Trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán và các nhà đầu tư đang xôn xao về việc hủy niêm yết đối với cổ phiếu HAG của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (“HAGL”). Vấn đề này hiện vẫn đang còn rất nhiều ý kiến trái chiều, đồng tình, không đồng tình với việc hủy niêm yết. Vậy quy định của pháp luật về việc hủy niêm yết cổ phiếu là gì và ý kiến của TNTP về việc liệu cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai có bị hủy niêm yết trên sàn HoSE hay không?

1.  HAGL LÂM VÀO TÌNH TRẠNG CÓ NGUY CƠ BỊ HỦY NIÊM YẾT CỔ PHIẾU LÀ DO ĐÂU?

 Tại thời điểm lập báo cáo tài chính của HAGL cho các năm 2017, 2018 và 2019, báo cáo tài chính có ý kiến kiểm toán ngoại trừ về khả năng thu hồi của các khoản phải thu. Tuy nhiên, đến đầu năm 2021, HAGL đã điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính, do đó, trong báo cáo kiểm toán vào tháng 4/2021, Hoàng Anh Gia Lai làm ăn thua lỗ 3 năm liên tục (năm 2017, 2018, 2019). Do đó, HAGL đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết đối với cổ phiếu HAG do kết quả kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục.

 2. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ CÁC TRƯỜNG HỢP HỦY NIÊM YẾT CỔ PHIẾU

Căn cứ theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chứng khoán (“NĐ 155”), theo đó,  cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy niêm yết khi xảy ra trường hợp:

“e) Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét..”

Như vậy, trường hợp công ty đại chúng có kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục thì cổ phiếu của công ty sẽ bị buộc hủy niêm yết theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, pháp luật chưa quy định về trường hợp hồi tố kết quả kinh doanh của báo cáo tài chính dẫn đến việc hủy niêm yết cổ phiếu. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại và theo báo cáo tài chính mới nhất của HAGL về kết quả 03 năm kinh doanh 2017-2019 thì HAGL bị lỗ liên tiếp trong 03 năm 2017-2019 và thuộc trường hợp bị hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc theo quy định tại điểm e Khoản 1 Điều 120 NĐ 155.

Về trình tự, thủ tục hủy niêm yết cổ phiếu, hiện tại pháp luật chưa có văn bản pháp lý thay thế Thông tư số 202/2015/TT-BTC của Bộ tài chính về hướng dẫn niêm yết chứng khoán trên sở giao dịch chứng khoán (“Thông tư 202”). Do đó, áp dụng trên tinh thần của Thông tư 202, theo đó, Sở giao dịch có trách nhiệm thông báo cho tổ chức niêm yết và thực hiện việc công bố thông tin khi phát hiện chứng khoán có khả năng bị hủy niêm yết và yêu cầu tổ chức niêm yết, công ty quản lý quỹ báo cáo giải trình cụ thể. Theo quy định này, thì Sở giao dịch sẽ thực hiện việc thông báo cho tổ chức niêm yết và thực hiện việc công bố thông tin khi phát hiện cổ phiếu có khả năng bị hủy niêm yết và yêu cầu tổ chức niêm yết báo cáo giải trình cụ thể.

Trong trường hợp của HAGL, HAGL công bố báo cáo tài chính mới nhất của 03 năm 2017-2019 là vào Tháng 04/2021, TNTP cho rằng tại thời điểm này Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh chưa có thông báo cũng như thực hiện việc công bố thông tin về việc cổ phiếu HAG của HAGL có khả năng bị hủy niêm yết có thể là do Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chưa có hướng giải quyết cho cổ phiếu HAG vì đây là trường hợp đầu tiên có khả năng bị hủy niêm yết do hồi tố kết quả kinh doanh. Bên cạnh đó, việc kinh doanh tại thời điểm 2021 của HAGL được nhận định rằng đang trên đà phát triển, hủy niêm yết tại thời điểm này có thể ảnh hưởng rất lớn đến HAGL, tuy nhiên, không ai có thể đảm bảo liệu rằng kết quả kinh doanh của HAGL năm 2022 có tiếp tục phát triển được hay không hay sẽ tiếp tục thua lỗ.

TNTP cho rằng, mặc dù trường hợp của cổ phiếu HAG là trường hợp ngoại lệ về việc hồi tố kết quả kinh doanh dẫn đến hủy niêm yết bắt buộc, tuy nhiên, chúng ta cần phải áp dụng nghiêm chỉnh, đúng theo quy định của pháp luật. Vì trước pháp luật thì không có ngoại lệ. Do đó, trong trường hợp này, cổ phiếu HAG thuộc trường hợp hủy niêm yết bắt buộc theo đúng quy định tại Nghị định 155.

Như vậy, việc kinh doanh của HAGL hiện đang được đánh giá là có tiềm năng nên trường hợp cổ phiếu HAG bị hủy niêm yết thì có thể chuyển sang sàn Upcom. Từ đó, nỗ lực khôi phục lại doanh số kinh doanh, tạo ra lợi nhuận, gây dựng lại niềm tin cho nhà đầu tư và khi đáp ứng được các điều kiện niêm yết trở lại thì cổ phiếu HAG của HAGL vẫn có thể quay lại sàn Hose.

Trên đây là chia sẻ kiến thức pháp lý của TNTP về trường hợp hủy niêm yết cổ phiếu đối với cổ phiếu HAG của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn.

Trân trọng.

Có thể bạn chưa đọc:Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng từ năm 2022

Tham gia Fanpage Giải Quyết Tranh Chấp và Thu Hồi Nợ để có thêm kiến thức pháp lý hữu ích.

Công ty Luật TNHH Quốc tế TNTP và Các Cộng sự

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Email: ha.nguyen@tntplaw.com