Trong hoạt động kinh doanh, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp nước ngoài không còn xa lạ tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự hợp tác không phải lúc nào cũng suôn sẻ do nhiều vấn đề phát sinh, trong đó là việc các khoản nợ phát sinh giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Đây là những khoản nợ có yếu tố nước ngoài, vì vậy việc thu hồi nợ có một vài khác biệt đối với thu hồi nợ các doanh nghiệp trong nước. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích những vấn đề liên quan việc doanh nghiệp Việt Nam thu hồi nợ mà bên nợ là doanh nghiệp nước ngoài (gọi chung là “bên nợ”) để các doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm khi gặp những tình huống tương tự.

1. Những khó khăn thường gặp khi thu hồi nợ từ bên nợ

• Khó xác định chính xác địa chỉ, tư cách pháp lý của bên nợ

Do bên nợ có địa chỉ, trụ sở tại nước ngoài nên rất khó để xác định đó có phải địa chỉ chính xác của bên nợ hay không, thậm chí nếu bên nợ đã thay đổi địa chỉ hoạt động, người đại diện, … thì doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể nắm được. Hơn nữa, việc xác định các thông tin này qua Internet rất hạn chế vì khác vùng quốc gia nên tiếp cận thông tin doanh nghiệp khó khăn hơn.

• Rào cản ngôn ngữ

Việc sử dụng ngoại ngữ để giao tiếp với bên nợ là doanh nghiệp nước ngoài rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể thể hiện ý kiến, quan điểm và yêu cầu bên nợ thanh toán. Tuy nhiên không phải bất cứ bên nợ nào cũng sử dụng tiếng Anh hoặc các ngôn ngữ phổ thông khác. Bên nợ có khi chỉ sử dụng ngôn ngữ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga,… và không hiểu tiếng Anh. Khi đó, việc thu hồi nợ sẽ gặp rất nhiều khó khăn để các bên có thể truyền tải ý kiến của nhau, chưa kể rào cản ngôn ngữ sẽ dẫn đến những hiểu lầm khiến việc thu hồi nợ gặp khó khăn.

• Khởi kiện tại nước ngoài rất tốn kém (do nội dung Hợp đồng ký kết giữa các bên quy định cơ quan giải quyết tranh chấp ở nước ngoài)

– Thông thường, trong Hợp đồng, nếu các bên đã đồng ý với việc áp dụng pháp luật nước ngoài và giải quyết tranh chấp tại một cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài thì sẽ không thể lựa chọn giải quyết tranh chấp tại các cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam.

– Trường hợp này, bên có nợ cần thu hồi sẽ phải nghiên cứu các quy định pháp luật của quốc gia được chọn để giải quyết tranh chấp, cũng như phải thực hiện việc gửi hồ sơ, tài liệu đến các cơ quan nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật của quốc gia đó để giải quyết tranh chấp. Bên có nợ cần thu hồi cũng nên cân nhắc sử dụng dịch vụ pháp lý từ một Công ty luật tại quốc gia mà pháp luật của nước đó được chọn để giải quyết tranh chấp.

– Tuy nhiên, các chi phí để tiến hành khởi kiện tại nước ngoài tốn kém hơn rất nhiều so với chi phí khởi kiện tại cơ quan có thẩm quyền trong nước. Do đó, tùy vào giá trị của khoản nợ, doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc để lựa chọn có tiến hành việc khởi kiện tại nước ngoài hay không.

2. Phương thức thu hồi nợ mà doanh nghiệp Việt Nam nên áp dụng

• Liên hệ bên nợ qua điện thoại hoặc email

Công nghệ ngày càng phát triển, các nền tảng, thiết bị công nghệ như email, điện thoại, tin nhắn, … có tính linh hoạt, nhanh chóng và tiện lợi khi truyền đạt thông tin. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam có thể ưu tiên sử dụng các phương thức này để giao tiếp, trao đổi với bên nợ nhằm thể hiện trước tiên thái độ ôn hòa, nhẹ nhàng nhưng không kém phần kiên quyết bằng cách đặt thời hạn thanh toán hoặc phương án thanh toán một cách cụ thể, hợp lý để yêu cầu bên nợ phản hồi và thực hiện đúng nghĩa vụ đã giao kết trong hợp đồng.

• Gửi thư Yêu cầu thanh toán (Letter of Demand – LOD)

– Gửi LOD là một phương thức tác động mạnh mẽ và đem lại hiệu quả tốt hơn liên hệ qua điện thoại hoặc email. Thông thường, LOD sẽ do Công ty luật đại diện cho Doanh nghiệp Việt Nam soạn thảo và gửi cho bên nợ. LOD không chỉ là phương thức thích hợp để thể hiện được thái độ cứng rắn của Doanh nghiệp Việt Nam đối với bên nợ mà còn là căn cứ để doanh nghiệp khởi kiện, xác định thời hiệu khởi kiện, … (theo quy định pháp luật tại quốc gia có cơ quan giải quyết tranh chấp) và tạo lợi thế trong trường hợp quyết định giải quyết tranh chấp tại cơ quan giải quyết tranh chấp tại nước ngoài.

– LOD sẽ được Công ty luật đại diện gửi qua email bên nợ nhằm cảnh báo và yêu cầu cân nhắc nghiêm túc thanh toán khoản nợ. Trường hợp Doanh nghiệp Việt Nam mong muốn LOD sẽ đến tận tay bên nợ thì hiện nay, các Công ty luật đều có thể hỗ trợ khách hàng tìm kiếm một đơn vị có thẩm quyền tại nước sở tại của bên nợ để tống đạt bản cứng LOD đến tận địa chỉ bên nợ. Hành động này có thể xem như một biện pháp cảnh báo nghiêm khắc và mạnh mẽ hơn.

• Thuê đơn vị Công ty luật tại nước sở tại của bên nợ

– Đây là phương thức mà Doanh nghiệp Việt Nam nên cân nhắc và lựa chọn. Bởi lẽ, Công ty luật nước ngoài là những đơn vị chuyên ngành luật, họ nắm rõ luật pháp tại nước sở tại và có thể đưa ra những phương án tốt nhất, khả quan nhất và đúng pháp luật để thu hồi nợ bên nợ mà không vi phạm pháp luật của quốc gia đó (do hầu hết pháp luật các quốc gia đều đề cao và bảo vệ tính cá nhân, riêng tư, thông tin bảo mật, danh dự, của cá nhân và tổ chức).

– Doanh nghiệp Việt Nam có thể ủy quyền cho Công ty luật tại Việt Nam để trực tiếp trao đổi và làm việc với các luật sư tại Công ty luật nước ngoài đã lựa chọn. Theo kinh nghiệm của mình, TNTP đã nhiều lần đại diện cho khách hàng để trao đổi với luật sư nước ngoài, đảm bảo công việc thu hồi nợ mà Công ty luật nước ngoài thực hiện luôn được theo dõi, giám sát, đốc thúc và có tiến độ nhanh nhất.

• Khởi kiện tại cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài

Sau khi đã thực hiện các phương thức trên nhưng không có kết quả khả quan và đã xem xét tính khả thi của vụ việc, Doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc quyết định tiến hành phương thức trên quyết liệt hơn là khởi kiện tại cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài. Như chúng tôi đã lưu ý ở trên, chi phí khởi kiện (đã bao gồm chi phí tại cơ quan giải quyết tranh chấp nước ngoài và thuê luật sư nước ngoài) là rất tốn kém. Vì vậy, tùy thuộc vào giá trị khoản nợ và mong muốn của mình, Doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc phương thức này.

Có thể thấy việc thu hồi nợ đối với Bên nợ là doanh nghiệp nước ngoài có rất nhiều khó khăn. Các Doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có sự chuẩn bị để hạn chế tối đa các rủi ro xảy ra và chi phí thực hiện để việc thu hồi nợ đạt hiệu quả nhất.

Trên đây là bài viết của chúng tôi về “Thu hồi nợ khi bên nợ là doanh nghiệp nước ngoài – doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì?”. Hi vọng bài viết này có ích với các bạn đọc.

Trân trọng.