Việc phát sinh nợ trong hoạt động kinh doanh là điều bình thường đối với các doanh nghiệp, tuy nhiên vì nhiều lý do khác nhau mà các bên nợ thường muốn kéo dài khoản nợ để đem lại lợi ích lớn nhất cho mình. Trong bài viết này, luật sư của TNTP sẽ đưa ra quan điểm về lý do khiến các doanh nghiệp không muốn thanh toán các khoản nợ đến hạn cho đối tác.

1. Khoản nợ chưa rõ ràng và có khả năng phát sinh tranh chấp

Điều quan trọng nhất trong quá trình thu hồi nợ là phải xác định chính xác số tiền nợ cần thu hồi, việc khoản nợ chưa được các bên xác định rõ ràng sẽ là lý do hợp lý để bên nợ không thực hiện thanh toán. Giá trị khoản nợ cần được các bên trong hợp đồng xác định cụ thể, chi tiết và phải được thể hiện bằng các tài liệu cụ thể như hóa đơn, đề nghị thanh toán, và quan trọng nhất là biên bản đối chiếu công nợ để thể hiện ý đồng thuận trong việc xác định giá trị cuối cùng của khoản nợ.

Theo quan điểm của TNTP, việc bên nợ không muốn thanh toán khi các bên chưa thống nhất được giá trị khoản nợ là điều rất thường xuyên và cũng là lý do hợp lý mà các chủ nợ cần lưu ý. Vì tuy chủ nợ là bên có nghĩa vụ yêu cầu thanh toán khoản nợ, nhưng nghĩa vụ này cũng cần phải được thể hiện rõ ràng và có căn cứ để tránh việc chủ nợ lạm dụng quyền lợi của mình để buộc bên nợ thanh toán khoản tiền vượt quá giá trị khoản nợ mà chủ nợ có quyền yêu cầu.

Việc các giá trị khoản nợ không được các bên xác định rõ ràng có thể khiến một vụ việc thu hồi nợ trở thành một tranh chấp trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp. Khi đó, các vấn đề khác liên quan đến hợp đồng cũng có thể trở thành đối tượng phát sinh tranh chấp như việc giao nhận hàng hóa, xuất hóa đơn, thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên có đúng thỏa thuận và đúng pháp luật hay không. Điều này sẽ khiến việc tiến hành công việc thu hồi nợ phát sinh thêm nhiều vấn đề phức tạp khác, làm ảnh hưởng đến chất lượng thu hồi nợ, thậm chí là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Bên nợ tìm cách chiếm dụng vốn

Rất nhiều doanh nghiệp không có khả năng tài chính đủ lớn đã tạm thời sử dụng các khoản phải trả cho các chủ nợ để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình, hoặc họ tạm dùng giá trị phải trả một khoản nợ để “bù” vào khoản nợ khác có ưu tiền cao hơn, đồng thời tiếp tục trì hoãn việc thanh toán khoản nợ trong thời gian lâu nhất có thể để tiếp tục xoay vòng vốn. Khi doanh nghiệp có khả năng kéo dài việc thanh toán khoản nợ sẽ chiếm dụng được rất nhiều vốn với mức lãi suất thấp hơn so với việc huy động vốn qua ngân hàng.
Đây là một trong những lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp mặc dù có đủ điều kiện và khả năng thanh toán nhưng không trả nợ, vì so với việc thanh toán dứt điểm khoản nợ thì việc chiếm dụng vốn càng lâu sẽ giúp doanh nghiệp duy trì được lượng vốn ổn định, ít xáo trộn. Ngoài ra việc chiếm dụng vốn cũng có thể coi là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh khi việc bên nợ không trả nợ đúng hạn sẽ khiến chủ nợ bị hao hụt vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh, thậm chí những khoản nợ đủ lớn có thể khiến chủ nợ không đạt được các mục đích kinh doanh đã đặt ra, ảnh hưởng đến chính khả năng hoạt động của phía chủ nợ.

Do đó, ngay khi xác định được việc bên nợ đang có hành vi chiếm dụng vốn thì chủ nợ cần nhanh chóng triển khai việc thu hồi nợ cần thiết để bảo vệ quyền lợi và nguồn vốn của chính mình.

3. Bên nợ có nguồn thu thấp hoặc không còn khả năng hoạt động

Có rất nhiều lý do dẫn đến việc bên nợ có nguồn thu thấp không còn khả năng thanh toán như quyết định kinh doanh sai lầm, các khó khăn của thị trường, hoặc sự thay đổi của pháp luật. Đây là trạng thái mà không chủ nợ nào mong muốn xảy ra với các bên nợ của mình, tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các khoản nợ khó thu hồi trên thị trường đều thuộc nhóm các bên nợ không còn có đủ khả năng thanh toán và không còn hoạt động. Khi bên nợ không còn khả năng hoạt động hoặc sinh lợi thì việc thanh toán khoản nợ gần như không thể.

Giải pháp duy nhất của các chủ nợ là phải thường xuyên kiểm tra và tiến hành thu hồi nợ càng sớm càng tốt trước khi các bên nợ rơi vào tình trạng “hấp hối”. Trạng thái mất khả năng thanh toán của bên nợ gần như sẽ đặt dấu chấm hết cho mọi nỗ lực thu hồi nợ.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về chủ đề: “Tại sao doanh nghiệp không muốn thanh toán các khoản nợ đến hạn cho đối tác?” Mong rằng bài viết này đem lại giá trị cho các độc giả.

Trân trọng,