Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm pháp ràng buộc người gây thiệt hại phải gánh chịu dù các bên không thỏa thuận tại hợp đồng. Trường hợp này xảy ra khi tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm và gây ra thiệt hại đối với tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác hoặc gây ra thiệt hại cho người khác trong quá trình sở hữu, chiếm hữu tài sản. Trong bài viết dưới đây, TNTP sẽ trình bày quy định của pháp luật liên quan tới bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ phát sinh khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

• Trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm và gây thiệt hại tới tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác:

Cụ thể, căn cứ vào Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, cá nhân, tổ chức sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi có đủ các yếu tố sau:

– Thực hiện hành vi xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác;
– Có thiệt hại xảy ra về vật chất, tinh thần hoặc cả hai;
– Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm và thiệt hại.

• Trường hợp tài sản gây ra thiệt hại thì cá nhân, tổ chức sở hữu hoặc đang chiếm hữu tài sản đó phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Về trường hợp không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trừ khi luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận, tương tự các trách nhiệm pháp lý khác, tổ chức, cá nhân không phải chịu trách nhiệm khi:

• Thiệt hại bị gây ra từ sự kiện bất khả kháng; hoặc
• Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi từ phía bên bị thiệt hại.

Như vậy, có thể thấy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích được pháp luật bảo hộ của người khác ngay cả khi những quyền và lợi ích đó nằm ngoài phạm vi thỏa thuận của các bên tại hợp đồng.

2. Các nguyên tắc áp dụng trong việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải tuân thủ và được thực hiện theo các nguyên tắc sau:

• Nguyên tắc bồi thường kịp thời và cho toàn bộ thiệt hại: Những thiệt hại thực tế phát sinh sẽ phải được bồi thường kịp thời và toàn bộ giúp người chịu thiệt hại nhanh chóng khắc phục và giảm thiểu các tác động của hành vi gây thiệt hại. Việc bồi thường phải kịp thời để bên bị thiệt hại không phải chịu thêm các tổn thất gián tiếp khác do chậm trễ bồi thường.

• Nguyên tắc xem xét giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi nhưng là lỗi vô ý và thiệt hại vượt quá khả năng kinh tế của bên gây thiệt hại: Chẳng hạn, nếu vô ý gây thiệt hại lớn trong khi người phải bồi thường không đủ tài sản riêng để bồi thường và thu nhập ở mức trung bình thấp. Khi đó, người gây thiệt hại sẽ được xem xét giảm mức bồi thường do được coi là vô ý gây thiệt hại và mức bồi thường quá lớn so với khả năng kinh tế.

• Nguyên tắc mức bồi thường phải được xác định phù hợp với tình hình thực tế: Trong một số trường hợp mà mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại nếu có căn cứ chứng minh thì có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước thay đổi hoặc xác định lại mức bồi thường.

• Nguyên tắc bên bị thiệt hại không được bồi thường nếu có lỗi để gây thiệt hại: Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì bên thiệt hại không có quyền yêu cầu và sẽ không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

• Nguyên tắc bên bị thiệt hại không được bồi thường nếu tại thời điểm xảy ra thiệt hại có đủ nhận thức và đủ điều kiện nhưng không hạn chế, ngăn chặn thiệt hại: Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra là do không áp dụng các biện pháp cần thiết và trong khả năng của mình để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.

• Nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí và trung thực: Việc bồi thường có thể dựa trên sự thỏa thuận giữa hai bên, trên tinh thần thiện chí và trung thực. Điều này khuyến khích các bên đàm phán và đạt được sự đồng thuận về mức bồi thường, hình thức và phương thức bồi thường thay vì phải tranh chấp kéo dài.

3. Các hình thức và phương thức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

• Hình thức bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bao gồm:

– Bồi thường bằng tiền hoặc tài sản khác có giá trị tương ứng để khôi phục các thiệt hại về tài sản.

– Bồi thường các chi phí cần thiết để khắc phục thiệt hại hoặc phục hồi sức khỏe, khả năng lao động của bên kia.

– Nếu gây thiệt hại về tinh thần, bên gây thiệt hại có thể phải bồi thường bằng một khoản tiền theo mức các bên thỏa thuận hoặc theo quy định pháp luật.

• Phương thức bồi thường:

– Các bên có thể thỏa thuận về phương thức và thời hạn bồi thường thiệt hại. Khi không thỏa thuận được, bên bị thiệt hại có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

– Việc bồi thường có thể được thực hiện một hoặc chia thành nhiều lần dựa trên thỏa thuận của các bên hoặc theo quyết định của Tòa án.

Chúng tôi lưu ý rằng: Bên gây thiệt hại có thể được miễn trừ trách nhiệm bồi thường nếu có căn cứ xác định rằng thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng, lỗi của bên bị thiệt hại hoặc bên bị thiệt hại đồng ý miễn trừ.

4. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người bị thiệt hại biết hoặc phải biết việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình đã bị người khác xâm phạm. Để xác định thời điểm thời hiệu khởi kiện được bắt đầu tính, Điều 5 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP đã quy định:

• Thời điểm người có quyền yêu cầu biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm là khi họ nhận ra được hoặc có thể khẳng định được về việc quyền và lợi ích của bản thân họ bị xâm phạm.

• Trường hợp người có quyền yêu cầu phải biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm là trong hoàn cảnh, điều kiện bình thường, nếu có thiệt hại xảy ra thì người đó biết quyền và lợi ích của bản thân họ bị xâm phạm hoặc trường hợp pháp luật có quy định rằng họ phải biết.

Như vậy, tính từ thời điểm nêu trên, trong thời hạn 03 năm, người bị thiệt hại có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền buộc người gây thiệt hại thực hiện bồi thường.

Trên đây là nội dung bài viết “Quy định chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” mà TNTP gửi đến quý độc giả. Mong rằng bài viết sẽ mang lại giá trị và thông tin hữu ích cho những ai đang quan tâm tới vấn đề này.

Trân trọng,