Có lẽ không ai nghĩ rằng thu hồi nợ có tác động hay liên quan đến kinh tế. Nhiều người cho rằng việc thu hồi nợ chỉ nhằm một mục đích là giúp bên cho vay thu hồi các khoản nợ từ bên vay. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa thu hồi nợ và nền kinh tế lại chặt chẽ hơn thế nhiều. Tại bài viết này, TNTP sẽ phân tích và đưa ra các quan điểm để làm rõ vấn đề: “Mối quan hệ giữa thu hồi nợ và một nền kinh tế khỏe mạnh”.

1. Hoạt động thu hồi nợ giúp hạn chế nợ xấu

Khái niệm “vay nợ” bắt đầu kể từ khi xuất hiện thị trường, và từ đó đến nay nợ đã trở thành thứ không thể bị triệt tiêu. Sự tồn tại của nợ là cần thiết cho kinh tế bởi nó thể hiện rằng dòng tiền và nền tài chính của quốc gia vẫn đang chuyển động. Ví dụ như các ngân hàng cho các doanh nghiệp vay vốn để hoạt động kinh doanh và sinh lợi, và cho người dân nợ để chi trả cho các nhu cầu sinh hoạt, mua nhà ở, mua xe cộ, … . Đổi lại, người vay tiền sẽ phải trả lãi suất để các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay và phát triển hệ thống ngân hàng. Nếu nợ không thể biến mất, vậy chúng ta chỉ còn cách kiểm soát nợ thật tốt và hạn chế nợ xấu. Đây cũng là vai trò quan trọng nhất của thu hồi nợ đối với nền kinh tế.

a) Nợ xấu là gì?

Nợ xấu là những khoản nợ mà bên nợ không có khả năng trả nợ khi đã đến thời hạn cam kết trong hợp đồng tín dụng. Thông thường, nợ sẽ được coi là nợ xấu khi quá hạn 90 ngày mà bên nợ không trả được nợ.

b) Tác động của nợ xấu đến nền kinh tế

Nợ xấu là một tác nhân gây ra nền kinh tế “yếu” bởi bên cho vay không thể hoàn lại vốn. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của bên cho vay cũng như khả năng trả nợ của bên cho vay đối với một bên thứ ba khác. Ví dụ như sau:

  • Anh A vay ngân hàng X một khoản tiền 500.000.000 đồng để hợp tác kinh doanh với thời hạn 6 tháng, lãi 7%/năm. Tuy nhiên sau một thời gian, anh A làm ăn thua lỗ nên không thể trả gốc và lãi đúng hạn. Khoản tiền của anh A trở thành nợ xấu.
  • Công ty bảo hiểm B đã thực hiện bảo lãnh thanh toán cho khoản vay của anh A, theo đó bảo hiểm B sẽ chịu trách nhiệm thanh toán cho ngân hàng X trong trường hợp anh A không thể thanh toán khoản nợ đúng hạn. Sau đó, anh A sẽ phải thanh toán khoản nợ đã được bảo lãnh cho Bảo hiểm B trong một thời hạn nhất định. Tuy nhiên, khi đến thời hạn thanh toán của Bảo hiểm B nhưng anh A cũng không thể trả nợ.
  • Nếu chỉ mình anh A không thể trả nợ, Bảo hiểm B vẫn có thể duy trì hoạt động bảo lãnh khi thu tiền từ những khách hàng khác để bù đắp lại khoản tiền nợ của anh A, tuy nhiên nếu quá nhiều khách hàng của Bảo hiểm B không thể trả khoản tiền được bảo lãnh giống anh A, Bảo hiểm B sẽ vỡ nợ khi không đủ nguồn thu để trả tiền bảo lãnh phải thanh toán cho Ngân hàng X.
  • Do bảo hiểm B không thể trả nợ cho ngân hàng X đúng hạn. Vì vậy, ngân hàng X buộc phải siết chặt hoạt động cho vay và tăng lãi suất cho vay, cắt giảm quyền lợi của hoạt động tiền gửi nhằm mục đích giữ vốn.
  • Điều chỉnh của ngân hàng X khiến lượng người vay tiền, gửi tiết kiệm và vay vốn giảm mạnh, ngân hàng X lâm vào tình trạng khó khăn vì khoản tiền cho vay không được hoàn lại. Để giữ cho hoạt động của ngân hàng không bị phá sản, gây ra tâm lý hoang mang cho nhiều người, Chính phủ phải ra chính sách nới lỏng và cơ cấu lại hoạt động cho vay.

Như vậy có thể thấy, hoạt động vay nợ là một chuỗi vòng tròn. Nếu có một mắt xích bị đứt gãy thì sẽ làm ảnh hưởng đến cả vòng tròn này giống như hiệu ứng domino.

c) Thu hồi nợ giúp hạn chế nợ xấu, ổn định nền kinh tế

Để ngăn cản nợ xấu vượt quá kiểm soát, không chỉ bản thân bên cho vay và bên nợ phải đánh giá khả năng trả nợ mà các cơ quan có thẩm quyền cũng phải có biện pháp quản lý tốt hơn. Bên cạnh đó, hoạt động thu hồi nợ đóng vai trò khá lớn giúp hạn chế nợ xấu phát triển. Rất nhiều khoản nợ các bên không thể tự giải quyết, cơ quan tài phán cũng bất lực nhưng tổ chức thu hồi nợ lại làm được. Do những tổ chức, cá nhân thu hồi nợ hiểu rõ tâm lý của các bên cũng như đặc điểm của từng loại nợ nên họ có biện pháp thích hợp giúp giải quyết tận cùng những khoản nợ này. Trên thực tế, có khá nhiều khoản nợ xấu đã được xử lý bởi hoạt động thu hồi nợ.

2. Thu hồi nợ giúp bảo vệ tiền và tài sản của bên có quyền

Thông thường, nếu bên nợ không trả nợ đúng hạn do không đủ khả năng trả nợ; bên nợ bỏ trốn khỏi nơi cư trú, trụ sở ngừng hoạt động,…thì bên có quyền thường “ngại” khởi kiện vì sợ mất thời gian, tiền bạc mà không lấy lại được tiền. Lúc này, bằng nghiệp vụ của mình, các tổ chức thu hồi nợ sẽ đại diện cho bên có quyền để yêu cầu bên nợ thanh toán khoản nợ. Nói cách khác, thu hồi nợ giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bên có quyền, đảm bảo sự lành mạnh của hoạt động vay nợ theo quy định của pháp luật.

3. Thu hồi nợ giữ gìn mối quan hệ của các bên trong hoạt động vay nợ

Khi gặp trường hợp bên nợ cố ý trốn tránh không thanh toán, bên có quyền rất dễ có tâm lý tiêu cực và dẫn đến hành vi phạm pháp luật. Các hành vi có thể kể đến như nhắn tin, gọi điện liên tục, mắng chửi, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của bên nợ, công khai các thông tin, hình ảnh cá nhân mà không có sự đồng ý của bên nợ, đe dọa sử dụng bạo lực, phá hoại tài sản của bên nợ, … Các hành vi này không những không đem lại kết quả thu hồi được nợ mà còn gây tác dụng ngược, khiến bên có quyền bị xử phạt hành chính, nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mặc dù việc không thanh toán đúng hạn của bên nợ là sai, nhưng bên có quyền cũng không nên thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để thu hồi nợ. Rất nhiều vụ việc các bên không hiểu rõ quy định của pháp luật nên đã để mâu thuẫn tăng cao dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Trong khi đó, tổ chức thu hồi nợ hiểu rõ các quy định của luật và có kinh nghiệm hoàn toàn có thể làm bên trung gian giúp các bên giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng. Cách làm này vừa có hiệu quả lại vừa giữ gìn được mối quan hệ của các bên, chứng minh cho tầm quan trọng của thu hồi nợ đối với nền kinh tế và xã hội nói chung.

4. Kết luận

Qua những phân tích ở trên, có thể thấy rõ mối quan hệ giữa thu hồi nợ và một nền kinh tế khỏe mạnh. Thu hồi nợ giúp kiểm soát và hạn chế nợ xấu, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên có quyền và giữ gìn mối quan hệ của các bên khi có mâu thuẫn. Có thể thấy nếu quản lý hoạt động thu hồi nợ một cách lành mạnh, chắc chắn trật tự xã hội sẽ được đảm bảo, nền kinh tế cũng sẽ phát triển ổn định. Trên đây là những quan điểm về mối quan hệ giữa thu hồi nợ và một nền kinh tế khỏe mạnh. Hy vọng bài viết này có ích với bạn.

Trân trọng,

  1. Để biết thêm thông tin và nhận được các bài viết mới nhất của Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự, vui lòng tham gia các Fanpage trên Facebook của chúng tôi tại:
  1. Để cập nhật các kiến thức pháp lý, vui lòng tìm hiểu theo đường link sau:

https://dsdc.com.vn/category/chia-se-kien-thuc-phap-ly-ban-tin-phap-ly/

  1. Để biết thêm về các dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự, vui lòng tìm hiểu theo các đường link sau:
  1. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo thông tin sau:

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Số điện thoại: 0931 798 818

Email: ha.nguyen@tntplaw.com