Trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (“HĐMBHHQT”), các quy định trong hợp đồng, các nguồn luật được áp dụng đều có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp. Các nguồn luật được áp dụng trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến dạng hợp đồng này rất đa dạng. Trong bài viết này, TNTP sẽ làm rõ các nguồn luật có thể được áp dụng trong giải quyết các tranh chấp liên quan đến HĐMBHHQT.

1. Khái niệm về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và nguồn luật

1.1. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

• Pháp luật Việt Nam không quy định chi tiết về khái niệm HĐMBHHQT. Khoản 1 Điều 27 Luật Thương mại 2005 của Việt Nam chỉ liệt kê các hoạt động được coi là mua bán hàng hóa quốc tế như: xuất khẩu; nhập khẩu; tạm nhập tái xuất; tạm xuất tái nhập và chuyển khẩu.

• Theo Khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại 2005, mua bán hàng hóa được định nghĩa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.

• Khoản 2 Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; (ii) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; (iii) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

Có thể thấy rằng, HĐMBHHQT là hợp đồng được ký kết giữa các thương nhân có trụ sở thương mại (địa điểm kinh doanh) nằm trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau, hoặc là việc giao kết, thực hiện nghĩa vụ diễn ra ở hai quốc gia trở lên hoặc đối tượng của hợp đồng ở nước ngoài.

1.2. Khái niệm nguồn luật

Nguồn luật được có thể được hiểu là các yếu tố chứa đựng hoặc cung cấp các căn cứ pháp lý để các chủ thể có thể thực hiện hành vi trên thực tế. Đối với hoạt động áp dụng pháp luật, nguồn luật được hiểu là các hình thức chứa đựng quy phạm pháp luật mà cơ quan giải quyết tranh chấp có thể sử dụng để giải quyết tranh chấp trên thực tế.

2. Nguồn luật được sử dụng trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Nhìn chung, các nguồn luật có thể được áp dụng trong việc giải quyết HĐMBHHQT khá đa dạng, dựa trên cả sự thỏa thuận của các bên và quan điểm của cơ quan giải quyết tranh chấp. Dựa trên thực tế đó, cơ quan giải quyết tranh chấp HĐMBHHQT có thể sử dụng các nguồn luật sau để áp dụng giải quyết tranh chấp:

Điều ước quốc tế: Các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế mà một quốc gia là thành viên cho phép cơ quan giải quyết tranh chấp của quốc gia đó có thể áp dụng như một công cụ để làm rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế, nếu như các điều kiện áp dụng điều ước quốc tế được đáp ứng. Ví dụ điển hình nhất là Công ước Viên về HĐMBHHQT (viết tắt là CISG), Công ước này cho phép các cơ quan giải quyết tranh chấp viện dẫn quy định nếu các điều kiện được đáp ứng (tranh chấp hai bên có quốc tịch đều là thành viên của công ước; quy tắc tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến pháp luật của một quốc gia là thành viên công ước).

Tập quán thương mại quốc tế: Tập quán thương mại quốc tế là những thói quen, thực tiễn về các vấn đề trong thương mại quốc tế được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động thương mại quốc tế trên một lĩnh vực thương mại, được nhiều chủ thể tham gia quan hệ thương mại thừa nhận và áp dụng một cách thường xuyên với nội dung rõ ràng để dựa vào đó các bên xác định quyền và nghĩa vụ trong giao dịch thương mại quốc tế. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, cơ quan giải quyết tranh chấp có thể dựa trên các tập quán thương mại mà các bên thỏa thuận áp dụng trong Hợp đồng mua bán hàng hóa để giải quyết tranh chấp.

Pháp luật quốc gia: Pháp luật quốc gia là hệ thống các quy định do một quốc gia ban hành hoặc công nhận nhằm điều chỉnh quan hệ pháp luật giữa các chủ thể của pháp luật phát sinh trong lãnh thổ hoặc quyền tài phán của quốc gia đó. Khi giao kết hợp đồng thương mại quốc tế, các chủ thể có thể lựa chọn luật quốc gia làm luật áp dụng cho hợp đồng (có thể là luật quốc gia của một trong hai bên chủ thể hoặc quốc gia nơi hợp đồng được thực hiện hoặc có thể là luật của một quốc gia không liên quan đến hợp đồng) hoặc cơ quan giải quyết tranh chấp lựa chọn pháp luật quốc gia để giải quyết tranh chấp dựa trên quy định lựa chọn pháp luật và các quy tắc tư pháp quốc tế. Pháp luật của quốc gia bao gồm luật, điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên, các nguyên tắc pháp luật của quốc gia đó,…

Án lệ: Các án lệ cũng là một nguồn quan trọng đối với cơ quan giải quyết tranh chấp trong việc giải quyết các tranh chấp HĐMBHHQT. Thông qua các án lệ, cơ quan giải quyết tranh chấp có thể giải thích các điều khoản, quyền và nghĩa vụ của các bên đối với các quy định của điều ước quốc tế và quy định của pháp luật quốc gia, đồng thời giúp việc giải quyết tranh chấp được diễn ra nhanh hơn khi có thể sử dụng án lệ để xét xử các vụ việc có tính chất tương tự với nội dung án lệ. Án lệ được áp dụng có thể là án lệ của pháp luật quốc gia, cũng có thể là các án lệ liên quan đến điều ước quốc tế, cách giải thích về điều ước quốc tế,…

Luật mềm: Luật mềm là những quy tắc không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý, tuy nhiên nếu các bên trong tranh chấp lựa chọn luật mềm thì cơ quan giải quyết tranh chấp vẫn sẽ áp dụng các nguyên tắc của luật mềm để giải quyết tranh chấp. Luật mềm có thể là các nguyên tắc của các tổ chức thương mại có uy tín (ví dụ như bộ Nguyên tắc Hợp đồng thương mại quốc tế của Ủy ban Thương mại quốc tế thuộc Liên Hợp quốc…). Ngoài ra, các quan điểm của học giả, dù không chứa các quy phạm pháp luật, nhưng có thể được cơ quan giải quyết tranh chấp (thường là trọng tài) sử dụng để làm cơ sở cho lập luận dù không phổ biến.

Việc tìm hiểu các nguồn luật có thể được áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp sẽ giúp các bên biết được cơ quan giải quyết tranh chấp có thể sử dụng những nguồn luật nào trong quá trình giải quyết, từ đó có thể giúp các bên thỏa thuận về vấn đề luật áp dụng cũng như có sự chuẩn bị cần thiết trước giai đoạn giải quyết tranh chấp.

Trên đây là nội dung bài viết “Nguồn luật áp dụng giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế”. TNTP hi vọng bài viết giúp ích cho quý độc giả.

Trân trọng.