Trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp trong đó các bên đồng ý rằng một bên thứ ba trung lập (Trọng tài viên hay Hội đồng trọng tài) sẽ ban hành một quyết định có căn cứ pháp lý sau khi các bên đã có cơ hội trình bày vụ tranh chấp của mình. Trọng tài bao gồm hai hình thức cơ bản là trọng tài quy chế và trọng tài vụ việc. Khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vụ việc, một trong những nội dung quan trọng nhất mà các bên cần chú ý, đó chính là việc thành lập hội đồng trọng tài. Trong bài viết này, TNTP sẽ trình bày những quy định pháp luật, nhưng lưu ý đối với việc thành lập hội đồng trọng tài vụ việc.

1. Thành lập hội đồng trọng tài vụ việc theo thỏa thuận của các bên

Đặc trưng cơ bản của việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vụ việc là đề cao sự theo thỏa thuận của các bên. Do vậy, trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp, các bên có thể thỏa thuận về việc thành lập hội đồng trọng tài vụ việc, số lượng trọng tài viên giải quyết vụ việc,… Thông thường, các bên sẽ lựa chọn một hoặc ba trọng tài viên giải quyết vụ việc. Trường hợp vụ việc được giải quyết bởi ba trọng tài viên thì các bên hoặc các trọng tài viên phải thỏa thuận để xác định được chủ tịch hội đồng trọng tài.

2. Xác định Tòa án có thẩm quyền đối với việc thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc

• Trường hợp các bên đã có thỏa thuận lựa chọn một Tòa án cụ thể thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án được các bên lựa chọn. Tuy nhiên, việc lựa chọn này phải phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể: i) Các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn một trong các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam để giải quyết vụ việc liên quan đến hoạt động trọng tài tại Việt Nam. Việc thỏa thuận lựa chọn Tòa án có thẩm quyền phải được lập thành văn bản, trong đó nêu rõ loại việc yêu cầu Tòa án giải quyết, tên Tòa án mà các bên lựa chọn; ii) Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài trước hoặc sau khi có tranh chấp. Việc thỏa thuận lựa chọn Tòa án đối với hoạt động trọng tài phải đảm bảo nguyên tắc chỉ có một Tòa án có thẩm quyền đối với một hoạt động trọng tài hoặc tất cả hoạt động trọng tài.

• Trường hợp các bên không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án thì thẩm quyền của Tòa án được xác định như sau:

 Đối với việc chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú của bị đơn nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của bị đơn nếu bị đơn là tổ chức. Trường hợp yêu cầu chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc mà có nhiều bị đơn thì nguyên đơn có quyền lựa chọn yêu cầu một trong các Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của một trong các bị đơn đó. Trường hợp có một hoặc các bị đơn cư trú, hoặc có trụ sở ở nước ngoài thì nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án nơi cư trú, nơi có trụ sở của nguyên đơn.

 Đối với việc thay đổi Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp.

3. Thành lập hội đồng trọng tài vụ việc theo quy định pháp luật

Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì các bên sẽ áp dụng quy định tại Điều 41 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 để thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc, cụ thể như sau:

• Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn phải chọn Trọng tài viên và thông báo cho nguyên đơn biết Trọng tài viên mà mình chọn. Hết thời hạn này, nếu bị đơn không thông báo cho nguyên đơn tên Trọng tài viên mà mình chọn và các bên không có thoả thuận khác về việc chỉ định Trọng tài viên, thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn;

• Trường hợp vụ tranh chấp có nhiều bị đơn, thì các bị đơn phải thống nhất chọn Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo. Hết thời hạn này, nếu các bị đơn không chọn được Trọng tài viên và nếu các bên không có thoả thuận khác về việc chỉ định Trọng tài viên, thì một hoặc các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên cho các bị đơn;

• Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được các bên chọn hoặc được Tòa án chỉ định, các Trọng tài viên bầu một Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Trong trường hợp không bầu được Chủ tịch Hội đồng trọng tài và các bên không có thoả thuận khác thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài;

• Trong trường hợp các bên thoả thuận vụ tranh chấp do một Trọng tài viên duy nhất giải quyết nhưng không chọn được Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện, nếu các bên không có thoả thuận yêu cầu một Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên duy nhất.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của các bên trong các trường hợp nêu trên, Chánh án Tòa án có thẩm quyền phải phân công một Thẩm phán chỉ định Trọng tài viên và thông báo cho các bên. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán xét đơn yêu cầu chỉ định Trọng tài viên mà không phải mở phiên họp để xét đơn yêu cầu, không phải triệu tập các bên tranh chấp. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, Tòa án gửi quyết định cho các bên, Hội đồng trọng tài, Trọng tài viên Trọng tài vụ việc.

Trên đây là nội dung bài viết “Thành lập hội đồng trọng tài vụ việc” mà TNTP gửi đến bạn đọc. Hi vọng những thông tin nêu trên hữu ích đối với những ai đang quan tâm đến vấn đề này.

Trân trọng,