Thông thường, khi nhắc đến vấn đề quản lý nợ, chúng ta thường nghĩ đến việc quản lý công nợ của các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên hoạt động quản lý nợ của các doanh nghiệp nhà nước cũng được pháp luật điều chỉnh rất cụ thể tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Trong bài viết sau, luật sư của TNTP sẽ đưa ra những nội dung chính về Nghị định số 206/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Sau đây gọi tắt là Nghị định 206/2013)

1. Phân loại của các khoản nợ

Theo Điều 3 của Nghị định 206/2013, các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước được phân loại thành 04 nhóm chính bao gồm:

(i) Nợ tồn đọng: Là các khoản nợ phải thu đã quá thời hạn thanh toán, doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp xử lý như đối chiếu xác nhận, đôn đốc thanh toán nhưng vẫn chưa thu hồi được và các khoản nợ phải trả đã quá thời hạn thanh toán nhưng doanh nghiệp chưa có khả năng trả nợ.

(ii) Nợ phải thu khó đòi” là các khoản nợ phải thu đã quá thời hạn thanh toán trên 06 tháng (tính theo thời hạn trả nợ ban đầu, không kể thời gian gia hạn trả nợ), doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp xử lý như đối chiếu xác nhận, đôn đốc thanh toán nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thu hồi được; hoặc là các khoản nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng khách nợ là tổ chức kinh tế đã lâm vào tình trạng phá sản, đang làm thủ tục giải thể, người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử, đang thi hành án hoặc đã chết.

(iii) Nợ không có khả năng thu hồi” là các khoản nợ phải thu quá thời hạn thanh toán hoặc chưa đến thời hạn thanh toán thuộc một trong các trường hợp sau:

– Bên nợ là doanh nghiệp, tổ chức đã hoàn thành việc giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.
– Bên nợ là doanh nghiệp, tổ chức đã ngừng hoạt động và không có khả năng chi trả, không có người kế thừa nghĩa vụ trả nợ.
– Bên nợ là cá nhân đã chết, mất tích, cá nhân còn sống nhưng không còn khả năng lao động hoặc mất năng lực hành vi dân sự, hoặc người thừa kế theo luật nhưng không có khả năng chi trả.
– Bên nợ đã được cơ quan có thẩm quyền Quyết định cho xóa nợ theo quy định của pháp luật
– Bên chênh lệch còn lại của các khoản nợ không thu hồi được sau khi đã xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể phải bồi thường vật chất.
– Các khoản nợ phải thu đã quá thời hạn thanh toán từ 01 năm trở lên, tuy bên nợ còn tồn tại, đang hoạt động nhưng kinh doanh thua lỗ liên tục từ 03 năm trở lên và quá khó khăn, hoàn toàn không có khả năng thanh toán, doanh nghiệp đã tích cực áp dụng các biện pháp nhưng vẫn không thu được nợ.

(iv) Nợ không có khả năng thanh toán” là các khoản nợ đến hạn và quá hạn mà doanh nghiệp không có khả năng trả cho chủ nợ theo đúng hợp đồng đã cam kết.

2. Nguyên tắc quản lý và xử lý nợ

Theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 206/2013, các doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm xây dựng và ban hành Quy chế quản lý nợ, quy chế này sẽ bao gồm việc xác định hoản nợ phải thu, nợ phải trả; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có thẩm quyền trong nội bộ doanh nghiệp trong việc theo dõi, thu hồi, thanh toán các khoản nợ; đối chiếu xác nhận, phân loại nợ, đôn đốc thu hồi và chủ động xử lý nợ tồn đọng.

Ngoài ra, đối với các khoản nợ khó đòi hoặc không có khả năng trả nợ, trước hết, doanh nghiệp phải thực hiện trích lập dự phòng theo quy định và tự tìm mọi biện pháp xử lý thu hồi nợ, cùng chia sẻ khó khăn giữa chủ nợ, khách nợ để xử lý thông qua các hình thức khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ, mua bán nợ; trường hợp vượt quá khả năng và thẩm quyền xử lý, doanh nghiệp phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp hỗ trợ giải quyết.

Trường hợp với các khoản nợ phải thu, phải trả bằng ngoại tệ, thực hiện quy đổi sang đồng Việt Nam tại thời điểm hạch toán và lập báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Khoản chênh lệch tỷ giá ngoại tệ phát sinh trong kỳ, chênh lệch tỷ giá đánh giá lại số dư nợ ngoại tệ phải thu, phải trả cuối năm tài chính được xử lý theo quy định, của Bộ Tài chính.

Cuối cùng, định kỳ 06 tháng và kết thúc năm tài chính, cùng với việc lập và nộp báo cáo tài chính, báo cáo giám sát, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện báo cáo chủ sở hữu về tình hình quản lý và thu hồi nợ, xử lý nợ tồn đọng, khả năng và tình hình thanh toán nợ theo quy định tại Nghị định này.

3. Thứ tự xử lý khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi

Theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 206/2013, thứ tự xử lý các khoản nợ được áp dụng theo 03 nhóm chính gồm:

(i) Đối với các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi thì xử lý theo trình tự sau:

– Doanh nghiệp xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu tập thể, cá nhân bồi thường theo quy định của pháp luật.
– Doanh nghiệp dùng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi để bù đắp.
– Doanh nghiệp hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập doanh nghiệp, tùy theo trường hợp cụ thể

(ii) Đối với doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi, các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, sau khi xử lý một lần theo quy định tại Khoản (i) mà doanh nghiệp bị lỗ thì tiếp tục xử lý theo các quy định của Nhà nước khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp.

(iii) Các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi đã được xử lý (trừ trường hợp bán nợ) nhưng khách nợ còn tồn tại thì các doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp tục theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán và trong thuyết minh báo cáo tài chính trong thời hạn tối thiểu là 10 năm kể từ ngày thực hiện xử lý và có các biện pháp để thu hồi nợ, nếu thu hồi được nợ thì số tiền thu hồi được sau khi trừ đi các chi phí liên quan, doanh nghiệp được hạch toán vào thu nhập của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các cơ quan tiếp nhận bàn giao có trách nhiệm tiếp tục theo dõi và tổ chức thu hồi đối với các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi tuy đã được xử lý nhưng khách nợ còn tồn tại. Trong thời gian chưa thực hiện bàn giao, doanh nghiệp vẫn có trách nhiệm tiếp tục theo dõi và tổ chức thu hồi các khoản nợ này.

Từ những phân tích trên có thể thấy trình tự, thủ tục quản lý nợ của doanh nghiệp nhà nước có một số điểm tương tự với các doanh nghiệp tư nhân, từ việc quản lý bằng Quy chế và phân loại các khoản nợ, đến việc xử lý các khoản nợ từ dễ đến khó thu hồi. Tuy nhiên do đặc thù bởi các doanh nghiệp nhà nước 100% vốn điều lệ chịu sự điều chỉnh trực tiếp bởi các quy định về tổ chức hành chính và có cơ cấu tổ chức tương tự như các cơ quan nhà nước dẫn đến việc các doanh nghiệp này phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định đặc thù về quản lý nợ do nhà nước ban hành và khó có thể linh hoạt trong việc tiến hành các hoạt động quản lý và thu hồi nợ so với các doanh nghiệp tư nhân.

Trên đây là bài viết của luật sư TNTP về Nghị định số 206/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Mong rằng bài viết này có ích với các độc giả.

Trân trọng,