Xử lý tài sản thế chấp là một trong các căn cứ làm chấm dứt thế chấp, do đó việc xử lý tài sản thế chấp sẽ làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các chủ thể trong quan hệ thế chấp cũng như các chủ thể khác có liên quan đến tài sản. Căn cứ Điều 299 BLDS 2015, việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện trong ba trường hợp sau đây: i) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; ii) Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật; iii) Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định. Trong bài viết này, TNTP sẽ phân tích cụ thể các trường hợp xử lý tài sản thế chấp theo quy định pháp luật hiện hành.

1. Trường hợp thứ nhất: Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ

Đối với trường hợp thứ nhất, nghĩa vụ được bảo đảm thường là các nghĩa vụ liên quan đến vay nợ, thanh toán; có thể bao gồm cả nghĩa vụ trả nợ lãi, tiền bồi thường thiệt hại và các chi phí khác. Trường hợp các bên không thỏa thuận rõ về phạm vi bảo đảm của tài sản thế chấp thì việc bất kỳ nghĩa vụ nào bị vi phạm cũng có thể dẫn đến trường hợp bên nhận thế chấp có quyền xử lý tài sản thế chấp.

2. Trường hợp thứ hai: Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật

Đối với trường hợp thứ hai, tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên mà khi bên có nghĩa vụ vi phạm thỏa thuận thì bên có quyền có thể thực hiện việc xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn. Ngoài trường hợp xử lý tài sản thế chấp theo thỏa thuận giữa các bên, pháp luật chuyên ngành cũng quy định những trường hợp tài sản thế chấp có thể bị xử lý dù nghĩa vụ bảo đảm chưa đến hạn hoặc không bị vi phạm. Ví dụ, trong trường hợp bên thế chấp đang thực hiện thủ tục phá sản tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền, Tòa án có thể đình chỉ hợp đồng được bảo đảm chưa đến hạn và yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để bảo đảm cho nghĩa vụ bị đình chỉ (Điểm b Khoản 1 Điều 53 Luật Phá sản năm 2014).

3. Trường hợp thứ ba: Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định

Đối với trường hợp thứ ba, trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là tôn trọng thỏa thuận của các bên, các chủ thể có liên quan đến tài sản thế chấp có quyền thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc xử lý tài sản thế chấp nhằm hướng đến lợi ích chung của mỗi bên. Tuy nhiên, việc thỏa thuận này không trái với đạo đức xã hội, không vi phạm quy định của pháp luật cũng như không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba. Ví dụ, các bên có thỏa thuận rằng khi bên nhận thế chấp phát hiện các nguy cơ làm tài sản thế chấp bị sụt giảm giá trị nghiêm trọng, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu xử lý tài sản thế chấp.

Trên đây là bài viết của TNTP về “Quy định pháp luật về các trường hợp xử lý tài sản thế chấp”. Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích với các độc giả.

Trân trọng,