quyết của Tòa án được công nhận tại một nước khác phải được thông qua bởi hiệp định song phương và theo các quy tắt rất nghiêm ngặt. Ngược lại, quyết định trọng tài đạt được sự công nhận quốc tế thông qua một loạt các công ước quốc tế và đặc biệt là Công ước New York năm 1958 về Công nhận và cho thi hành quyết định của Trọng tài (với 150 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên Công ước).

Trên đây là nội dung bài viết “Tại sao doanh nghiệp nên lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại?”. TNTP hi vọng bài viết này có ích với các độc giả.

Trân trọng.